Thời Khắc Lịch Sử Ra đời Đài Tiếng Nói Việt Nam Cách đây 75 Năm
Có thể bạn quan tâm
Ngày nhận truyền lệnh của Bác Hồ thành lập Đài phát thanh Quốc gia
Trước hết phải nói ngay nỗi oan của tôi khi bị cụ Trần Lâm mắng té tát. Số là anh Trần Mai Hạnh, lúc ấy là Tổng giám đốc khẳng định có Sắc lệnh của Hồ Chủ tịch thành lập Đài Phát thanh Quốc gia, giao cho tôi - đang là Trưởng ban Thư ký biên tập - phải tìm cho bằng được. Tôi đến Viện bảo tàng Hồ Chí Minh, nhờ anh Hoàng Khắc Ưng - Viện phó, bạn cùng học trường Nguyễn Ái Quốc (khóa 1985 -1987) đang làm Giám đốc cùng tìm. Không thấy. Sang bảo tàng Cách mạng, nhờ anh bạn khác cùng học trường Nguyễn Ái Quốc đang là Giám đốc tìm kiếm cũng chẳng thấy. Lại nhờ anh bạn học đại học Văn khoa là Hoàng Ích Minh đang làm trưởng phòng ở Cục Lưu trữ Quốc gia truy tìm cũng không có. Cuối cùng tôi đến số 5 Trần Phú kể lại mọi chuyện với cụ Trần Lâm, nhà báo lão thành, Tổng biên tập đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến 43 năm sau mới nghỉ hưu. Nghe qua, cụ nói như quát:
“Cán bộ trẻ các cậu bị bệnh giấy tờ nặng lắm. Làm gì cũng phải có quyết định, chỉ thị. Hồi Cách mạng năm bốn nhăm, việc gì cũng mới, cũng lần đầu, thời gian thì gấp gáp. Cứ chờ công văn, chỉ thị thì thời cơ qua mất, chả làm được cái gì sất. Hồi ấy, cấp trên truyền lệnh là làm, nói là làm, tin nhau mà làm, làm nhiệt tình, hiệu quả ngay mới hay, mới quý chứ. Thế a mà”.
Thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập tại Quảng trường Ba Đình. Sau đó 5 ngày, Đài TNVN chính thức được thành lập.Theo lời kể của cụ Trần Lâm thì 9h ngày 22/8/1945, cụ cùng một số đội viên Tuyên truyền Xung phong và các đoàn thể Cứu quốc được tổ chức điều về trụ sở ở số 4 Đinh Lễ, cạnh Bắc Bộ phủ để chuẩn bị cho lễ ra mắt Chính phủ do Hồ Chủ tịch đứng đầu. Tại đây, thừa lệnh Hồ Chủ tịch, ông Xuân Thủy giao nhiệm vụ tổ chức bộ máy Bộ Tuyên truyền cho ông Trần Kim Xuyến. Ông Chu Văn Tích tổ chức bộ máy Sở Tuyên truyền Bắc Bộ, ông Trần Lâm xây dựng Đài phát thanh Quốc gia. Ông Xuân Thủy truyền lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là trước mắt, cấp bách nhất phải thành lập cho bằng được một Đài Phát thanh, càng sớm càng tốt, cần kíp phục vụ cách mạng.
Hồ Chủ Tịch nêu rõ: “Đài phát thanh có tác dụng hết sức quan trọng cả đối nội và đối ngoại. Về đối nội, nó là phương tiện thông tin nhanh nhất, rộng khắp nhất để truyền bá chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, phản ánh kịp thời diễn biến tình hình trong nước và thế giới, là cầu nối giữa Trung ương và địa phương, giữa Chính phủ với Nhân dân. Về đối ngoại, nó có thể vượt qua biên giới quốc gia không cần hộ chiếu để chọc thủng bức màn bưng bít của chủ nghĩa đế quốc về tình hình cách mạng ở Việt Nam, đập lại những luận điệu truyên truyền xuyên tạc cách mạng, và nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam”.
Trong hồi ức về Đài Tiếng nói Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại “Ngày ấy, cách mạng vừa thành công trong cả nước, Bác Hồ từ Tân Trào vừa về tới Hà Nội, Người nghĩ ngay tới việc giới thiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho quốc dân đồng bào và thế giới. Tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Người viết Tuyên ngôn Độc lập, Người chỉ thị cho Bộ Nội vụ và Bộ Tuyên truyền phải sử dụng các phương tiện truyền thông, đặc biệt là cần xây dựng ngay Đài Phát thanh Quốc gia” (Lúc ấy, Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ Nội vụ).
Hồi đó, nhà số 4 Đinh Lễ, Hà Nội có trụ sở của Bộ Tuyên truyền do nhà sử học Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng, Sở Tuyên truyền Bắc Bộ và Đài Phát thanh. Đây là trụ sở đầu tiên của Đài Phát thanh Quốc gia. Vì lập Đài phát thanh quá gấp nên ông Xuân Thủy giao nhiệm vụ cho cả ba ông Trần Kim Xuyến, Trần Lâm, Chu Văn Tích cùng xúm tay tổ chức bộ máy trong thời gian ngắn nhất. Ông Trần Kim Xuyến từng là công chức dưới thời Pháp thuộc, giao dịch rộng nên lo phần phát sóng. Ông Chu Văn Tích, bác sỹ mới ra trường, hoạt động xung phong tuyên truyền nhiều năm, có mối quan hệ mật thiết với ông Nguyễn Dực, tốt nghiệp trường kỹ nghệ thực hành, lại có cửa hiệu chuyên cho thuê và sửa chữa máy tăng âm, micro và cũng là đội viên Tuyên truyền xung phong nên được phân công lập studio. Ông Trần Lâm, vừa tốt nghiệp trường Luật, cùng ở trong đội Tuyên truyền xung phong của ông Chu Văn Tích được phân công tổ chức tòa soạn nội dung các chương trình phát thanh.
Từ ngày đầu tiên 22/8/1945 nhận lệnh truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến ngày 7/9/1945, Người sáng lập Đài phát thanh Quốc gia phát đi chương trình phát thanh đầu tiên với danh xưng hào hùng, tự tin “Đây là Tiếng nói của Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” chỉ có 16 ngày các vị cách mạng tiền bối đã dựng nghiệp Phát thanh nước nhà cho đến hôm nay và mai sau.
Cuộc họp lịch sử đặt nền móng cho Đài phát thanh Quốc gia
Tầng hai của trụ sở Nha học chính Bắc kỳ phố Fourres (nay là Đinh Lễ) là nơi làm việc của một phòng Biên tập Tuyên truyền Báo chí Cách mạng. Công việc của phòng này là biên tập tin trong nước và thế giới, viết bình luận để đăng các báo “Cờ Giải phóng” của Đảng Cộng sản Đông Dương, “Cứu Quốc” của Tổng bộ Việt Minh, tuần báo “Độc Lập” của Đảng Dân chủ Việt Nam và một số tờ báo tư nhân khác như “Tin Mới”, “Thời mới”. Bộ phận nội dung của Đài Phát thanh mới hình thành thuộc Bộ Thông tin cũng làm việc ở đây.
Tại đây, 8h ngày 5/9/1945 có cuộc họp quan trọng do ông Trần Lâm chủ trì. Cuộc họp gồm có: Trần Quảng Vận (Trần Lâm) - sinh viên Luật mới ra trường; Nguyễn Văn Thân (Nguyễn Văn Nhất); Nguyễn Văn Đáng - Xứ ủy Bắc Kỳ; Nguyễn Hữu Bản - sinh viên Luật, thuộc thành ủy Đảng Dân chủ Hà Nội; Chu Văn Tích - sinh viên Y khoa; Trần Văn Hà - sinh viên thú y; Trần Kim Xuyến; Nguyễn Đình Thi - nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ; Cù Huy Cận - nhà thơ; Xuân Diệu - nhà thơ.
Cuộc họp bàn 4 việc quan trọng: Một là đặt tên Đài phát thanh Quốc gia. Các thành viên cuộc họp thảo luận khá sôi nổi. Có người đặt tên nước như đài Tiếng nói Hoa Kỳ, có người cho rằng nên đặt theo tên thủ đô như Radio Paris, Radio New Delli, hay đặt tên đài theo hãng như BBC. Cuối cùng hội nghị nhất trí theo kết luận của chủ tọa Trần Lâm: Trước hết lấy tên nước đặt tên cho Đài phát thanh Quốc gia. Lý lẽ: Suốt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, nước Việt Nam bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Người ta chỉ biết đến Đông Dương thuộc Pháp, gọi tắt là Đông Pháp, gồm có: Tonkin (Bắc kỳ), An Nam (Trung kỳ), Cochinchine (Nam kỳ), Laos (Ai Lao), Canbodge (Cao Miên). Tất cả đều gọi là xứ chứ không có nước Việt Nam, nước Lào, nước Campuchia. Vì vậy Đài phát thanh quốc gia phải có sứ mệnh lịch sử là giới thiệu và khẳng định nước Việt Nam trước quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới, như chủ ý của Bác Hồ là trong ngày lễ Độc lập phải giới thiệu được nước Việt Nam mới, Chính phủ mới cho đồng bào chiến sỹ trong nước, kiều bào nước ngoài cùng nhân thế giới.
Mất nước là mất tiếng nói. Tiếng Nam còn thì đất nước còn. Tiếng nói là hồn thiêng sông núi, là nguyên khí quốc gia. Gần thế kỷ thực dân Pháp đô hộ, tiếng nói, chữ viết của Pháp là chính thức trong mọi giao dịch, chính trị, hành chính, báo chí văn chương. Tiếng Việt như một ngoại ngữ. Trong giáo dục, học sinh các trường tiểu học trở lên bắt buộc phải học bằng tiếng Pháp, tiếng mẹ đẻ, chỉ được học mỗi tuần một tiết.
Cách mạng Tháng Tám đã giành lại độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc, trả lại tiếng nói cho nhân dân, Đài phát thanh Quốc gia không có lý do gì lại không cất cao, lan tỏa Tiếng nói Việt Nam. Kết luận: Tên Đài phát thanh quốc gia là ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM.
Hai là đặt lời xướng sao cho nội dung nổi bật của cái mới, khẳng định đất nước mới, chế độ mới, thủ đô mới, ngắn gọn, súc tích, dễ đọc lại hùng hồn, đĩnh đạc. Gút lại, lời xướng là “Đây là tiếng nói của Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Ít lâu sau thấy từ “của” vừa thừa, vừa khó đọc diễn cảm nên Tổng biên tập Trần Lâm quyết định bỏ từ “của” trong lời xướng. Ngày 20/12/1946, Đài TNVN sơ tán khỏi Hà Nội đến Chùa Trầm ở Chương Mỹ (Hà Đông cũ) lời xướng bỏ từ, thêm gần (Đây là tiếng nói của Việt Nam, phát thanh gần Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) vừa thông báo cho quân dân Hà Nội và cả nước là Đài Quốc gia đã sơ tán an toàn, vừa gần gụi làm ấm lòng chiến sỹ đồng bào Thủ đô đang chiến đấu quyết liệt với kẻ thù trong lòng Hà Nội. Từ năm 1947, Đài TNVN ở núi rừng Việt Bắc, “thủ đô gió ngàn”, lời xướng ngắn gọn “Đây là tiếng nói Việt Nam”. Không nói phát đi từ đâu để bảo đảm bí mật. Ngày 10/10/1954, từ Tuyên Quang đến Hát Môn (Sơn Tây) trước khi về lại Hà Nội lời xướng của Đài trở lại nguyên vẹn ban đầu “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Từ ngày 27/6/1976 đến 2/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp kỳ thứ nhất tại Hà Nội quyết nghị đặt tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngay sau đó lời xướng của Đài là “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cho đến ngày nay.
Ba là tìm nhạc hiệu chính thức, Hội nghị bàn kỹ, đưa ra nhiều nhạc phẩm hay thời bấy giờ như Tiến quân ca, Chiến sỹ Việt Nam, Diệt phát xít. Cuối cùng quyết định lấy bài hát Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi làm nhạc hiệu chính thức của Đài phát thanh Quốc gia. Trong hồi ký “Những chặng đường gian nan và kỳ thú” Trần Lâm giải thích: “Đài Tiếng nói Việt Nam muốn khẳng định cho nhân dân thế giới, nhất là các nước Đồng minh chống phát xít biết nhân dân ta dành được Độc lập, Tự do từ tay quân đội phát xít Nhật, cũng như việc ta đã đứng về phe Đồng Minh để chiến đấu chống phát xít Nhật”.
Hang Trầm thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ là địa điểm đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam sơ tán và là nơi Đài phát đi "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào rạng sáng ngày 20/12/1946, lời hiệu triệu mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.Sau năm 1976, đất nước hoàn toàn thống nhất, hòa bình lập lại trên cả nước có người nhận xét và đề nghị nên thay Diệt phát xít bằng nhạc phẩm khác êm dịu hơn cho hợp với thời thế. Nhưng Bộ biên tập và Tổng biên tập Trần Lâm kiên trì giữ Diệt phát xít làm nhạc hiệu chính thức cho Đài Phát thanh Quốc gia. Cũng theo Tổng biên tập Trần Lâm “Lý do, một là, nó đã có tính lịch sử, nói lên bối cảnh lịch sử ra đời của Đài Tiếng nói Việt Nam. Hai là vấn đề chống phát xít vẫn là một nhiệm vụ quan trọng trên thế giới. Bọn phát xít mới đang ngóc đầu dậy ở nhiều nước, dưới nhiều dạng thức khác nhau”.
Bốn là quyết định ngày phát sóng đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam là 7 tháng 9 năm 1945.
Hội nghị chưa quyết định được giờ lên sóng vì còn hoàn tất một số công đoạn của Studio. Chờ khi ông Lê Quang Lân phụ trách Studio báo cáo hoàn thành công việc vào tối 6/9 thì sáng 7/9, Tổng biên tập Trần Lâm phân công cho ông Nguyễn Văn Nhất biên soạn chương trình phát thanh đầu tiên. Có hai múi giờ chính thức lên sóng được đưa ra bàn thảo là 12 giờ hay 18 giờ. Tham khảo các Đài nước ngoài thường lên sóng vào giờ chẵn như 6 giờ, 12 giờ, 18 giờ. Ông Nguyễn Văn Nhất đề nghị cố gắng lên sóng vào 12 giờ. Có người nêu ý kiến và khuyên không nên khởi đầu một sự nghiệp lớn vào “chính ngọ” lành ít dữ nhiều. (Có lần cụ Trần Lâm bộc bạch là không duy tâm, nhưng tin vào may rủi “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Có lần từ phòng làm việc ra xe lên sân bay đi thăm Indonesia, cụ bắt gặp một nữ phóng viên đi ngược chiều vội vàng quay lại phòng làm việc, ngồi tý chút mới đi tiếp. Thư ký Lê Trường Kiên hỏi cụ quên gì ạ, cụ cười “quên bật lửa”. Thực ra bật lửa và bao thuốc là vật bất ly thân nằm trong túi cụ tự bao giờ rồi).
Tổng biên tập Trần Lâm và biên tập viên Nguyễn Văn Nhất hẹn nhau là khi nào biên soạn xong chương trình thì lên sóng. Vậy là 11 giờ 30 phút ngày 7/9/1945 lời phi lộ xưng danh Đài Tiếng nói Việt Nam biên soạn xong, ông Nguyễn Văn Nhất, bà Dương Thị Ngân ngồi vào bàn.
Lên sóng./.
(Theo vov.vn)
Từ khóa » Sự Ra đời Của Truyền Hình Việt Nam
-
Lịch Sử Truyền Hình - VIETNAM-TAM
-
Đài Truyền Hình Việt Nam – Wikipedia Tiếng Việt
-
Truyền Hình Tại Việt Nam – Wikipedia Tiếng Việt
-
Lịch Sử Ra đời Và Phát Triển Của Truyền Hình
-
Truyền Hình Và Sự Ra đời Của Truyền Hình
-
Truyền Hình Thế Giới Sự Ra đời Của Truyền Hình Việt Nam - Tài Liệu Text
-
Bài Giảng: Lịch Sử Truyền Hình - Tài Liệu Text - 123doc
-
VTV Và Vài Nét Về Lịch Sử Ra đời, Phát Triển Của Báo Hình
-
Giới Thiệu VTV - Đài Truyền Hình Việt Nam
-
Kỹ Thuật Truyền Hình Việt Nam - 45 Năm Phát Triển Và Những điều ...
-
Sự Ra đời Và Phát Triển Của Truyền Hình - Tài Liệu đại Học
-
[PDF] Ngành Báo Chí Truyền Hình - Trung Tâm Học Liệu Thái Nguyên
-
Truyền Hình Là Gì Và Sự Ra đời Phát Triển Của Truyền Hình? - VietAds
-
Phim Truyện Truyền Hình Việt Nam – Wikipedia Tiếng Việt
-
Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển Chương Trình Truyền Hình “Vì Trẻ ...
-
Đài Truyền Hình Việt Nam - Wiko
-
Bốn áp Lực Và Sáu Giải Pháp Phát Triển Truyền Hình ở Việt Nam Trong ...
-
20 Năm Chương Trình Tiếng Dân Tộc đầu Tiên Lên Sóng Truyền Hình ...
-
Kỷ Niệm 20 Năm Chương Trình Tiếng Dân Tộc Lên Sóng Truyền Hình ...