Thời Gian Rụng Trứng Kéo Dài Bao Lâu? - Suckhoe123

Nội dung chính của bài viết:

  • Khoảng từ ngày 6 đến ngày 14, trứng bắt đầu trưởng thành và phát triển trong các nang trứng. Trứng sau khi trưởng thành sẽ được phóng ra khỏi buồng trứng vào ngày 14.
  • Sau khi được phóng ra khỏi buồng trứng, trứng sẽ chết và phân hủy trong vòng 12 đến 24 tiếng nếu không được thụ tinh.
  • Khi quan hệ trong khoảng thời gian 6 ngày, bao gồm 5 ngày trước rụng trứng và vào ngày rụng trứng (khoảng thời gian này được gọi là cửa sổ thụ tinh) thì đều có khả năng mang thai.
  • Có thể quan sát sự thay đổi dịch nhầy cổ tử cung và thân nhiệt để nhận biết quá trình rụng trứng. Ngoài ra, khi thấy đau ở một bên bụng dưới, ngực căng đau, đầy hơi, ra máu nhỏ giọt nhẹ, ham muốn tình dục... cũng là biểu hiện của giai đoạn rụng trứng.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang, u nang buồng trứng, chứng cường giáp hay suy giáp là những yếu tố gây cản trở sự rụng trứng.
  • Hiểu được chu kỳ kinh nguyệt và quá trình rụng trứng chính là chìa khóa để có thể thụ thai thành công.

Rụng trứng là gì?

Rụng trứng là một quá trình diễn ra hàng tháng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Rụng trứng thường diễn ra vào khoảng ngày 14 của chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày, có nghĩa là giữa chu kỳ. Trong quá trình này, một quả trứng được phóng ra từ một trong hai buồng trứng và đi vào ống dẫn trứng rồi đến tử cung.

Trứng không tự nhiên được buồng trứng phóng đi mà đây là kết quả của nhiều yếu tố, thay đổi khác diễn ra từ trước khi rụng trứng. Các nang trứng ở một trong hai buồng trứng bắt đầu trưởng thành trong khoảng từ ngày 6 đến ngày 14 của chu kỳ kinh nguyệt.

Khoảng ngày 10 và 14, một quả trứng sẽ hình thành và phát triển từ một trong những nang này. Trứng sau khi trưởng thành sẽ được phóng ra khỏi buồng trứng vào ngày 14.

Nhiều phụ nữ thường không để ý quá nhiều đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc theo dõi ngày rụng trứng của mình. Nhưng sự rụng trứng đóng một vai trò lớn đối với việc thụ thai. Vì vậy, nếu bạn đang lên kế hoạch có con thì nên biết về sự rụng trứng diễn ra như thế nào, vào thời gian nào trong chu kỳ kinh nguyệt và kéo dài bao lâu.

Điều gì xảy ra trong quá trình rụng trứng?

Mỗi tháng trong thời gian rụng trứng, một quả trứng được phóng đi từ buồng trứng. Tuy nhiên, ở một số ít phụ nữ, buồng trứng có thể giải phóng nhiều hơn một quả trứng trong vòng 24 tiếng của giai đoạn rụng trứng. Sau khi tách ra khỏi buồng trứng, trứng trưởng thành đã sẵn sàng được thụ tinh bởi tinh trùng, dẫn đến thụ thai và mang thai.

Nhiều người không hiểu về chu kỳ kinh nguyệt, sự rụng trứng cũng như vai trò của quá trình này đối với khả năng mang thai nên vẫn nghĩ rằng khi quan hệ bất cứ lúc nào trong tháng thì phụ nữ đều có thể mang thai. Nhưng thực tế là phụ nữ chỉ có khả năng thụ thai khi quan hệ vào một vài ngày trong tháng mà cụ thể là quanh khoảng thời gian rụng trứng.

Rụng trứng kéo dài bao lâu?

Giai đoạn rụng trứng bình thường kéo dài khoảng 24 tiếng mỗi tháng. Sau khi được phóng ra khỏi buồng trứng, trứng sẽ chết và phân hủy trong vòng 12 đến 24 tiếng nếu không được thụ tinh. Khi không được thụ tinh, trứng và niêm mạc tử cung sẽ bị bong ra, dẫn đến hiện tượng ra máu kinh nguyệt khoảng 2 tuần sau đó.

Mặc dù quá trình rụng trứng chỉ kéo dài một ngày mỗi tháng nhưng điều này không có nghĩa là bạn chỉ có thể thụ thai vào một ngày duy nhất trong tháng. Khi quan hệ trong khoảng thời gian 6 ngày, bao gồm 5 ngày trước rụng trứng và vào ngày rụng trứng (khoảng thời gian này được gọi là cửa sổ thụ tinh) thì đều có khả năng mang thai.

Lý do là bởi tinh trùng có thể sống trong cơ thể phụ nữ trong thời gian lên đến 5 ngày. Nếu quan hệ một vài ngày trước khi rụng trứng hoặc trong thời gian rụng trứng thì tinh trùng có thể vẫn tồn tại và gặp trứng khi trứng đi vào ống dẫn trứng.

Sự thụ thai diễn ra trong ống dẫn trứng chứ không phải trong tử cung. Khi không được thụ tinh, trứng sẽ phân hủy sau một ngày còn nếu được thụ tinh thì trứng sẽ tiếp tục cuộc hành trình của nó trong ống dẫn trứng rồi đi vào tử cung. Trứng sẽ bám vào thành tử cung sau 6 đến 10 ngày kể từ khi được thụ tinh.

Dấu hiệu nhận biết rụng trứng

Một số phụ nữ rụng trứng mà cơ thể không hề có bất kỳ thay đổi hay dấu hiệu nhận biết nào nhưng ở nhiều người thì quá trình rụng trứng lại biểu hiện một số thay đổi ở cơ thể. Việc nhận biết được những dấu hiệu này sẽ giúp bạn dự đoán được thời gian rụng trứng mỗi tháng và lên kế hoạch quan hệ để thụ thai nếu có ý định sinh con. Có nhiều cách khác nhau để nhận biết quá trình rụng trứng.

  • Quan sát sự thay đổi dịch nhầy cổ tử cung: Nếu bạn nhận thấy dịch nhầy cổ tử cung thì đây là một dấu hiệu cho thấy bạn đang rụng trứng hoặc sự rụng trứng sẽ diễn ra trong vài ngày sắp tới. Dịch nhầy cổ tử cung tại thời điểm này thường trong suốt, ẩm ướt, dính và kéo sợi được, kết cấu tương tự như lòng trắng trứng.
  • Kiểm tra sự thay đổi thân nhiệt chuẩn: Thân nhiệt chuẩn là thân nhiệt được đo vào buổi sáng ngay sau khi ngủ dậy và chưa vận động. Nhiệt độ cơ thể sẽ tăng nhẹ trong thời gian rụng trứng. Tuy nhiên, phương pháp theo dõi thân nhiệt này không phải khi nào cũng chính xác vì một số phụ nữ không hề thay đổi nhiệt độ cơ thể trong thời gian trước và trong khi rụng trứng mà mãi khi sang đến 2, 3 ngày sau khi rụng trứng thì thân nhiệt mới tăng nhẹ. Trong những trường hợp này, vào thời điểm nhận thấy sự thay đổi nhiệt độ cơ thể thì sự rụng trứng có thể đã diễn ra và không còn khả năng mang thai nữa.

Tuy nhiên, nhiệt kế vẫn là một dụng cụ hữu ích cần có trong nhà để theo dõi nhiệt độ cơ thể và đoán thời điểm rụng trứng.

Ngoài những thay đổi về dịch nhầy cổ tử cung và nhiệt độ cơ thể, giai đoạn rụng trứng còn có các dấu hiệu nhận biết khác như:

  • Đau ở một bên bụng dưới
  • Ngực căng, đau
  • Đầy hơi, chướng bụng
  • Ra máu nhỏ giọt nhẹ
  • Tăng độ nhạy của khứu giác, thị giác hoặc vị giác
  • Tăng ham muốn tình dục

Các yếu tố ngăn cản rụng trứng

Một số phụ nữ mặc dù ở trong độ tuổi sinh sản nhưng lại không rụng trứng. Có nhiều yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến khả năng phóng trứng từ buồng trứng. Một trong số đó là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Khi mắc hội chứng buồng trứng đa nang, nồng độ hormone sinh dục nữ estrogen và progesterone trong cơ thể bị mất cân bằng. Điều này dẫn đến sự phát triển của u nang buồng trứng (khối u lành tính hình thành ở buồng trứng). Hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, chức năng tim và ngoại hình của phụ nữ.

Ngoài ra, tuyến giáp hoạt động quá mức (chứng cường giáp) hoặc hoạt động kém (chứng suy giáp) cũng có thể gây cản trở sự rụng trứng và gây ra mãn kinh sớm. Một nguyên nhân khác khiến một số phụ nữ không rụng trứng là do căng thẳng. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thụ thai hoặc nếu bạn cho rằng mình không rụng trứng thì cần đi khám ​​bác sĩ để kiểm tra khả năng sinh sản.

Một điều quan trọng cần lưu ý là bạn vẫn có thể có kinh nguyệt mỗi tháng kể cả khi không rụng trứng. Điều này là do niêm mạc tử cung vẫn dày lên để chuẩn bị cho trứng làm tổ bất kể có diễn ra sự rụng trứng hay không và khi trứng không được phóng đi thì lớp niêm mạc này vẫn bong ra và gây ra hiện tượng chảy máu kinh nguyệt. Tuy nhiên, lượng máu kinh sẽ ít và nhanh hết hơn bình thường. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường ở hầu hết phụ nữ là từ 28 đến 35 ngày, chu kỳ kinh nguyệt dài hay ngắn hơn bình thường đều có thể là một dấu hiệu cho thấy không rụng trứng.

Rụng trứng và thụ thai

Hiểu được về chu kỳ kinh nguyệt cũng như là thời điểm và những gì diễn ra trong quá trình rụng trứng là chìa khóa quan trọng để có thể thụ thai thành công.

Sự rụng trứng diễn ra mỗi tháng một lần và kéo dài trong khoảng 24 giờ. Trứng sẽ chết và phân hủy nếu không được thụ tinh trong vòng 12 đến 24 giờ. Với thông tin này, bạn sẽ có thể bắt đầu lên lịch theo dõi ngày rụng trứng của mình và lập kế hoạch để tăng khả năng mang thai thành công.

Từ khóa » Chu Kỳ Rụng Trứng Kéo Dài Bao Lâu