Thông Tin Về Gây Mê - Bệnh Viện FV
Có thể bạn quan tâm
GIỚI THIỆU VỀ GÂY MÊ
Cẩm nang này giới thiệu thông tin về gây mê cho bệnh nhân, thân nhân và những ai quan tâm. Do nhu cầu tìm kiếm thông tin về gây mê của mỗi người rất khác nhau và bệnh nhân chỉ tìm kiếm những gì họ đặc biệt quan tâm nên ngoài những thông tin cung cấp trong cẩm nang này, chúng tôi cũng giới thiệu thêm một số nguồn thông tin và hướng dẫn cách thức tra cứu khi cần.
Bác sĩ gây mê sẽ tư vấn các phương pháp gây mê thích hợp theo mong muốn của bệnh nhân. Đôi khi, bệnh nhân có thể tự lựa chọn phương pháp gây mê cho mình và bác sĩ gây mê sẽ cố gắng thực hiện phương pháp đó. Bệnh nhân và bác sĩ gây mê sẽ hợp tác với nhau để có thể trải qua quy trình gây mê nhẹ nhàng và an toàn nhất.
Gây mê là gì?
“Gây mê” có nghĩa là “mất cảm giác”. Nếu đã từng tiêm thuốc tê trong nha khoa hoặc nhỏ thuốc giảm đau vào mắt thì bệnh nhân có thể đã biết về cảm giác khi gây mê.
- Giúp bệnh nhân không cảm thấy đau và mất cảm giác.
- Có thể được thực hiện bằng nhiều cách.
- Không phải lúc nào gây mê cũng làm bệnh nhân mất ý thức.
- Có thể thực hiện trên những vùng cơ thể khác nhau.
Thuốc gây mê hoạt động bằng cách ngăn tín hiệu truyền theo dây thần kinh lên não. Khi thuốc mê hết tác dụng, bệnh nhân bắt đầu có cảm giác trở lại, kể cả đau.
CÁC PHƯƠNG PHÁP GÂY MÊ
Gây tê tại chỗ
Gây tê tại chỗ là làm tê một vùng nhỏ trên cơ thể. Phương pháp này được sử dụng khi thuốc tê ở dạng thuốc nhỏ, thuốc xịt, thuốc mỡ hoặc thuốc tiêm có thể dễ dàng thấm vào dây thần kinh. Bệnh nhân vẫn tỉnh táo nhưng không cảm thấy đau.
Gây tê vùng
Gây tê vùng có thể được sử dụng để phẫu thuật trên những vùng cơ thể lớn hơn hoặc nằm sâu hơn. Thuốc tê được tiêm vào gần bó thần kinh giữ chức năng truyền tín hiệu từ vùng cơ thể đó lên não:
- Gây tê tủy sống và ngoài màng cứng là tiêm thuốc tê gần tủy sống và rễ thần kinh giúp ngăn chặn cơn đau của toàn bộ một vùng trong cơ thể, như vùng bụng, hông, chân hoặc chậu. Gây tê ngoài màng cứng và tủy sống được sử dụng chủ yếu để phẫu thuật cho vùng bụng dưới, chânvà thường được sử dụng khi sinh con. Bệnh nhân vẫn tỉnh táo nhưng không cảm thấy đau.
- Phong bế thần kinh ngoại biên là tiêm thuốc tê gần dây thần kinh hoặc nhóm dây thần kinh truyền tín hiệu cho vùng cơ thể đang phẫu thuật. Phương pháp này giúp giảm đau kéo dài từ 2 đến 18 giờ trong và sau phẫu thuật, tùy thuộc vào vị trí tiêm và loại thuốc sử dụng, và có thể tiêm lặp lại. Phong bế thần kinh có thể được sử dụng để phẫu thuật vai, khuỷu tay, cẳng tay, cổ tay, bàn tay, ngón tay, khớp gối, chân, cổ chân hoặc bàn chân đồng thời cũng có thể thực hiện cho một số phẫu thuật trên vùng ngực và bụng.
Gây tê vùng mang lại nhiều lợi ích nếu được chỉ định thực hiện, dù đơn lẻ hay kết hợp với gây mê toàn thân.
Gây mê
Gây mê là tình trạng mất ý thức có kiểm soát, khi đó, bệnh nhân không còn cảm giác và có thể được miêu tả như “mê”. Gây mê cần thiết cho một số phẫu thuật và có thể được sử dụng để thay thế cho phương pháp gây tê vùng ở một số bệnh nhân.
Thuốc mê được tiêm qua đường tĩnh mạch, hoặc hít vào phổi ở dạng khí. Các loại thuốc này được máu đưa lên não giúp não ngừng nhận thông tin đau từ dây thần kinh trong cơ thể.
Tình trạng mất ý thức do gây mê khác với bất tỉnh do bệnh lý hoặc chấn thương và cũng khác với giấc ngủ tự nhiên. Khi thuốc mê hết tác dụng, bệnh nhân sẽ có ý thức trở lại.
An thần
An thần là sử dụng một lượng nhỏ thuốc gây mê hoặc những thuốc tương tự để gây ra tình trạng “buồn ngủ”. Phương pháp này giúp bệnh nhân cảm thấy thư giãn về thể chất và tinh thần trong khi thực hiện khảo sát hoặc thủ thuật có thể gây khó chịu hoặc đau đớn (như nội soi). Bệnh nhân có thể nhớ chút ít hoặc không nhớ về những gì đã xảy ra. Bác sĩ gây mê cũng như bác sĩ chuyên khoa khác đều có thể sử dụng phương pháp an thần.
Phối hợp các phương pháp gây mê
Các thuốc và kỹ thuật gây mê thường được kết hợp với nhau.
Ví dụ :
- Gây tê vùng có thể được thực hiện cùng với gây mê để giảm đau sau phẫu thuật.
- Thuốc an thần có thể được sử dụng cùng với gây tê vùng. Gây tê vùng hoặc gây tê tại chỗ ức chế giảm đau và thuốc an thần làm bệnh nhân buồn ngủ và tạo cảm giác thoải mái trong khi phẫu thuật.
An thần
An thần là sử dụng một lượng ít thuốc gây mê hoặc những thuốc tương tự để gây ra tình trạng “buồn ngủ”. An thần làm bệnh nhân thoải mái về thể chất và tinh thần khi thực hiện kiểm tra hoặc thủ thuật có thể gây khó chịu hoặc đau đớn (ví dụ như nội soi). Bệnh nhân có thể nhớ chút ít về những gì đã xảy ra hoặc bệnh nhân có thể không nhớ gì. An thần thường được sử dụng bởi bác sĩ gây mê nhưng cũng có thể được các bác sĩ chuyên khoa khác sử dụng trong điều trị.
Kết hợp các phương pháp gây mê
Các loại thuốc và kỹ thuật gây mê thường được kết hợp với nhau.
Khi thời gian thủ thuật dự kiến kéo dài hoặc vị trí trên bàn mổ không được thoải mái, gây mê hoặc an thần được thực hiện để giúp bệnh nhân ngủ còn gây tê tại chỗ kết hợp gây tê vùng giúp bệnh nhân không cảm thấy đau.
Khi đang gây tê vùng hoặc gây tê tại chỗ, bệnh nhân cũng có thể yêu cầu sử dụng thuốc an thần. Bác sĩ gây mê sẽ cân nhắc và đưa ra quyết định
BÁC SĨ GÂY MÊ
Bác sĩ gây mê được đào tạo chuyên khoa về gây mê, điều trị đau, chăm sóc và điều trị bệnh nhân nặng (cần săn sóc tích cực), và cấp cứu (hồi sức). Bác sĩ sẽ đưa ra những quyết định quan trọng cùng với bệnh nhân, hoặc quyết định thay nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc bệnh nặng.
Bác sĩ gây mê chịu trách nhiệm về:
- Sức khoẻ và an toàn của bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật và 1 hoặc 2 ngày sau phẫu thuật;
- Đồng ý về kế hoạch gây mê với bệnh nhân;
- Thực hiện gây mê cho bệnh nhân;
- Lập kế hoạch kiểm soát đau sau phẫu thuật với bệnh nhân;
- Chỉ định truyền máu cho bệnh nhân, nếu cần;
- Chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân tại khoa săn sóc tích cực (nếu cần).
Các bác sĩ gây mê có trình độ chuyên môn sẽ chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân khi thích hợp cùng với sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên gây mê.
Bác sĩ gây mê và đội ngũ phẫu thuật
Bác sĩ gây mê sẽ phối hợp chặt chẽ với bác sĩ phẫu thuật và nhân viên khác trong khu vực phòng mổ bao gồm:
- Nhân viên phòng mổ được đào tạo về gây mê sẽ chuẩn bị và duy trì trang thiết bị, hỗ trợ bác sĩ gây mê và tham gia vào quá trình chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.
- Nhân viên phòng hồi tỉnh được đào tạo đặc biệt sẽ chăm sóc cho bệnh nhân sau phẫu thuật cho đến khi bệnh nhân sẵn sàng trở về lầu trại.
- Kỹ thuật viên gây mê được đào tạo chuyên môn để duy trì mê dưới sự giám sát của bác sĩ gây mê. Nhân viên này sẽ theo dõi quá trình gây mê sau khi khởi mê. Kỹ thuật viên gây mê không phải là bác sĩ nhưng đã hoàn thành khóa đào tạo và được chứng nhận về kỹ năng gây mê cần thiết. Họ sẽ luôn hội ý với bác sĩ gây mê khi cần.
TRƯỚC KHI ĐẾN BỆNH VIỆN
Một số điều bệnh nhân cần chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật nhằm giảm khó khăn khi gây mê.
- Nếu hút thuốc lá, bệnh nhân nên cân nhắc việc ngưng hút thuốc lá trong vài tuần trước phẫu thuật hoặc ngưng hút thuốc lá càng sớm càng tốt. Hút thuốc lá làm giảm lượng oxy trong máu và làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề về hô hấp trong và sau phẫu thuật. Nếu không thể ngưng hút thuốc lá hoàn toàn thì việc cắt giảm cũng sẽ mang lại lợi ích.
- Bệnh nhân thừa cân cũng sẽ có nguy cơ cao khi gây mê. Việc giảm cân sẽ giúp giảm nguy cơ. Bác sĩ nội tổng quát có thể tư vấn cho bệnh nhân về vấn đề này.
- Nếu răng bị lung lay, gãy hoặc mão răng không chắc chắn, bệnh nhân nên đến gặp nha sĩ để điều trị. Bác sĩ gây mê có thể cần đặt ống nội khí quản để giúp bệnh nhân thở nên có thể làm tổn thương răng nếu răng không chắc chắn.
- Nếu có bệnh lý nội khoa mạn tính, như tiểu đường, hen hoặc viêm phế quản, bệnh lý tuyến giáp, tim mạch hoặc cao huyết áp, bệnh nhân nên tư vấn với bác sĩ nội tổng quát để xem có cần kiểm tra sức khoẻ tổng quát hay không.
Khám sức khoẻ trước khi gây mê
Trước gây mê, bác sĩ gây mê cần biết về tổng trạng của bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu điền bảng câu hỏi tại phòng khám tiền mê trước khi nhập viện hoặc tại lầu trại sau khi nhập viện.
Bệnh nhân có thể được hỏi về:
- Tổng trạng;
- Tiền sử bệnh nghiêm trọng;
- Các vấn đề gặp phải trong những lần gây mê trước;
- Tiền sử gia đình về gây mê;
- Tình trạng đau ngực;
- Tình trạng khó thở;
- Tình trạng ợ chua;
- Tình trạng đau hoặc khó chịu khi nằm ở một tư thế;
- Thuốc đang dùng, kể cả thảo dược hoặc thực phẩm chức năng được kê đơn hoặc không kê đơn;
- Dị ứng đã biết;
- Tình trạng của răng, chụp răng, mão răng, cầu răng lung lay;
- Hút thuốc lá;
- Sử dụng rượu bia;
- Sử dụng thuốc kích thích (loại thuốc không được kê đơn hoặc mua không đơn thuốc).
Khám tiền mê
Thông thường, bệnh nhân sẽ gặp bác sĩ gây mê tại phòng khám tiền mê trước khi nhập viện hoặc tại lầu trại sau khi nhập viện. Nếu cần thực hiện xét nghiệm máu, đo ECG (điện tâm đồ), chụp X-quang hoặc những xét nghiệm khác thì bệnh nhân sẽ được sắp xếp để thực hiện các khảo sát này. Một số xét nghiệm có thể được thực hiện cùng ngày khám tiền mê. Một số khác sẽ được thực hiện vào ngày khác. Đây là thời gian tốt nhất để bệnh nhân đặt câu hỏi và chia sẻ những lo lắng của mình.
Những thắc mắc bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ gây mê
- Ai là người thực hiện gây mê cho tôi?
- Tôi có cần phải gây mê không?
- Tôi nên chọn phương pháp gây mê nào?
- Bác sĩ có thường thực hiện phương pháp gây mê này không?
- Những nguy cơ của phương pháp gây mê này?
- Tôi có nguy cơ đặc biệt nào không?
- Tôi sẽ cảm thấy như thế nào sau đó?
VÀO NGÀY PHẪU THUẬT
Không ăn hoặc uống – nhịn ăn uống (“Không ăn uống qua đường miệng”)
Bệnh viện sẽ hướng dẫn rõ ràng cho bệnh nhân về việc nhịn ăn uống và bệnh nhân phải tuân thủ các chỉ định này. Trong khi gây mê, nếu bệnh nhân còn thức ăn hoặc thức uống trong dạ dày thì sẽ có nguy cơ trào ngược lên sau họng và tràn vào phổi. Điều này có thể gây nghẹt thở hoặc tổn thương phổi nặng.
Trong trường hợp cấp cứu (như cần phẫu thuật do gãy xương nặng), bệnh nhân không có thời gian để nhịn ăn uống nên bác sĩ sẽ dùng các kỹ thuật và loại thuốc để gây mê an toàn. Điều này cũng sẽ được bác sĩ gây mê giải thích cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, việc nhịn ăn uống quá lâu trước phẫu thuật cũng có thể gây bất lợi nên bác sĩ gây mê có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng thức uống năng lượng trong vài giờ trước gây mê. Đề nghị bệnh nhân nên tuân thủ chỉ định an toàn này.
Thuốc thường dùng
Bệnh nhân nên tiếp tục dùng thuốc thường ngày của mình cho đến ngày phẫu thuật, trừ khi bác sĩ gây mê hoặc bác sĩ phẫu thuật yêu cầu ngưng thuốc. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Ví dụ, nếu bệnh nhân dùng thuốc làm loãng máu (như warfarin, aspirin hoặc clopidogrel), thuốc điều trị tiểu đường hoặc thảo dược, bệnh nhân phải được hướng dẫn chi tiết. Nếu bệnh nhân không hiểu rõ, bác sĩ gây mê hoặc bác sĩ phẫu thuật sẽ hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân.
Nếu cảm thấy không khoẻ
Nếu cảm thấy không khoẻ vào thời điểm nhập viện phẫu thuật, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và mức độ khẩn cấp của ca phẫu thuật mà bệnh nhân có thể phải hoãn cho đến khi cảm thấy khoẻ hơn.
TƯ VẤN VỚI BÁC SĨ GÂY MÊ
Bác sĩ gây mê sẽ tư vấn với bệnh nhân trước phẫu thuật để đánh giá phương pháp gây mê tốt nhất. Đồng thời cũng sẽ giải thích về phương pháp gây mê thực hiện cho bệnh nhân. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm trước phẫu thuật (chi phí khám tiền mê và xét nghiệm trước phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ không bao gồm trong gói phẫu thuật).
Việc chọn lựa phương pháp gây mê sẽ tùy thuộc vào:
- Loại phẫu thuật;
- Bảng trả lời câu hỏi của bệnh nhân;
- Tình trạng thể chất;
- Nguyện vọng của bệnh nhân và lý do lựa chọn;
- Đề nghị của bác sĩ gây mê và lý do lựa chọn;
- Thiết bị, nhân viên và những nguồn lực khác tại Bệnh viện FV.
Sau khi đã thảo luận về lợi ích, nguy cơ và nguyện vọng, bệnh nhân có thể cùng quyết định về phương pháp gây mê tốt nhất cho mình.
Thủ thuật gây mê sẽ không được thực hiện cho đến khi bệnh nhân hiểu và đồng ý thực hiện kế hoạch gây mê. Bệnh nhân có quyền từ chối nếu không đồng thuận với phương pháp điều trị theo đề nghị của bác sĩ gây mê hoặc muốn biết thêm thông tin hay cần thêm thời gian để quyết định.
Sử dụng thuốc tiền mê
Thuốc tiền mê là tên gọi của những loại thuốc được sử dụng trước khi gây mê cho bệnh nhân. Ngày nay, chúng không còn được sử dụng thường xuyên, nhưng nếu cần, bệnh nhân có thể yêu cầu bác sĩ gây mê cung cấp.
Phần lớn thuốc tiền mê ở dạng viên hoặc nuớc để bệnh nhân có thể uống được, nhưng đôi khi thuốc ở dạng tiêm, thuốc đạn hoặc dạng hít.
Thuốc tiền mê có thể:
- Giảm hoặc giải tỏa lo âu
- Nừa nôn ói sau phẫu thuật
- Điều trị các vấn đề về sức khỏe hiện có
- Giảm đau sau phẫu thuật
Loại thuốc này có thể làm bệnh nhân cảm thấy buồn ngủ sau phẫu thuật. Bệnh nhân phải trì hoãn việc xuất viện trong ngày nếu có dùng thuốc tiền mê.
Kim tiêm và thuốc gây tê tại chỗ dạng kem
Kim tiêm có thể được sử dụng để khởi mê. Nếu thấy lo lắng, bệnh nhân có thể yêu cầu thoa kem gây tê lên cánh tay để làm tê vùng da này trước khi rời khỏi lầu trại. Điều dưỡng lầu trại sẽ thực hiện điều này cho bệnh nhân.
Truyền máu
Trong hầu hết các ca phẫu thuật, bệnh nhân sẽ bị mất máu. Nếu cần, bác sĩ gây mê sẽ thay thế lượng máu mất đi bằng cách truyền các loại dịch khác vào tĩnh mạch. Nếu bệnh nhân mất nhiều máu, bác sĩ gây mê sẽ cân nhắc khả năng truyền máu.
Nếu có dự kiến truyền máu, bác sĩ gây mê sẽ thảo luận trước với bệnh nhân.
Đôi khi, bệnh nhân cần phải truyền máu ngoài dự kiến. Khi đó, bệnh nhân có quyền từ chối truyền máu, nhưng phải cam kết rõ ràng với bác sĩ gây mê và bác sĩ phẫu thuật trước phẫu thuật.
Tôi sẽ được truyền loại máu nào?
Bác sĩ gây mê sẽ biết được nhóm máu của bệnh nhân thông qua hồ sơ bệnh án.
Thông thường, bệnh nhân sẽ nhận máu từ người tình nguyện (người hiến máu). Máu do Bệnh viện Truyền máu và Huyết học tại Thành phố Hố Chí Minh cung cấp.
Tại sao bác sĩ gây mê cần trì hoãn một số ca phẫu thuật?
Đôi khi, bác sĩ gây mê phát hiện một số vấn đề về sức khỏe của bệnh nhân có thể làm tăng nguy cơ khi gây mê hoặc phẫu thuật. Khi đó, tốt hơn hết là nên trì hoãn phẫu thuật cho đến khi vấn đề được xem xét hoặc điều trị. Lý do trì hoãn phẫu thuật sẽ được thảo luận với bệnh nhân ngay vào thời điểm đó. Mối quan tâm hàng đầu của bác sĩ gây mê chính là sự an toàn của bệnh nhân.
Từ khóa » Truyền Nước Biển Tốn Bao Nhiêu Tiền
-
Truyền Nước Biển Bao Nhiêu Tiền? Truyền Nước Biển ở Nhà Có Nguy ...
-
Giá Chai Truyền Nước Biển Tại Nhà, Truyền đạm Bao Nhiêu Tiền 1 Chai ?
-
Truyền Nước Biển Bao Nhiêu Tiền, Truyền Dịch Tại Nhà Ở TPHCM
-
Truyền Nước Biển Bao Nhiêu Tiền
-
1 Chai Nước Biển Bao Nhiêu Tiền, Truyền Nước Biển Ở Nhà Có ...
-
Truyền Nước Biển Tại Nhà Hết Bao Nhiêu Tiền 1 Chai Ở TPHCM
-
Giá Chai Nước Truyền đạm, Truyền Nước Biển Bao Nhiêu Tiền?
-
Truyền Nước Biển ở đâu? Cơ Thể Suy Nhược Có Nên Lạm Dụng?
-
Truyền Dịch - Khi Nào Cần? - Bệnh Viện đa Khoa Tỉnh Ninh Bình
-
Đi Truyền Nước ở Nơi Mà Mình đăng Kí Bảo Hiểm Y Tế Thì Có Bị Mất Phí ...
-
Các Tai Biến Có Thể Xảy Ra Khi Truyền Dịch | Vinmec
-
Khi Nào Cơ Thể Cần Truyền Nước Và Các Loại Dịch Truyền Phổ Biến?
-
Khi Nào Cần Vô "nước Biển"? - Tuổi Trẻ Online
-
Truyền Dịch Bừa Bãi Gây Hiệu Quả Khó Lường