Nghệ An thời của hoàng tử Lý Nhật Quang đến cai trị là vùng xa kinh thành, đất rộng người thưa, quan lại nhũng nhiễu, đời sống của người dân vô cùng cực nhọc, xã hội bất ổn.Sau khi thiết lập vương triều mới, nhà Lý (1009 - 1225) rất quan tâm vỗ về dân chúng để ổn định và phát triển đất nước. Châu Nghệ An là một vùng trọng yếu của quốc gia Đại Việt lúc bấy giờ nên được sự quan tâm đặc biệt của triều đình.Chọn mặt gửi vàngChâu Nghệ An dưới thời Lý bao gồm cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay, là miền biên viễn, vùng trại, phên dậu phía Nam của quốc gia Đại Việt. Thời đó đây là vùng xa kinh thành, đất rộng người thưa, kinh tế kém phát triển, quan lại nhũng nhiễu, hà lạm, đời sống của người dân vô cùng cực nhọc, xã hội bất ổn, bạo loạn chống đối nổ ra ngày càng nhiều.Đây cũng là vùng giáp với Chiêm Thành ở phía Nam và Ai Lao ở phía Tây, thường xuyên bị quấy nhiễu. Lựa chọn người trị nhậm vùng này là một câu hỏi không hề dễ dàng đối với triều đình nhà Lý, với vua Lý Thái Tông.
Đền Quả Sơn, Nghệ An - thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Lý Thái Tông (29/7/1000 - 3/11/1054) là vị hoàng đế thứ hai của triều đại Nhà Lý, ở ngôi 26 năm (1028 - 1054), là một vị hoàng đế tài giỏi, được xem là khởi đầu sự thịnh vượng của nhà Lý. Với nhãn quan sáng suốt của mình, Lý Thái Tông đã chọn người em cùng mẹ là hoàng tử Lý Nhật Quang để lo toan cai quản châu Nghệ An.Lý Nhật Quang là con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ, mẹ là Linh Hiển Hoàng hậu, cháu ngoại của vua Lê Đại Hành và Hoàng hậu Dương Vân Nga(?). Ông sinh năm 995, nổi tiếng thông minh từ khi nhỏ, 8 tuổi biết làm thơ, 10 tuổi tìm hiểu kinh sử (thần phả đền Thượng, xã Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nên được vua cha và hoàng tộc chăm lo dạy dỗ để sớm trở thành rường cột của triều đình.Năm Càn Phù Hữu Đạo thứ nhất (1039), Lý Nhật Quang được Lý Thái Tông cử vào châu Nghệ An lo việc tô thuế. Tại đây, ông làm việc cần mẫn, thu đủ số thuế được giao và không hà lạm của dân như các vị tiền nhiệm nên được tiếng là thanh liêm, chính trực. Cũng thời gian này Lý Nhật Quang đã tổ chức tốt việc tiếp tế quân lương đầy đủ cho triều đình chinh phạt Chiêm Thành, nên khi chiến thắng trở về, được vua Lý Thái Tông tin cậy và ban cho tước “vương” - Uy Minh Vương và quyền “tiết việt” , được bổ làm Tri châu Nghệ An vào năm 1041.Chỉ trong vòng 2 năm, từ quan thu thuế, Lý Nhật Quang đã được nhà vua tin dùng và mạnh dạn giao cho sứ mệnh đứng đầu một vùng hiểm yếu quan trọng bậc nhất của đất nước. Điều đó không chỉ chứng tỏ tài năng của Lý Nhật Quang mà còn thể hiện sự tin tưởng của nhà vua đối với ông. Nó còn có ý nghĩa quan trọng hơn khi mà lúc bấy giờ Nghệ An là một vùng cơ mi (ki-mi - “ràng buộc lỏng lẻo”) của quốc gia.Hai năm làm quan thu tô thuế, 14 năm làm tri châu Nghệ An, thời gian không dài nhưng Uy Minh vương Lý Nhật Quang đã có nhiều đóng góp quan trọng cho triều đình và đất nước, để lại công nghiệp lớn lao ở vùng biên viễn Nghệ An cả về bảo vệ và mở mang bờ cõi quốc gia lẫn ổn định và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, góp phần xây dựng triều đại nhà Lý phồn thịnh.Vị quan tài giỏi Khi trở thành tri châu, để bảo đảm ổn định đời sống xã hội làm nền tảng cho phát triển, Lý Nhật Quang đã vận dụng Bộ Luật Hình thư, bắt tay ngay vào việc lập lại trật tự kỉ cương xã hội, giữ nghiêm phép nước, đề cao quản lý xã hội bằng bộ máy hành chính có hiệu lực. Ông đã cho làm sổ sách thống kê hộ khẩu, nhân đinh.Những biện pháp quản lý xã hội của Lý Nhật Quang cùng với sự độ lượng và tư tưởng thân dân của ông dần dần đã cảm hóa và quy phục được tất cả mọi tầng lớp Nhân dân, làm cho vùng đất vốn phức tạp đã trở nên thuần hậu và thống nhất.Mặt khác, Lý Nhật Quang rất quan tâm đến đời sống của Nhân dân, thực hành khoan thư sức dân và chăm lo phát triển kinh tế, khuyến khích, hướng dẫn Nhân dân mở mang nghề nghiệp, khai thác mọi tiềm năng của xứ Nghệ. Lý Nhật Quang đã ban hành và cho thực hiện nhiều chính sách tiến bộ và táo bạo để mở mang phát triển sản xuất.Ông chiêu dân lập ấp và sử dụng tù binh để khai khẩn đất hoang các vùng Khe Bố, Cự Đồn (Con Cuông), Nam Hoa (Nam Đàn), Hoàng Mai (Quỳnh Lưu), Công Trung (Yên Thành), Vinh, Nghi Xuân, Kỳ Anh, Thạch Hà (Hà Tĩnh)...Lý Nhật Quang đã chọn vùng Bạch Đường (nay gồm 3 xã: Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn - huyện Đô Lương) - là nơi có vị trí trung tâm của cả châu, công thủ đều thuận lợi - để xây dựng lỵ sở; cho mở hai con đường thượng đạo từ Bạch Đường ra Thanh Hóa rồi ra Thăng Long và từ Bạch Đường lên Con Cuông, Kỳ Sơn; cho đào và nạo vét các đoạn sông Đa Cái ở Hưng Nguyên, kênh Sắt ở Nghi Lộc, kênh Son, kênh Dâu ở Quỳnh Lưu.Ông còn khởi xướng việc đắp đê sông Lam. Đặc biệt, ông còn chủ trương xây dựng một hệ thống cảng biển để thuận cho việc giao thương và giữ gìn bờ cõi. Không những quan tâm đến đời sống vật chất cho dân, ông còn rất quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, cho xây dựng nhiều chùa thờ Phật để Nhân dân đến sinh hoạt văn hóa tâm linh.Không chỉ có tài cai trị, Lý Nhật Quang còn là một vị tướng tài ba. Ông thân chinh cầm quân dẹp giặc Lão Qua (Ai Lao/Lào) thắng lợi. Ông còn trực tiếp thống lĩnh thủy quân vào Bình Định dẹp loạn theo cầu viện của vua Chiêm Thành. Để chuẩn bị hậu cần cho tình huống chiến tranh, ông đã cho xây trại Bà Hòa (Thanh Hóa) với “thành cao, lũy sâu… chứa được ba, bốn vạn quân, kho tàng tiền lương đủ dùng ba năm.Ngoài ra ông còn đốc thúc Nhân dân xây dựng thêm 50 kho thóc để sẵn sàng cung ứng cho nhu cầu quốc phòng”. Ông cho xây dựng đội quân Nghiêm Thắng bảo vệ phủ lỵ Bạch Đường. Ngoài ra, ông còn thiết lập nên các đội tuần binh, dân binh để canh phòng, giữ an ninh trong châu. Để mở mang bờ cõi, ông đã dùng ấn tín phủ dụ các tù trưởng, thu hút họ về phía mình, mở mang được “5 châu, 22 trại, 56 sách”, làm cho bờ cõi phía Nam được yên ổn.Nói về công nghiệp của Lý Nhật Quang, thần tích đền Quả Sơn ghi rõ: "Ngài ở châu 14 năm, trừng trị kẻ gian, khen thưởng người lành, khai khẩn đất hoang, chiêu mộ lưu dân, bọn vô lại phải im hơi, người dân về với Ngài được yên nghiệp. Ngài thường qua lại vùng này, vùng khác, dạy nghề làm ruộng, trồng cây cối, nuôi gia súc, có nhiều chính sách lợi cho dân, làm cho Nhân dân đoàn kết. Người dân đến kiện tụng thì lấy liêm, sĩ, lễ, nghĩa giảng dạy làm cho tự giác ngộ, ai nấy đều cảm hóa, không bàn đến chuyện kiện cáo nữa. Mọi người đều gọi Ngài là Triệu Công".Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng viết về Lý Nhật Quang, như sau: "Mùa thu, tháng 7 (năm Giáp Thân, 1044), vua (Thái Tông Hoàng đế) đem quân vào thành Phật Thệ, bắt vợ cả, vợ lẽ của Sạ Đẩu và các cung nữ kẻ nào giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên. Sai sứ đi khắp các hương ấp, phủ dụ Nhân dân. Các quan mừng thắng trận.Tháng 8, đem quân về.Đến hành dinh Nghệ An, gọi Uy Minh hầu là Nhật Quang đến để an ủi và trao tiết việt cho trấn thủ châu ấy, gia phong tước vương. Trước đây vua ủy cho Uy Minh thu thuế châu Nghệ An và sai đặt trại Bà Hòa cho trấn được bền vững; lại đặt điếm canh ở các nơi, chứa lương thực đầy đủ, cái gì cũng vừa ý vua, cho nên được tước phong như thế".Lý Nhật Quang qua đời vào ngày 17/8/1057 tại Bạch Đường; theo thần phả đền Quả Sơn là hy sinh khi đánh trận với giặc. Tại đền Quả Sơn có đôi câu đối ca ngợi ông công trạng của ông: Hiển hách thần linh, hương khói miếu đền lưu vạn đại/ Lừng danh tông tộc, núi sông ghi nhớ đến ngàn năm.Theo truyền thuyết dân gian xứ Nghệ, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã hiển thánh linh thiêng phù hộ cho xứ Nghệ và cả đất nước.
Câu chuyện cách đây đã ngàn năm nhưng ngẫm lại ta vẫn có thể tiếp tục đặt ra câu hỏi tại sao Lý Nhật Quang đã thành công? Vì ông tài giỏi. Đúng. Vì ông là hoàng tộc. Đúng. Nhưng nếu vua Lý Nhân Tông không tin tưởng ban tước vương, giao chức tri châu và quyền chủ động trong công việc thì Lý Nhật Quang không thể phát huy được tài năng và phẩm chất cao đẹp của mình. Bởi vậy, để thành công, nhất thiết phải biết tìm ra người tài, và phải TIN TƯỞNG, GIAO QUYỀN để họ chủ động hành động.