Thông Tin Cần Biết Về Cây Mai Tứ Quý Và Cách Trồng, Chăm Sóc Cây

Hoa mai tứ quý hay còn được gọi là hoa Nhị độ mai, là loài hoa đẹp chỉ đứng sau hoa mai trắng (Nhất chi mai). Hoa không chỉ đẹp về hình dáng, màu sắc và đặc tính tốt của cây mà ẩn đằng sau nó là những ý nghĩa tốt đẹp mà loài hoa này mang lại.

Mục lục ẩn I. Giới thiệu về cây Mai tứ quý II. Đặc điểm của cây Mai tứ quý III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Mai tứ quý 1. Ý nghĩa 2. Tác dụng của cây hoa mai tứ quý IV. Cách trồng và chăm sóc cây Mai tứ quý 1. Cách trồng cây 2. Cách chăm sóc cây

I. Giới thiệu về cây Mai tứ quý

  • Tên thường gọi: Cây mai tứ quý
  • Tên gọi khác: Cây nhị độ mai
  • Tên khoa học: Ochna serrulata hay Ochna atropurpurea
  • Họ thực vật: Thuộc họ Mai (Ochnaceae)
  • Tuổi thọ: Sống lâu trên 50 năm, có cây cổ thụ gần trăm năm tuổi mà cành lá vẫn xum xuê tươi tốt.
  • Màu sắc của hoa: Hoa có màu vàng sau chuyển màu đỏ
  • Thời gian nở hoa: Cây mai tứ quý cho hoa hai lần trong năm
Cây hoa mai tứ quý
Cây hoa mai tứ quý còn có tên gọi khác là Cây nhị độ mai

II. Đặc điểm của cây Mai tứ quý

  • Hình dáng bên ngoài: Cây mai tứ quý là cây thân gỗ nhỏ, thân phân cành nhánh nhiều, tán rộng, vỏ cây sần sùi màu nâu xám trông có vẻ rất cổ thụ.
  • Kích thước: Chiều cao trung bình từ 3 – 6m và có thể hơn.
  • Cành: Cây phân rất nhiều cành nhánh nhưng nhỏ và giòn, dễ gãy. Các cành phía dưới gốc có xu hướng cong ngả xuống tạo nên bộ tán tròn đẹp mắt.
  • Lá: Lá cây mai tứ quý nhỏ màu xanh đậm, mép lá hình răng cưa rõ rệt, mặt trên lá nhẵn mặt dưới lộ ra những đường gân rõ rệt, lá xum xuê tươi tốt quanh năm.
  • Hoa: Hoa mai tứ quý thường nở hai lần, lần đầu nở có 5 cánh màu vàng, sau khi các cánh hoa tàn rồi rụng đi. Năm đài hoa chuyển thành màu đỏ, khum vào ôm lấy nhụy, trông giống như nụ hoa vừa nhú. Khi nhụy hoa kết quả rồi to dần lên, đẩy 5 đài hoa bung ra trông như những cánh hoa mai đỏ vừa chớm nở, điều đó đã lý giải cho tên gọi Nhị độ mai.
  • Quả ở giữa tâm các cánh hoa thường có màu xanh khi non và chuyển sang màu đen khi già chín. Bên trong lõi là hạt, có thể dùng hạt già phơi khô vừa phải để ươm cây giống.
Tìm hiểu về cây hoa mai tứ quý
Hoa mai tứ quý thường nở hai lần, lần đầu nở có 5 cánh màu vàng, sau khi các cánh hoa tàn rồi rụng đi

III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Mai tứ quý

1. Ý nghĩa

Cùng với cây mai trắng, mai vàng, mai tứ quý đều mang lại ý nghĩa may mắn, tốt đẹp cho gia chủ. Dù chưng cây ở vị trí nào cũng toát lên vẻ tao nhã nhưng không kém phần sang trọng, nó không chỉ đẹp ở màu sắc và đặc tính của hoa mà còn mang đến sự sung túc, đoàn viên, mang lại tài, lộc, công danh, hạnh phúc cho gia chủ vào mỗi dịp tết đến xuân về.

Hoa mai tứ quý còn mang một ý nghĩa ở một khía cạnh khác của cuộc sống, nó cũng được ví như người phụ nữ mảnh mai, yếu đuối cần được bảo vệ khi xung quanh đầy rẫy những thử thách và cạm bẫy.

2. Tác dụng của cây hoa mai tứ quý

Cây mai tứ quý có bộ tán lá xanh mướt quanh năm, màu hoa đẹp lại nở hai lần nên được nhiều người ưa chuộng trồng để làm cảnh.

Ngoài ra, cây còn là món hàng hóa giao thương có giá trị kinh tế rất cao đem lại nguồn thu nhập lớn cho người chơi cây mai tứ quý, giá cao nhất có thể lên tới vài trăm triệu đồng đối với các cây bonsai, cây cổ thụ có dáng đẹp.

Mai tứ quý có thể trồng chậu trang trí nội thất hoặc ngoại thất đều được nhưng phải lựa chọn kích cỡ chậu cây cho phù hợp với không gian diện tích nhà ở. Nếu trang trí nội thất, nên đặt chậu cây nhỏ ở phòng khách, chậu loại vừa ở hiên nhà hoặc chậu cỡ to ở hai bên cánh cổng, vườn cây…

Không chỉ nhà ở mà các nhà hàng, quán ba, khách sạn, khu du lịch cũng ưa chuộng trồng loại cây này để tô điểm cho không gian thêm phần mát mẻ và mang lại những ý nghĩa phong thủy tốt.

Tác dụng của cây hoa mai tứ quý
Cây hoa mai tứ quý còn là món hàng hóa giao thương có giá trị kinh tế rất cao đem lại nguồn thu nhập lớn cho người chơi cây

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Mai tứ quý

1. Cách trồng cây

Cây mai tứ quý có đặc tính chịu hạn, chịu rét rất tốt, dễ trồng và chăm sóc nên được trồng rộng rãi trên khắp đất nước, dưới đây là cách nhân giống và kỹ thuật làm đất, cách trồng và chăm sóc cây.

  • Nhân giống

Cây mai tứ quý được nhân giống bằng cách gieo hạt, chiết cành và ghép cành, nếu trồng làm cây bonsai nên chọn cây mọc tự nhiên để có được kiểu dáng đẹp tự nhiên nhất và dễ uốn nắn.

  • Đất trồng

Cây mai tứ quý sống được trên mọi loại đất nhưng để cây phát triển tốt nhất nên chọn loại đất thịt nhẹ lượng dinh dưỡng khá, đất không bị chua, nhiễm mặn, nhiễm phèn và nhiễm các hóa chất độc hại như chất diệt cỏ Dioxin.

Đối với đất trồng mai tứ quý trong chậu nên chọn loại đất có tính chất như liệt kê ở trên. Sau đó trộn theo tỷ lệ khoảng 70% đất và 20% phân hữu cơ hoai mục và trấu khô hoặc mùn cưa đã xử lý rồi đóng đất vào chậu.

Lưu ý: Không nên đóng đất quá đầy chậu, khi tưới sẽ làm trôi đất, nước tràn ra miệng chậu.

  • Kỹ thuật làm luống

Cần làm sạch cỏ dại, không cần cày bừa quá kỹ mà chỉ cần đào hố đúng quy cách 30x30x30cm, hàng cách hàng là 3 – 4m, cây cách cây là 2 – 3m. Cứ một hàng là một rãnh thoát nước nếu trồng trên đất ruộng bằng phẳng và phải đắp thành mô đất cao khoảng 20cm để tránh thối rễ, nếu trồng cây mai tứ quý trên đất dốc thì không cần thiết phải đào rãnh.

Hố trồng cần được lót phân chuồng hoai mục rồi lấp đất hoặc lót phân vi sinh hữu cơ trước khoảng 1 – 2 tháng để kịp ải phân.

  • Kỹ thuật trồng

Cách trồng cây mai tứ quý không khó, từ những cành chiết, cây ghép hoặc cây được gieo từ hạt đều được trồng giống nhau. Xé bỏ túi bầu, cuốc đất đã được ủ phân sẵn và đặt cây xuống hố, một tay giữ cây, tay còn lại lấp đất nhẹ nhàng để cây chắc chắn không bị đổ nghiêng khi có gió bão.

2. Cách chăm sóc cây

  • Nước tưới

Tưới nước là khâu quan trọng nhất quyết định đến vấn đề sống còn của cây mai tứ quý, nên tưới nước ngay sau khi trồng để cây và đất đủ ẩm rồi cho chậu cây mai tứ quý vào nơi râm mát nhưng vẫn có ánh sáng. Nếu là cây trồng trên luống phải có lưới hay cây cỏ, lá khô để che chắn nắng. Cây non mới trồng nên tưới mỗi ngày một lần đến khi cây hồi phục hoàn toàn và ra chồi non, sau đó tưới thưa dần.

  • Phân bón

Sau khi trồng từ 7 – 10 ngày cây bắt đầu bén rễ, ngoài việc tưới nước sạch ra có thể dùng phân Siêu ra rễ hoặc Vua ra rễ để giúp bộ rễ khỏe làm tăng sức sức đề kháng cho cây mai tứ quý. Khi tưới phải pha với nước sạch theo tỷ lệ hướng dẫn trên bao bì, tưới nhắc lại lần 2, lần 3 sau mỗi lần tưới từ 10 – 15 ngày.

Đối với cây mai tứ quý trưởng thành, có thể dùng NPK 15 – 15 -15+TE Đầu Trâu loại viên bón xung quanh tán cây cách xa gốc khoảng 15 – 20cm tránh sót phân làm thối rễ cây.

Đối với cây lấy hoa chưng tết: Phải có lịch chăm sóc từ tháng 8 – 9, cần tuốt lá, ngưng tưới nước đến khoảng tháng 11 âm bắt đầu bón phân NPK hoặc vi sinh và tưới nước trở lại. Phun kèm phân bón lá và các loại acid amin cung cấp dinh dưỡng cho cây mai tứ quý để phân hóa mầm hoa. Có thể phun AH Thanh Hà, Phun hoặc tưới Acid Humic cho cây vào buổi sáng sớm và chiều mát tránh ngày nắng làm bốc hơi nhanh.

Khi cây mai tứ quý bắt đầu ra nụ, nếu thời tiết ấm có thể ngừng tưới nước hoặc tưới nước lạnh để hãm hoa nở sớm. Nếu thời tiết lạnh làm hoa chậm nở, có thể tưới nước ấm hoặc dùng đèn sưởi ở nhiệt độ vừa phải để kích thích hoa nở nhanh.

Khi có nụ có thể phun AH Thanh Hà lần 2 để giúp nụ hoa to, hoa nở đều và lâu tàn.

Hàng năm cần bón bổ sung 1 – 2 lần phân chuồng hữu cơ từ 5 -10 kg/gốc kết hợp dùng các loại phân NPK Quế Lâm, Sông Gianh..bón vào các đợt như: sau khi cắt tỉa, trước khi phân hóa mầm hoa và hoa chuẩn bị nở.

Sau khi hoa tàn, nên cắt tỉa cành, bấm ngọn hãm chiều cao, nên cào cỏ và vun xới đất kết hợp bón phân. Nếu thuận mưa thì không cần tưới nước nhưng nếu nắng hạn phải cung cấp nước trước cho cây rồi mới bón phân và tưới nước lại ngay sau đó để tránh phân bị bốc hơi.

Trên đây là những chia sẻ về kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây mai tứ quý để ra hoa đúng dịp tết. Cách trồng thì không khó, chỉ cần bạn tỉ mỉ, ham học hỏi bạn sẽ chăm sóc tốt cho cây mai mà bạn yêu thích.

5/5 - (1 bình chọn)

Từ khóa » Trồng Mai Tứ Quý Trong Chậu