Thời Kỳ Lịch Sử Nào Của Dân Tộc, đất Và Người Thái Bình Cũng Ghi ...
Có thể bạn quan tâm
Từ ngàn xưa, đất đai tỉnh Thái Bình vốn là bãi bồi phù sa ven biển, có sức cuốn hút các thế hệ cư dân từ nhiều vùng miền đổ về khai phá, chung lưng đấu cật quai đê trị thủy, lấn biển, lập làng để tạo thành một miền quê trù phú. Do sự hội tụ cư dân từ “chín người mười làng” về hợp cư sinh tồn ở nơi đầu sóng ngọn gió, cửa ngõ của biển Đông nên các thế hệ cư dân ở đất này đã sớm hình thành và vun đắp nên những truyền thống nổi trội, tạo cho mảnh đất và con người nơi đây những nét đặc trưng, những phẩm chất đáng quý, đó là: trung thực, thẳng thắn; nhân ái, bao dung; yêu nước và cách mạng; khoa bảng và hiếu học; sáng tạo và cần cù; anh hùng quả cảm, thích tự do, công bằng và trọng lẽ phải...
Bởi vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà những thời khắc, sự kiện quan trọng của đất nước, dân tộc và cách mạng thường gắn với đất và người Thái Bình. Ngay từ buổi đầu Công nguyên đã có nữ tướng Vũ Thị Thục dựng cờ tụ nghĩa giúp Hai Bà Trưng dẹp quân Đông Hán. Vào thế kỷ thứ VI, Lý Bí đã tựa, dựa vào đất này mà khởi binh đánh đuổi giặc Lương, lập nên nhà nước Vạn Xuân. Đến thế kỷ thứ X, vùng đất Bố Hải khẩu (nay là trung tâm là thành phố Thái Bình) đã là nơi ruộng tốt, người đông và là một trong những trung tâm giao lưu với cảnh “trên bến dưới thuyền”. Đó là cơ sở để tướng quân Trần Lãm chọn cát cứ mà trở thành sứ quân mạnh nhất, làm nơi nương tựa cho Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên các sứ quân, thống nhất sơn hà, lên ngôi hoàng đế, lập ra nước Đại Cồ Việt, khẳng định một quốc gia có chủ quyền độc lập.
Bước sang thế kỷ thứ XIII, hệ thống làng xã thuộc Thái Bình ngày nay đã cơ bản ổn định, có đồng đất tốt tươi, dân tình trọng hậu, để rồi tổ tiên nhà Trần từ nghề đánh cá đã chọn được miền Hải Ấp (nay thuộc huyện Hưng Hà) mà lên bờ định cư, lập nghiệp. Từ vùng đất này, họ Trần đã sinh ra những anh tài kiệt hiệt, nhờ phát nghiệp nông tang mà trở nên giàu có, từng bước tiến thân vào vũ đài chính trị mà mưu nghiệp lớn, để rồi đến đời thứ tư họ Trần ở Hải Ấp đã khai nghiệp đế vương. Với 175 năm trị vì, trải những năm tháng tái thiết đất nước và ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, nhà Trần đã gây dựng nên một vương triều hiển hách “võ công văn trị” vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, để lại cho dân tộc một nền văn hóa rực rỡ trên tất cả các mặt: chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa - xã hội.
Phát huy mệnh mạch của vùng quê tỏa rạng hào khí Đông A, từ thế kỷ thứ XIII trở về sau, ở thời kỳ lịch sử nào của dân tộc, đất và người Thái Bình cũng ghi dấu ấn tốt đẹp và lập công hiển hách. Thế kỷ thứ XVIII được coi là thế kỷ nông dân khởi nghĩa thì Thái Bình có thủ lĩnh Hoàng Công Chất lãnh đạo cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, được đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc tôn xưng là “Ông Chúa của bản Mường”; tiếp đến là thủ lĩnh Phan Bá Vành được nhân gian truyền tụng là “Ông Vua của hạ giới”.
Địa phận Thái Bình được xác định bởi ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, đời nối đời các thế hệ cư dân nơi đây đã sáng tạo, gìn giữ và hun đúc nên truyền thống lịch sử, văn hóa, văn hiến, đặc biệt là truyền thống yêu nước và cách mạng, góp phần làm rạng rỡ thêm nền văn minh lúa nước sông Hồng. Đây cũng là nơi hội tụ và lan tỏa nhiều sắc thái văn hóa - nghệ thuật độc đáo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tiêu biểu là nghệ thuật hát chèo, múa rối nước và nhiều nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng khác. Trải bao thăng trầm, đến nay Thái Bình còn hàng nghìn công trình kiến trúc cổ; phần lớn trong số đó đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, trong đó 2 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, đó là chùa Keo - một trong những biểu tượng ngời sáng của bản sắc văn hóa Việt Nam và khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, vốn là niềm tự hào vĩnh hằng về vùng đất phát nghiệp đế vương đã sinh ra những bậc hiền tài khai sáng ra một vương triều lừng lẫy võ công, văn nghiệp.
Là đất học, trong các thời kỳ khoa cử của chế độ phong kiến, hơn 120 người con của Thái Bình đỗ đại khoa, trong đó nhiều người không chỉ đạt tới đỉnh cao khoa danh mà còn có những đóng góp to lớn cho dân tộc, xứng danh là những nhân vật lịch sử lỗi lạc, lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa. Tiêu biểu như: Tam nguyên Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn (quê Hưng Hà) ở thời Lê; Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích (quê Tiền Hải), Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ (quê Quỳnh Phụ) ở thời Nguyễn…
Vào nửa cuối thế kỷ thứ XIX, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, cùng với cả nước, người Thái Bình đã sục sôi ý chí, nối tiếp nhau đánh giặc. Phong trào chống Pháp nổ ra liên tiếp, rộng khắp ở mọi nơi; nhiều người con quê hương như: Tiến sĩ Phạm Thế Hiển, Đề đốc Tạ Hiện (Thái Thụy), Cử nhân Phạm Huy Quang (Đông Hưng), nhà yêu nước Nguyễn Mậu Kiến (Kiến Xương), đặc biệt là nhà yêu nước Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (Hưng Hà) được coi là hiện tượng xuất chúng trong lịch sử dân tộc và nhiều văn thân, sĩ phu yêu nước khác đã hưởng ứng, tham gia phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, để lại tiếng thơm muôn thuở.
Vào những thập niên cuối thế kỷ thứ XIX, sau khi đã bình định xong toàn cõi Đông Dương, thực hiện chính sách chia để trị, thực dân Pháp đã thiết lập nhiều tỉnh mới theo quy mô phù hợp để dễ bề kiểm soát. Trong bối cảnh đó, ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương đã ký Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình bao gồm phủ và phân phủ Thái Bình, phủ Kiến Xương tách ra từ tỉnh Nam Định, huyện Thần Khê tách ra từ tỉnh Hưng Yên. Đến ngày 28/11/1894, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định cắt hai huyện Duyên Hà, Hưng Nhân thuộc tỉnh Hưng Yên nhập vào tỉnh Thái Bình. Từ đó, địa dư, duyên cách tỉnh Thái Bình cơ bản ổn định, các thế hệ cư dân sinh sống trên mảnh đất này gắn kết trong cộng đồng Thái Bình, giữ gìn, phát huy truyền thống quê hương trong truyền thống dân tộc.
Là một miền quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, tinh thần thượng võ, quật khởi chống ngoại xâm và áp bức cường quyền đã thấm sâu vào máu thịt, tâm can của các thế hệ cư dân nơi đầu sóng ngọn gió này. Trong một báo cáo gửi về bộ Thuộc địa Pháp về việc thành lập tỉnh Thái Bình, viên Toàn quyền Đông Dương đã lý giải: “Dân vùng này ngoan ngạnh, khó trị, phải thành lập một tỉnh riêng để cử quan công sứ cai trị”. Nhận thức rõ vị thế của tỉnh Thái Bình, một học giả người Pháp đã viết trong tác phẩm Chú thích về tỉnh Thái Bình: “Đây là một trong những tỉnh lớn nhất và quan trọng nhất của Bắc Kỳ, đó là một điều không ai chối cãi được…”. Chính vì nhận thức rõ điều này nên nhà nước bảo hộ Pháp luôn chú trọng cử những viên công sứ người Pháp cùng những tổng đốc, tuần phủ giàu năng lực quản lý và kinh nghiệm đàn áp các phong trào yêu nước về cầm quyền ở Thái Bình.
Vào những năm 20 của thế kỷ XX, khi cả dân tộc Việt Nam chìm trong đêm dài nô lệ, những thanh niên yêu nước của quê hương đã lên đường sang Quảng Châu (Trung Quốc) học lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy, sớm tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin để truyền bá vào Thái Bình. Những người con ưu tú của Thái Bình, tiêu biểu như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Danh Đới là những học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở thành những cán bộ chủ chốt của Đảng trong những ngày đầu thành lập. Các Chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội Minh Thành, Trình Phố sớm được hình thành và đến cuối tháng 6/1929 Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, tiền thân của Đảng bộ Thái Bình ra đời.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ Thái Bình đã lãnh đạo nhân dân tiến hành các cuộc đấu tranh cách mạng sớm nhất cả nước mà tiêu biểu là cuộc biểu tình của nông dân Duyên Hà - Tiên Hưng (ngày 1/5/1930) và cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải (ngày 14/10/1930) gây tiếng vang lớn trong cả nước. Những người cộng sản và nhân dân Thái Bình sẵn sàng đương đầu với mọi gian khổ, hy sinh, một lòng, một dạ theo Đảng, duy trì và phát triển phong trào cách mạng, cùng cả nước lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.Sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước đứng trước những thử thách ngặt nghèo của thiên tai, địch họa (thù trong, giặc ngoài), sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc; Thái Bình lại chồng chất thêm muôn vàn khó khăn do nạn đói bởi lũ lụt làm vỡ đê sông Hồng. Song, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Bình đã phát huy khí thế phấn khởi, tin tưởng của toàn dân do cách mạng mang lại đồng thời tiếp tục lãnh đạo nhân dân vừa bảo vệ chính quyền vừa bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Những thành tựu của Thái Bình đạt được trong phong trào thi đua diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm được Bác Hồ biểu dương khi Người về thăm. Những năm 1946 - 1949, Thái Bình thực sự trở thành hậu phương vững mạnh, sẵn sàng bước vào cuộc đọ sức mới quyết liệt hơn.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Thái Bình đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt hàng vạn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện quân sự đồng thời huy động sức người, sức của đóng góp trên các mặt trận của cả nước. Một người con của Thái Bình là anh hùng Tạ Quốc Luật cùng đồng đội đã bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri tại chiến trường Điện Biên Phủ. Với những thành tích và sự đóng góp to lớn đó, tỉnh nhà đã vinh dự được Chính phủ tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, được Bác Hồ tặng cờ thêu 8 chữ vàng: “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”; làng Nguyên Xá được tặng cờ: “Nguyên Xá làng kiểu mẫu”; nhiều địa phương trong tỉnh được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ Thái Bình đã lãnh đạo nhân dân tích cực thực hiện công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển sản xuất và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong khói lửa chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình vẫn “vững tay cày, chắc tay súng”, vừa sản xuất giỏi vừa chiến đấu giỏi, năm 1966 trở thành “Quê hương năm tấn” đầu tiên của miền Bắc; đồng thời, tổ chức tốt công tác phòng không, bảo vệ sản xuất, tính mạng, tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân. Quân và dân Thái Bình đã anh dũng đánh trả 1.064 trận bằng không quân, hải quân của giặc Mỹ; bắn rơi 44 máy bay, bắn bị thương 4 tàu chiến. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong những năm kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Thái Bình vinh dự 5 lần được đón Bác Hồ về thăm. Trong lần thứ năm, khi về thăm Thái Bình, Người căn dặn: “Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Khắc sâu lời dạy của Bác, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã huy động cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến với gần 152.000 người con ưu tú của quê hương đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường; là tỉnh có tỷ lệ người tham gia quân đội so với dân số cao nhất miền Bắc. Những người con ưu tú của Thái Bình lại điểm thêm những dấu son mới trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, tiêu biểu là Anh hùng Phạm Tuân đã bắn rơi “pháo đài bay” B-52 của giặc Mỹ rồi trở thành người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ; là những nhà tình báo lừng danh như Vũ Ngọc Nhạ (quê Vũ Thư), Phạm Quốc Sắc (quê Tiền Hải), Trần Văn Lai (quê thành phố Thái Bình), Vũ Hữu Ruật (quê Đông Hưng), là Bùi Quang Thận (quê Thái Thụy) cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập…Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, trên 52.000 người con của quê hương đã anh dũng hy sinh; gần 33.000 thương bệnh binh đã hiến dâng một phần xương máu; hơn 6.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; hơn 2.000 cán bộ lão thành cách mạng; gần 50.000 gia đình có công với nước; hơn 34.000 người nhiễm chất độc da cam/Điôxin và rất nhiều người con của Thái Bình đã gắn liền với những sự kiện vĩ đại của Đảng và dân tộc. Có thể nói, trong mỗi thời khắc lịch sử, trong mọi chiến công của quân và dân cả nước đều có xương máu và đóng góp của những người con Thái Bình. Sự hy sinh và công lao to lớn đó đã góp phần “làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi”, tô thắm thêm cho lá cờ Tổ quốc và truyền thống vẻ vang, kiên cường, bất khuất, cách mạng của quê hương Thái Bình.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình và thành phố Hải Phòng kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường bộ ven biển.
Từ khi đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là trong gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiếp tục giành được nhiều thành tựu quan trọng. 20 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Thái Bình đã thực hiện thành công chương trình “điện, đường, trường, trạm”, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn. Thực hiện 5 trọng tâm phát triển kinh tế được đề ra từ Đại hội lần thứ XVI, tỉnh đã quy hoạch và xây dựng được các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa và phát triển kinh tế biển, đưa nền kinh tế của tỉnh thoát khỏi tình trạng trì trệ, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.
Từ năm 1996 đến năm 2000, Thái Bình đã đạt được những kết quả nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên đã để xảy ra mất ổn định trên phạm vi rộng trong những năm 1997 - 1998. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết số 06, trong đó chỉ rõ những sai lầm, khuyết điểm, nguyên nhân, đề ra những chủ trương, giải pháp đồng bộ để giải quyết. Đến năm 1999, tình hình cơ bản ổn định. Qua đây, Thái Bình đã nghiêm túc rút ra những kinh nghiệm quý báu, nhất là kinh nghiệm về tăng cường kỷ luật trong Đảng, kỷ cương xã hội trên cơ sở mở rộng dân chủ, thực hiện nghiêm túc, thực chất phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Với kết quả đó, Đảng bộ Thái Bình đã vượt qua thách thức lớn lao và được tôi luyện vững vàng hơn trong giai đoạn cách mạng mới.
Nếu như tại hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh được tổ chức năm 1990, có nhà khoa học đã nhận định: “Thái Bình là một tỉnh thuần nông, những tiền đề để phát triển công nghiệp, dịch vụ chưa rộng mở” thì đến nay, khi Thái Bình kỷ niệm 130 năm ngày thành lập tỉnh trong niềm vui, tự hào bởi sự phát triển, đổi thay toàn diện của Thái Bình trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là: Kinh tế liên tục đạt mức tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế không ngừng được nâng lên; bình quân 5 năm 2016 - 2020, GRDP ước tăng 10,13%/năm, vượt xa mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra (8,6%/năm), gấp 1,5 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước (6,7%/năm) và là một trong ba tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2020 ước cao gấp hơn 2 lần so với năm cuối nhiệm kỳ trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được chú trọng chỉ đạo, thực hiện và bước đầu đạt kết quả rất tích cực; đã có sự chuyển dịch trục phát triển kinh tế của tỉnh từ chủ yếu theo hướng Nam và Tây Nam sang kết hợp với hướng Đông và Đông Bắc thông qua việc chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối Thái Bình với các tỉnh, thành phố trong khu vực, gắn với hình thành các hành lang kinh tế - xã hội.
Đến Thái Bình hôm nay, điều ấn tượng nhất là không còn thấy cảnh người dân chờ phà như mấy chục năm về trước. Những cây cầu mới được đầu tư xây dựng kết nối với các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương và thành phố Hải Phòng đã phá thế cô lập ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển của Thái Bình. Từ nay đến năm 2021, Thái Bình sẽ đầu tư xây dựng thêm nhiều cây cầu mới, tạo thành các trục phát triển kinh tế - xã hội kết nối với các tỉnh trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ. Cùng với đó, nhiều tuyến giao thông kết nối, công trình, dự án trọng điểm đang được triển khai thực hiện, đặc biệt là tuyến đường bộ ven biển, Khu kinh tế Thái Bình, khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế quy mô 1.000 giường... đang khẩn trương được đầu tư xây dựng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa Thái Bình chuyển mình mạnh mẽ trong tương lai.
Đến nay, Thái Bình đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các mục tiêu, định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó có một số mục tiêu được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ trước mà nay mới thực hiện được (như việc thành lập Khu kinh tế Thái Bình với quy mô gần 31.000ha và khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ, diện tích gần 200ha; xây dựng tuyến đường bộ ven biển và một số công trình giao thông lớn cùng cơ chế hợp tác liên kết vùng, kết nối Thái Bình với Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam và các tỉnh, thành phố duyên hải Bắc Bộ; xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế 1.000 giường; thu hút đầu tư hệ thống cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho toàn bộ người dân khu vực nông thôn…), tạo động lực mới, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh. Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tốt, tăng mạnh cả về số lượng dự án và vốn đầu tư. Thu ngân sách trên địa bàn luôn vượt xa dự toán được giao; trong đó, năm 2019 thu ngân sách từ nội bộ nền kinh tế đạt cao nhất từ trước đến nay (8.523 tỷ đồng), tăng gấp gần 3 lần so với năm cuối nhiệm kỳ trước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn, nhất là nguồn vốn xã hội hóa; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng bình quân 22 - 25%/năm (trong đó, vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm 6 - 7%), cao gấp 2,1 lần giai đoạn 5 năm trước.
Trong hơn 10 năm qua, xây dựng nông thôn mới luôn được Thái Bình xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, trở thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đến cuối năm 2019, Thái Bình đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh; là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã và tất cả các huyện, thành phố được công nhận đạt tiêu chí quốc gia. Trong đó có những tiêu chí mà Thái Bình là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành với quy mô toàn tỉnh (như cấp nước sạch cho 100% người dân nông thôn, kiên cố đường giao thông nội đồng và giao thông thôn xóm...). Tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư xây dựng nông thôn mới đạt trên 22.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đã dành ra hàng nghìn tỷ đồng để mua gần 1,5 triệu tấn xi măng hỗ trợ cho các huyện, xã xây dựng hạ tầng nông thôn mới; cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài tỉnh, con em xa quê đã ủng hộ, tài trợ gần 2.000 tỷ đồng; các tầng lớp nhân dân trong tỉnh - đối tượng được thụ hưởng trực tiếp đã tích cực tham gia đóng góp trên 3.000 tỷ đồng cùng hàng triệu ngày công và hiến hàng trăm héc-ta đất để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng, giao thông thôn xóm và các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt; đặc biệt, 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương được bảo đảm; dân chủ ở cơ sở và vai trò chủ thể của người dân ngày càng được phát huy; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và vai trò, sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở được nâng lên.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm; các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) giảm còn hơn 2%, bằng một nửa so với mức bình quân chung của cả nước. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh được bảo đảm.
Với những thành tích to lớn và đặc biệt xuất sắc đó, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Thái Bình đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Nhất, 6 Huân chương Quân công; gần 6.000 mẹ được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 96 tập thể và 78 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; 26 vạn người được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc tết gia đình ông Nguyễn Văn Hữu, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày và là bố liệt sĩ, ở tổ 10, phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình). (Ảnh chụp ngày 16/1/2020).
Những thành tựu quan trọng và toàn diện đã đạt được về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của Thái Bình trong tiến trình đổi mới, hội nhập, xây dựng nông thôn mới đã và đang thắp sáng thêm truyền thống của miền quê “rạng rỡ đất văn, oai phong đất võ”. Thái Bình ngày nay mang một diện mạo mới với sức sống mới. Đó là thành quả của sự phát huy cao độ truyền thống dân tộc và quê hương; của trí tuệ, tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, kiên cường trước thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm của người Thái Bình. Đó là bài học về phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, văn hiến, đặc biệt là truyền thống yêu nước và cách mạng, củng cố và phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng bộ; là sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn địa phương trong từng giai đoạn cách mạng; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá và tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn để khai thác, phát huy tốt nội lực và tranh thủ có hiệu quả các yếu tố ngoại lực để tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đó là bài học về quan tâm xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện về tư tưởng, chính trị và tổ chức; bài học về phát triển kinh tế - xã hội gắn với chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Những bài học lịch sử trên đang tiếp tục tạo nền tảng, sức mạnh và động lực quan trọng để Thái Bình vươn lên tầm cao mới trong những chặng đường tiếp theo.
Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày thành lập tỉnh (21/3/1890 - 21/3/2020), chào mừng ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình tổ chức khánh thành Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ hai) và Bằng công nhận Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn cổ vũ to lớn để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy cao độ truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương; đoàn kết, thống nhất, quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương ổn định vững chắc về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh, góp phần cùng cả nước tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguyễn Hồng Diên(Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh)
Từ khóa » Tỉnh Thái Bình Có Bao Nhiêu Dân Tộc
-
-
Thái Bình (thành Phố) – Wikipedia Tiếng Việt
-
TỔNG QUAN TỈNH THÁI BÌNH - Asean Travel
-
Thời Kỳ Lịch Sử Nào Của Dân Tộc, đất Và Người Thái Bình ...
-
Vài Nét Về Vị Trí địa Lý Và Quá Trình Thành Lập Tỉnh
-
[PDF] Cục Thống Kê Tỉnh Thái Bình
-
Tỉnh Thái Bình - Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư
-
LỊCH SỬ TỈNH THÁI BÌNH - Lich Su Tinh Thai Binh - Tranh Thêu
-
TỈNH HÀ NAM - Trang Tin điện Tử Của Ủy Ban Dân Tộc
-
Thái Bình Với Vấn đề Chăm Sóc Người Có Công Với Cách Mạng Và Việc ...
-
Thành Phần Dân Tộc Trên địa Bàn Tỉnh Thái Nguyên
-
Bản Sắc Dân Tộc Của Văn Hóa Thái Bình (kỳ 1) - Báo Thái Bình điện Tử
-
Giới Thiệu - Tòa án Nhân Dân Tỉnh Thái Bình