Thông Tin Cơ Bản Về Cộng Hòa Slovakia

Quốc kỳ Slovakia

Bản đồ Slovakia

1. Thông tin chung:

Thủ đô: Bratislava. (với dân số khoảng 540.000 người);

Vị trí địa lý: nằm ở Trung Đông Âu; phía Đông giáp Ukraine (98km), Tây giáp Cộng hòa Czech (265km), Nam giáp Hungary (679km) và Áo (127km), Bắc giáp Ba Lan (597km).

Đơn vị hành chính: có 8 đơn vị hành chính cấp tỉnh-thành phố, dưới cấp tỉnh-thành phố là các đơn vị cấp quận-huyện .

Diện tích: 49.036km2. Hơn 80% lãnh thổ là đồi núi, tập trung ở miền Bắc và miền Trung, phía Nam là đồng bằng, đất canh tác nông nghiệp chiếm 30,16%. Lưu vực sông Danube (Dunaj) có vùng đồng bằng phì nhiêu. Dãy núi Vysoka Tatra với ngọn cao nhất có độ cao 2.655 m là khu du lịch và bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng. Sông Danube chảy qua lãnh thổ Slovakia với nhiều lâu đài cổ nằm dọc theo hai bên bờ sông là một thắng cảnh thiên nhiên thu hút nhiều khách du lịch.

Lâu đài cổ Bratislava

Khoáng sản: Có than nâu, quặng sắt, đồng và mangan nhưng trữ lượng nhỏ;

Khí hậu: Ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm là 10oC.

Dân số:5.439.448 người (tính đến tháng 7-2006);

Ngôn ngữ: Tiếng Slovakia.

Tôn giáo: Trên 60% theo đạo Cơ đốc La mã.

Ngày Quốc khánh: 1-9 (ngày Hiến pháp nước Cộng hòa Slovakia).

Đơn vị tiền tệ: Đồng Koruna (SKK) , tỷ giáso với USD khoảng 29,50:1 (tháng 9-2006).

Thủ đô Bratislava

2. Lịch sử:

Lịch sử hình thành đất nước Slovakia trải qua nhiều thời kỳ phức tạp với các cuộc chiến tranh giữa các dân tộc trong khu vực miền Trung châu Âu.

Đế chế Áo – Hung được thành lập năm 1867, bao gồm cả phần lớn lãnh thổ Slovakia. Mặc dù chung một chế độ, nhưng Áo và Hungary hầu như là hai quốc gia độc lập. Người Hungary nắm quyền cai trị phần lãnh thổ Hungary và các khu vực phụ thuộc như Slovakia.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Đế chế Áo - Hung tan rã. Năm 1918 Czech và Slovakia thành lập Liên bang Czechslovakia (Liên bang Tiệp Khắc). Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Tiệp Khắc trở thành nhà nước XHCN trong hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu.

Từ năm 1989 hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu bắt đầu tan rã. Tại Czech và Slovakia đã diễn ra sự thay đổi chính thể.

Đến năm 1993, Slovakia tách khỏi Liên bang Tiệp Khắc và tuyên bố độc lập, chính thức thành lập nhà nước Cộng hòa Slovakia.

3. Thể chế chính trị:

Cộng hòa Slovakia theo chế độ dân chủ đại nghị, đa đảng và có nền kinh tế thị trường.

Tổng thống: Do cử tri bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm. Tổng thống hiện nay là ông Ivan Gasparovic.

Quốc hội: Còn gọi là Hội đồng quốc gia (National Council), gồm 150 đại biểu, nhiệm kỳ 4 năm. Các đảng đã thống nhất tiến hành bầu cử quốc hội vào ngày 17-6-2006 (sớm hơn so với thời hạn là tháng 9-2006). Kết quả là đảng Xã hội dân chủ - Phương hướng Smer, đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội đã giành thắng lợi. Chủ tịch Quốc hội hiện nay là ông Pavol Paska.

Quốc hội hiện nay gồm có các đảng phái chính trị như sau:

  • Đảng Xã hội dân chủ - Phương hướng Smer, có 50 ghế.
  • Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo Slovakia (SDKU), có 31 ghế.
  • Đảng Dân tộc Slovakia (SNS), có 20 ghế.
  • Đảng Liên minh người Hung (SMK-MKP), có 20 ghế.
  • Đảng Phong trào vì Slovakia dân chủ (HZDS), hay còn gọi là đảng Nhân dân, có 15 ghế.
  • Đảng Phong trào Dân chủ Thiên chúa giáo (KDH), có 14 ghế.

Ngoài các đảng phái nói trên, trong Quốc hội còn có các nghị sĩ độc lập.

Chính phủ: Do không đảng phái chính trị nào có đủ đa số ghế trong Quốc hội để đứng ra lập chính phủ nên phải thành lập chính phủ liên minh. Chính phủ hiện nay gồm liên minh giữa 3 đảng: Đảng Xã hội dân chủ - Phương hướng Smer đứng đầu và 2 Đảng Dân tộc Slovakia (SNS) và Đảng Phong trào vì Slovakia dân chủ (HZDS). Thủ tướng hiện nay là ông Robert Fico, Chủ tịch Đảng Xã hội dân chủ - Phương hướng Smer.

4. Kinh tế:

Cơ cấu kinh tế:

Từ năm 1993 Slovakia đã thực hiện chính sách chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Đa số các ngành kinh tế được tư nhân hóa, các ngân hàng chủ yếu do nước ngoài kiểm soát. Hiện nay chỉ còn các ngành giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông vận tải và bưu chính viễn thông thuộc sở hữu nhà nước. Đến năm 2004, Liên minh châu Âu (EU) công nhận kinh tế Slovakia là kinh tế thị trường và ngày 1-5-2004 đã kết nạp Slovakia vào EU.

GDP năm 2004 là 78,89 tỷ USD, năm 2005 đạt khoảng 85,14 tỷ (bình quân đầu người là 15.700 USD).

Nông nghiệp chiếm 3,5% GDP. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là ngũ cốc, khoai tây, củ cải đường, hoa quả, hoa, bia, lâm sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm.

Cánh đồng lúa mì

Chăn nuôi cừu trên đồng cỏ

Công nghiệp chiếm 30,1% GDP, sản phẩm chủ yếu gồm luyện kim, máy móc, điện và điện nguyên tử, thiết bị vận tải, hóa chất, giấy và bột giấy, dệt, gốm, sứ và chế tạo cao su, chế biến thực phẩm.

Dịch vụ chiếm 66,4% GDP. Các ngành dịch vụ chủ yếu gồm ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, du lịch, viễn thông, vận tải, và y tế.

Dòng sông Danube là một thắng cảnh du lịch

Lực lượng lao động: 2,2 triệu người, trong đó nông nghiệp chiếm 5,8%, công nghiệp chiếm 29,3%, dịch vụ chiếm 55,6%.

Tỷ lệ thất nghiệp: Năm 2004 là 13,1%, năm 2005 là 11,4%

Tình hình phát triển kinh tế:

Từ năm 2003 đến nay tăng trưởng GDP đạt mức trung bình khoảng 5%, năm 2004 tăng 5,3%, năm 2005 tăng 5,5%. Theo dự tính của Ngân hàng Thế giới, Slovakia có mức tăng trưởng GDP cao nhất trong các nước thành viên mới của EU. Nguyên nhân là chính sách cải cách kinh tế đạt được kết quả tốt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh và sự hỗ trợ hiệu quả của EU.

Đầu tư nước ngoài (FDI): năm 2005 có 40 dự án với tổng giá trị đạt 2,5 tỷ euro. Tổng giá trị FDI vào Slovakia tính đến nay đạt khoảng gần 12 tỷ euro. Các nước đầu tư nhiều vào Slovakia là Đức, Áo, Czech, Hà Lan, Pháp và Hàn Quốc. Các dự án chủ yếu tập trung vào ngành sản xuất xe hơi. Dự kiến từ năm 2009, trung bình hàng năm sẽ có khoảng 1 triệu xe hơi được sản xuất tại Slovakia.

Ngành kinh tế mũi nhọn của Slovakia là lắp ráp xe hơi, chế tạo máy, thiết bị điện, luyện kim.

Chính sách phát triển kinh tế:

Từ khi gia nhập EU, Slovakia thực hiện chiến lược phát triển kinh tế chung của EU, lấy kinh tế tư nhân làm động lực, tập trung cho việc đầu tư ổn định và tạo công ăn việc làm. Chính phủ Slovakia cam kết thực hiện các mục tiêu chiến lược chung của EU đưa ra tại Hội nghị cấp cao EU tại Lisbon, Bồ Đào Nha năm 2000 “Vì cải cách và phát triển”.

Chính phủ hiện nay tập trung thực hiện những ưu tiên về tăng lương, tạo công ăn việc làm, cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội, giảm chênh lệch phát triển, khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực và các miền, cải cách hệ thống thuế hiện hành.

5. Đối ngoại:

Trong chiến lược đối ngoại trung hạn đến năm 2015, Slovakia chủ trương kết hợp giữa lợi ích quốc gia với quốc tế, nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ công dân, tạo điều kiện tối đa cho phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường bền vững của Slovakia, cụ thể là:

  • Tăng cường hợp tác quốc tế.
  • Theo đuổi một chính sách ngoại giao tích cực, cộng tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay các biện pháp ngoại giao phải toàn diện và ở nhiều tầng cấp.
  • Trung Âu là không gian địa chính trị tự nhiên của Slovakia, chính sách chỉ đạo là quan hệ láng giềng tốt đẹp. Đó là sự hợp tác của nhóm 4 nước Slovakia, Czech, Ba Lan và Hungary (nhóm Visegrad – gọi tắt là nhóm V4). Sự hợp tác của V4 tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập vào EU của 4 nước này.
  • Slovakia kiên trì ủng hộ chính sách tăng cường và phát triển mối quan hệ đồng minh giữa các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Slovakia nhận thức rằng Hoa Kỳ là đối tác chiến lược và khẳng định sẽ tiếp tục là đồng minh đáng tin cậy trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).
  • Trên phương diện toàn cầu, Slovakia ủng hộ các biện pháp xây dựng các mối quan hệ bình đẳng cùng có lợi, chia sẻ trách nhiệm và lợi ích tương xứng với khả năng và vị thế của mình, ủng hộ các mối quan hệ đa phương trên cơ sở các tổ chức quốc tế và luật pháp quốc tế. Bên cạnh quá trình hội nhập vào các tổ chức khu vực và toàn cầu, Slovakia coi trọng phát triển các mối quan hệ song phương và đa phương, bình đẳng cùng có lợi với các nước khác.

(Phòng Lễ tân, Sở Ngoại vụ TPHCM, ngày 17-10-2006)

Từ khóa » Slovakia ở đâu