Thói Quen Cạo Gió, Giác Hơi Nguy Hiểm Thế Nào? - Báo Phụ Nữ

Phỏng rộp, nhiễm trùng vì giác hơi dạo

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Bay - công tác tại Phòng khám y học cổ truyền thuộc cơ sở 3 Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược (ĐHYD) TP.HCM - cho biết, ngày nào cũng có vài trường hợp đến khám, điều trị do hậu quả của giác hơi. Mới đây nhất là bệnh nhân nam tên P.V.D., 40 tuổi, ngụ tại quận 10.

Anh này đi nghỉ mát cùng bạn bè ở biển Vũng Tàu, nhậu xong, tắm biển, tối về khách sạn thấy mình mẩy đau nhức, bèn ra bãi biển tìm dịch vụ giác hơi dạo. Đêm hôm đó, khắp lưng anh D. đau rát tới mức phải nằm sấp để ngủ nhưng chỉ nghĩ đơn giản do mình phơi nắng nhiều nên lưng bị cháy nắng. Sáng ngủ dậy, bạn bè phát hiện lưng anh D. nổi những nốt bóng nước tròn, khuyên anh về TP.HCM nên đi khám ngay.

“Khi bệnh nhân đến khám, tôi đếm được tám lỗ trên lưng đỏ ửng, trong đó có ba lỗ bị phồng rộp và đang có dấu hiệu nhiễm trùng” - BS Bay nói. Theo BS Bay, trước đó, vùng da trên (thượng bì) ở lưng bệnh nhân đã bị phỏng nông do phơi nắng cả ngày; đã vậy, bệnh nhân lại đi giác hơi, dụng cụ giác hơi không đảm bảo vô trùng, lại còn bị đốt cồn nên tiếp tục bị phỏng. Phải mất một tuần điều trị, anh P. mới bình phục. 

Thoi quen cao gio, giac hoi nguy hiem the nao?
Giác hơi sai cách có thể gây phỏng rộp, nhiễm trùng

Tím bầm toàn thân vì nghiện cạo gió 

Cạo gió sai cách cũng gây nhiều tác hại. Người dân ta có thói quen hễ mệt mỏi là cạo gió, cạo thật mạnh bằng đồng xu hoặc vật cứng; càng đỏ, càng bầm thì lại tưởng là nhiều “gió”. Đến giờ, BS Bay vẫn còn ấn tượng với trường hợp nghiện cạo gió tới khám ở đây.

Bệnh nhân là bà P.T.X., 50 tuổi, đến khám vì thường xuyên nhức mỏi. “Ngay khi nhìn thấy bệnh nhân, tôi giật mình hỏi cô ta đã lấy gì để cạo gió, vì vùng cổ và gáy bệnh nhân bầm tím, hai thái dương có vết sẹo do giựt gió, hai cánh tay, đùi, bẹn, lưng đều tím bầm hết” - BS Bay kể.

Bà X. thú nhận, ngày nào mình cũng cạo gió, không cạo thì vật vã, nhức mỏi và thường nhờ người thân lấy chiếc muỗng để cạo cho mình.

BS Bay cho biết, việc cạo gió bằng muỗng vô cùng nguy hiểm. Khi cạo gió, sức mạnh do chiếc muỗng tác động lên da, làm tổn thương và vỡ các mao mạch, gây xuất huyết dưới da.

Chính việc xuất huyết này khởi đầu sẽ tạo cảm giác nhẹ nhàng, giảm đau bắp thịt tại chỗ, nhưng sau đó, xảy ra hiện tượng huyết ứ (bầm máu), ảnh hưởng đến hoạt động của từng thớ cơ, lại gây co thắt và đau, mỏi cơ nhiều hơn trước, đồng thời các vết bầm do xuất huyết có thể bị nhiễm trùng, gây sốt và ảnh hưởng đến toàn thân.

Ngoài ra, hai bên cổ là vị trí động mạch cảnh lưu thông đưa máu lên não, nên việc dùng vật cứng chà xát vào vùng này nếu gây xuất huyết hoặc nhiễm trùng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe.

Cạo gió, giác hơi phải đúng cách

Tác dụng của cạo gió giác hơi là giải cảm, giảm đau nhức như người dân thường quan niệm hay không? BS Bay cho rằng, hai phương pháp này cũng có tác dụng nhất định. Cơ thể ta thải độc thông qua cơ chế tiết mồ hôi ra lỗ chân lông trên da.

Giác hơi là một hình thức dùng áp lực âm trong ống giác hút da lên khiến cơ dãn ra giúp giảm đau, đồng thời thúc đẩy sự giải độc thông qua lỗ chân lông. Thế nhưng, giác hơi phải đúng cách, chỉ làm ở những vùng có lớp thịt và cơ dày. Khi giác hơi, cần cẩn thận kẻo dễ bị phỏng rộp, nhiễm trùng do đốt cồn.

Giác hơi làm dãn cơ, tạo cảm giác thoải mái nhưng không phải làm bao nhiêu lần cũng được. Mọi người chỉ nên giác hơi tối đa cách ngày và giác ở các vùng da khác nhau để cơ có thời gian nghỉ ngơi, quân bình lại.

Về cạo gió, BS Bay giải thích: cạo gió là để kích thích tuần hoàn cơ thể, làm dãn cơ, giúp giảm đau và thư giãn. Thế nhưng, cạo gió cũng phải đúng cách để tránh gây hại cho sức khỏe.

Người dân không nên dùng các vật cứng (kể cả đồng xu) để cạo gió mà chỉ nên lấy ba ngón tay vuốt dọc hai bên cột sống và các thớ cơ. Mọi người cũng có thể day a thị huyệt (thấy đau điểm nào thì day điểm đó). Khi cạo gió, day huyệt, cần cắt ngắn móng tay, tránh làm da bị tổn thương.

Thanh Huyền 

Từ khóa » Giác Hơi Cạo Gió Có Tốt Không