Khuyến học ở Cấn Thượng 02.2009 Cấn Thượng, một làng quê thuần nông, nép mình dọc con sông Tích, có chưa đầy bốn nghìn dân. Làng có ngôi văn chỉ, nơi ghi dấu ấn của tiến sĩ Cấn Văn Nhạ (1565-1640), người đỗ tiến sĩ năm 1604. Văn chỉ từ lâu là điểm tựa cho những cuộc đời ham học của dân làng Cấn Thượng. Giờ đây, Cấn Thượng tự hào có trình độ học vấn xứng tầm gồm một giáo sư, năm tiến sĩ, 12 thạc sĩ, 106 người đã qua đại học thuộc 36 chuyên ngành khác nhau, đang làm việc ở mọi miền đất nước và giảng dạy ở nước ngoài.Những thành quả của việc học hành ở Cấn Thượng (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội) có được như ngày hôm nay trước hết là do có khá đông những gia đình hiếu học. Nhiều cháu con nhà nghèo vượt khó, nhịn ăn để học trở thành tài.Trong tổng kết năm năm, rồi mười năm, Chi hội khuyến học thôn Cấn Thượng vẫn nhắc tới điển hình gia đình ông Nguyễn Văn Bảo nhà nghèo, vợ mất sớm lại phải nuôi mẹ già 90 tuổi, kinh tế gia đình trông vào mấy sào ruộng, lúc nông nhàn ông làm thêm nghề thợ mộc. Tuy cuộc sống khó khăn lần hồi từng bữa, nhưng ông Bảo đã dành dụm tất cả cho việc học tập của con. Ðến nay, cô con gái Nguyễn Thị Hồng đã đạt tới đích cử nhân tin học, đang giảng dạy ở Trường cao đẳng Công nghệ Hà Nội. Cậu con trai Nguyễn Mạnh Cường là thạc sĩ vật lý, học viên chương trình đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. Gia đình ông Lê Ðình Sinh và bà Cấn Thị Quế có hai con tốt nghiệp đại học. Cháu Lê Thị Kim Anh con ông Sinh suốt thời kỳ học phổ thông đều là học sinh giỏi, kỳ thi đại học cháu đỗ cả hai trường. Những năm học ở Trường đại học Quốc gia Hà Nội, Kim Anh là sinh viên ưu tú, giỏi cả hai ngoại ngữ Anh và Pháp. Luận án thạc sĩ hóa của Kim Anh được xếp thứ hai trong bốn nghiên cứu sinh xuất sắc ở Pháp. Chưa dừng ở đó, Kim Anh hiện bảo vệ tiến sĩ ở Pháp.Một gia đình khác cũng được Chi hội khuyến học thôn Cấn Thượng nêu gương trong dịp tổng kết mười năm khuyến học đó là gia đình ông Hoàng Ðức Hợp. Một nhà có bố là kỹ sư địa chất, mẹ nguyên là hiệu trưởng trường THPT, một con đạt thạc sĩ điện tử, con thứ hai là kỹ sư điện tử và cô gái út là cử nhân ngoại ngữ. Sự hiếu học cũng đã thể hiện ở gia đình ông Cấn Văn Lĩnh, nguyên là Hiệu trưởng trường THPT huyện Quốc Oai, con đầu là Cấn Quốc Dũng, hiện là hiệu trưởng Trường THCS xã Cấn Hữu, em là Cấn Quốc Hưng tốt nghiệp Ðại học Ngân hàng, đang làm việc tại Ngân hàng Nhà nước. Con gái đầu lòng ông Dũng cũng vừa tốt nghiệp Học viện Ngân hàng.Những gia đình có hai, ba người con tốt nghiệp đại học cũng không hiếm ở Cấn Thượng như gia đình ông Vũ Trọng Tâm, Dương Văn Tuấn, Ðỗ Văn Huân... Số học sinh vượt khó, học giỏi ngày một nhiều. Ðiển hình là các cháu Nguyễn Mạnh Cường, Vũ Văn Cường, Sỹ Danh Cường, Ðỗ Thị Xuyến, Sỹ Danh Hiếu đều thi đỗ ba trường đại học. Nhiều cháu một mùa thi đỗ hai trường đại học như Cấn Thị Thúy Nga, Lê Thị Kim Anh... Gia đình hiếu học thực sự là tế bào của phong trào khuyến học ở Cấn Thượng. Ðó là xuất phát điểm, cũng là nền tảng của việc khuyến học, khuyến tài.Những người làm khuyến học ở Cấn Thượng chắc chưa giỏi hơn nhiều làng quê khác, nhưng điều quan trọng là họ biết nắm lấy truyền thống, biết chắt chiu, vun đắp cho những mầm non ham học của hiện tại. Họ là chiếc cầu nối giữa gia đình và nhà trường nhằm bảo tồn và phát huy hơn nữa vốn ham học của lớp trẻ và kịp thời động viên các bậc cha mẹ biết chăm lo việc học hành của con em với cách nghĩ "con hơn cha là nhà có phúc".Việc gây quỹ khuyến học để có một nguồn tài chính đáng kể đủ sức phát thưởng hằng năm cho các cháu học giỏi từ khối mầm non đến THPT là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là tạo học bổng cho các cháu của những gia đình còn khó khăn về kinh tế trong thời gian các cháu học đại học. Ðây vẫn là khâu khó khăn nhất của chi hội khuyến học.Song song với việc xây dựng các gia đình hiếu học, Chi hội khuyến học Cấn Thượng còn đặc biệt quan tâm, ủng hộ các dòng họ làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Ðây chính là động lực thúc đẩy thi đua học tập có hiệu quả. Dòng họ Cấn Văn (làng có nhiều họ Cấn: Cấn Văn, Cấn Ðỗ, Cấn Hữu, Cấn Ðặng...) ngay từ năm đầu gây dựng đã lập quỹ khuyến học hơn bảy triệu đồng; dòng họ Nguyễn Văn đạt sáu triệu đồng; một nhánh của dòng họ Sỹ với vài gia đình cũng góp quỹ khuyến học 3,4 triệu đồng.Hằng năm vào ngày giỗ Tổ, các dòng họ thường đón các cháu học giỏi về dâng hương trước bàn thờ tổ, ăn giỗ và lĩnh thưởng. Việc làm tuy đơn giản, nhưng có tác dụng cổ vũ các cháu phấn đấu thi đua suốt cả năm học.Một làng quê thuần nông thuộc vùng chiêm trũng đã bao đời sống trong cảnh chiêm khê, mùa úng, giờ đây tuy có nhiều tiến bộ trong công tác thủy lợi và vận dụng tốt các khâu kỹ thuật trong cấy trồng, nhưng mới chỉ đủ ăn, chứ chưa đủ sức làm giàu. Bởi vậy, việc huy động các hộ dân đóng góp quỹ khuyến học còn khá chật vật. Chi hội khuyến học thôn Cấn Thượng thực hiện phương châm người đi trước nâng bước đàn em đi sau. Những con em đã thành đạt, có nghề, có lương, mỗi khi về thăm quê đều đem lòng hảo tâm đóng góp vào quỹ khuyến học, vào việc tu bổ, tôn tạo khu Văn chỉ của làng ngày một khang trang để làm nơi chiêm ngưỡng, tự hào cho tuổi trẻ hôm nay và mai sau. Bằng cách làm này, có đợt chi hội khuyến học tiếp nhận vài ba chục triệu đồng. Do quản lý tốt, sử dụng hiệu quả, quỹ khuyến học thôn Cấn Thượng đã có tới gần bảy chục triệu đồng.Mười năm qua, Hội khuyến học Cấn Thượng đã trao thưởng cho 67 cháu thi đỗ vào đại học, 41 cháu thi đỗ vào cao đẳng; một học sinh giỏi cấp quốc gia; 81 học sinh giỏi cấp tỉnh và 201 cháu học sinh giỏi cấp huyện.Cũng thời gian trên, cứ vào tháng 10 hằng năm, Hội Asavina thông qua cụ Nguyễn Danh Khoa, đã trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi với mức từ 600 đến 700 nghìn đồng mỗi cháu, trao thưởng cho 43 sinh viên học giỏi từ 1,2 đến 2,4 triệu đồng mỗi cháu và trao thưởng cho 13 thầy giáo, cô giáo dạy giỏi với mức thưởng từ 1,8 đến ba triệu đồng mỗi người. Ðó là sự ghi nhận thành quả và là sự động viên kịp thời các em học sinh, các thầy giáo, cô giáo vượt khó thi đua học tốt, dạy tốt.Ðiều mà những người làm khuyến học ở Cấn Thượng tâm đắc là đã khơi dậy được tấm lòng yêu quê hương, đất nước của một số bà con gốc người làng Cấn Thượng sống ở nước ngoài; thông qua cụ Nguyễn Danh Khoa làm chiếc cầu nối giữa Hội Asavina tại Mỹ, Ca-na-đa với Hội khuyến học Cấn Thượng. Qua đó, hằng năm đều dành được hàng chục triệu đồng thưởng cho các cháu trường làng từ hệ mầm non đến tiểu học và THCS. Ðến nay, số tiền của Hội dành cho việc khuyến học, khuyến tài ở Cấn Thượng lên tới hơn 129 triệu đồng.Cuộc sống của người dân Cấn Thượng mới vượt qua ngưỡng nghèo, vẫn còn phải vất vả lo ăn, lo học cho hơn 1.100 con em để không một cháu bỏ học. Nhưng giữ vững và phát huy truyền thống làng xã Anh hùng mà ông, cha đã dày công xây dựng, vun trồng hàng thế kỷ qua, nhận thức sâu sắc cái nghĩa "Vì lợi ích trăm năm trồng người", người làng Cấn vẫn nỗ lực vượt qua thách thức để chăm lo cho lớp trẻ, để đội ngũ kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ của Cấn Thượng ngày một đông hơn, giỏi hơn, góp phần tích cực vào công cuộc CNH, HÐH của đất nước.CẤN VĂN LUNG (Theo nhandan ĐT) |