Thông Tin Cần Biết Về Tình Trạng Sa Tinh Hoàn ở Nam Giới - YouMed

Nội dung bài viết

  • Sa tinh hoàn là gì?
  • Nguyên nhân dẫn đến sa tinh hoàn
  • Dấu hiệu sa tinh hoàn
  • Bệnh lý dẫn đến sa tinh hoàn
  • Điều trị sa tinh hoàn

Sa tinh hoàn là một trong những căn bệnh phổ biến nhất; đe dọa đến khả năng sinh sản của phái nam. Vậy các quý ông đã nắm được những kiến thức cần biết về tình trạng này hay chưa? Bài viết dưới đây của ThS.BS Trần Quốc Phong sẽ cung cấp những thông tin về bệnh lý sa tinh hoàn. Giúp bạn hiểu rõ hơn về nó, cũng như nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh từ sớm. Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

Sa tinh hoàn là gì?

Sa tinh hoàn là tình trạng lớp bìu bao quanh tinh hoàn bị giãn ra. Nó kéo tinh hoàn bị xệ xuống dài hơn so với kích thước bình thường. Hầu hết phái nam nhận thấy rằng bìu của họ sa xuống khi họ già đi. Quá trình này có thể bắt đầu ngay từ tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, những biến đổi nhỏ dần dần làm người bệnh không để ý.

Tinh hoàn bị xệ có thể coi là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa. Nó không nhất thiết là dấu hiệu chỉ rằng có bất thường với bìu và tinh hoàn; trừ trường nếu bìu của bệnh nhân trông có vẻ sưng tấy.

Một số tình trạng khác như hình dạng bìu tinh hoàn sai lệch, tốt nhất bệnh nhân nên đến bác sĩ để theo dõi. Đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý cần điều trị. Từ cơ sở dữ liệu khám bệnh sẽ có cách chữa bệnh hiệu quả.

Nguyên nhân dẫn đến sa tinh hoàn

Tinh hoàn của bạn được treo ra khỏi cơ thể; để giữ cho tinh hoàn có nhiệt độ thích hợp sản xuất tinh trùng. Tinh hoàn cần nhiệt độ thấp hơn 37 độ C bình thường để sản xuất tinh trùng khỏe mạnh. Các cơ vùng bìu sẽ có chịu trách nhiệm co giãn để giúp tinh hoàn có vị trí phù hợp.

Khi lạnh, phản xạ của các cơ này sẽ kéo tinh hoàn lên trên gần háng để giữ ấm. Tinh hoàn cũng có xu hướng gần cơ thể hơn khi kích thích tình dục. Vì vậy, tinh hoàn có tình trạng ít chảy xệ hơn trước hoặc trong khi quan hệ tình dục.

Một số trường hợp ở nam giới, tinh hoàn treo thấp hơn bình thường chứ không hẳn là tinh hoàn bị xệ. Da cũng quyết định đến độ treo tinh hoàn. Vì vậy khi già đi, da kém đàn hồi gây ra tình trạng tinh hoàn chảy xệ. Tuy nhiên, còn nhiều nguyên nhân bệnh lý khác cũng gây ra tình trạng trên như:

  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Đám rỗi tĩnh mạch vùng bìu khi giãn có thể làm tinh hoàn chảy.
  • Nhiệt độ: Như đã đề cập ở trên, khi thời tiết lạnh tinh hoàn có xu hướng kéo lên trên. Khi trời nóng, các cơ vùng bìu giãn ra và cảm giác lúc này tinh hoàn bị xệ.
  • Da bìu tinh hoàn rộng.
  • Ung thư tinh hoàn.

Ngoài những nguyên nhân trên, còn có nhiều nguyên nhân khác cũng gây tinh hoàn bị xệ. Ứng với mỗi nguyên nhân sẽ có cách chữa bệnh khác nhau và phù hợp với bệnh lý đó.

Dấu hiệu sa tinh hoàn

Bệnh sa tinh hoàn thường có thể nhận thấy bằng mắt thường. Ở người khỏe mạnh, tinh hoàn bình thường sẽ có chiều dài khoảng 4,5 cm và rộng khoảng 2,5 cm. Còn đối với người bệnh thì các chỉ số trên sẽ lớn hơn. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy:

  • Bìu bị biến dạng. Một bên bìu to (bệnh to bìu) lên thành khối phồng do phía trên dồn xuống.
  • Bộ phận sinh dục đau. Đặc biệt đau nhiều hơn khi vận động, sờ nắn.
  • Đau tức ở vùng bụng dưới.
  • Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và nôn.

Bệnh sa tinh hoàn không những gây đau mà còn có thể gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản như:

  • Suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.
  • Tinh hoàn là nơi tiết ra hormone testosterone. Đây là một hormone nam tính. Khi bị sa tinh hoàn, testosterone thấp làm cho nam giới dễ bị bệnh liệt dương, xuất tinh sớm, ham muốn tình dục bị suy giảm.
  • Ảnh hưởng đến đời sống tình dục.
Tinh hoàn chảy xệ khiến phái nam mất hứng thú gây ảnh hưởng đến đời sống tình dục
Tinh hoàn chảy xệ khiến phái nam mất hứng thú gây ảnh hưởng đến đời sống tình dục

Bệnh lý dẫn đến sa tinh hoàn

Do giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng búi tĩnh mạch xoắn lại ở tinh hoàn. Từ đó khiến tinh hoàn bị biến dạng, gây đau đớn cho người bệnh. Khi búi tĩnh mạch xoắn lại sẽ làm cho máu lưu thông kém. Ngoài ra, tĩnh mạch giãn nở quá mức còn làm ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục. Triệu chứng thường gặp nhất đó là tinh hoàn bị đau, khó khăn trong cuộc sống tình dục; thậm chí có thể khiến liệt dương vật, xuất tinh sớm, chất lượng tinh trùng yếu…

Bệnh lý giãn tĩnh mạch thừng tinh (giãn tĩnh mạch tinh) có thể gây sa tinh hoàn ở nam giới
Bệnh lý giãn tĩnh mạch thừng tinh (giãn tĩnh mạch tinh) có thể gây sa tinh hoàn ở nam giới

Do tràn dịch tĩnh mạch

Tràn dịch tĩnh mạch có thể gây sa tinh hoàn ở phái nam. Đây là tình trạng tĩnh mạch bị tràn ra, khiến túi tinh bị chảy xệ. Người bệnh sẽ cảm thấy đau tức ở vùng tinh hoàn.

Xem thêm: Tràn dịch tinh mạc ở người lớn

Do ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn không phải căn bệnh hiếm gặp ở nam giới. Tình trạng này làm cho hình thành các cục cứng và tinh hoàn to lên, gây đau nhức. Bên cạnh đó là dấu hiệu của phần da bìu trùng xuống, chảy xệ.

Ung thư tinh hoàn hình thành các cục cứng gây sa tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn hình thành các cục cứng gây sa tinh hoàn

Do màng tinh hoàn bị tổn thương

Màng tinh hoàn bị tổn thương sẽ làm cho máu bị ứ đọng ở tinh hoàn. Thậm chí nặng hơn là xuất hiện dịch mủ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây viêm tinh hoàn, búi tinh chảy xệ.

Do da bìu quá rộng

Ở người bình thường, cấu trúc cơ quan sinh dục ở nam giới là phần da bìu sẽ vừa đủ kích thước để ôm gọn tinh hoàn. Tuy nhiên, có một số trường hợp phần da bìu rộng hơn so với túi tinh. Từ đó dẫn đến tinh hoàn bị xệ.

Do kích thước tinh hoàn quá lớn và nhiệt độ tinh hoàn cao

Kích thước tinh hoàn quá lớn cũng gây bệnh sa tinh hoàn. Ngoài ra, khi nhiệt độ tinh hoàn cao sẽ khiến phần da bìu chảy xệ. Đặc biệt, đối với những người có thói quen tắm nước nóng; mặc quần áo quá chật thì tình trạng này càng gia tăng.

Điều trị sa tinh hoàn

Bệnh lý này có thể khiến nam giới cảm thấy khó chịu. Nó gây khó khăn khi đi lại. Mặt khác, suy nghĩ nhiều về vấn đề này còn có khả năng ảnh hưởng đến tâm lý của nam giới. Vì vậy, người bị xệ tinh hoàn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và tìm phương pháp điều trị phù hợp.

Tùy thuộc vào nguyên nhân của bệnh sẽ có những cách chữa bệnh khác nhau. Phẫu thuật là cách chắc chắn duy nhất để giải quyết triệt để tình trạng. Tuy nhiên, cũng xuất hiện các phương pháp khác không cần phẫu thuật. Dưới đây là một số phương pháp giúp chữa bệnh:

Áp dụng một số bài tập

Có một số bài tập khác nhau mà mọi người nói rằng có thể giúp ngăn ngừa và điều trị sa tinh hoàn. Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng của chúng. Tuy nhiên, nhiều người thực hiện các bài tập này và cảm giác giúp họ giảm được tình trạng của mình. Ngay cả khi chúng không hiệu quả, các bài tập này cũng không gây hại cho tinh hoàn; hoặc làm tình trạng chảy xệ tồi tệ hơn. Một số bài tập bạn có thể lưu ý như: bài tập Kegel, bài tập giữ tinh hoàn.

Xem thêm: Những bài tập chữa rối loạn cương dương hiệu quả

Những bài tập Kegel (Kegel exercises) giúp hỗ trợ điều trị sa tinh hoàn ở nam giới
Những bài tập Kegel (Kegel exercises) giúp hỗ trợ điều trị sa tinh hoàn ở nam giới

Giữ cho làn da khỏe mạnh

Tinh hoàn bị xệ có thể do lão hóa da. Vì vậy cách chữa bệnh sa tinh hoàn có thể đến từ việc giữ một làn da khỏe. Bạn cần tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bỏ hút thuốc lá. Ngoài ra bạn cần uống ít rượu, duy trì cân nặng tránh béo phì và chế độ ăn hợp lý.

Phẫu thuật

Hiện tại có 2 phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng trong điều trị bệnh sa tinh hoàn đó là mổ mở và mổ nội soi. Phương pháp này chủ yếu áp dụng cho những bệnh nhân nặng; tinh hoàn đau tức nhiều hoặc chức năng sinh sản bị suy giảm.

Tóm lại, sa tinh hoàn là một bệnh lý thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra; và có thể liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm đến sức khỏe. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần và sức khỏe sinh sản của nam giới. Hy vọng thông qua bài viết trên, các bạn đã có thêm nhiều thông tin bổ ích về căn bệnh này. Nếu các bạn có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!

Từ khóa » Mổ Sa Bìu