Thông Báo Cơ Cấu Giống Và Lịch Thời Vụ Gieo Sạ Vụ Đông Xuân 2021 ...

I. NHẬN ĐỊNHTÌNH HÌNH THỜI TIẾT

Theo bản tin dự báo số 05/DBMUA-DN-2021 ngày 15 tháng 10 năm 2021 của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, dự báo thời tiết thủy văn thời hạn mùa thành phố Đà Nẵng từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022 như sau:

1. Tình hình ENSO: Dự báo hiện tượng ENSO trong trạng thái La Nina sẽ tiếp tục duy trì cường độ yếu cho đến hết năm 2021 với xác suất khoảng 70%; những tháng đầu năm 2022, nhiệt độ mặt nước biển có xu hướng tăng dần nhưng vẫn thấp hơn TBNN và ENSO vẫn trong trạng thái La Nina yếu.

2. Bão và áp thấp nhiệt đới: Từ nay đến hết tháng 12/2021 có khả năng có từ 3-5 XTNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó có từ 2-3 cơn ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ. Nhiều khả năng trong tháng 01/2022 vẫn còn xuất hiện bão hoặc ATNĐ trên khu vực phía Nam Biển Đông và ít có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung Bộ.

3. Không khí lạnh và rét: Từ cuối tháng 10, KKL bắt đầu ảnh hưởng đến khu vực và sẽ hoạt động mạnh dần trong tháng 12, với 3-5 đợt KKL, KKLTC.Trong tháng 12/2021 có 1-2 đợt rét, tập trung các tỉnh phía bắc khu vực.

Từ tháng 01-03/2022, KKL hoạt động mạnh, ảnh hưởng đến khu vực với khoảng 3-4 đợt trong tháng.

Trong các tháng 01-03/2022, mỗi tháng sẽ có 1-2 đợt rét, rét đậm.

4. Tình hình mưa: Tháng 11-12/2021: Lượng mưa trên toàn khu vực xấp xỉ và cao hơn TBNN, đạt từ 100-120%.

Tháng 01-02/2022: lượng mưa trên toàn khu vực phổ biến xấp xỉ và cao hơn TBNN, phổ biến đạt 100-120%.

Tháng 03/2022: lượng mưa trên toàn khu vực xấp xỉ thấp hơn TBNN, đạt từ 90-100% giá trị TBNN.

Bảng tổng lượng mưa tháng 11 và 12/2021

TT

Lưu vực sông

Tổng lượng mưa (mm)

Tháng 11/2021

Tháng 12/2021

1

Vu Gia

500 ÷ 800

200 ÷ 400, có nơi cao hơn

2

Thu Bồn

700 ÷ 900, có nơi cao hơn

300 ÷ 600

5. Nhiệt độ: Tháng 11-12/2021 nền nhiệt độ khu vực xấp xỉ và cao hơn TBNN từ 0.0-0.50C.

Tháng 01 và tháng 03/2022 nền nhiệt độ khu vực xấp xỉ TBNN.Tháng 02/2022 nền nhiệt độ khu vực xấp xỉ và thấp hơn TBNN từ 0.0-0.50C.

6. Tình hình thủy văn: Từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2021, các sông trên khu vực Trung trung Bộ khả năng xuất hiện từ 3-5 đợt lũ. Mực nước trưng bình trong các tháng 11 và 12/2021 trên các sông xấp xỉ và cao hơn trung bình cung kỳ nhiều năm. T tháng 01 đến tháng 03 năm 2022, mực nước trên các sông xấp xỉ TBNN cùng kỳ, riêng dòng chảy thượng lưu sông Vu Gia chỉ ở mức từ 50-70% so với TBNN cùng kỳ.

II. ĐỊNH HƯỚNG CƠ CẤU GIỐNG VÀ LỊCH THỜI VỤ GIEO SẠ VỤ ĐÔNG XUÂN 2021-2022 VÀ VỤ HÈ THU 2022

1. Định hướng cơ cấu giống

Tiếp tục bố trí cơ cấu giống trung ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái của Đà Nẵng để phù hợp với xu thế biến đổi khí hậu như hiện nay và nhằm giảm áp lực cho việc giải phóng đất giữa 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu để Hè Thu xuống giống sớm, kết thúc vụ sớm nhằm tiết kiệm được nguồn nước tưới và lách tránh rủi ro do thời tiết tránh được rủi ro do mưa lũ cuối vụ.

Tiếp tục đẩy mạnh sử dụng giống xác nhận, tuyên truyền phát động phong trào giảm lượng giống gieo sạ của Bộ Nông nghiệp và PTNT: sạ lan 80-100 kg/ha, sạ hàng 60-80 kg/ha, mạ khay máy cấy 50-60 kg/ha. Cơ cấu giống khuyến cáo như sau:

a) Cơ cấu giống vụ Đông Xuân 2021-2022:

- Giống chủ lực: Hà Phát 3, ĐT100, HT1, VNR20;

- Giống bổ sung: HN6, OM4900, Thiên ưu 8, BT7;

- Giống Triển vọng: Hương Châu 6, Bắc Hương 9, Đài thơm 8, JO2.

b) Dự kiến cơ cấu giống vụ Hè Thu 2022:

- Giống chủ lực: Hà Phát 3, ĐT100, HT1;

- Giống bổ sung: OM4900, VNR20, Thiên ưu 8, BT7;

- Giống Triển vọng: Hương Châu 6, Bắc Hương 9, Đài thơm 8, JO2.

c) Đặc điểm một số giống lúa đang sản xuất trên địa bàn thành phố Đà nẵng

- Thời gian sinh trưởng một số giống lúa:

STT

Tên giống

Thời gian sinh trưởng (ngày)

Vụ Đông Xuân

(ngày)

Vụ Hè Thu

(ngày)

Giống ngắn ngày: 90-105 ngày; Giống trung ngày: 106-120 ngày

01

Hà Phát 3

110-115

90-95

02

ĐT100

110-115

90-95

03

HN6

108-110

88-90

04

VNR20

110-115

95-100

05

HT1

110-115

95-100

06

OM4900

115-120

100-105

07

Thiên ưu 8

115-120

95-100

08

Đài thơm 8

110-115

90-95

09

Bắc thơm 7

115-120

100-105

10

J02

115

105

11

Hương châu 6

105-110

90-95

12

Bắc hương 9

110-115

90-95

  • Đặc điểm cần lưu ý của một số giống:

+ Giống lúa VNR20: Là giống lúa thuần do Vinaseed Group chọn tạo, được công nhận lưu hành giống cây trồng theo Quyết định số 178/QĐ-TT-CLT ngày 03/9/2020 cho các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ. Giống cảm ôn, gieo cấy được cả hai vụ; đẻ nhánh khỏe, tập trung, gọn khóm; gạo trắng trong không bạc bụng, cơm trắng, bóng, mềm, vị đậm, ngon cơm; chống đổ tốt, chống chịu khá với một số loại sâu bệnh hại chính khô vằn, đạo ôn; t hích ứng rộng trên nhiều chân, năng suất trung bình 6,5-7,0 tấn/ha, thâm canh đạt 8,5-9,0 tấn/ha.

Lưu ý, giống VNR20 dễ bị nảy mầm trên bông khi gặp mưa,vì vậy ở vụ Hè Thu bố trí gieo sạ trước 25/5 để tránh gặp rủi ro do gặp mưa cuối vụ.

+ Giống Hà Phát 3: Giống đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận chính thức tại các tỉnh phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Giống lúa Hà Phát 3 là giống lúa chất lượng cao, chất lượng cơm ngon, có vị đậm tương đương giống HT1, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; giống chống đổ ngã khá, có tính chống chịu sâu bệnh khá. Giống lúa Hà Phát 3 đã đưa vào cơ cấu giống chính từ vụ Hè Thu 2020 gieo trồng được cả 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu.

+ Giống HN6: Giống đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận chính thức tại các tỉnh phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Giống có thời gian sinh trưởng ngắn trong vụ Hè Thu, cần tập trung chăm sóc sớm, bón phân sớm ngay từ đầu vụ để tăng khả năng đẻ nhánh hữu hiệu và cho năng suất cao Giống HN6 là giống chất lượng cao, có tính chống chịu sâu bệnh khá; chất lượng cơm ngon, dẻo, có vị đậm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Khuyến cáo hạn chế gieo sạ giống này trong vụ Hè Thu do nắng nóng, tỷ lệ lép cao.

+ Giống ĐT 100: Giống đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận chính thức tại các tỉnh phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Giống chất lượng cao, chịu thâm canh, cần bón phân đầy đủ, cân đối để tăng khả năng đẻ nhánh hữu hiệu và cho năng suất cao; chất lượng cơm ngon, dẻo, có vị đậm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; giống có tính chống chịu sâu bệnh khá, thích hợp gieo cấy trên chân đất tốt, gieo trồng được cả 2 vụ. Giống lúa ĐT100 đã đưa vào cơ cấu giống chính từ vụ Hè Thu 2021.

Giống lúa ĐT100 nên bố trí trên những chân ruộng tốt (giống không phù hợp trên những chân ruộng xấu).

+ Các giống HT1, Thiên ưu 8, HN6 có độ cứng cây trung bình, dễ đổ ngã khi gặp thời tiết bất lợi (có gió mạnh, lốc xoáy). Vì vậy không bố trí trên những chân ruộng thoát nước kém.

Các giống Thiên ưu 8, OM4900 bị nhiễm bệnh đạo ôn nên khi sản xuất phải chú ý không bón thừa đạm.

+ Giống JO2 là giống lúa thuần dòng JAPONICA có nguồn gốc từ Nhật Bản; giống đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận chính thức tại các tỉnh phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Giống chịu thâm canh, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, khả năng chống đổ và chịu rét tốt, có chất lượng cơm ngon, vị đậm

Giống này chỉ phù hợp trên chân đất tốt, không phù hợp trên những chân đất xấu (bố trí trên chân ruộng xấu s bị bệnh đốm nâu gây hại nặng), khuyến cáo không gieo sạ giống này trong vụ Hè Thu do nắng nóng.

+ Giống Hương châu 6: Giống được công nhận lưu hành giống cây trồng theo Quyết định số 116/QĐ-TT-CLT ngày 11/6/2020 cho các tỉnh phía Nam (Đồng Bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên); giống chịu thâm canh, chống đổ ngã. Gạo trong, không bạc bụng, cơm trắng bóng, dẻo nhẹ, vị đậm và có mùi thơm nhẹ.

Giống mới được đưa vào trình diễn, chỉ bố trí với diện tích ít để tiếp tục đánh giá sự phù hợp cho các vụ sau.

+ Giống Đài thơm 8 nhiễm sâu cuốn lá nên bố trí ở những chân ruộng không có ánh sáng điện để hạn chế sâu tập trung gây hại.

+ Giống Bắc hương 9: Mới được đưa vào trình diễn, chỉ bố trí với diện tích ít để tiếp tục đánh giá sự phù hợp cho các vụ sau.

Các giống lúa cơ cấu đều chịu thâm canh cao tiềm năng năng suất lớn nên trong quá trình sản xuất các địa phương phải khuyến cáo nông dân đầu tư thâm canh, chăm sóc bón phân đầy đủ cân đối, đúng lúc đúng cách để phát huy tiềm năng của giống.

2. Lịch thời vụ gieo sạ

a) Vụ Đông Xuân 2021-2022

Đặc điểm sản xuất vụ Đông Xuân thường mưa nhiều đầu vụ làm trôi giống. Giữa vụ có những đợt rét lạnh tập trung chủ yếu vào tháng 1, tháng 2 và đầu tháng 3, cục bộ có năm kéo dài sang giữa cuối tháng 3 vì vậy nên bố trí thời vụ phù hợp phòng tránh những bất lợi do thời tiết gây ra, bảo vệ an toàn cho sản xuất.

Khung thời vụ khuyến cáo bố trí cho lúa trổ vào trung tuần tháng 3 trở đi, thu hoạch trước 30 tháng 4 năm 2022; Khung thời gian gieo sạ vụ Đông Xuân 2021-2022: từ 15/12/2021 và kết thúc gieo sạ vào ngày 31/12/2021; gieo sạ tập trung trung từ 20 đến 31 tháng 12 năm 2021, cụ thể như sau:

- Từ ngày 15-25/12/2021: Sử dụng giống trung ngày.

- Từ ngày 25-31/12/2021: Sử dụng giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày.

b) Dự kiến vụ Hè Thu 2022

Trong vụ Hè Thu, cần bố trí thời vụ đảm bảo thu hoạch gọn trước 05/9 để tránh mưa lũ vào cuối vụ, đồng thời để đảm bảo năng suất, sản lượng lúa. Vụ Hè Thu thường nắng nóng, khô hạn, thiếu nước tưới nên không sử dụng giống dài ngày để gieo sạ nhằm sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả. Vì vậy khung lịch thời vụ lúa Hè Thu 2022 từ 15/5/2022 và kết thúc gieo sạ vào ngày 31/5/2022, cụ thể như sau:

- Từ ngày 15-25/5/2022: Sử dụng giống trung ngày.

- Từ ngày 25-31/5/2022: Sử dụng giống ngắn ngày.

c) Đối với các diện tích được Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cấp nước, đề nghị UBND quận Ngũ Hành Sơn (phần diện tích tại Hòa Quý), UBND huyện Hòa Vang (các diện tích tại các xã Hòa Phước, Hòa Tiến) chỉ đạo các địa phương sản xuất theo khung lịch thời vụ của tỉnh Quảng Nam.

Trên cơ sở khung thời vụ chung và cơ cấu giống khuyến cáo, đề nghị các quận huyện tùy thuộc đặc điểm từng vùng để chỉ đạo lịch xuống giống và cơ cấu giống cho phù hợp. Chú ý có kế hoạch dự trữ giống để phòng ngừa mưa lũ làm thất thoát lượng giống và diện tích ngập úng phải gieo sạ lại.

3. Giải pháp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị

a) UBND các quận, huyện liên quan chỉ đao:

- Triển khai bố trí lịch gieo sạ, cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng, từng địa phương; Tránh tình trạng bố trí giống dài ngày lẫn lộn với giống trung ngắn ngày trong một cánh đồng làm ảnh hưởng đến lịch cấp nước gây thất thoát, lãng phí nước hoặc sử dụng nước thiếu hiệu quả. Chỉ đạo các địa phương thực hiện khoanh vùng diện tích chủ động nước tưới bố trí gieo sạ tập trung, đồng loạt từng khu, từng vùng theo lịch thời vụ; Tuyên truyền đến người dân sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm (đặc biệt ở vụ Hè Thu).

- Tiếp tục thực hiện chủ trương của thành phố chỉ đạo các địa phương gieo sạ giống lúa trung ngắn ngày nhằm rút ngắn thời gian, thu hoạch sớm nhằm giảm áp lực cho việc giải phóng đất giữa 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu để Hè Thu xuống giống sớm, kết thúc vụ sớm, tránh được rủi ro do mưa lũ cuối vụ; chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và khả năng thiếu nước khi trồng lúa, đặc biệt ở vụ Hè Thu cần khuyến cáo cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết, tập quán canh tác và có thị trường tiêu thụ; có kế hoạch sản xuất tập trung cùng nhóm cây trồng để dễ điều tiết nguồn nước.

- Các phòng chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi tình hình sinh trưởng, sinh vật hại cây trồng và nhu cầu nước tưới để tham mưu chỉ đạo sản xuất kịp thời hiệu quả.

b) Chi cục Thủy lợi, phối hợp với Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi, địa phương hướng dẫn giải pháp khắc phục hệ thống kênh tưới, kênh tiêu, hồ đập sau mùa mưa lũ năm 2021 nhàm kịp thời triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022; xây dựng kế hoạch điều tiết nguồn nước tưới phù hợp cho các địa phương triển khai sản xuất đảm bảo theo kế hoạch. Phối hợp với Đài khí tượng thủy văn khu vực để có thông báo tình hình diễn biến thời tiết kịp thời giúp các địa phương chủ động triển khai sản xuất.

c) Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng phát triển cây trồng, sinh vật hại để kịp thời có thông báo hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sinh vật hại để các địa phương chủ động phòng trừ kịp thời và hiệu quả.

d) Trung tâm khuyến ngư nông lâm, phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương tiếp tục theo dõi, đánh giá các giống lúa mới; triển khai các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ: giảm lượng giống gieo sạ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, tưới tiết kiệm,.... để nông dân tham khảo áp dụng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các quận, huyện, các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện./.

Từ khóa » Nguồn Gốc Giống Lúa Hà Phát 3