Thông Cáo Báo Chí Về Tình Hình Kinh Tế – Xã Hội Năm 2013

I. TĂNG TRƯỞNG KINH TỂ

  1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012, trong đó quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00%; quý III tăng 5,54%; quý IV tăng 6,04%. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi.

Trong mức tăng 5,42% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,67%, xấp xỉ mức tăng năm trước, đóng góp 0,48 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,43%, thấp hơn mức tăng 5,75% của năm trước, đóng góp 2,09 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,56%, cao hơn mức tăng 5,9% của năm 2012, đóng góp 2,85 điểm phần trăm.

Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế cả năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,3% và khu vực dịch vụ chiếm 43,3% (Năm 2012 các tỷ trọng tương ứng là: 19,7%; 38,6% và 41,7%).

Xét về góc độ sử dụng GDP năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,36% so với năm 2012, đóng góp 3,72 điểm phần trăm vào mức tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,45%, đóng góp 1,62 điểm phần trăm; chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,08 điểm phần trăm do xuất siêu.

  1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2013 theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 801,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm 2012, bao gồm: Nông nghiệp đạt 602,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5%; lâm nghiệp đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6%; thuỷ sản đạt 176,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2%.

a. Nông nghiệp

Sản lượng lúa cả năm 2013 ước tính đạt 44,1 triệu tấn, tăng 338,3 nghìn tấn so với năm trước, trong đó diện tích gieo trồng ước tính đạt 7,9 triệu ha, tăng 138,7 nghìn ha, năng suất đạt 55,8 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha. Nếu tính thêm 5,2 triệu tấn ngô thì tổng sản lượng lương thực có hạt năm nay ước tính đạt 49,3 triệu tấn, tăng 558,5 nghìn tấn so với năm trước.

Diện tích gieo trồng lúa đông xuân năm nay đạt 3140,7 nghìn ha, tăng 16,4 nghìn ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 20,2 triệu tấn, giảm 54,4 nghìn tấn do năng suất đạt 64,4 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha. Diện tích gieo trồng lúa hè thu đạt 2146,9 nghìn ha, tăng 15,1 nghìn ha so với vụ trước; sản lượng đạt 11,2 triệu tấn, giảm 81,6 nghìn tấn do năng suất chỉ đạt 52,2 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha. Diện tích gieo trồng lúa mùa đạt 1985,4 nghìn ha, tăng 7,6 nghìn ha so với vụ mùa năm 2012. Tuy nhiên, sản lượng lúa mùa ước tính đạt gần 9,4 triệu tấn, giảm 104,4 nghìn tấn do năng suất chỉ đạt 47,3 tạ/ha, giảm 0,7 tạ/ha.

Cây công nghiệp lâu năm tiếp tục phát triển. Diện tích cho sản phẩm và sản lượng một số cây chủ yếu như sau: Sản lượng chè tăng 1,3%; cà phê diện tích tăng 2,1%, sản tăng 2,3%; cao su diện tích tăng 7%, sản lượng tăng 8,2%; hồ tiêu diện tích tăng 6%, sản lượng tăng 5,3%.

Đàn trâu cả nước năm 2013 có 2,6 triệu con, giảm 2,6% so với năm 2012; đàn bò có 5,2 triệu con, giảm 0,7%, riêng nuôi bò sữa vẫn phát triển, tổng đàn bò sữa năm 2013 của cả nước đạt 186,3 nghìn con, tăng 11,6%; đàn lợn có 26,3 triệu con, giảm 0,9%; đàn gia cầm có 314,7 triệu con, tăng 2,04%, trong đó đàn gà 231,8 triệu con, tăng 3,6%. Sản lượng thịt hơi các loại năm 2013 ước tính đạt 4,3 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm trước, trong đó sản lượng thịt trâu giảm 3,5%; sản lượng thịt bò giảm 2,9%; sản lượng thịt lợn tăng 1,8%; sản lượng thịt gia cầm tăng 2,4%.

b. Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng tập trung năm 2013 ước tính đạt 205,1 nghìn ha, tăng 9,7% so với năm 2012. Sản lượng gỗ khai thác cả năm đạt 5608 nghìn m3, tăng 6,8% so với năm 2012. Tổng diện tích rừng bị thiệt hại năm 2013 là 1964 ha, giảm 39,1% so với năm trước, bao gồm: Diện tích rừng bị cháy 1156 ha, giảm 44,7%; diện tích rừng bị chặt phá 808 ha, giảm 28,7%.

c. Thủy sản

Sản lượng thuỷ sản năm 2013 ước tính đạt 5918,6 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 4400 nghìn tấn, tăng 1,3%; tôm đạt 704 nghìn tấn, tăng 11,7%. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1037 nghìn ha, giảm 0,2% so với năm 2012, trong đó diện tích nuôi cá tra 10 nghìn ha, giảm 7,2%; diện tích nuôi tôm 637 nghìn ha, tăng 1,6%.

Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng cả năm ước tính đạt 3210 nghìn tấn, tăng 3,2% so với năm trước, trong đó cá 2407 nghìn tấn, tăng 0,2%; tôm 544,9 nghìn tấn, tăng 15%. Sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 2709 nghìn tấn, tăng  3,3% so với năm trước, trong đó khai thác biển đạt 2519 nghìn tấn, tăng 3,5%.

  1. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp năm 2013 có dấu hiệu phục hồi, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo với tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp đã có sự chuyển biến rõ nét qua các quý. Chỉ số tồn kho, chỉ số tiêu thụ diễn biến theo xu hướng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2013 ước tính tăng 5,9% so với năm trước, trong đó quí I tăng 5%; quí II tăng 5,5%; quí III tăng 5,4% và quí IV tăng 8%.

Trong các ngành công nghiệp cấp I, IIP ngành khai khoáng giảm 0,2% so với năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo (Chiếm khoảng 71% giá trị tăng thêm toàn ngành) tăng 7,4%, cao hơn nhiều mức tăng 5,5% của năm 2012, trong đó quý I tăng 5,3%; quý II tăng 6,9%; quý III tăng 7,8% và quý IV tăng 10,1%[1]; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 8,5%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,1%. Trong mức tăng chung của toàn ngành năm nay, ngành chế biến, chế tạo đóng góp 5,3 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai thác làm giảm 0,1 điểm phần trăm.

Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao trong cả năm 2013 so với năm 2012 là: Dệt tăng 21,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 14,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 11,6%; sản xuất trang phục tăng 10,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,6%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 9,5%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 9%. Một số ngành có mức tăng khá là: Sản xuất đồ uống tăng 8,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 7,7%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất thuốc lá tăng 6,7%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 6,7%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên tăng 0,5%; khai thác than cứng và than non giảm 1,8%; sản xuất kim loại giảm 2,6%; khai khoáng khác giảm 5,3%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mười một tháng năm nay tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước (Cùng kỳ năm 2011 tăng 1,5% và năm 2012 tăng 3,6%). Một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản xuất xe có động cơ tăng 35,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 29,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 19,4%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tăng 16,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 13,9%; sản xuất đồ uống tăng 13,7%; dệt tăng 12,8%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ mười một tháng tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 7,2%; sản xuất thuốc lá tăng 6,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 2,3%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 1,1%; sản xuất kim loại giảm 1,5%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 9,3%.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/12/2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm 2012 (Cùng kỳ năm 2011 là 23%; năm 2012 là 20,1%). Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm là: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 8,8%; dệt tăng 6,3%; sản xuất trang phục giảm 1,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 11,3%; sản xuất đồ uống giảm 21,9%; sản xuất xe có động cơ giảm 37,8%. Tuy nhiên, vẫn còn những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 127,5%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 96,4%; sản xuất kim loại tăng 45,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 32,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 27,6%.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười Một là 71,1%; tỷ lệ tồn kho bình quân mười một tháng năm nay là 73,7%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho bình quân mười một tháng cao là: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 121,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 115,1%.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm 01/12/2013 tăng 0,8% so với tháng 11 năm 2013 và tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,3%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,6%. Theo ngành kinh tế cấp I, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 3%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,2%.

  1. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Ước tính năm 2013, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76955 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012 với tổng vốn đăng ký là 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm nay là 60737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là 9818 doanh nghiệp, tăng 4,9%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10803 doanh nghiệp, tăng 35,7%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40116 doanh nghiệp, tăng 8,6%.

Về hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, theo kết quả điều tra tại thời điểm 01/01/2013 cả nước có 3135 doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm: 405 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 12,9%; 1401 doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng, chiếm 44,7% và 1329 doanh nghiệp dịch vụ, chiếm 42,4%. Kết quả điều tra có 2893 doanh nghiệp trả lời, trong đó 2854 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, chiếm 98,7%; 39 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chiếm 1,3%, bao gồm 24 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và 15 doanh nghiệp vốn nhà nước trên 50%.

Trong số 24 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước ngừng hoạt động thì tỷ lệ doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản là 41,7%; doanh nghiệp chờ sắp xếp lại là 29,2%, doanh nghiệp ngừng để đầu tư đổi mới công nghệ là 12,5%, còn lại là nguyên nhân khác. Trong số 15 doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50% ngừng hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản và chờ sắp xếp lại cùng chiếm 40%, còn lại là nguyên nhân khác.

So với năm 2000, số doanh nghiệp Nhà nước tại thời điểm 01/01/2013 bằng 54,4%, giảm 2624 doanh nghiệp; tổng doanh thu năm 2012 gấp 6,9 lần năm 2000; tổng lợi nhuận trước thuế gấp 9,4 lần; tổng nộp ngân sách nhà nước gấp 8,1 lần.

  1. Hoạt động dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 ước tính tăng 12,6% so với năm 2012, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 5,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 của khu vực kinh tế nhà nước chiếm 9,9% và giảm 8,6% so với năm 2012; kinh tế ngoài nhà nước chiếm 86,7% và tăng 15,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,4% và tăng 32,8%. Xét theo ngành kinh doanh, kinh doanh thương nghiệpchiếm 76,7% tổng mức và tăng 12,2%; khách sạn nhà hàng chiếm 12,1% và tăng 15,2%; dịch vụ chiếm 10,3% và tăng 13,3%; du lịch chiếm 0,9% và tăng 3,5%.

b. Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách năm 2013 ước tính tăng 6,3% về lượt khách và tăng 5,4% về lượt khách.km so với năm 2012, trong đó vận tải hành khách đường bộ ước tính tăng 6,5% về lượt khách và tăng 4,4% về lượt khách.km so với năm trước; đường sông tăng 2% và tăng 4,1%; đường hàng không tăng 11,2% và tăng 11%; đường biển tăng 4,1% và tăng 3,6%; đường sắt giảm 0,6% và giảm 3,5%.

Vận tải hàng hóa năm 2013 ước tính tăng 5,4% về tấn và giảm 0,4% về tấn.km so với năm trước, trong đó vận tải trong nước tăng 5,7% và tăng 5,2%; vận tải ngoài nước giảm 4,4% và giảm 4,3%.

c. Khách quốc tế đến Việt Nam

Khách quốc tế đến nước ta năm 2013 ước tính đạt 7572,4 nghìn lượt người, tăng 10,6% so với năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 4640,9 nghìn lượt người, tăng 12,2%; đến vì công việc 1266,9 nghìn lượt người, tăng 8,7%; thăm thân nhân đạt 1259,6 nghìn lượt người, tăng 9,4%. Khách quốc tế đến nước ta bằng đường hàng không là 5980 nghìn lượt người, tăng 7,2% so với năm 2012; đến bằng đường biển 193,3 nghìn lượt người, giảm 32,3%; đến bằng đường bộ 1399,1 nghìn lượt người, tăng 41,9%.

II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT

  1. Xây dựng, đầu tư phát triển

a. Xây dựng

Giá trị sản xuất xây dựng năm 2013 theo giá hiện hành ước tính đạt 770,4 nghìn tỷ đồng, trong đó khu vực Nhà nước chiếm 12%; khu vực ngoài Nhà nước chiếm 83,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 4,4%. Giá trị sản xuất xây dựng năm 2013 chia theo loại công trình như sau: Công trình nhà ở đạt 333,3 nghìn tỷ đồng; công trình nhà không để ở đạt 128,2 nghìn tỷ đồng; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 219,4 nghìn tỷ đồng; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 89,5 nghìn tỷ đồng.

Giá trị sản xuất xây dựng năm 2013 theo giá so sánh 2010 ước tính tăng 6,2% so với năm 2012, trong đó khu vực Nhà nước đạt giảm 1,4%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 6,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 34,3%.

b. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2013 theo giá hiện hành ước tính đạt 1091,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước và bằng 30,4% GDP. Trong vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2013, vốn khu vực Nhà nước đạt 440,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,4% tổng vốn và tăng 8,4% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước 410,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,6% và tăng 6,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 240,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 22% và tăng 9,9%. Trong vốn đầu tư thực hiện khu vực Nhà nước năm nay, vốn từ ngân sách Nhà nước ước tính đạt 205,7 nghìn tỷ đồng, bằng 101,5% kế hoạch năm và tăng 0,3% so với năm 2012, gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 41 nghìn tỷ đồng, bằng 102,2% kế hoạch năm và giảm 18,3%; vốn địa phương quản lý đạt 164,7 nghìn tỷ đồng, bằng 101,3% kế hoạch năm và tăng 6,3%.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2013 ước tính đạt 21,6 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 14,3 tỷ USD vốn đăng ký của 1275 dự án được cấp phép mới, tăng 70,5% (Số dự án tăng 0,7%) và 7,3 tỷ USD vốn đăng ký bổ sung của 472 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước, tăng 30,8%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2013 ước tính đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2012. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm nay tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 16,6 tỷ USD, chiếm 76,9% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2 tỷ USD, chiếm 9,4%; các ngành còn lại đạt 3 tỷ USD, chiếm 13,7%.

  1. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

a. Thu, chi ngân sách Nhà nước[2]

Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2013 ước tính đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, bằng 96,9% dự toán năm, trong đó thu nội địa 530 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2%; thu từ dầu thô 115 nghìn tỷ đồng, bằng 116,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 140,8 nghìn tỷ đồng, bằng 84,6%. Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2013 ước tính đạt 986,2 nghìn tỷ đồng, bằng 100,8% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 201,6 nghìn tỷ đồng, bằng 115,1% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 196,3 nghìn tỷ đồng, bằng 115,4%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (bao gồm cả chi thực hiện cải cách tiền lương) ước tính đạt 679,6 nghìn tỷ đồng, bằng 100,8%; chi trả nợ và viện trợ 105 nghìn tỷ đồng, bằng 100%. Tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước năm nay ở mức 5,3% GDP, vượt mức 4,8% đã dự toán.

b. Ngân hàng

Đến ngày 12/12/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,64%; huy động vốn tăng 15,61%; tăng trưởng tín dụng tăng 8,83% so với cuối năm 2012 và dự kiến sẽ cao hơn mức tăng của năm 2012 nhưng vẫn thấp hơn mức kế hoạch đặt ra là khoảng 12%; thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại được cải thiện, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống; tỷ giá ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao.

c. Bảo hiểm

Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2013 ước tính đạt 44,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2012, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 24 nghìn tỷ đồng, tăng 5%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 20,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11%.

  1. Xuất, nhập khẩu

a. Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2013 ước tính đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 43,8 tỷ USD, tăng 3,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 88,4 tỷ USD, tăng 22,4%. Nếu không kể dầu thô thì kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm nay đạt 81,2 tỷ USD, tăng 26,8% so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2013 tăng 18,2%.

Trong năm 2013, nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như: Điện thoại và linh kiện đạt 21,5 tỷ USD, tăng 69,2%; hàng dệt, may đạt 17,9 tỷ USD, tăng 18,6%; điện tử máy tính và linh kiện đạt 10,7 tỷ USD, tăng 36,2%; giày dép đạt 8,4 tỷ USD, tăng 15,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,5 tỷ USD, tăng 17,8%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 1,9 tỷ USD, tăng 27,6%; hóa chất tăng 32,4%; rau quả tăng 25,7%; hạt điều tăng 12,9%; hạt tiêu tăng 13,4%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá là: Thủy sản đạt 6,7 tỷ USD, tăng 10,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 6 tỷ USD, tăng 9%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,9 tỷ USD, tăng 7,8%; sắt thép đạt 1,8 tỷ USD, tăng 8%; dây điện và dây cáp đạt 0,7 tỷ USD, tăng 10%; sản phẩm hóa chất đạt 0,7 tỷ USD, tăng 5,2%. Kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 7,2 tỷ USD, giảm 11,9%; gạo đạt 3 tỷ USD, giảm 18,7%; cà phê đạt 2,7 tỷ USD, giảm 26,6%; cao su đạt 2,5 tỷ USD, giảm 11,7%; xăng dầu đạt 1,2 tỷ USD, giảm 32,8%.

Về thị trường, EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt 24,4 tỷ USD tăng 20,4% so với năm 2012. Hoa Kỳ đứng thứ 2 với kim ngạch xuất  khẩu ước tính đạt 23,7 tỷ USD, tăng 20,3%; ASEAN đạt 18,5 tỷ USD, tăng 6,3%; Nhật Bản ước tính đạt 13,6 tỷ USD, tăng 3,8%; Hàn Quốc 6,7 tỷ USD, tăng 19,9%; Trung Quốc đạt 13,1 tỷ USD, tăng 2,1%.

b. Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2013 đạt 131,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 56,8 tỷ USD, tăng 5,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 74,5 tỷ USD, tăng 24,2%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2013 tăng 18,3% so với năm 2012.

Kim ngạch một số mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 18,6 tỷ USD, tăng 16%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 17,7 tỷ USD, tăng 34,9%; vải đạt 8,4 tỷ USD, tăng 19,4%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 8 tỷ USD, tăng 59,5%; chất dẻo đạt 5,7 tỷ USD, tăng 18,9%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 3,7 tỷ USD, tăng 18,7%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 3 tỷ USD, tăng 23,6%. Một số mặt hàng nguyên liệu tăng khá như: sắt thép đạt 6,7 tỷ USD, tăng 11,5%; hóa chất 3 tỷ USD, tăng 6,7%; kim loại thường đạt 2,9 tỷ USD, tăng 11,1%; sợi dệt đạt 1,5 tỷ USD, tăng 7,5%; thuốc trừ sâu đạt 0,8 tỷ USD, tăng 12,1%; thủy sản đạt 0,7 tỷ USD, tăng 6,7%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cả năm tăng thấp hoặc giảm là: Tân dược đạt 1,8 tỷ USD, tăng 3,2%, xăng dầu đạt 7 tỷ USD, giảm 22,1%; phân bón đạt 1,7 tỷ USD, giảm 1,6%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng đạt 1,3 tỷ USD, giảm 24,8%; cao su đạt 0,7 tỷ USD, giảm 13,9%.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2013 với kim ngạch ước tính đạt 36,8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường ASEAN ước tính đạt 21,4 tỷ USD, tăng 2,8%; Hàn Quốc đạt 20,8 tỷ USD, tăng 34,1%; Nhật Bản đạt 11,6 tỷ USD, giảm 0,18%; EU ước tính đạt 9,2 tỷ USD, tăng 4,2%; Hoa Kỳ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,1%.

Trong mười một tháng năm nay, xuất siêu hàng hóa thực hiện là 763 triệu USD. Tháng Mười Hai xuất siêu ước tính 100 triệu USD. Tính chung cả năm 2013, xuất siêu 863 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 14 tỷ USD.

c. Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2013 ước tính đạt 10,5 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2012, trong đó dịch vụ du lịch đạt 7,5 tỷ USD, tăng 9,9%; dịch vụ vận tải 2,2 tỷ USD, tăng 5,8%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm 2013 ước tính đạt 13,2 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2012, trong đó dịch vụ vận tải đạt 9,1 tỷ USD, tăng 4,6%; dịch vụ du lịch đạt 2 tỷ USD, tăng 10,5%. Nhập siêu dịch vụ năm 2013 là 2,7 tỷ USD, giảm 12,9% so với năm 2012 và bằng 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2012.

  1. Chỉ số giá

a. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2013 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 6,04%  so với tháng 12/2012. Đây là năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây[3]. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2013 tăng 6,6% so với bình quân năm 2012. Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có chỉ số giá tháng 12/2013 so với tháng trước tăng cao nhất với mức tăng 2,31%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,57%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,49% (Lương thực tăng 1,22%; thực phẩm tăng 0,38%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,17%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,27%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,25%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08% (Dịch vụ y tế tăng 0,02%); giáo dục tăng 0,02%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm gồm: Giao thông giảm 0,23%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%.

b. Chỉ số giá sản xuất

Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2013 tăng 0,57% so với năm trước, trong đó chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông nghiệp giảm 0,59%; hàng lâm nghiệp tăng 8,85%; hàng thủy sản tăng 3,66%. Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp năm 2013 tăng 5,25% so với năm trước, trong đó chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 6,68%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,4%; điện và phân phối điện tăng 9,2%; nước tăng 11,62%. Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất năm 2013 tăng 3,05% so với năm 2012; chỉ số giá cước vận tải năm 2013 tăng 6,48%. Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá năm 2013 giảm 2,41% so với năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá giảm 2,36%.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

  1. Dân số, lao động và việc làm

a. Dân số

Dân số trung bình cả nước năm 2013 ước tính 89,71 triệu người, tăng 1,05% so với năm 2012, trong đó dân số nam chiếm 49,47% tổng dân số cả nước, tăng 1,08%; dân số nữ chiếm 50,53%, tăng 1,03%. Trong tổng dân số cả nước năm nay, dân số khu vực thành thị chiếm 32,36% tổng dân số, tăng 2,38% so với năm trước; dân số khu vực nông thôn là chiếm 67,64%, tăng 0,43%.

Tổng tỷ suất sinh năm 2013 đạt 2,10 con/phụ nữ, tăng so với mức 2,05 con/phụ nữ của năm 2012. Tỷ số giới tính của dân số đạt 97,91 nam/100 nữ, tăng so với mức 97,86 nam/100 nữ của năm 2012. Tỷ suất sinh thô đạt 17,05 trẻ sinh ra sống trên 1000 người dân. Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh duy trì ở mức khá cao với 113,8 bé trai/100 bé gái, tăng so với mức 112,3 bé trai/100 bé gái của năm 2012. Tỷ suất chết thô năm 2013 là 7‰; tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi là 15,3‰; tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi là 23,0‰.

Theo kết quả điều tra trong năm, tỷ lệ phụ nữ từ 15-49 tuổi sinh con thứ ba trở lên của năm 2013 là 14,3%, tăng nhẹ so với mức 14,2% của năm 2012; tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi có chồng đang sử dụng biện pháp tránh thai đạt 77,2%, trong đó sử dụng biện pháp hiện đại là 67,0%; biện pháp khác là 10,2%.

b. Lao động, việc làm

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính đến 01/01/2014 là 53,65 triệu người, tăng 864,3 nghìn người so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động nam chiếm 51,5%; lao động nữ chiếm 48,5%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính đến 01/01/2014 là 47,49 triệu người, tăng 409,2 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2013, trong đó nam chiếm 53,9%; nữ chiếm 46,1%. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2013 ước tính 52,40 triệu người, tăng 1,36% so với năm 2012. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2013 của  khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 46,9% tổng số, giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 21,1%, giảm 0,1 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 32,0%, tăng 0,6 điểm phần trăm.

Tỷ lệ lao động phi chính thức trong tổng số lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2013 ước tính 34,2%, trong đó khu vực thành thị là 47,4%; khu vực nông thôn 28,6% (Năm 2012 các tỷ lệ tương ứng là: 33,7%; 46,8% và 28%).

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2013 ước tính là 2,2%, trong đó khu vực thành thị là 3,58%; khu vực nông thôn là 1,58% (Số liệu của năm 2012 tương ứng là: 1,96%; 3,21%; 1,39%). Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2013 ước tính 2,77%, trong đó khu vực thành thị là 1,48%; khu vực nông thôn là 3,35% (Số liệu của năm 2012 tương ứng là: 2,74%; 1,56%; 3,27%).

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15-24 năm 2013 ước tính 6,36%, trong đó khu vực thành thị là 11,11%, tăng 1,94 điểm phần trăm so với năm trước; khu vực nông thôn là 4,87%, tăng 0,62 điểm phần trăm. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động từ 25 tuổi trở lên năm 2013 ước tính 1,21%, trong đó khu vực thành thị là 2,29%, tăng 0,19 điểm phần trăm so với năm trước; khu vực nông thôn là 0,72%, tăng 0,06 điểm phần trăm.

c. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội và giảm nghèo trong năm qua được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tập trung quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nên đời sống dân cư nhìn chung tương đối ổn định. Thực hiện Nghị định số 103/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động và Nghị định số 66/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc tăng mức lương tối thiểu đối với khu vực Nhà nước, đời sống người làm công ăn lương được cải thiện hơn.

Ở khu vực nông thôn, trong năm cả nước có 426,7 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 5,2% so với năm 2012, tương ứng với 1794 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 6,2%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm các cấp, các ngành và địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 45,3 nghìn tấn lương thực và 24 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2013 ước tính 9,9%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với năm 2012.

Tổng số tiền mặt và hiện vật dành cho công tác an sinh xã hội và giảm nghèo, cứu đói năm 2013 là 2929 tỷ đồng, trong đó quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách là 1378 tỷ đồng; thăm hỏi và hỗ trợ các hộ nghèo 1085 tỷ đồng; cứu đói và cứu trợ xã hội 466 tỷ đồng. Cũng trong năm 2013 cả nước có trên 7,4 triệu sổ, thẻ bảo hiểm y tế, giấy khám chữa bệnh được phát miễn phí cho các đối tượng chính sách tại các địa phương.

d. Giáo dục, đào tạo

Tính đến cuối năm 2013, cả nước có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trong đó 04 tỉnh/thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2.

Tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục và đào tạo trong năm là 194,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2012, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo là 164,4 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3%; chi cho xây dựng cơ bản là 30 nghìn tỷ đồng, tương đương mức chi năm trước.

e. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong năm 2013, cả nước có 67,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (40 trường hợp tử vong); 810 trường hợp mắc bệnh viêm não virút (17 trường hợp tử vong); 656 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 39 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu (03 trường hợp tử vong); 76,5 nghìn trường hợp mắc dịch chân, tay, miệng (20 trường hợp tử vong); 18 trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân; 02 trường hợp mắc cúm A (H5N1), 01 trường hợp tử vong; tổng số người nhiễm HIV hiện còn sống của cả nước tính đến ngày 17/12/2013 là 215,7 nghìn người, trong đó 64,6 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số người tử vong do AIDS cả nước tính đến thời điểm trên là 68,5 nghìn người. Trong năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 139 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng làm 4,7 nghìn người bị ngộ độc, trong đó 26 trường hợp tử vong.

f. Hoạt động thể thao

Trong năm 2013, thể thao Việt Nam đạt được những thành tích cao tại một số giải thể thao quốc tế như: Tại Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật Châu Á lần thứ 4 tại Hàn Quốc, đoàn Việt Nam giành 8 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 12 huy chương đồng, đứng thứ 3/44 đoàn tham dự. Tại Đại hội thể thao thế giới tổ chức ở Colombia, đoàn Việt Nam giành 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, đứng thứ 32/120 đoàn tham dự. Tại Đại hội Thể thao Trẻ Châu Á lần thứ 2 tổ chức ở Trung Quốc, đoàn Việt Nam giành 5 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 2 huy chương đồng, đứng thứ 7/45 đoàn tham dự. Đặc biệt, tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 27 năm 2013 (Sea Games 27) tổ chức tại Mi-an- ma, đoàn thể thao Việt Nam thi đấu thành công và đạt vị trí cao. Tính đến hết ngày 21/12/2013 Việt Nam giành được 73 huy chương vàng; 85 huy chương bạc và 87 huy chương đồng, xếp thứ 3 toàn đoàn.

g. Tai nạn giao thông

Tính từ 16/11/2012 đến 15/11/2013, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 31,3 nghìn vụ tai nạn giao thông, bao gồm các vụ va chạm và ít nghiêm trọng trở lên, làm chết 9,9 nghìn người và làm bị thương 32,2 nghìn người. So với năm 2012, số vụ tai nạn giao thông giảm 13,8%, số người chết tăng 0,1% và số người bị thương giảm 15,5%. Riêng tai nạn giao thông đường bộ là 30,9 nghìn vụ, làm chết 9,6 nghìn người và làm bị thương 31,9 nghìn người.

h. Thiệt hại do thiên tai

Trong năm qua, nước ta chịu ảnh hưởng của 15 cơn bão với cường độ mạnh và diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng mưa, lũ sau bão đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản cho nhiều tỉnh và thành phố. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiên tai đã làm 313 người chết và mất tích; 1150 người bị thương; 6,4 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; trên 692 nghìn ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng; 88,2 km đê, kè và 894 km đường giao thông cơ giới bị vỡ, sạt lở; gần 8 nghìn cột điện gãy, đổ; hơn 17 nghìn ha lúa và 20 nghìn ha hoa màu bị mất trắng; gần 117 nghìn ha lúa và 154 nghìn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2013 ước tính gần 30 nghìn tỷ đồng (Gấp trên 2 lần năm 2012). Theo báo cáo sơ bộ, tổng số tiền mặt cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai trong năm là gần 795 tỷ đồng và khoảng 20 tấn lương thực.

[1] IIP ngành CN chế biến, chế tạo các quý năm 2012 là: Quý I tăng 5,9%; quý II tăng 5,8%; quý III tăng 4,6% và quý IV tăng 5,4%).

[2] Số liệu đã được Chính phủ trình Quốc Hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc Hội Khóa XIII

[3] CPI tháng 12 so với cùng kỳ năm trước của các năm 2004 – 2013 như sau: Năm 2004: 9,5%; năm 2005: 8,4%; năm 2006: 6,6%; năm 2007: 12,63%; năm 2008: 19,89%; năm 2009: 6,52%; năm 2010: 11,75%; năm 2011: 18,13%; năm 2012: 6,81%; năm 2013: 6,04%.

Từ khóa » Tổng Diện Tích Rừng Của Việt Nam Năm 2013 Là