Thông Cáo Báo Chí Về Kết Quả điều Tra Nông Thôn, Nông Nghiệp Giữa ...

Cuộc điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 tiến hành vào thời điểm 01/7/2020 theo Quyết định số 1695/QĐ-TCTK ngày 31/12/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Đây là cuộc điều tra chọn mẫu quy mô lớn trên phạm vi cả nước với mục đích: (1) Thu thập thông tin tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu về nông thôn, nông nghiệp trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; (2) Cung cấp thêm thông tin thống kê phục vụ việc đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển nông thôn, nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020; xây dựng Kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025; đồng thời đáp ứng các nhu cầu khác về thông tin thống kê phân tích, dự báo tình hình nông thôn, nông nghiệp và nông dân; (3) Cập nhật cơ sở dữ liệu thống kê về nông thôn, nông nghiệp và xây dựng dàn mẫu cho một số cuộc điều tra mẫu trong lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp. Trên cơ sở kết quả điều tra, dưới đây Tổng cục Thống kê khái quát một số nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế – xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản những năm 2016 – 2020.

I. Số xã, thôn và số hộ, nhân khẩu nông thôn tại thời điểm điều tra

        Theo kết quả điều tra, tại thời điểm 01/7/2020 khu vực nông thôn cả nước có 8.297 xã với 66.206 thôn (ấp, bản). So với 01/7/2016, giảm 681 xã và 13.692 thôn. Sự biến động số xã là kết quả thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn ban hành trong những năm 2016 – 2020. Theo đó, giữa 2 kỳ điều tra, có 2 xã tăng do chia tách; 465 xã sáp nhập thành xã quy mô lớn hơn và 218 xã chuyển thành phường, thị trấn.

Số hộ và số nhân khẩu khu vực nông thôn có sự biến động khác biệt so với xu hướng thu hẹp về số xã, thôn. Tại thời điểm 01/7/2020, khu vực nông thôn cả nước có 16.880,47 nghìn hộ dân cư với 62.885,27 nghìn nhân khẩu. Tính ra, trong 5 năm (2016 – 2020), khu vực nông thôn tăng 5,59% về số hộ và tăng 9,05% về số nhân khẩu. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng cư dân nông thôn. Đối với số hộ, có sự chia tách hộ; đồng thời quá trình phát triển kinh tế – xã hội và đô thị hóa nông thôn, nhất là địa bàn nông thôn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm thương mại, dịch vụ đã thu hút ngày càng nhiều lao động và theo đó là hộ dân cư từ khu vực thành thị trở về quê hương lập nghiệp hoặc đến định cư. Đối với số nhân khẩu, ngoài những nguyên nhân chủ yếu nêu trên còn có sự gia tăng quy mô hộ gia đình, từ mức bình quân 3,61 người/hộ năm 2016 lên 3,73 người/hộ năm 2020.

II. Thành tựu kinh tế – xã hội đạt được trong 5 năm 2016 – 2020

2.1. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và môi trường khu vực nông thôn được tăng cường cả số lượng và chất lượng

(1) Mạng lưới cung cấp điện bao phủ hầu khắp khu vực nông thôn, vươn tới nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo

Theo kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020, tại thời điểm 01/7/2020 tất cả các xã và gần 99% số thôn khu vực nông thôn đều đã có điện. Năm 2016, cả nước còn 1.766 thôn chưa có điện, nhưng năm 2020 chỉ còn 681 thôn. Thành tựu quan trọng nhất về phát triển cơ sở hạ tầng điện nông thôn trong những năm vừa qua là đưa điện tới vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Điện đã cung cấp cho 316 thôn thuộc 68 xã của huyện đảo: Vân Đồn và Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải và Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Trường Sa (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Phú Quốc và Kiên Hải (Kiên Giang).

(2) Hệ thống giao thông tiếp tục được xây dựng mới và nâng cấp, bảo đảm tính kết nối cao

Tại thời điểm 01/7/2020, tỷ lệ xã có đường ô tô từ trụ sở UBND xã đến trụ sở UBND huyện chiếm 99,67% tổng số xã khu vực nông thôn, tăng 0,24 điểm phần trăm so với 2016. Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trụ sở UBND xã trên địa bàn nông thôn cả nước so với tổng số thôn cũng tăng từ 93,69% năm 2016 lên 96,31% năm 2020. Cùng với việc nâng cao tính kết nối, hệ thống giao thông nông thôn còn được rải nhựa, bê tông hóa mặt đường. Tại thời điểm 01/7/2020, tỷ lệ xã có đường trục xã trải nhựa, bê tông so với tổng số xã khu vực nông thôn của cả nước đạt 99,16%, tăng 2,31 điểm phần trăm so với 01/7/2016. Tỷ lệ này của đường trục thôn đạt 96,36%, tăng 6,02 điểm phần trăm; đường ngõ xóm đạt 89,97%, tăng 12,62 điểm phần trăm.

(3) Hệ thống thủy nông được đầu tư kiên cố hóa, nâng cao năng lực tưới tiêu

Tại thời điểm 01/7/2020, hệ thống kênh mương thủy nông trên địa bàn nông thôn do xã và hợp tác xã quản lý có tổng chiều dài 167,86 nghìn km; bình quân mỗi xã 20,23 km. Chiều dài kênh mương kiên cố hóa đạt trên 75,57 nghìn km, chiếm 45,02%, tăng 10,24 điểm phần trăm so với 01/7/2016. Để nâng cao năng lực tưới tiêu, ngoài việc đẩy mạnh đầu tư kiên cố hóa, hệ thống thủy nông còn được xây dựng thêm số trạm bơm. Tại thời điểm 01/7/2020, trên địa bàn nông thôn cả nước có gần 17,90 nghìn trạm bơm tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản; bình quân mỗi xã có 2,16 trạm bơm.

Nhờ đẩy mạnh đầu tư bổ sung, nâng cấp nên năng lực của hệ thống thủy nông tăng đáng kể. Diện tích gieo trồng lúa vụ Đông xuân 2020 được tưới và cấp nước chủ động chiếm 85,72% tổng diện tích gieo trồng; diện tích tiêu nước chủ động chiếm 83,35%; diện tích ngăn mặn chủ động chiếm 30,20%. Diện tích gieo trồng các loại cây hằng năm khác trong 12 tháng trước thời điểm điều tra 01/7/2020 được tưới và cấp nước chủ động chiếm 39,68%; diện tích tiêu nước chủ động chiếm 36,69%; diện tích ngăn mặn chủ động chiếm 9,50%. Diện tích cây lâu năm được tưới và cấp nước chủ động trong 12 tháng trước thời điểm 01/7/2020 đạt 49,86% tổng diện tích gieo trồng; diện tích tiêu nước chủ động chiếm 42,98%.

(4) Hệ thống trường, lớp mầm non và giáo dục phổ thông được nâng cấp, chất lượng dạy và học nâng lên đáng kể

Theo kết quả điều tra, cả nước có 8.265 xã có trường mầm non, chiếm 99,61% tổng số xã trên địa bàn nông thôn với 9.865 trường, bình quân mỗi xã 1,19 trường; 8.232 xã có trường tiểu học, chiếm 99,22% tổng số xã với 10.903 trường, bình quân mỗi xã 1,31 trường; 7.712 xã có trường trung học cơ sở, chiếm 92,95% tổng số xã với 8.259 trường, bình quân mỗi xã gần 1,0 trường. Ngoài ra, còn có 25.140 thôn có trường, lớp mẫu giáo, chiếm 37,97% tổng số thôn. Bên cạnh việc rà soát, xây dựng bổ sung hệ thống trường lớp phù hợp với nhu cầu thực tế, các cơ sở giáo dục khu vực nông thôn còn được đầu tư kiên cố hóa. Tỷ lệ kiên cố hóa năm 2020 của trường mầm non đạt 89,09%, tăng 16,79 điểm phần trăm so với năm 2016; trường tiểu học đạt 92,86%, tăng 11,52 điểm phần trăm; trường trung học cơ sở đạt 95,93%, tăng 5,81 điểm phần trăm.

(5) Hệ thống thiết chế văn hóa được bổ sung hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thụ hưởng văn hóa và cập nhật thông tin của dân cư

Tại thời điểm 01/7/2020, cả nước có 6.309 xã có nhà văn hóa xã, chiếm 76,04% tổng số xã trên địa bàn nông thôn, tăng 17,66% điểm phần trăm so với năm 2016; 7.199 xã có điểm bưu điện văn hóa xã, chiếm 86,77% tổng số xã và tăng 3,31 điểm phần trăm; 2.223 xã có thư viện xã, chiếm 26,79% và tăng 7,77 điểm phần trăm. Ngoài ra còn có 3.599 xã có hội trường đa năng, chiếm 43,38% tổng số xã; 58.813 thôn có nhà văn hóa, chiếm 88,83% tổng số thôn, tăng 10,11 điểm phần trăm so với năm 2016 và 5.889 thôn có thư viện thôn, gấp 2,57 lần số thôn có thư viện thôn năm 2016.

Năm 2020, cả nước có 7.824 xã lắp đặt hệ thống loa truyền thanh xã, chiếm 94,30% tổng số xã khu vực nông thôn, tăng 4,93 điểm phần trăm so với năm 2016. Cả nước còn có 5.950 xã xây dựng sân thể thao xã, chiếm 71,71% tổng số xã khu vực nông thôn, tăng 9,44 điểm phần trăm so với năm 2016; 2.922 xã có điểm vui chơi giải trí và thể thao dành cho trẻ em và người cao tuổi, chiếm 35,22% tổng số xã năm 2020 và 45.336 thôn có khu thể thao thôn và nơi sinh hoạt văn hóa thể thao, chiếm 68,48% tổng số thôn.

(6) Hệ thống y tế được tăng cường cả về cơ sở vật chất và nhân lực

Năm 2020, cả nước có 8.241 xã có trạm y tế xã, chiếm 99,33% tổng số xã khu vực nông thôn. Bên cạnh trạm y tế xã, năm 2020, trên địa bàn nông thôn còn có 2.838 xã có cơ sở khám chữa bệnh là bệnh viện, trung tâm y tế khu vực, phòng khám đa khoa và chuyên khoa, phòng khám chữa bệnh đông y, chiếm 34,21% tổng số xã; 6.808 xã, chiếm 82,05% tổng số xã và 21.268 thôn, chiếm 32,12% tổng số thôn có cơ sở kinh doanh thuốc tân dược. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, các tuyến y tế xã, thôn còn được tăng cường về nhân lực. Năm 2020, cả nước có 6.572 trạm y tế xã có bác sỹ, chiếm 79,75% tổng số trạm y tế xã, với 7.662 bác sỹ; bình quân mỗi trạm y tế xã có 0,93 bác sỹ. Ngoài ra, hệ thống y tế khu vực nông thôn còn có 19.314 y sỹ; 7.856 nữ hộ sinh; 9.692 y tá; 5.727 dược sỹ và 454 dược tá.

(7) Hạ tầng vệ sinh môi trường nông thôn có những mặt được cải thiện

Năm 2020, cả nước có 3.498 xã và gần 22,96 nghìn thôn xây dựng hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung, chiếm 42,16% tổng số xã và 34,67% tổng số thôn. So với năm 2016, tỷ lệ xã có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung tăng 6,41 điểm phần trăm; tỷ lệ thôn tăng 10,24 điểm phần trăm. Tỷ lệ xã thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 63,46% năm 2016 lên 74,75% năm 2020; tỷ lệ thôn thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 47,30% lên 58,24%. Tại thời điểm 01/7/2020, cả nước có 3.236 xã có bãi rác tập trung, chiếm 39,00% tổng số xã và 4.201 xã có điểm thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chiếm 50,63% tổng số xã trên địa bàn nông thôn. Tỷ lệ xã xử lý rác thải sinh hoạt chiếm 98,55% tổng số xã có bãi rác tập trung; tỷ lệ xã xử lý chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật chiếm 97,14% tổng số xã có thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

2.2. Dịch vụ hỗ trợ kinh tế nông thôn và kinh tế phi nông nghiệp có bước phát triển mới

(1) Hệ thống tín dụng, ngân hàng đóng vai trò tích cực trong cung ứng vốn

Tại thời điểm 01/7/2020, cả nước có 1.836 xã có ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động, chiếm 22,13% tổng số xã trên địa bàn nông thôn, tăng 2,01 điểm phần trăm so với 01/7/2016. Hệ thống tín dụng, ngân hàng nông thôn thực sự là nguồn cung ứng vốn quan trọng hỗ trợ kinh tế – xã hội nông thôn phát triển. Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ hộ được vay vốn cho hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm trong tổng số hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản ở khu vực nông thôn có nhu cầu vay vốn của hệ thống tín dụng, ngân hàng đã tăng từ 53,92% năm 2016 lên 76,22% năm 2020.

(2) Mạng lưới khuyến nông được duy trì, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật tuyển chọn và chăm sóc cây trồng, vật nuôi

Mạng lưới khuyến nông tiếp tục duy trì hoạt động tại các xã, thôn. Năm 2020, cả nước có 6.685 xã có cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chiếm 80,57% tổng số xã khu vực nông thôn; 7.534 xã có cán bộ thú y, chiếm 90,80%. Tổng số cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và cán bộ thú y năm 2020 của các xã là 16.978 người. Lực lượng cộng tác viên khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và thú y của các thôn cũng khá đông đảo. Tại thời điểm 01/7/2020 có 19.006 thôn có cộng tác viên khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư, chiếm 28,71% tổng số thôn và 18.370 thôn có cộng tác viên thú y, chiếm 27,75% tổng số thôn. Trên địa bàn nông thôn còn có 4.854 xã có người hành nghề thú y tư nhân, chiếm 58,50% tổng số xã với 14.213 người hành nghề.

(3) Hoạt động thương mại, dịch vụ hỗ trợ sản xuất và phục vụ dân sinh phát triển đa dạng

Tại thời điểm 01/7/2020, cả nước có 4.346 xã có điểm/cửa hàng cung cấp giống cây trồng, chiếm 52,38% tổng số xã trên địa bàn nông thôn, tăng 2,71 điểm phần trăm so với thời điểm 01/7/2016; 1.757 xã có điểm/cửa hàng cung cấp giống vật nuôi, chiếm 21,18% tổng số xã, tăng 1,50 điểm phần trăm; 1.025 xã có điểm/cửa hàng cung cấp giống thủy sản, chiếm 12,35% và tăng 6,63 điểm phần trăm; 5.590 xã có điểm/cửa hàng cung cấp vật tư, nguyên liệu cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 67,37%, giảm 6,71 điểm phần trăm; 4.088 xã có điểm/cửa hàng thu mua sản phẩm nông, lâm, thủy sản, chiếm 49,27%, tăng 0,33 điểm phần trăm. Trên địa bàn nông thôn còn có 5.347 xã có chợ, chiếm 64,44% tổng số xã, tăng 3,42 điểm phần trăm so với thời điểm 01/7/2016 và 757 xã có cửa hàng tiện lợi, chiếm 9,12% tổng số xã.

(4) Cơ sở sản xuất công nghiệp hình thành và phát triển khá phổ biến

Trên địa bàn nông thôn cả nước hiện có 5.771 xã có hộ/cơ sở chuyên chế biến nông, lâm, thủy sản, chiếm 69,56% tổng số xã với 220.599 hộ/cơ sở hoạt động, bình quân có 38,23 hộ/cơ sở thuộc xã có hộ/cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh hộ/cơ sở sản xuất công nghiệp nói chung và chế biến nông, lâm, thủy sản nói riêng, năm 2020 còn có 2.869 xã có doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 34,58% tổng số xã khu vực nông thôn.

(5) Làng nghề được rà soát, quy hoạch lại, sản phẩm hàng hóa ngày càng phù hợp với nhu cầu thị trường

Làng nghề là loại hình kinh tế phi nông, lâm nghiệp và thủy sản quan trọng trên địa bàn nông thôn. Sự phát triển của làng nghề đem lại lợi ích lớn cả về kinh tế và xã hội. Làng nghề sản xuất ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị văn hóa cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng muôn vẻ của đời sống xã hội và xuất khẩu; đồng thời tạo việc làm, thu nhập và sinh kế bền vững cho người dân. Chính vì vậy, làng nghề đang được rà soát và tổ chức lại sản xuất. Theo kết quả điều tra 01/7/2020, cả nước có 1.011 xã và 2.436 thôn có làng nghề, chiếm 12,19% tổng số xã và 3,68% tổng số thôn khu vực nông thôn, tăng 1,29 điểm phần trăm về số xã và tăng 0,4 điểm phần trăm về số thôn so với 01/7/2016. Năm 2020, các làng nghề có 236.269 cơ sở sản xuất hoạt động, thu hút 604.437 lao động, bình quân mỗi làng nghề có 192,09 cơ sở sản xuất và 248,33 lao động.

(6) Tỷ trọng kinh tế phi nông, lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục có xu hướng tăng

Tỷ trọng kinh tế phi nông, lâm nghiệp và thủy sản trong kinh tế nông thôn có xu hướng gia tăng thể hiện rõ nhất ở tỷ trọng cơ cấu hộ nông thôn. Tại thời điểm 01/7/2020, cả nước có trên 8,58 triệu hộ phi nông, lâm nghiệp, thủy sản, chiếm 50,89% tổng số hộ nông thôn, tăng 4,55 điểm phần trăm so với năm 2016 và tăng 13,04 điểm phần trăm so với năm 2011. Xu hướng tăng dần tỷ trọng kinh tế phi nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng được thể hiện trong cơ cấu hộ nông thôn phân theo nguồn thu nhập lớn nhất. Theo kết quả điều tra, tỷ trọng hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ các ngành phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm trong tổng số hộ nông thôn của cả nước tăng từ 42,49% năm 2011 lên 52,08% năm 2016 và 59,22% năm 2020.

2.3. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vượt qua khó khăn về thiên tai và dịch bệnh, phát triển ổn định

(1) Hình thức sản xuất và quy mô sản xuất được cơ cấu lại phù hợp hơn với thực tiễn và yêu cầu phát triển

  Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở nước ta được tổ chức theo 3 hình thức sản xuất chủ yếu, bao gồm: Hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp. Theo kết quả điều tra năm 2020, cả nước có 9.123.018 đơn vị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 1,82% so với năm 2016. Trong đó, 9.108.129 hộ sản xuất, giảm 1,86%; 7.418 hợp tác xã, tăng 6,80%; 7.471 doanh nghiệp, tăng 94,25%. Sự biến động số đơn vị sản xuất theo xu hướng tăng giảm khác nhau có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có việc tổ chức lại sản xuất, ưu tiên phát triển những hình thức và quy mô sản xuất có năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị hàng hóa cao.

(2) Quy mô sản xuất của hộ được mở rộng, đặc biệt là quy mô trang trại

Hộ là đơn vị kinh tế cơ bản trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở nước ta hiện nay. Trong tổng gần 9.123,02 nghìn đơn vị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tại thời điểm 01/7/2020, có 9.108,13 nghìn đơn vị sản xuất là hộ. Trong những năm vừa qua, nhiều hộ đã mở rộng quy mô sản xuất. Số thửa đất sản xuất nông nghiệp bình quân 1 hộ tăng từ 2,5 thửa năm 2016 lên 2,8 thửa năm 2020 và diện tích bình quân 1 thửa tăng từ 1.843,1 m2 lên 2.026,3m2. Mô hình tổ chức sản xuất có tỷ suất và giá trị hàng hóa cao của hộ là trang trại. Tại thời điểm 01/7/2020, cả nước có 20.611 trang trại; bao gồm: 5.910 trang trại trồng trọt, chiếm 28,67% tổng số trang trại; 11.688 trang trại chăn nuôi, chiếm 56,71%; 2.782 trang trại nuôi trồng thủy sản, chiếm 13,50%; 139 trang trại lâm nghiệp, chiếm 0,67% và 53 trang trại tổng hợp, chiếm 0,26%. Ngoài ra còn có 39 trang trại sản xuất muối, chiếm 0,19%.

(3) Hợp tác xã được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động

Tại thời điểm 31/12/2019, cả nước có 7.418 hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,80% so với năm 2015. Trong đó, 6.885 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 92,81% tổng số hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 3,60% so với năm 2015; 86 hợp tác xã lâm nghiệp, chiếm 1,16% tổng số hợp tác xã và tăng 95,45%; 447 hợp tác xã thủy sản, chiếm 6,03% và tăng 74,61%. Năm 2019, các hợp tác xã sử dụng 77,70 nghìn lao động thường xuyên, bình quân mỗi hợp tác xã sử dụng 10,47 lao động. Trong đó, bình quân 1 hợp tác xã nông nghiệp sử dụng 10,25 lao động, hợp tác xã lâm nghiệp sử dụng 7,63 lao động và hợp tác xã thủy sản sử dụng 14,48 lao động. Năm 2019, doanh thu thuần bình quân 1 hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá hiện hành đạt 2,32 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2015; bình quân mỗi năm tăng 17,55%.

(4) Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, sản xuất nông sản hàng hóa có thêm năng lực mới

  Tại thời điểm 31/12/2019, cả nước có 7.471 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 94,25% so với 31/12/2015, bình quân mỗi năm tăng 906,3 doanh nghiệp. Năm 2019, các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản sử dụng 249,24 nghìn lao động thường xuyên. Trong đó, các doanh nghiệp nông nghiệp sử dụng 193,48 nghìn lao động, chiếm 77,63% tổng số lao động thường xuyên của các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản; các doanh nghiệp lâm nghiệp sử dụng 15,88 nghìn lao động, chiếm 6,37%; các doanh nghiệp thủy sản sử dụng 39,88 nghìn lao động, chiếm 16,00%. Tổng doanh thu thuần năm 2019 theo giá hiện hành của các doanh nghiệp đạt 168,50 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp đạt 22,55 tỷ đồng.

(5) Cơ giới hóa sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại được chú trọng

Máy móc, thiết bị sử dụng đa dạng ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất với số lượng tăng đáng kể. Bình quân 100 hộ có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản sử dụng 0,74 ô tô phục vụ sản xuất, gấp 3,89 lần năm 2016; 1,93 máy phát điện, gấp 5,36 lần. Bình quân 100 hộ trồng lúa sử dụng 28,87 bình phun thuốc trừ sâu có động cơ, gấp 2,23 lần; 0,44 máy gặt đập liên hợp, gấp 1,61 lần; 2,84 máy gặt khác, gấp 1,32 lần; 4,02 máy tuốt lúa có động cơ, gấp 1,25 lần.  Trong những năm vừa qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn được tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong đó có việc sử dụng ngày càng phổ biến nhà kính, nhà lưới, nhà màng. Tại thời điểm 01/7/2020, tổng diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản sử dụng nhà kính, nhà lưới, nhà màng khu vực nông thôn đạt 56,01 nghìn ha, gấp 13,70 lần năm 2016.

III. Một số hạn chế

3.1. Khai thác tiềm năng, lợi thế và sử dụng nguồn lực chưa tạo được đột phá, hiệu quả thấp

Lực lượng lao động dồi dào là một lợi thế, nhưng các chương trình, dự án đào tạo nghề chưa thật sự phù hợp và hiệu quả nên chất lượng lao động vẫn thấp. Năm 2020, lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo là 12,57 triệu người, chiếm 89,97% tổng số lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động.

Kết quả xây dựng cánh đồng lớn cũng rất hạn chế. Hầu hết các chỉ tiêu thực hiện trong 5 năm 2016 – 2020 đều giảm sút. Đến thời điểm 01/7/2020, chỉ có 1.051 xã có cánh đồng lớn, chiếm 12,68% tổng số xã khu vực nông thôn, giảm 31,51 điểm phần trăm so với năm 2016. Số cánh đồng lớn giảm từ 2.262 cánh đồng năm 2016 xuống 1.657 cánh đồng năm 2020; số hộ tham gia cánh đồng lớn giảm từ 619,34 nghìn hộ xuống 326,34 nghìn hộ; tổng diện tích gieo trồng của cánh đồng lớn giảm từ 579,25 nghìn ha xuống 271,00 nghìn ha. Năm 2020, bình quân 1 cánh đồng lớn có 196,94 hộ tham gia, bằng 71,93% năm 2016; diện tích bình quân 1 cánh đồng lớn 163,55 ha, bằng 63,86% so với năm 2016.

3.2. Sản xuất nhỏ vẫn phổ biến, năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không cao

Mặc dù kinh tế – xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển, nhưng nhìn chung sản xuất vẫn phân tán, nhỏ lẻ. Trong kinh tế phi nông nghiệp của khu vực nông thôn, làng nghề là loại hình sản xuất có đóng góp lớn, nhưng quy mô của các cơ sở sản xuất trong các làng nghề vẫn hết sức nhỏ bé. Tại thời điểm 01/7/2020, bình quân 1 cơ sở sản xuất có 2,56 lao động. Sức mua của khu vực nông thôn trong những năm vừa qua đã tăng mạnh, nhưng hoạt động thương mại dịch vụ vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống chợ dân sinh. Trên địa bàn nông thôn rộng lớn, năm 2020 mới có 250 xã có trung tâm thương mại hoặc siêu thị và 757 xã có cửa hàng tiện lợi.

Số hợp tác xã và số doanh nghiệp tăng nhanh trong những năm 2016 -2020, nhưng chủ yếu là các cơ sở nhỏ nên quy mô sản xuất bình quân càng nhỏ hơn. Số lao động bình quân 1 hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 là 10,47 lao động, bằng 80,54% năm 2015. Số lao động bình quân của 1 doanh nghiệp là 33,36 người, bằng 48,35% năm 2015. Phần lớn các đơn vị sản xuất có quy mô nhỏ, đầu tư thấp nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao. Giá trị sản phẩm bán ra theo giá hiện hành trong 12 tháng trước thời điểm 01/7/2020 bình quân 1 trang trại chỉ đạt 5,63 tỷ đồng. Doanh thu thuần năm 2019 bình quân 1 hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 2,32 tỷ đồng; bình quân 1 doanh nghiệp đạt 22,55 tỷ đồng.

3.3. Ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục

Bên cạnh những thành quả đạt được, sự phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản những năm vừa qua bộc lộ ngày càng rõ những yếu kém về bảo vệ môi trường sinh thái. Việc thu gom, xử lý chất thải của khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, dịch vụ và rác thải, nước thải sinh hoạt của dân cư trên địa bàn nông thôn còn nhiều bất cập. Tại thời điểm 01/7/2020, cả nước hiện còn 2.095 xã và 27.647 thôn không tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, chiếm 25,25% tổng số xã và 41,76% tổng số thôn. Thu gom, xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn cũng có tình trạng tương tự. Năm 2020, cả nước có 4.799 xã và 43.250 thôn không có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung, chiếm 57,84% tổng số xã và 65,33% tổng số thôn khu vực nông thôn. Tình trạng thải bỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngay tại ruộng, hồ ao, kênh mương, sông suối khá phổ biến. Kết quả điều tra cho thấy, năm 2020, cả nước có 4.096 xã không có điểm thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chiếm 49,37% tổng số xã khu vực nông thôn.

Khái quát lại, cuộc điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 tiến hành vào thời điểm 01/7/2020 đã hoàn thành, thực hiện đúng và đầy đủ mục đích, yêu cầu và nội dung đề ra. Tổng cục Thống kê, các Cục Thống kê và các Chi cục Thống kê đã phối hợp với các Bộ, Ngành và cơ quan chức năng các địa phương thu thập, xử lý, tổng hợp khối lượng lớn thông tin thống kê, phản ánh trung thực, khách quan tình hình nông thôn, nông dân, nông nghiệp những năm 2016 – 2020 với những thành tựu và hạn chế, bất cập.

Kết quả điều tra cho thấy bức tranh toàn cảnh về kinh tế – xã hội nông thôn và sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn nông thôn những năm 2016 – 2020 có nhiều điểm sáng, nhiều thành tựu nổi bật: Một là, kết cấu hạ tầng nông thôn, bao gồm: Hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội và hạ tầng vệ sinh môi trường được bổ sung, hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Hai là, cơ cấu kinh tế nông thôn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao dần tỷ trọng các ngành phi nông lâm nghiệp và thủy sản. Ba là, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vượt qua khó khăn về thiên tai, dịch COVID -19 ở người, dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm để duy trì và phát triển sản xuất ổn định.

Kết quả điều tra cũng phản ánh rõ hơn một số hạn chế, bất cập. Bao gồm ba vấn đề lớn: (i) Chưa thực sự đột phá trong khai thác, sử dụng tiềm năng, lợi thế, nguồn lực về lao động, đất đai, thị trường và các nguồn lực khác trên địa bàn nông thôn rộng lớn nói chung và lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản nói riêng; nhiều điểm nghẽn vẫn tiếp tục tồn tại; (ii) Cơ cấu kinh tế nông thôn, nông lâm nghiệp và thủy sản chuyển dịch chậm, sản xuất nhỏ vẫn phổ biến, nông nghiệp vẫn là chủ yếu; (iii) Tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái có xu hướng gia tăng, tác động tiêu cực tới tiến trình phát triển kinh tế – xã hội và an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn. Trong thời gian tới cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả để xử lý, khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đưa nông thôn, nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

Trên đây là một số nội dung khái quát động thái và thực trạng kinh tế – xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản những năm 2016-2020 qua kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020. Toàn bộ kết quả của cuộc Điều tra sẽ được Tổng cục Thống kê tổng hợp đầy đủ và công bố, phổ biến vào Quý IV năm 2021./.

Từ khóa » Cơ Cấu Kinh Tế Nông Thôn Việt Nam