THÔNG TIN VỀ BỌ XÍT HÚT MÁU (Triatoma Rubrofasciata De Geer ...

Trong thời gian qua nhiều địa phương đã phát hiện bọ xít hút máu tấn công người, được nhiều báo chí đăng tải, gây hoang mang lo lắng. Nhằm giúp người dân hiểu về loài côn trùng này, Chi cục Bảo vệ thực vật Thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp một số thông tin về loài bọ xít hút máu ( Triatoma rubrofasciata De Geer 1773) như sau:

1. Phân loại côn trùng

- Lớp: Côn trùng (Insecta)

- Bộ: Cánh nửa cứng (Hemiptera)

- Họ: Bọ xít bắt mồi (Reduviidae)

- Họ phụ: Bọ xít hút máu (Triatominae)

- Giống: Bọ xít hút máu ( Triatoma)

- Loài: Bọ xít hút máu ( Triatoma rubrofasciata De Geer 1773)

2. Đặc điểm hình thái chính giai đoạn trưởng thành

- Con trưởng thành cơ thể gần giống hình quả lê, dẹt và dài khoảng 17 – 19 mm. Toàn thân có màu nâu tối, pha lẫn màu đỏ nhạt.

- Phần đầu hơi kéo dài, râu đầu có 4 đốt, đốt thứ hai dài nhất, đốt 3 và đốt 4 có màu trắng sáng. Phụ miệng kiểu chích hút gọi là vòi, có 3 đốt, vòi không cong và ngắn, không chạm tới đốt chậu chân trước.

- Mảnh lưng ngực trước hình thang, hai gốc trước của mảnh lưng ngực trước nhô ra thành mấu lồi chếch về phía trước; hai mếp bên của mảnh lưng ngực trước có đường viền màu hơi đỏ, bề mặt của mảnh lưng ngực trước không bằng phẳng.

- Cánh không vượt quá phần bụng, không phủ trùm mép bên của mặt lưng phần bụng. Mép trước cánh có đường chỉ nối tiếp và cùng màu với đường chỉ viền mảnh lưng ngực trước.

- Bụng xung quanh mép có viền màu nâu sáng, không có mùi hôi thường thấy ở những loài bọ xít khác.

- Trứng có kích thước khoảng 1-1,5 mm, màu trắng ngà.

3. Quan hệ dinh dưỡng và một số đặc điểm sinh học

Loài bọ xít này thuộc phân họ Triatominae (bọ xít hút máu), những loài thuộc họ này có kiểu sống hút máu động vật bốn chân như trâu bò, chó mèo… loài bọ xít hút máu ( Triatoma rubrofasciata De Geer 1773) đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu, chủ yếu hút máu động vật và chỉ hút máu người khi có điều kiện.

Các loài bọ xít hút máu thuộc phân họ Triatominae (bọ xít hút máu) thường sống ở những nơi có hiện diện của động vật là vật chủ của chúng, như nhà kho, trang trại, chuồng nuôi gia súc. Theo Ghosh (1951) thì loài bọ xít hút máu ( Triatoma rubrofasciata De Geer 1773) là loài phổ biến và sống gần con người, nhưng điều đó không có nghĩa con người là ký chủ bắt buộc của loài bọ xít hút máu này.

Loại bọ xít này thường đẻ trứng và trú ẩn trong các khe hở vật dụng bằng gổ trong nhà như giường, tủ hoặc dưới các đống gổ, củ mục ở các nhà kho, trang trại…

Ban ngày thường có thói quen trú ẩn các khe tối, đêm đến mới hoạt động, khi bị chiếu ánh sáng do bị kích ứng nên khả năng di chuyển chậm.

4. Một số khuyến cáo

Hiện nay, chưa phát hiện loài bọ xít hút máu ( Triatoma rubrofasciata De Geer 1773) truyền bệnh sang người. Tuy nhiên để tránh bị bọ xít hút máu đốt, người dân nên thường xuyên vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, đặc biệt là những nơi ẩm thấp; loại bỏ những vật dụng mủn, mục (củi mục, vải mục, rác thải) không sử dụng.

Thường xuyên nằm ngủ màn, giắt màn cẩn thận để bọ xít không chui vào; khi bị bọ xít đốt nên rửa ngay bằng xà phòng, không gãi tại vết đốt; nếu vết đốt sưng, phù nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng. Đặc biệt, không nên gãi hay đánh chết bọ xít ngay trên tay mình, vì sẽ làm vết đốt trở nên nghiêm trọng hơn.

Hình ảnh về loài bọ xít hút máu (Triatoma rubrofasciata De Geer 1773)

Tham khảo:

- Trương Xuân Lam, 2004. Bọ xít bắt mồi trên một số cây trồng. NXB Nông nghiệp, Hà Nội, 218 trang.

- Phạm văn Lầm, 2010. Tạp chí Bảo vệ thực vật số 5.Viện Bảo vệ thưc vật.

- James D.G., 1994. Prey consumption by Pristhesancus plagipennis Walker (Hemiptera: Reduviidae) during development, Australian Entomologist, No.21 (2). Pp 43-47.

Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa Thành phố Hồ Chí Minh - Chi cục bảo vệ thực vật Thành phố Hồ Chí Minh

Từ khóa » Bọ Xít Triatominae