Thông Cáo Báo Chí Về Tình Hình Giá Tháng 12, Quý IV Và Năm 2020
Có thể bạn quan tâm
PHẦN I: TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG VÀ GIÁ TIÊU DÙNG
Giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; Giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu và do nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm tăng là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2020 tăng 0,10% so với tháng trước, tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước. CPI quý IV/2020 tăng 0,22% so với quý trước và tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2020, CPI tăng 3,23% so với năm 2019; Trong đó: CPI khu vực thành thị tăng 2,91%, khu vực nông thôn tăng 3,53% so với năm 2019. Lạm phát cơ bản năm 2020 tăng 2,31% so với năm 2019.
I. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG VÀ GIÁ CẢ THÁNG 12 NĂM 2020
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 07 nhóm hàng tăng giá, 03 nhóm hàng giảm giá và 01 nhóm hàng giá ổn định.
Trong 07 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 2,45% so với tháng trước do giá xăng dầu điều chỉnh tăng vào ngày 26/11/2020, 11/12/2020 và ngày 26/12/2020, trong đó: giá xăng E5 tăng 1.630 đồng/lít, giá xăng A95 tăng 1.770 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 1.540 đồng/lít so với tháng trước. Nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,15% so với tháng trước do thời tiết rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc nên nhu cầu mua sắm quần áo rét, giầy dép tăng làm cho giá các mặt hàng này tăng nhẹ. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,13% so với tháng trước do nhu cầu rượu và thuốc lá tiêu dùng trong dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch năm 2021 cũng như chuẩn bị nguồn hàng đón Tết Nguyên đán sắp tới; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12% so với tháng trước do tăng giá dịch vụ cá nhân như cắt tóc, gội đầu, uốn tóc. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01% so với tháng trước do thời tiết rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc nên nhu cầu sử dụng các thiết bị và đồ dùng gia đình phục vụ mùa đông tăng; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% chủ yếu tăng giá nhóm thuốc giảm đau và hạ sốt do thời tiết thay đổi thất thường, người dân dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp.
Trong 03 nhóm hàng giảm giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhiều nhất, giảm 0,41% so với tháng trước, giảm chủ yếu ở giá thịt lợn, giá thịt gia cầm, giá thủy sản tươi sống, giá rau xanh do nguồn cung nhiều. Tiếp theo, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,1% so với tháng trước do các công ty du lịch đưa ra các chương trình kích cầu du lịch nội địa làm cho giá dịch vụ du lịch trọn gói giảm. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,03% so với tháng trước do thời tiết lạnh ở các tỉnh phía Bắc và dịu mát ở các tỉnh miền Nam nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm.
Chỉ số giá nhóm hàng bưu chính viễn thông ổn định, trong đó, giá các mặt hàng điện thoại di động giảm do các hãng điện thoại cạnh tranh giảm giá vào dịp cuối năm nhằm kích cầu tiêu dùng, ở chiều ngược lại, giá dịch vụ sửa chữa điện thoại tăng.
II. DIỄN BIẾN GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 12 NĂM 2020 CỦA MỘT SỐ NHÓM HÀNG CHÍNH
1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,41%)
1.1. Lương thực (+0,43%)
Chỉ số giá gạo tháng 12/2020 tăng 0,64% so với tháng 11/2020 làm cho CPI chung tăng 0,02% so với tháng trước (chỉ số giá gạo khu vực thành thị tăng 0,38%, khu vực nông thôn tăng 0,83%) giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng vì lo ngại dịch Covid-19 có thể kéo dài. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của các nước như Thái Lan và Ấn Độ. Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 500 USD/tấn, đây là mức cao nhất từ tháng 12 năm 2011. Trong nước, nhu cầu dự trữ gạo dịp cuối năm, Tết Nguyên đán tăng khiến giá gạo tẻ ngon, gạo nếp tăng.
Ở chiều ngược lại, giá một số mặt hàng lương thực khác giảm do đang trong mùa thu hoạch như: giá khoai lang giảm 2,03%; giá ngô giảm 0,25%; giá sắn giảm 0,89% so với tháng trước.
Tại miền Bắc giá gạo tẻ thường ở mức 11.500 đồng/kg-12.500 đồng/kg, tại miền Nam gạo tẻ thường IR504 giá phổ biến 11.500 đồng/kg-12.500 đồng/kg; gạo tẻ thường IR74 giá 10.700 đồng/kg-12.000 đồng/kg, gạo tẻ ngon Nàng thơm chợ Đào giá 13.000 đồng/kg-14.500 đồng/kg, giá gạo nếp dao động từ 24.000 đồng/kg-28.500 đồng/kg.
1.2. Thực phẩm (-0,77%)
(1) Chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm ở một số mặt hàng:
– Giá thịt lợn giảm 1,65% so với tháng trước, trong đó khu vực thành thị giảm 1,33%; khu vực nông thôn giảm 1,87%. Giá thịt lợn giảm do nguồn cung tăng, ước tính tổng số lợn của cả nước tháng 12/2020 tăng khoảng 17% so với năm 2019; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 3.474,9 nghìn tấn, tăng 4,4% so với năm 2019 (quý IV ước đạt 991,8 nghìn tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019).
Giá thịt lợn hơi cả nước dao động trong khoảng 65.000 đồng/kg – 72.000 đồng/kg giảm 2.000 đồng/kg – 5.000 đồng/kg so với tháng trước. Theo đó, giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn giảm: giá thịt quay, giò chả giảm 0,6%; nội tạng động vật giảm 0,86%; mỡ ăn giảm 1,59% so với tháng trước;
– Giá các loại thịt gia cầm giảm 0,38% so với tháng trước, do nguồn cung trong nước nhiều, ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 12/2020 tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 1.453,7 nghìn tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019 (quý IV/2020 ước đạt 379,0 nghìn tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2019);
– Giá một số loại trái cây giảm: quả có múi như cam, quýt, bưởi giảm 3,6% so với tháng trước do đang vào chính vụ thu hoạch sản lượng nhiều;
– Giá rau tươi giảm 4,12% so với tháng trước do đang vào vụ thu hoạch hoa màu, thời tiết thuận lợi nên năng suất cao, trong đó: giá bắp cải giảm 10,01%; giá su hào giảm 12,02%; giá cà chua giảm 15,08%; giá khoai tây giảm 1,87%; giá rau dạng củ, quả giảm 2,18%.
(2) Bên cạnh các mặt hàng giảm giá, nhóm thực phẩm có các mặt hàng tăng giá sau:
– Giá thủy hải sản tươi sống tăng 0,22% so với tháng trước do nguồn cung cá khai thác biển giảm vì thời điểm cuối năm các tàu thuyền hạn chế đánh bắt xa bờ trong khi nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng. Bên cạnh đó, giá tôm tăng do nhu cầu chế biến hàng xuất khẩu, giá con giống, giá thức ăn và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Theo đó, giá thủy sản chế biến tăng 0,35% so với tháng trước;
– Giá bánh mứt, kẹo tăng 0,27% so với tháng trước do nhu cầu mặt hàng này tăng trong lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch năm 2021.
1.3. Ăn uống ngoài gia đình (+0,11%)
Giá ăn uống ngoài gia đình tăng tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hội chợ thương mại kích cầu tiêu dùng nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình tăng, cụ thể: giá uống ngoài gia đình tăng 0,11%; giá ăn ngoài gia đình tăng 0,08%; giá đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,29% so với tháng trước.
2. Đồ uống và thuốc lá (+0,13%)
Trong chỉ số giá nhóm này, giá mặt hàng rượu các loại tăng 0,14%; bia các loại tăng 0,16% và thuốc lá tăng 0,08% so với tháng trước do nhu cầu phục vụ Giáng sinh và Tết Dương lịch năm 2021 cũng như chuẩn bị nguồn hàng đón Tết Nguyên đán sắp tới.
3. May mặc, mũ nón và giầy dép (+0,15%)
Trong tháng 12, thời tiết rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc nên nhu cầu mua sắm quần áo rét, giầy dép tăng làm cho giá các mặt hàng này tăng nhẹ: giá bộ comple tăng 0,13%, quần áo may sẵn tăng 0,15%, các mặt hàng khăn mặt, khăn quàng, găng tay, bít tất và các dịch vụ may mặc,…tăng từ 0,05% đến 0,17%.
4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (-0,03%)
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,03% so với tháng trước chủ yếu giảm ở giá mặt hàng điện và nước sinh hoạt. Thời tiết lạnh ở các tỉnh phía Bắc và dịu mát ở các tỉnh miền Nam nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm làm cho chỉ số giá điện giảm 1,38%, chỉ số giá nước giảm 0,03% so với tháng trước.
Ở chiều ngược lại, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có các mặt hàng tăng giá như sau:
– Giá gas tháng 12/2020 tăng 1,87% so với tháng trước. Từ ngày 01/12/2020 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 6.500 đồng/bình 12 kg do giá gas thế giới bình quân công bố ở mức 455 USD/tấn, tăng khoảng 20 USD/tấn so với tháng 11 năm 2020;
– Nhóm vật liệu, bảo dưỡng nhà ở tăng 0,17% so với tháng trước, tăng chủ yếu ở giá cát do nguồn cung giảm khi việc khai thác gặp khó khăn trong mùa mưa, trong khi nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa cuối năm tăng cao;
– Giá dầu hỏa bình quân tăng 9,45% so với tháng trước do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh ngày 26/11/2020, 11/12/2020 và ngày 26/12/2020.
5. Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,01%)
Thời tiết rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc nên nhu cầu sử dụng các thiết bị và đồ dùng gia đình phục vụ mùa đông tăng làm cho giá ấm, phích nước điện tăng 0,15%; máy điều hòa nhiệt độ tăng 0,21%; máy giặt tăng 0,16%; đệm mút tăng 0,07%; chiếu, ga trải giường tăng 0,09% so với tháng trước.
6. Thuốc và dịch vụ y tế (+0,01%)
Rét đậm tại các tỉnh phía Bắc làm cho người già và trẻ nhỏ dễ bị mắc bệnh hô hấp, cúm nên nhu cầu các mặt hàng thuốc giảm đau; thuốc hạ sốt; chống viêm không steroid, thuốc điều trị gút và các bệnh xương tăng làm cho giá các mặt hàng thuốc này tăng cao hơn so với tháng trước.
7. Giao thông (+2,45%)
Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 2,45% so với tháng trước, chủ yếu ở những mặt hàng sau:
Giá xăng dầu điều chỉnh tăng vào ngày 26/11/2020, 11/12/2020 và ngày 26/12/2020, trong đó: giá xăng E5 tăng 1.630 đồng/lít, giá xăng A95 tăng 1.770 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 1.540 đồng/lít so với tháng trước. Theo đó, chỉ số giá xăng dầu tăng 6,52% so với tháng trước làm cho CPI chung tăng 0,23%.
Giá xe máy tăng 0,18%, giá phụ tùng tăng 0,03%, giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,3% do nhu cầu mua sắm, sửa chữa cuối năm tăng.
8. Văn hóa, giải trí và du lịch (-0,1%)
Các công ty du lịch đưa ra các chương trình kích cầu du lịch nội địa nên giá dịch vụ du lịch trọn gói giảm 0,12%; giá khách sạn, nhà khách giảm 0,11% so với tháng trước.
9. Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,12% )
Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng chủ yếu ở mặt hàng dịch vụ cá nhân như cắt tóc, gội đầu, uốn tóc tăng 0,38% so với tháng trước. Vào mùa cưới nên giá các vật dụng, dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,31%; nhu cầu đồ thờ cúng vào dịp cuối năm tăng nên giá các mặt hàng này tăng 0,11% so với tháng trước.
10. Chỉ số giá vàng (-0,83%)
Giá vàng bình quân trong nước biến động theo với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới giảm nhanh trong những ngày đầu tháng 12 sau khi đạt đỉnh vào ngày 8/11/2020 ở mức 1.963,38 USD/ounce trước các thông tin vắc xin Covid-19 được nhiều quốc gia phê duyệt và Mỹ có thể sớm bổ sung gói hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên, sau khi Quốc hội Mỹ thống nhất về gói kích thích kinh tế 900 tỉ USD, giá vàng thế giới tăng trở lại trong những ngày gần đây. Bình quân đến ngày 26/12/2020 giá vàng thế giới ở mức 1.857,27 USD/ounce giảm 0,42% so với tháng trước. Trong nước, bình quân tháng 12/2020 giá vàng giảm 0,83% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 5,4 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
11. Chỉ số giá đô la Mỹ (-0,23%)
Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm do các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã thống nhất về gói kích thích kinh tế 900 tỉ USD, bao gồm các khoản hỗ trợ trực tiếp cho các cá nhân. Một lượng tiền lớn sẽ ra thị trường gây áp lực giảm giá lên đồng USD. Chỉ số đô la Mỹ đo lường biến động đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tháng 12/2020 ở mức 90,61 điểm, giảm 2,13% so với tháng trước. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ giá giữa VND và USD tháng 12/2020 giảm 0,23% so với tháng trước, giá USD bình quân ở thị trường tự do tháng này ở quanh mức 23.231 VND/USD.
III. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG VÀ GIÁ CẢ QUÝ IV NĂM 2020
CPI quý IV/2020 tăng 0,22% so với quý trước và tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng quý năm trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,23%; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,26%; May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,48%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,51%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,79%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,54%; Giáo dục tăng 3,82%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,2%. Có 3 nhóm giảm giá: Giao thông giảm 12,82%; Bưu chính viễn thông giảm 0,55%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,28%.
Một số nguyên nhân làm tăng CPI quý IV/2020 so với cùng kỳ năm trước
(1) Chỉ số giá nhóm thực phẩm quý IV/2020 tăng 6,39% so với cùng kỳ năm trước. Riêng giá thịt lợn quý IV/2020 tăng 23,21% so với cùng quý năm trước làm cho CPI chung tăng 0,79%.
(2) Giá gạo quý IV/2020 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu trong nước và thế giới tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thêm vào đó chất lượng gạo của Việt Nam được các đối tác trên thị trường quốc tế đánh giá cao.
(3) Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình quý IV/2020 tăng 6,11% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá thực phẩm tăng cao nên giá suất ăn ở quán bình dân tăng.
(4) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, theo đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục quý IV/2020 tăng 4,17% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh một số nguyên nhân làm tăng CPI quý IV/2020 còn một số nguyên nhân làm giảm CPI quý IV/2020 so với cùng kỳ năm trước
(1) Trong quý IV/2020, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 8 đợt tăng/giảm khác nhau giữa các loại xăng và dầu diezen. Bình quân quý IV/2020 giá xăng dầu giảm 25,70% so với cùng kỳ năm trước.
(2) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm giá vé tàu hỏa, theo đó, giá vé tàu hỏa quý IV/2020 giảm 3,76% so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại của người dân giảm làm cho giá vé máy bay quý IV/2020 giảm 37,67% so với cùng kỳ năm trước.
(3) Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến ngành du lịch, nhu cầu du lịch của người dân giảm so với cùng kỳ. Chỉ số giá dịch vụ du lịch trọn gói quý IV/2020 giảm 4,82% so với cùng kỳ năm trước.
IV. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG VÀ GIÁ CẢ NĂM 2020
Chỉ số giá tiêu dùng năm 2020 tăng 3,23% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2019 dưới 4% của Quốc Hội đề ra đã đạt được trong bối cảnh một năm với nhiều biến động khó lường.
(1) Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong năm 2020
– Tháng 01 và tháng 02 là tháng Tết nên nhu cầu mua sắm tăng cao, giá các mặt hàng lương thực bình quân năm 2020 tăng 4,51% so với năm trước góp phần làm cho CPI chung tăng 0,17%. Giá gạo năm 2020 tăng 5,14% so với năm trước do giá gạo xuất khẩu tăng cùng với nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng.
– Giá các mặt hàng thực phẩm năm 2020 tăng 12,28% so với năm trước góp phần làm cho CPI tăng 2,61% chủ yếu do giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, nhất là giá mặt hàng thịt lợn tăng cao do nguồn cung chưa được đảm bảo, giá thịt lợn tăng 57,23% so với năm trước làm cho CPI chung tăng 1,94%. Theo đó, giá thịt chế biến tăng 21,59%; mỡ lợn tăng 58,99% so với năm trước. Do ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung trong tháng 10 và tháng 11 tác động làm cho diện tích rau màu ngập nặng, nhiều ao, hồ, chuồng trại bị hư hỏng, cuốn trôi,…làm cho giá rau tươi, khô và chế biến tăng;
– Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn phức tạp, nhu cầu về một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh phục vụ trong nước và xuất khẩu ở mức cao nên giá các mặt hàng này có xu hướng tăng nhẹ. Bình quân năm 2020 giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,35% so với năm trước;
– Giá dịch vụ giáo dục năm 2020 tăng 4,32% so với năm 2019 do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
(2) Các yếu tố kiềm chế CPI trong năm 2020
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI năm 2020 như sau:
– Giá xăng dầu, giá gas trong nước giảm mạnh theo giá thế giới là yếu tố chính làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong các tháng từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2020. Giá xăng dầu trong nước bình quân năm 2020 giảm 23,03% so với năm trước tác động làm CPI chung giảm 0,83%; Giá gas bình quân năm 2020 giảm 0,95% so với năm trước; Giá dầu hỏa bình quân năm 2020 giảm 31,21% so với năm trước;
– Nhu cầu du lịch giảm trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần 1 và lần 2 nên bình quân năm 2020 giá du lịch trọn gói giảm 6,24% so với năm trước;
– Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại của người dân giảm, bình quân năm 2020 so với năm trước, giá vé máy bay giảm 34,7%; giá vé tàu hỏa giảm 2,12%;
– Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19. Cụ thể, gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng với thời gian là từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020. Theo đó, giá điện tháng 5 (dựa trên sản lượng và doanh thu điện sinh hoạt từ ngày 01/4/2020 đến ngày 30/4/2020) và tháng 6 năm 2020 (dựa trên sản lượng và doanh thu điện sinh hoạt từ ngày 01/5/2020 đến ngày 31/5/2020) giảm lần lượt là 0,28% và 2,72% so với tháng trước;
– Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành các cấp đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định thị trường, đảm bảo đời sống của nhân dân.
V. LẠM PHÁT CƠ BẢN
Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) năm 2020 tăng 2,31% so với năm 2019.
Bình quân năm 2020 lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và giá dịch vụ giáo dục tăng. Lạm phát cơ bản so cùng kỳ giảm dần từ mức 3,25% trong tháng 01/2020 về mức 0,99% trong tháng 12/2020. Điều này phản ánh kết quả của điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2020.
PHẦN II: TỔNG QUAN CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT, CHỈ SỐ GIÁ XUẤT KHẨU VÀ NHẬP KHẨU QUÝ IV VÀ NĂM 2020
Năm 2020 ảnh hưởng của dịch Covid-19; dịch tả lợn châu Phi; căng thẳng thương mại Mỹ – Trung; Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác chủ chốt (OPEC+) cắt giảm sản lượng dầu; Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ký ngày 15/11/2020 và thực hiện các chính sách của nhà nước liên quan điều chỉnh giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của hoạt động sản xuất là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa quý IV/2020 và bình quân năm 2020 biến động so với năm 2019. Tỷ giá thương mại (TOT) hàng hóa quý IV/2020 giảm 0,81% và bình quân năm 2020 giảm 0,74% so với năm 2019.
I. TỔNG QUAN BIẾN ĐỘNG CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT, CHỈ SỐ GIÁ XUẤT KHẨU VÀ NHẬP KHẨU
Chỉ số giá sản xuất hàng hóa và dịch vụ sơ bộ quý IV/2020 biến động so với cùng kỳ năm 2019, theo các nhóm như sau: chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,75%; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,78%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ giảm 1,3%; chỉ số giá nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa lần lượt giảm 0,49% và 1,3%. Bình quân năm 2020 so với năm 2019, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,24%; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,6%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ giảm 0,73%; chỉ số giá nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa lần lượt giảm 0,59% và 1,32%. Các loại chỉ số giá sản xuất hàng hóa và dịch vụ, chỉ số giá xuất khẩu và nhập khẩu quý IV và năm 2020 biến động do các nguyên nhân sau:
a) Do yếu tố thị trường
(1) Thị trường hàng hóa thế giới năm 2020 chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị của các nước, như: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia; Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục kéo dài. Trong bốn tháng đầu năm 2020, tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác chủ chốt không đạt được thỏa thuận cắt giảm nguồn cung, Ả Rập Xê Út quyết định tăng sản lượng làm cho giá dầu thế giới giảm mạnh. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, các yếu tố địa chính trị, kinh tế tiếp tục tác động làm giá dầu tăng, như: Diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ; Kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu sau khi một số quốc gia đồng loạt công bố kết quả nghiên cứu vắc xin Covid-19 có hiệu quả, ngày 19/12/2020 Mỹ chính thức phê chuẩn vắc xin ngừa Covid-19; nguồn cung xăng dầu giảm do thu hẹp hoạt động khai thác của một số quốc gia sản xuất lớn ngoài OPEC+ và thực hiện thỏa thuận của các nước OPEC+ về cắt giảm sản lượng khai thác dầu từ tháng 8 năm 2020 xuống 7,7 triệu thùng/ngày đến tháng 12 năm 2020.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất hai lần vào ngày 03/3/2020 và ngày 15/3/2020, lãi suất điều chỉnh từ 1%-1,25% xuống biên độ 0%-0,25% và giữ nguyên mức lãi suất này đến năm 2023. Những động thái mạnh mẽ của FED nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Mỹ, đồng thời FED triển khai các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, năm 2020 nhiều nước hạn chế mở cửa biên giới, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, làm ảnh hưởng chuỗi cung ứng và tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào sản xuất sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Quý IV/2020 giá đô la Mỹ (USD) và giá vàng có nhiều biến động gây ảnh hưởng đến giá các mặt hàng kim loại quý, kim loại công nghiệp và giá các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thanh toán bằng USD, dẫn đến giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2020 tăng, giảm đan xen.
Tính đến ngày 26/12/2020 giá dầu Brent bình quân năm 2020 ở mức 43,09 USD/thùng, giảm 32,84% so với tháng 12 năm 2019 và giảm 33,88% so với cùng kỳ năm 2019([1]); giá xăng Ron 92 tại thị trường Singapore bình quân 44,1 USD/thùng, giảm 38,15% so với tháng 12 năm 2019 và giảm 38,17% so với năm 2019([2]). So với năm 2019, bình quân năm 2020 giá của một số mặt hàng tăng hoặc giảm như sau: Giá sắt, thép xuất khẩu giảm 5,68%; giá phân bón giảm 5,07%; giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 4,78%; giá đậu tương sàn giao dịch Chicago của Mỹ giảm 0,24%; giá cao su tại thị trường Trung Quốc giảm 0,07%.
(2) Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quý IV/2020 so với cùng kỳ năm 2019 giá nhập khẩu một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước tăng, như: Giá sản phẩm dầu mỡ động thực vật tăng 12,78%; giá sản phẩm từ giấy tăng 9,59%; giá vải may mặc các loại tăng 1,96%; giá thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 1,33%. Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào các ngành sản phẩm sản xuất trong nước quý IV/2020 tăng từ 0,56%-9,23% so với cùng kỳ năm trước, bình quân năm 2020 tăng từ 1,49%-8,38% so với năm 2019.
(3) Ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương năm 2020, làm ảnh hưởng nguồn cung thịt lợn trong nước, năm 2020 sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 3.474,9 nghìn tấn, tăng 4,4% so với năm 2019.
b) Do chính sách quản lý, điều hành của Chính phủ và các Bộ, ngành
(1) Tăng mức lương tối thiểu các vùng từ ngày 01/01/2020 (tăng khoảng 4,01% đến 5,7%), thực hiện theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019.
(2) Chính phủ ban hành kịp thời nhiều chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cụ thể: Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19([3]); Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19; Nghị quyết số 154/NQ-CP, ngày 19/10/2020 về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 180/NQ-CP, ngày 17/12/2020 về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 2) cho các khách hàng sử dụng điện.
(3) Thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
(4) Chính phủ và các Bộ, ngành triển khai quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá; đồng thời các chính sách về tài khóa, tiền tệ và các gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 và được triển khai đồng bộ, toàn diện.
(5) Thực hiện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, ngày 03/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Tính đến ngày 26/12/2020 giá xăng dầu trong nước có 24 đợt điều hành, trong đó có 13 đợt điều chỉnh giảm và 10 đợt điều chỉnh tăng và 01 đợt không thay đổi, tổng cộng giá xăng A95 giảm 4.520 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 4.370 đồng/lít, giá dầu diezel giảm 4.220 đồng/lít, bình quân năm 2020 giá xăng dầu giảm 23,03% so với năm 2019.
(6) Giá nước sinh hoạt, nước kinh doanh và giá dịch vụ thu gom chất thải sinh hoạt tăng tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
II. DIỄN BIẾN CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT, CHỈ SỐ GIÁ XUẤT KHẨU VÀ NHẬP KHẨU QUÝ IV VÀ NĂM 2020
1. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý IV/2020 tăng 0,88% so với quý trước, tăng 7,75% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 tăng 8,24% so với năm 2019.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp quý IV/2020 tăng 1,01% so với quý trước, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 tăng 11,87% so với năm 2019. So với quý trước, giá cao su mủ khô, giá hồ tiêu, giá thóc quý IV/2020 tăng lần lượt 13,14%; 7,49%; 1,83%, do nguồn cung giảm, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu sản xuất găng tay cao su y tế tăng; trên thế giới ngành ô tô toàn cầu hồi phục, đặc biệt ở Trung Quốc; nhu cầu nhập khẩu dự trữ gạo của các nước tăng. Bình quân năm 2020 so với năm 2019, giá thịt lợn hơi tăng 75,93%; lợn đặc sản thịt hơi tăng 42,1%; lợn giống tăng 49,86%, do nguồn cung lợn giống giảm, giá lợn giống cao([4]), chi phí đầu vào tăng, tốc độ tái đàn lợn chậm làm khan hiếm sản lượng cung lợn hơi trên thị trường. Bình quân năm 2020 so với năm 2019, giá quả chứa dầu tăng 54,4%, do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tăng trong các đợt nắng nóng, phục vụ sản xuất các sản phẩm xuất khẩu và chế biến các sản phẩm bánh, kẹo, mứt… dịp cuối năm.
Bên cạnh các sản phẩm giá tăng, một số sản phẩm nông nghiệp giá giảm: Giá sản phẩm chăn nuôi lợn, gia cầm quý IV/2020 giảm lần lượt 6,07%; 0,99% so với quý trước, do nguồn cung tăng([5]), nhập khẩu lợn sống và các sản phẩm thịt lợn đông lạnh về Việt Nam tăng. Ảnh hưởng dịch Covid-19 các nhà hàng, quán ăn hoạt động cầm chừng, nhu cầu gia cầm giảm. Bình quân năm 2020 so với năm 2019, giá hạt điều, hồ tiêu giảm lần lượt 11,84%, 4,29%, do thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng dịch Covid-19 nhiều nước đóng cửa khẩu, xuất khẩu hạt điều, hồ tiêu gặp nhiều khó khăn.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp quý IV/2020 tăng 0,11% so với quý trước, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 giảm 0,19% so với năm 2019. Giá gỗ khai thác, sản phẩm lâm sản thu nhặt quý IV/2020 tăng lần lượt 0,49%; 0,6% so với quý trước, do thời điểm cuối năm nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa, mua sắm đồ nội thất gỗ tăng, nguồn cung gỗ khai thác giảm; nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thu nhặt các tháng cuối năm tăng. Ảnh hưởng dịch Covid-19 một số nước nhập khẩu gỗ từ Việt Nam đóng cửa biên giới, làm giá gỗ khai thác bình quân năm 2020 giảm 2,1% so với năm 2019.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm thủy sản quý IV/2020 tăng 0,56% so với quý trước, giảm 1,63% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 giảm 1,29% so với năm 2019. Giá cá khai thác biển, giá tôm nuôi nước lợ quý IV/2020 tăng lần lượt 1,78%; 1,14% so với quý trước, do cuối năm các tàu thuyền hạn chế đánh bắt xa bờ, thời tiết không thuận lợi; nhu cầu tăng. Giá con giống, giá thức ăn và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Ở chiều ngược lại, giá sản phẩm thủy sản biển nuôi trồng và giá giống thủy sản quý IV/2020 giảm lần lượt 0,25%; 1,18% so với quý trước, do dịch bệnh các sản phẩm thủy sản nuôi trồng được kiểm soát, sản lượng thu hoạch tăng; nguồn cung con giống dồi dào. Bình quân năm 2020, chỉ số giá sản xuất sản phẩm thủy sản giảm chủ yếu ở giá sản phẩm thủy sản biển nuôi trồng và giá tôm nuôi nước lợ giảm lần lượt 0,97%; 5,44% so với năm 2019, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhiều nước đóng cửa khẩu, nhu cầu tiêu dùng từ khách du lịch giảm trong ba quý đầu năm 2020.
2. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý IV/2020 tăng 0,1% so với quý trước, giảm 0,78% so với quý IV/2019; bình quân năm 2020 giảm 0,6% so với năm 2019. Biến động cụ thể ở một số nhóm hàng như sau:
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng quý IV/2020 giảm 0,33% so với quý trước, giảm 10,42% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 giảm 8,76% so với năm 2019. Trong đó: (1) Giá quặng kim loại và tinh quặng kim loại quý IV/2020 tăng 2,02% so với quý trước; tăng 13,31% so với quý IV/2019; bình quân năm 2020 so với năm 2019, giá quặng kim loại và tinh quặng kim loại tăng 7,98%, do giá quặng sắt trong nước tăng theo giá quặng sắt thế giới; nhu cầu thép của Trung Quốc tăng do phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. (2) Giá sản phẩm khai khoáng khác quý IV/2020 tăng 0,12% so với quý trước; tăng 0,71% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 tăng 1,48% so với năm 2019, do cuối năm nhu cầu sử dụng sản phẩm khai khoáng khác tăng, nguồn cung giảm; ảnh hưởng dịch Covid-19 việc khai thác các sản phẩm khai khoáng khác khó khăn; giá điện sản xuất cao, chi phí nhân công tăng .Ở chiều ngược lại Giá dầu thô và khí đốt tự nhiên khai thác quý IV/2020([6])giảm 0,64% so với quý trước; giảm 20,96% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 giá dầu thô và khí đốt tự nhiên khai thác giảm 18,46% so với năm 2019, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2020 tăng 0,09% so với quý trước, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 giảm 0,23% so với năm 2019. Giá nhóm sản phẩm kim loại; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế quý IV/2020 tăng lần lượt 1,96%; 1,51% so với quý trước, do nhu cầu hoạt động xây dựng tăng, giá quặng sắt trên thị trường thế giới tăng và nhu cầu than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế ở Trung Quốc tăng sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, bình quân năm 2020, giá than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 29,22% so với năm 2019, do giá nguyên liệu đầu vào sản xuất giảm như: Giá xăng dầu giảm, giá điện sản xuất giảm([7]) các tháng 4; 5; 6 năm 2020.
Chỉ số giá sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí quý IV/2020 tăng 0,36% so với quý trước, giảm 1,96% so với cùng kỳ năm 2019, do nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất các tháng cuối năm tăng; giá than sản xuất điện tăng. Tuy nhiên, bình quân năm 2020 chỉ số giá giảm 1,32% so với năm 2019, do quý II; III/2020 giá điện giảm lần lượt 3,38%; 3,68% so với năm 2019, do giá than nhập khẩu quý II/2020 giảm.
Chỉ số giá sản xuất cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải quý IV/2020 tăng 0,44% so với quý trước, tăng 2,38% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 tăng 2,65% so với năm 2019, do một số tỉnh, thành phố điều chỉnh giá nước sinh hoạt, giá dịch vụ thu gom chất thải sinh hoạt; nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng và sự khan hiếm nước sinh hoạt vào mùa nắng nóng; do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, nhu cầu xử lý rác thải, nước thải tăng.
3. Chỉ số giá sản xuất dịch vụ
Chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý IV/2020 tăng 0,66% so với quý trước, giảm 1,3% so với quý IV/2019; bình quân năm 2020 giảm 0,73% so với năm 2019. Biến động cụ thể ở một số dịch vụ như sau:
Chỉ số giá dịch vụ vận tải kho bãi quý IV/2020 tăng 0,28% so với quý trước; giảm 5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 giảm 5,21% so với năm 2019. Trong quý IV/2020 dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, nhu cầu đi lại tăng làm cho giá dịch vụ hàng không tăng 2,88%, giá dịch vụ vận tải đường thủy nội địa tăng 0,12% so với quý trước. Tuy nhiên, năm 2020 ngành vận tải bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19, nhu cầu đi lại, du lịch, vận chuyển hàng hóa giảm, các doanh nghiệp vận tải giảm giá vận tải. Dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 giảm 35,94% so với năm 2019 và giảm nhiều nhất trong quý II/2020, do thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Giá dịch vụ vận tải đường sắt năm 2020 giảm 4,63% so với năm 2019, do Tổng Công ty Đường sắt giảm giá vé sau mùa cao điểm như mùa du lịch, lễ tết…Ở chiều ngược lại, chỉ số giá dịch vụ kho bãi và các dịch vụ liên quan đến hoạt động hỗ trợ cho vận tải năm 2020 tăng 1,03% so với năm 2019, do giá nhân công bốc xếp tăng; Giá dịch vụ bưu chính và chuyển phát năm 2020 tăng 0,63% so với năm 2019, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng.
Chỉ số giá dịch vụ lưu trú và ăn uống quý IV/2020 tăng 0,02% so với quý trước, giảm 0,04% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 tăng 0,8% so với năm 2019. Giá dịch vụ ăn uống quý IV/2020 tăng 0,23% so với quý trước, tăng 1,36% so với cùng kỳ năm 2019; bình quân năm 2020 tăng 1,9% so với năm 2019, do giá thực phẩm tươi sống, như giá thịt lợn năm 2020 tăng cao so với năm 2019. Ở chiều ngược lại, chỉ số giá dịch vụ lưu trú quý IV/2020 giảm 1,19% so với quý trước, giảm 8,09% so với cùng kỳ năm 2019; bình quân năm 2020 giảm 5,62% so với năm 2019, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá thuê phòng khách sạn, phòng trọ giảm mạnh, nhiều khách sạn, nhà nghỉ phải đóng cửa ngừng hoạt động hoặc rao bán khách sạn do không có khách lưu trú, kinh doanh thua lỗ.
Chỉ số giá dịch vụ hành chính và hỗ trợ quý IV/2020 giảm 0,44% so với quý trước, giảm 5,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: chỉ số giá dịch vụ hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các hoạt động liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch quý IV/2020 giảm 2,35% so với quý trước; chỉ số giá nhóm hoạt động dịch vụ vệ sinh nhà cửa, công trình và cảnh quan quý IV/2020 tăng 0,14% so với quý trước, do nhu cầu vệ sinh công nghiệp tòa nhà, cao ốc vào dịp cuối năm tăng. Bình quân năm 2020, chỉ số giá dịch vụ hành chính và hỗ trợ giảm 3,06% so với năm 2019, do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo quý IV/2020 tăng 2,03% so với quý trước, tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 tăng 3,47% so với năm 2019, do thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 02/10/2015 của Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó đã tăng học phí các cấp học khi bước vào năm học 2020-2021.
Chỉ số giá hoạt động dịch vụ khác quý IV/2020 tăng 0,23% so với quý trước, tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 tăng 3,48% so với năm 2019. So với quý trước, trong 3 nhóm sản phẩm chính có 2 nhóm sản phẩm chính tăng giá và 1 nhóm ổn định so với quý trước, trong đó tăng cao nhất là nhóm hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân khác (tăng 0,33%). Chỉ số giá hoạt động dịch vụ khác quý IV và năm 2020 tăng chủ yếu do giá dịch vụ phục vụ cá nhân tăng mạnh, đặc biệt giá các dịch vụ làm đẹp tăng cao khi bước vào giai đoạn cao điểm mùa cưới và dịp lễ tết cuối năm.
Chỉ số giá hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình quý IV/2020 tăng 0,2% so với quý trước, tăng 3,19% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 tăng 4% so với năm 2019, do nhu cầu tìm người giúp việc, dọn nhà tăng.
4. Chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa
a) Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý IV/2020 tăng 0,54% so với quý trước, giảm 1,3% so với quý IV/2019; bình quân năm 2020 giảm 1,32% so với năm 2019.
So với quý trước trong số 40 nhóm hàng xuất khẩu chính có 27 nhóm hàng có chỉ số giá tăng và tăng nhiều nhất là các nhóm: quặng và khoáng sản tăng 6,02%, hạt điều tăng 5,75%, xăng dầu các loại tăng 5,21%, gạo tăng 4,52%; có 8 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và giảm nhiều nhất là thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 2,82%, sản phẩm từ hóa chất giảm 2,63% và điện thoại và thiết bị di động giảm 1,65% và có 5 nhóm hàng giá ổn định: hàng rau quả; hóa chất; chất dẻo…;
Một số nguyên nhân làm tăng chỉ số giá xuất khẩu quý IV/2020 và năm 2020: Giá hạt điều; gạo; dầu thô; chè xuất khẩu của Việt Nam quý IV/2020 tăng lần lượt 5,75%; 4,52%; 3,62%; 0,24% so với quý trước. Bình quân năm 2020 so với năm 2019, giá chè, gạo xuất khẩu tăng lần lượt 10,11%; 4,78%. Do nhu cầu tăng của các nước nhập khẩu hạt điều lớn phục vụ dịp lễ tết; các nước xuất khẩu chè lớn bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Nhu cầu dự trữ gạo của các quốc gia nhập khẩu gạo tăng, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tốt hơn; khan hiếm Container vận chuyển gạo làm cho chi phí vận chuyển tăng… Hiệp định EVFTA có hiệu lực; Hiệp định RCEP ký ngày 15/11/2020, tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu gạo.
Một số nguyên nhân làm giảm chỉ số giá xuất khẩu quý IV và năm 2020: Giá điện thoại và thiết bị di động xuất khẩu quý IV/2020 giảm 1,65% so với quý trước, do các hãng điện thoại lớn như Samsung giảm giá. Giá than đá xuất khẩu quý IV/2020 giảm 0,48% so với quý trước, do nhu cầu tiêu thụ than của các nước giảm. Bình quân năm 2020 so với năm 2019, giá dầu thô, hạt điều, giá điện thoại di động, than đá xuất khẩu giảm lần lượt 31,78%; 3,59%; 1,25%; 1,1% do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhu cầu sử dụng nhiên liệu, tiêu thụ điện thoại di động trên thế giới giảm, thu nhập của người dân giảm, xuất khẩu gặp khó khăn.
b) Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa
Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý IV/2020 tăng 0,38% so với quý trước, giảm 0,49% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 giảm 0,59% so với năm 2019.
So với quý trước trong số 42 nhóm hàng nhập khẩu chính có 23 nhóm hàng có chỉ số giá tăng và tăng nhiều ở các nhóm hàng: Khí đốt hóa lỏng tăng 18,55%; Kim loại thường khác tăng 3,47%; Xăng dầu các loại tăng 2,52%; có 15 nhóm hàng giảm giá và giảm nhiều ở các nhóm: Sản phẩm từ cao su giảm 1,71%; cao su nguyên liệu giảm 1,09%; Dầu mỡ động thực vật giảm 1,09%; có 4 nhóm hàng giá ổn định: Dược phẩm và sản phẩm từ ngũ cốc…;
Một số nguyên nhân làm tăng chỉ số giá nhập khẩu quý IV và năm 2020: Giá khí đốt hóa lỏng tăng 18,55% so với quý trước, do ảnh hưởng của thị trường khí đốt trên thế giới giá tăng, thời tiết lạnh nhu cầu sử dụng khí đốt tăng. Giá xăng dầu tăng 2,52% so với quý trước, do giá xăng dầu nhập khẩu biến động theo giá dầu thô thế giới. Giá nhóm hàng thủy sản tăng 0,56% so với quý trước, do vào dịp cuối năm nhu cầu hàng thủy sản cho dịp lễ Noel và Tết Dương lịch tăng. Bình quân năm 2020 so với năm 2019, giá dầu mỡ động thực vật, lúa mỳ nhập khẩu tăng lần lượt 9,01%; 0,6% do nhu cầu tiêu dùng tăng.
Một số nguyên nhân làm giảm chỉ số giá nhập khẩu quý IV/2020 và năm 2020: Giá dầu mỡ động thực vật quý IV/2020 giảm 1,09% so với quý trước. So với quý trước nhóm dầu nành giá giảm 1,68%; giá lúa mỳ quý IV/2020 giảm 0,58%. Giá khí đốt hóa lỏng bình quân năm 2020 giảm 12,96% so với năm 2019, do quý II; III/2020 giá lần lượt giảm 28,48% và 18,17% so cùng kỳ năm trước, do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thấp, tồn kho tăng. Giá xăng dầu bình quân năm 2020 giảm 2,65% so với năm 2019, do nhu cầu giảm. Giá nhập khẩu hàng thủy sản bình quân năm 2020 giảm 1,78% so với năm 2019, giảm chủ yếu ở giá tôm sú và tôm thẻ do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
5. Tỷ giá thương mại hàng hóa
Tỷ giá thương mại (TOT) hàng hóa quý IV/2020 tăng 0,15% so với quý trước, giảm 0,81% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 giảm 0,74% so với năm 2019.
Quý IV/2020 TOT hàng hóa so với quý trước tăng 0,15%, phản ánh giá hàng hóa xuất khẩu quý IV/2020 so với quý trước có lợi thế hơn so với giá hàng hóa nhập khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu có chỉ số giá tăng trong quý IV/2020, như: Gạo; hạt tiêu; hạt điều; xăng dầu; quặng và khoáng sản với mức tăng từ 3,62% đến 6,02% tác động làm chỉ số giá xuất khẩu chung tăng 0,54%, cao hơn mức tăng 0,38% của chỉ số giá nhập khẩu. Bình quân năm 2020, TOT hàng hóa giảm 0,74% so với năm 2019, trong đó có 4 nhóm hàng hóa TOT giảm, gồm: xăng dầu các loại giảm 16,95%; sắt, thép giảm 5,85%; hàng thủy sản giảm 4,3%; hàng rau quả giảm 2,14%. Có 4 nhóm hàng hóa TOT tăng, gồm: Hóa chất tăng 7,4%; Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,46%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 0,44%; cao su tăng 0,22%.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
([1]) Tính toán từ trang Web: https://vn.investing.com/commodities/brent-oil-historical-data, truy cập ngày 26/12/2020.
([2]) Tính toán từ trang Web: http://minhbach.moit.gov.vn/?page=petroleum_singapore&menu_id=54, truy cập ngày 26/12/2020.
([3]) Theo đó Bộ Công Thương ban hành Công văn số 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16/4/2020 về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
([4]) Diễn biến giá các loại lợn giống bình quân năm 2020 so với năm 2019: Giá lợn lai giống tăng 81,72%; Giá lợn địa phương giống tăng 82,89%; Giá lợn đặc sản giống tăng 1,27%.
([5]) Do ảnh hưởng bão, lũ tại miền Trung, các hộ chăn nuôi bán lợn chạy lũ; dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở một số tỉnh làm cho người chăn nuôi lo ngại nên bán lợn chạy dịch. Ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi nhiều hộ chăn nuôi lợn chuyển sang chăn nuôi gia cầm.
([6]) Diễn biến giá sản xuất nhóm sản phẩm dầu thô và khí đốt tự nhiên khai thác các tháng quý IV/2020: So với tháng trước, giá tháng 10/2020 giảm 3,76%; tháng 11/2020 giảm 2,76%; tháng 12/2020 tăng 2,39%.
([7]) Thực hiện Công văn số 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16/4/2020 của Bộ Công Thương về hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Từ khóa » Giá Bán Xăng Dầu Năm 2020
-
Điều Chỉnh Lần Cuối Trong Năm 2020, Giá Xăng Tiếp Tục Tăng, Lên Cao ...
-
Petrolimex điều Chỉnh Giá Xăng Dầu Từ 16 Giờ 00 Ngày 11.12.2020
-
Thông Tin điều Hành Xăng Dầu Từ 15h Ngày 26/12/2020
-
Giá Xăng Dầu Tăng Trước áp Lực Lớn Từ Giá Thế Giới (01/07/2020 17:51)
-
Giá Xăng Dầu Trong Nước Tăng Nhẹ Trong áp Lực Từ Giá Thế Giới
-
Giá Xăng Dầu đồng Loạt Tăng Từ 15h30 Ngày 26/11/2020
-
Điều Chỉnh Giá Xăng Dầu Từ 15 Giờ 00 Ngày 26.12.2020
-
Tin Giá Xăng Dầu - PV OIL
-
Giá Xăng Dầu Trong Nước Tăng Do "cơn Sốt" Nhiên Liệu Thế Giới
-
Điều Chỉnh Giá Xăng Dầu Trên Thị Trường Ngày 26/12/2020
-
Tăng Liên Tiếp, Giá Xăng Hiện ở đâu So Với Trước Khi Có Dịch COVID ...
-
Diễn Biến Thị Trường Xăng Dầu Và Một Số đề Xuất Nhằm Hoàn Thiện ...
-
Xăng, Dầu Giảm Giá Sâu Nhất Từ đầu Năm