Thông Cáo Báo Chí Về Tình Hình Giá Tháng 12, Quý IV Và Năm 2021

PHẦN I: CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG

Giá xăng dầu, giá gas tháng 12/2021 giảm theo giá nhiên liệu thế giới; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước; học phí học kỳ I năm học 2021-2022 tiếp tục được miễn, giảm tại một số địa phương là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 giảm 0,18% so với tháng trước, tăng 1,81% so với tháng 12/2020.

Tính chung cả năm 2021, CPI tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016[1]. Lạm phát cơ bản 12 tháng tăng 0,81%.

I. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 12/2021

So với tháng trước, CPI tháng 12/2021 giảm 0,18% (khu vực thành thị giảm 0,2%; khu vực nông thôn giảm 0,16%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 4 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước và 7 nhóm hàng tăng giá.

Diễn biến giá tiêu dùng tháng 12/2021 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau:

1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,17%)

1.1. Lương thực (+0,36%)

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 12/2021 tăng 0,36% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,39% (khu vực thành thị tăng 0,29%; khu vực nông thôn tăng 0,46%). Giá gạo tăng do giá xuất khẩu ổn định ở mức cao, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng vào dịp cuối năm.

Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 11.400-12.000 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 17.300-19.000 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 17.700-19.500 đồng/kg; giá gạo nếp từ 24.300-34.500 đồng/kg.

Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm bột mỳ và lương thực chế biến cũng tăng lần lượt là 0,53% và 0,24% so với tháng trước.

1.2. Thực phẩm (+0,15%)

Giá thực phẩm tháng 12/2021 tăng 0,15% so với tháng trước do một số mặt hàng sau:

– Giá thịt gia cầm tươi sống tăng 0,27% so với tháng trước, trong đó giá thịt gà tăng 0,29%; thịt gia cầm khác tăng 0,24%;

– Giá thịt hộp và thịt chế biến khác lần lượt tăng 0,6% và 0,11% do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, các cơ sở chế biến thực phẩm bị thiếu hụt nhân công lao động và nguyên liệu sản xuất nên tăng giá bán.

– Dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 1,48%, trong đó dầu thực vật và mỡ động vật tăng lần lượt 1,55% và 1,21% so với tháng trước.

– Giá thủy sản tươi sống tăng 0,45% và thủy sản chế biến tăng 0,28% so với tháng trước do hoạt động đánh bắt thủy hải sản gặp khó khăn trong mùa mưa bão dẫn đến nguồn cung hạn chế.

– Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 0,48% so với tháng trước, trong đó giá bắp cải tăng 0,85%; cà chua tăng 22,72%; rau muống tăng 0,61%; đỗ quả tươi tăng 5,74%. Giá rau tăng do thời tiết chuyển rét khiến nhiều loại rau phát triển chậm, sản lượng rau giảm và chi phí vận chuyển tăng.

– Giá quả tươi và chế biến tháng 12/2021 tiếp tục tăng 0,24% so với tháng trước, chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng và các thương lái tăng cường thu mua để xuất khẩu dịp cuối năm 2021.

– Giá đồ gia vị tăng 0,23% so với tháng trước; bơ, sữa phô mai tăng 0,18%; bánh, mứt, kẹo tăng 0,27%; chè, cà phê, cacao tăng 0,19%.

Bên cạnh các mặt hàng tăng giá, nhóm các mặt hàng giảm giá như sau:

           – Giá thịt lợn tháng 12/2021 tiếp tục giảm 0,64% so với tháng trước, làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm. Trong tháng, giá thịt lợn hơi dao động khoảng 41.000-52.000 đồng/kg. Giá thịt lợn giảm do nguồn cung đảm bảo trong khi nhu cầu tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến lượng khách đến nhà hàng, quán ăn giảm, các bếp ăn tập thể đóng cửa, du lịch đình trệ… Theo đó, giá thịt quay, giò, chả tháng Mười Hai giảm 0,04% so với tháng trước.

– Giá trứng các loại giảm 0,28% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào.

1.3. Ăn uống ngoài gia đình (+0,16%)

Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 12/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, trong đó giá ăn ngoài gia đình tăng 0,17%; uống ngoài gia đình tăng 0,13%; đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,1% do giá gas, giá xăng dầu, giá thực phẩm tươi sống, giá sữa, dầu ăn tăng khiến các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng giá bán.

2. Đồ uống và thuốc lá (+0,2%)

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 12/2021 tăng 0,2% so với tháng trước, trong đó giá thuốc lá tăng 0,03%; giá rượu các loại tăng 0,39%; giá bia tăng 0,26% do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng vào thời điểm cuối năm và giá đô la Mỹ tăng.

3. May mặc, mũ nón, giày dép (+0,22%)

Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 12/2021 tăng 0,22% so với tháng trước do trong tháng có nhiều cửa hàng, siêu thị đã kết thúc các chương trình khuyến mãi giảm giá, cùng với đó nhu cầu mua sắm quần áo mùa Giáng sinh, Tết Dương lịch nên các cửa hàng tăng giá bán. Trong đó, quần áo may sẵn tăng 0,27% so với tháng trước; may mặc khác tăng 0,19%; mũ nón tăng 0,04%; giày dép tăng 0,12%.

4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (0,45%)

Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 12/2021 giảm 0,45% so với tháng trước. Diễn biến giá một số mặt hàng trong nhóm như sau:

– Giá gas giảm 4,94% so với tháng trước do từ ngày 01/12/2021, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 24.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 77,5 USD/tấn (từ mức 850 USD/tấn xuống mức 772,5 USD/tấn).

– Giá dầu hỏa giảm 5,2% so với tháng 11/2021 do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá vào ngày 25/11/2021, 10/12/2021 và ngày 25/12/2021.

– Giá nước sinh hoạt và giá điện sinh hoạt giảm lần lượt là 0,73% và 0,76% so với tháng trước[2] do một số địa phương hỗ trợ tiền sử dụng nước và nhu cầu tiêu dùng giảm khi thời tiết mát mẻ.

– Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,57% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm, do giá sắt thép, xi măng tăng và nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng nhà ở tăng vào dịp cuối năm.

– Giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,46% so với tháng trước do nhu cầu tăng.

5. Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,17%)

Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 12/2021 tăng 0,17% so với tháng trước. Trong đó, ấm, phích nước điện tăng 0,62%; trang thiết bị nhà bếp tăng 0,56%; nồi cơm điện tăng 0,45%; giá máy giặt tăng 0,42%; giá tủ lạnh tăng 0,32%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 0,21%; giá xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,18%; đồ dùng bằng kim loại tăng 0,16%; giá máy vi tính và phụ kiện tăng 0,09%; vật phẩm tiêu dùng khác tăng 0,22%.

6. Giao thông (-1,71%)

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 12/2021 giảm 1,71% so với tháng trước, làm CPI chung giảm 0,17 điểm phần trăm, chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới. Cụ thể, giá xăng giảm 4,67%; dầu diezen giảm 5,05% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giảm giá vào ngày 25/11/2021; 10/12/2021 và điều chỉnh tăng vào ngày 25/12/2021, trong đó giá xăng A95 giảm 1.700 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 1.110 đồng/lít, giá dầu diezen giảm 1.140 đồng/lít.

Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng tháng Mười Hai tăng 0,17% so với tháng trước; dịch vụ khác đối với phương tiện vận tải cá nhân tăng 0,12%; dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,53%.

7. Giáo dục (-0,43%)

Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 12/2021 giảm 0,43% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,5% do một số địa phương thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022[3].

Ở chiều ngược lại, do nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập và chi phí vận chuyển tăng nên giá sản phẩm từ giấy tăng 0,12% so với tháng trước; giá sách giáo khoa tăng 0,05%; giá bút viết các loại tăng 0,2%; văn phòng phẩm và đồ dùng học tập khác tăng 0,11%.

8. Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,14%)

Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 12/2021 tăng 0,14% so với tháng trước, tập trung ở giá nhóm đồ trang sức tăng 0,6% theo giá vàng trong nước; dịch vụ cắt tóc gội đầu tăng 0,37%. Vào mùa cưới nên giá các vật dụng, dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,23%; nhu cầu đồ thờ cúng vào dịp cuối năm tăng nên giá các mặt hàng này tăng 0,17% so với tháng trước.

9. Chỉ số giá vàng (+0,25%)

Giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/12/2021, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.787,64 USD/ounce, giảm 1,8% so với tháng 11/2021 do đồng đô la và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng theo kỳ vọng lãi suất Mỹ năm sau tăng lên.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2021 tăng 0,25% so với tháng trước; tăng 1% so với tháng 12/2020; bình quân năm 2021 tăng 8,67% so với năm trước.

10. Chỉ số giá đô la Mỹ (+0,84%)

Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng trong bối cảnh lạm phát Mỹ tăng cao. Tính đến ngày 25/12/2021, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 96,25 điểm, tăng 0,95 điểm so với tháng trước. Đồng đô la Mỹ tăng do các nhà đầu tư có động thái rút khỏi những loại tiền tệ rủi ro hơn sau khi các ngân hàng trung ương đưa ra quyết định về việc tăng lãi suất cũng như lo ngại khả năng lây lan của biến chủng Omicron.

Trong nước, giá đô la Mỹ tăng 0,84% so với tháng trước do nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu tăng. Giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 22.971 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2021 tăng 0,84% so với tháng trước; giảm 0,58% so với tháng 12/2020; bình quân năm 2021 giảm 0,97% so với năm trước.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 12/2021 tăng 1,81%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 8 nhóm tăng giá và 3 nhóm giảm giá.

– Nhóm giao thông tăng cao nhất với 15,81% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá xăng dầu tăng 48,33%. Tính đến ngày 25/12/2021 giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 22 đợt, trong đó giá xăng A95 tăng 6.820 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 7.040 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 5.200 đồng/lít.

– Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,5% chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm.

– Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 9,64% theo giá nguyên vật liệu đầu vào.

Bên cạnh đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 12/2021 tăng 0,51% so với cùng kỳ năm trước do giá lương thực tăng 3,86% và nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,38%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,07%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,12%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,24%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,42%.

Ở chiều ngược lại, có 3 nhóm hàng giảm giá:

– Nhóm giáo dục giảm 3,49% do trong học kỳ I năm học 2021-2022, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn, giảm học phí.

– Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,72% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.

– Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,2% do giá du lịch trọn gói và giá khách sạn, nhà khách giảm khi chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

II. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG QUÝ IV NĂM 2021

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý IV/2021 giảm 0,38% so với quý trước, tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2020.

1. Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong quý IV năm 2021

– Giá xăng dầu trong nước bình quân quý IV/2021 tăng 54,93% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,98 điểm phần trăm; giá dầu hỏa tăng 69,76% so với cùng kỳ năm 2020.

– Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas quý IV/2021 tăng 39,37% so với quý IV/2020, làm CPI chung tăng 0,57 điểm phần trăm.

– Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý IV tăng 9,27% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, góp phần làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm.

– Giá nhóm lương thực quý IV tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá gạo tăng 3,78% làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm.

– Giá đồ uống thuốc lá quý IV/2021 tăng 2,36% so với quý IV/2020 do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm.

2. Một số nguyên nhân làm giảm CPI trong quý IV năm 2021

– Giá các mặt hàng thực phẩm quý IV/2021 giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,28 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn và mỡ ăn lần lượt giảm 19,71% và 23,81%.

– Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm so với cùng kỳ năm trước làm cho giá vé máy bay quý IV/2021 giảm 21,86% so với quý IV/2020; giá du lịch trọn gói giảm 1,22%.

– Giá dịch vụ giáo dục quý IV giảm 3,61% so với cùng kỳ năm trước do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí học kỳ I năm học 2021-2022.

III. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG NĂM 2021

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với năm 2020, mức tăng bình quân năm thấp nhất kể từ năm 2016.

1. Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong năm 2021

– Trong năm 2021, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 22 đợt, trong đó giá xăng A95 tăng 6.820 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 7.040 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 5.200 đồng/lít. So với năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân năm tăng 31,74%, làm CPI chung tăng 1,14 điểm phần trăm.

– Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Trong năm 2021, giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng 9 đợt và giảm 3 đợt, bình quân năm 2021 gas tăng 25,89% so với năm trước, làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm.

– Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Lễ, Tết và nhu cầu tích lũy của người dân trong thời gian giãn cách xã hội làm cho giá gạo năm 2021 tăng 5,79% so với năm 2020 (làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm).

– Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở năm 2021 tăng 7,03% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm.

– Giá dịch vụ giáo dục năm 2021 tăng 1,87% so với năm 2020 (làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm) do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

2. Một số nguyên nhân làm giảm CPI trong năm 2021

– Giá các mặt hàng thực phẩm năm 2021 giảm 0,54% so với năm 2020, làm CPI giảm 0,12 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 10,52%; giá thịt gà giảm 0,28%.

– Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19 như gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý IV năm 2020 nhưng được thực hiện vào tháng 1/2021 và giảm giá điện, tiền điện cho người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại kỳ hóa đơn tháng 8, tháng 9/2021. Do đó, giá điện sinh hoạt bình quân năm 2021 giảm 0,89% so với năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm.

– Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế đi lại, theo đó giá vé máy bay năm 2021 giảm 21,15% so với năm trước; giá du lịch trọn gói giảm 2,32%.

– Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành các cấp đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường.

IV. LẠM PHÁT CƠ BẢN

Lạm phát cơ bản[4] tháng 12/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 0,67% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,81% so với năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,84%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng. Mức lạm phát cơ bản năm 2021 so với năm trước là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

PHẦN II: CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT, CHỈ SỐ GIÁ NGUYÊN NHIÊN VẬT LIỆU DÙNG CHO SẢN XUẤT, CHỈ SỐ GIÁ XUẤT KHẨU VÀ NHẬP KHẨU QUÝ IV VÀ NĂM 2021

 Năm 2021, thị trường hàng hóa thế giới chịu tác động nhiều yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị của các nước và diễn biến phức tạp dịch Covid-19. Kinh tế thế giới phục hồi khi các nước đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc – xin phòng chống dịch Covid-19 nhưng sự xuất hiện các biến chủng mới khiến quá trình phục hồi kinh tế có dấu hiệu chậm lại. Trong nước, dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động sản xuất, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành địa phương, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu và nhập khẩu năm 2021 tăng so với năm trước. Tỷ giá thương mại hàng hóa năm 2021 giảm 2,49% so với năm 2020, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

I. CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT SẢN PHẨM NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản quý IV/2021 tăng 0,78% so với quý III/2021 và tăng 0,07% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,12% so với năm trước, trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 2,44%; lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 0,55%; thủy sản khai thác, nuôi trồng tăng 1,33%.

1. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan quý IV/2021 tăng 0,67% so với quý trước và giảm 0,74% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó sản phẩm từ cây hàng năm tăng 2,54% và tăng 2,81%; sản phẩm từ cây lâu năm tăng 5,54% và tăng 7,38%; sản phẩm từ chăn nuôi giảm 5,99% và giảm 12,35%; dịch vụ nông nghiệp tăng 0,53% và tăng 1,41%; sản phẩm săn bắt, đánh bẫy và dịch vụ có liên quan giảm 0,62% và giảm 2,02%. Tính chung năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 2,44% so với năm trước, trong đó:

Chỉ số giá sản phẩm từ cây hàng năm, năm 2021 tăng 4,37% so với năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu dự trữ gạo trong nước và nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng làm giá thóc khô tăng 5,14%. Giá sản phẩm ngô và cây lương thực có hạt khác tăng 6,18% do nhu cầu sử dụng làm thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi nguồn cung trong và ngoài nước giảm. Bên cạnh đó, giá sản phẩm cây gia vị tăng 9,72% so với năm trước; giá mía cây tươi tăng 7,64%; giá sản phẩm cây dược liệu, hương liệu tăng 7,25%; giá rau các loại tăng 0,58%.

Chỉ số giá sản phẩm từ cây lâu năm, năm 2021 tăng 6,84% so với năm trước. Trong đó, giá hồ tiêu tăng cao 45,97%; giá sản phẩm mủ cao su khô tăng mạnh 15,84% do nhu cầu nhập khẩu cao su làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất tại Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ tăng cao. Ở chiều ngược lại, giá sản phẩm cây ăn quả giảm 5,8% so với năm trước do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các nhà máy chế biến hoa quả hạn chế hoạt động sản xuất; giá sản phẩm hạt điều khô giảm 3,27%; giá sản phẩm cây lấy quả chứa dầu giảm 2,72%.

Chỉ số giá sản phẩm từ chăn nuôi, năm 2021 giảm 3,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá sản phẩm chăn nuôi lợn và giống lợn giảm 7,56% do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, nguồn cung lợn hơi tăng[5], đồng thời nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, trong khi vận chuyển hàng hóa khó khăn và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao làm cho các hộ chăn nuôi phải bán sớm cắt lỗ. Giá sản phẩm chăn nuôi gia cầm năm 2021 giảm 1,43% so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung dồi dào[6], trong đó giá sản phẩm chăn nuôi gà giảm 1,48%; vịt, ngan, ngỗng giảm 1,34%.

2. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan quý IV/2021 tăng 0,17% so với quý trước và tăng 0,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá sản xuất sản phẩm trồng rừng, chăm sóc rừng và cây giống lâm nghiệp tăng 0,39% và tăng 0,99%; gỗ khai thác tăng 0,31% và tăng 2,11%; lâm sản khai thác, thu nhặt khác trừ gỗ giảm 0,19% và tăng 2,49%; dịch vụ lâm nghiệp tăng 0,06% và tăng 0,28%. Tính chung năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 0,55% so với năm 2020, trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm trồng rừng, chăm sóc rừng và cây giống lâm nghiệp tăng 0,51%; gỗ khai thác tăng 1,5%; lâm sản khai thác, thu nhặt khác trừ gỗ tăng 3,74%; riêng chỉ số giá dịch vụ lâm nghiệp giảm 0,25%.

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng chủ yếu do nhu cầu các sản phẩm phục vụ lễ, Tết như lá dong, mộc nhĩ, tre, nứa… vào dịp cuối năm tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, hoạt động trồng rừng và khai thác gỗ gặp nhiều khó khăn như thiếu nhân công, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các doanh nghiệp chế biến gỗ gặp trở ngại trong thu mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gỗ trong khi nhu cầu gỗ xây dựng, gỗ cho sản xuất và xuất khẩu tăng khiến giá gỗ tăng.

3. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng quý IV/2021 tăng 1,18% so với quý trước và tăng 2,51% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá nhóm thủy sản khai thác giảm 0,22% và tăng 0,52%; giá nhóm thủy sản nuôi trồng tăng 2,12% và tăng 3,81%. Tính chung năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng tăng 1,33% so với năm trước, trong đó giá nhóm thủy sản khai thác tăng 1,19%; giá nhóm thủy sản nuôi trồng tăng 1,44%.

Trong nhóm thủy sản khai thác, chỉ số giá sản phẩm thủy sản khai thác biển năm 2021 tăng 1,36% so với năm trước, chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ khai thác biển như giá xăng dầu, chi phí thuê nhân công tăng. Trong nhóm thủy sản nuôi trồng, chỉ số giá sản phẩm tôm nuôi nội địa năm 2021 tăng 2,42% so với năm trước do giá thức ăn chăn nuôi, giá thuốc thủy sản, chi phí xử lý môi trường nước nuôi tôm hạn chế nguy cơ dịch bệnh tăng, đồng thời nhu cầu nhập khẩu tôm của các nước cũng tăng cao.

II. CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý IV/2021 tăng 0,71% so với quý trước và tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 2,91% so với năm 2020. Trong đó, chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 15,4%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,63%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,16%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,45%.

1. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng quý IV/2021 tăng 4,35% so với quý trước và tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 15,4% so với năm trước. Trong đó, chỉ số giá dầu thô và khí đốt tự nhiên bình quân năm tăng 31,97% so với năm 2020 do giá dầu thế giới tăng cao khi hoạt động sản xuất tại các quốc gia đang dần phục hồi và OPEC+ tiếp tục duy trì khai thác sản lượng dầu dưới mức nhu cầu sử dụng của thị trường thế giới, cùng với đó tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu và châu Á thúc đẩy một số quốc gia chuyển sản xuất điện từ khí đốt sang dầu.

2. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2021 tăng 0,82% so với quý trước và tăng 4,01% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do: Chỉ số giá than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 41,89% do chi phí đầu vào sản xuất tăng; nhu cầu sử dụng nhiên liệu, xăng dầu trên thế giới tăng mạnh khi các nước kiểm soát được dịch Covid-19 đã tác động đến giá nhiên liệu xăng dầu trong nước. Chỉ số giá sản phẩm kim loại tăng 18,06%, nguyên nhân do giá sản phẩm sắt, thép tăng từ đầu năm 2021 theo giá thế giới; chi phí đầu vào sản xuất tăng; nguồn cung sắt, thép toàn cầu giảm do Trung Quốc giảm sản lượng sản xuất. Chỉ số giá thực phẩm chế biến tăng 4,18% do chi phí đầu vào sản xuất các loại thực phẩm chế biến tăng như giá nguyên liệu ngũ cốc, giá thức ăn chăn nuôi và chi phí vận chuyển nguyên nhiên vật liệu đầu vào sản xuất các loại thực phẩm chế biến tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chỉ số giá hóa chất tăng 4,06% do giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất hóa chất tăng, cùng với đó là sự gia tăng chi phí vận chuyển trong nước và thế giới do ảnh hưởng dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng do hàng loạt nhà máy tại châu Âu, nơi chiếm phần lớn sản lượng sản xuất và xuất khẩu của thế giới tạm dừng sản xuất, do các nguyên liệu chính là ammonia, phosphate, khí đốt khan hiếm và tăng giá cao.

3. Chỉ số giá sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí

Chỉ số giá sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí quý IV/2021 giảm 1,84% so với quý trước do Thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 và Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28/8/2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã giảm giá tiền điện (đợt 4) các khách hàng sử dụng điện tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Tính chung năm 2021, chỉ số giá sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,16% so với cùng kỳ năm trước.

4. Chỉ số giá sản xuất cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải

Chỉ số giá sản xuất cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải quý IV/2021 giảm 0,37% so với quý III/2021 và tăng 0,95% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá sản xuất cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải quý IV/2021 giảm so với quý trước do thời tiết mát mẻ, nhu cầu sử dụng nước sạch giảm, một số địa phương điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Tính chung năm 2021, chỉ số giá sản xuất cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,45% so với năm 2020 do một số địa phương điều chỉnh giá dịch vụ thu gom và xử lý rác thải, nước thải.

III. CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT DỊCH VỤ

Chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý IV/2021 tăng 0,54% so với quý trước và tăng 1,24% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 0,95% so với năm 2020, trong đó dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 0,11%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 1,2%; thông tin và truyền thông giảm 0,06%; giáo dục và đào tạo tăng 2,47%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 0,46%; nghệ thuật vui chơi, giải trí tăng 0,51%.

1. Chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi

So với quý trước, chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi quý IV/2021 tăng 1,79%, trong đó giá dịch vụ vận tải hàng không tăng 9,97%. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động vận tải hàng không trên cả nước đang dần trở về trạng thái “bình thường mới”, các hãng hàng không mở lại các chuyến bay chuẩn bị phục vụ dịp lễ, Tết. Thêm vào đó, giá xăng dầu tăng cao và các hoạt động vận tải cần đảm bảo an toàn phòng dịch là nguyên nhân đẩy giá dịch vụ vận tải đường bộ, xe buýt và đường thủy tăng trong quý IV/2021 lần lượt là 1,01% và 1,3%.

Tính chung năm 2021, chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 0,11% so với năm trước. Trong đó, chỉ số giá dịch vụ vận tải đường sắt, đường bộ năm 2021 tăng 0,52% so với năm 2020 (dịch vụ vận tải đường bộ và xe buýt tăng 0,64% do giá xăng dầu và cước vận chuyển hàng hóa đường bộ tăng tại các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội; dịch vụ vận tải đường sắt tăng 0,01%). Chỉ số giá dịch vụ vận tải đường thủy năm 2021 tăng 8,23% so với năm trước, trong đó giá dịch vụ vận tải đường ven biển và viễn dương tăng 9,52% do dịch Covid-19 kéo dài, một số quốc gia áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc đi lại và hoạt động giao thương. Chỉ số giá dịch vụ vận tải đường hàng không năm 2021 giảm 3,24%; chỉ số giá dịch vụ kho bãi và các dịch vụ liên quan đến hỗ trợ vận tải tăng 0,52%; dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 0,63% so với cùng kỳ năm trước.

2. Chỉ số giá dịch vụ lưu trú và ăn uống

Chỉ số giá dịch vụ lưu trú và ăn uống quý IV/2021 tăng 0,6% so với quý trước và tăng 2,04% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó dịch vụ lưu trú tăng 1,05% và giảm 0,21%; dịch vụ ăn uống tăng 0,53% và tăng 2,42%. Tính chung năm 2021, chỉ số giá dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 1,2% so với năm 2020. Trong đó, chỉ số giá dịch vụ lưu trú năm 2021 giảm 3,92% so với năm trước do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, dẫn tới tình trạng khách du lịch hoãn, hủy tour, hủy phòng tại các cơ sở lưu trú, các cơ sở kinh doanh giảm giá để thu hút khách. Chỉ số giá dịch vụ ăn uống năm 2021 tăng 2,07% so với năm trước chủ yếu do trong thời gian giãn cách xã hội, việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, cùng với đó người bán chủ động tăng giá đối với các đồ ăn, đồ uống mua mang về làm giá dịch vụ ăn uống tăng.

3. Chỉ số giá dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội

Chỉ số giá dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội quý IV/2021 tăng 0,44% so với quý trước và tăng 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, chỉ số giá dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội tăng 0,46% so với năm 2020 do thực hiện lộ trình tăng giá các dịch vụ trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ.

4. Chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo

Chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo quý IV/2021 tăng 0,44% so với quý trước do một số cơ sở giáo dục ngoài công lập phải tự chủ về kinh phí điều chỉnh mức tăng học phí phù hợp với quy định. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo quý IV/2021 tăng 0,92%. Tính chung năm 2021, chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 2,47% so với năm 2020, chủ yếu do thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng học phí các cấp trong năm học 2020-2021. Thêm vào đó, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập ở một số địa phương tăng học phí các cấp trong năm học 2021-2022.

IV. CHỈ SỐ GIÁ NGUYÊN NHIÊN VẬT LIỆU DÙNG CHO SẢN XUẤT

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý IV/2021 tăng 1,18% so với quý trước và tăng 6,43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,04% và tăng 8,93%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,12% và tăng 6,13%; dùng cho xây dựng tăng 1,87% và tăng 9,68%. Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý IV/2021 tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do chỉ số giá sản phẩm gang thép tăng 17,81% và chỉ số giá thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 10,7%.

Tính chung năm 2021, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào dùng cho sản xuất tăng 5,51% so với năm 2020, trong đó chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,22%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,42%; dùng cho xây dựng tăng 6,4%. Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào dùng cho sản xuất năm 2021 tăng chủ yếu do các nhóm nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trong sản xuất tăng, cụ thể: Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi năm 2021 tăng 7,14% so với năm 2020. Nguyên nhân chính do nguồn cung thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm, chi phí vận chuyển nguyên liệu nhập khẩu tăng cao vì thiếu tàu biển và công-ten-nơ rỗng làm cho giá nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu năm 2021 tăng 18,34% so với năm 2020. Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, sản phẩm nguyên liệu chế biến từ dầu mỏ năm 2021 tăng 23,37% so với năm trước; thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 13,22%; sản phẩm gang, sắt, thép tăng 12,66%; sản phẩm linh kiện điện tử tăng 8,77%; sản phẩm cây lâu năm tăng 6,15%; sản phẩm cá, mực biển, yến sào nguyên liệu tăng 6,18%; sản phẩm thủy sản khai thác tăng 5,16%; sản phẩm cao su tăng 3,4%. Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng, sản phẩm chế biến từ dầu mỏ tăng 18,13%; sản phẩm nguyên liệu từ kim loại gang, sắt, thép năm 2021 tăng 13,81% so với năm trước; sản phẩm đá, cát, sỏi, đất sét tăng 6,23%; sản phẩm dây và thiết bị dây dẫn tăng 6,07%; sản phẩm từ gỗ tăng 4,03%; sản phẩm thiết bị điện tăng 3,46%; dịch vụ hoàn thiện công trình xây dựng tăng 2,68%.

V. CHỈ SỐ GIÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, TỶ GIÁ THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA

1. Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý IV/2021 tăng 1,62% so với quý trước và tăng 5,13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 2,69% và tăng 10,15%; nhóm nhiên liệu tăng 6,37% và tăng 44,64%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 1,29% và tăng 3,15%. Trong 40 nhóm hàng xuất khẩu chính, có 37 nhóm hàng có chỉ số giá quý IV/2021 tăng so với quý trước, trong đó: Giá xuất khẩu phân bón các loại tăng 10,51%; giá xăng dầu tăng 8,04% theo giá thế giới; xuất khẩu than tăng 10,62%; hạt tiêu tăng 10,51%; chè tăng 8,42%; cà phê tăng 6,65%…

Tính chung năm 2021, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 2,86% so với năm trước, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 7,28%; nhóm nhiên liệu tăng 25,46%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 1,46%. Trong 40 nhóm hàng xuất khẩu chính, 36 nhóm hàng có chỉ số giá năm 2021 tăng so với năm trước. Trong đó: Giá xuất khẩu sắt, thép tăng cao 17,37%; giá xuất khẩu xăng dầu các loại tăng 25,19% theo giá nhiên liệu thế giới; giá xuất khẩu phân bón tăng 14,84%. Ở chiều ngược lại, có 4 nhóm hàng có chỉ số giá xuất khẩu năm 2021 giảm so với năm trước, trong đó máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 5,3%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 0,03%; thủy tinh và sản phẩm thủy tinh giảm 4,59%; hàng hóa khác giảm 2,95%.

2. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý IV/2021 tăng 3,83% so với quý trước và tăng 9,96% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 0,76% và tăng 13,33%; nhóm nhiên liệu tăng 7,33% và tăng 54,9%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 3,84% và tăng 7,97%. Trong 42 nhóm hàng nhập khẩu chính, có 33 nhóm hàng có chỉ số giá quý IV/2021 tăng so với quý trước, trong đó: Giá nhập khẩu khí đốt hóa lỏng tăng 22,81%; giá nhập khẩu phân bón các loại tăng 12,43%. Ở chiều ngược lại, có 12 nhóm hàng có chỉ số giá quý IV/2021 giảm so quý trước, trong đó giá nhập khẩu xe máy, linh kiện và phụ tùng giảm 10,32%; nguyên phụ liệu thuốc lá giảm 2,13%, sản phẩm từ cao su giảm 1,36%…

Tính chung năm 2021, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 10,66%; nhóm nhiên liệu tăng 40,56%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 3,76%. Trong 42 nhóm hàng nhập khẩu chính, 35 nhóm hàng có chỉ số giá năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Giá nhập khẩu khí đốt hóa lỏng tăng 42,93%; giá nhập khẩu xăng dầu các loại tăng 44,88% theo giá dầu thô thế giới; giá nhập khẩu sắt, thép tăng 23,21%; giá nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 18,34%. Ở chiều ngược lại, có 7 nhóm hàng có chỉ số giá nhập khẩu năm 2021 giảm so với năm trước, trong đó giá nhập khẩu sản phẩm từ giấy giảm 13,33%; giá nhập khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 5,57%…

3. Tỷ giá thương mại hàng hóa

Tỷ giá thương mại hàng hóa (TOT)([7]) quý IV/2021 giảm 2,13% so với quý trước và giảm 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, TOT giảm 2,49% so với năm 2020. Trong đó: Xăng dầu các loại giảm 13,6%; sắt, thép giảm 4,74%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 3,34%; hàng rau quả giảm 0,21%; cao su tăng 2,78%; hàng thủy sản tăng 1,63%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 0,72%.

Năm 2021, TOT giảm so với năm trước do chỉ số giá xuất khẩu có mức tăng thấp hơn mức tăng của chỉ số giá nhập khẩu, phản ánh Việt Nam đang ở vị trí không thuận lợi khi giá hàng nhập khẩu có lợi thế hơn so với giá hàng xuất khẩu./.

[1] Tốc độ tăng CPI bình quân các năm 2016-2021 so với năm trước lần lượt là: tăng 2,66%; tăng 3,53%; tăng 3,54%; tăng 2,79%; tăng 3,23%; tăng 1,84%.

[2] Chỉ số giá điện sinh hoạt tháng 12/2021 được tính dựa trên doanh thu và sản lượng điện tiêu dùng từ ngày 01-30/11/2021, do đó phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác.

[3] Tốc độ giảm chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tháng 12/2021 so với tháng trước của một số địa phương: Phú Yên giảm 17,31%; Bình Định giảm 9,27%; Quảng Ngãi giảm 7,06%; Kiên Giang giảm 5,59%; Hà Nội giảm 0,48%.

[4] CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.

[5] Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2021 ước tính đạt 4.180,2 nghìn tấn, tăng 3,6% so với năm 2020.

[6] Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng năm 2021 ước tính đạt 1.940,9 nghìn tấn, tăng 3,2% so với năm trước.

([7]) Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa.

Từ khóa » Giá Xăng Quý 4 Năm 2021