Thông Tin Về ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng Lò Vôi) đầy đủ, Chi Tiết Nhất

Bài viết tổng hợp tất tần tật các thông tin của ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) bao gồm tiểu sử, gia đình, đời tư, sự nghiệp,... để bạn đọc biết được ông Dũng là ai, giàu có cỡ nào,...

Nhắc đến doanh nhân Việt Nam sẽ thật thiếu sót nếu như không nhắc đến ông Huỳnh Uy Dũng. Mặc dù không nằm trong Top 10 doanh nhân Việt nổi tiếng thế giới nhưng với các công trình cùng khối tài sản đồ sộ mà ông đang sở hữu thì tên tuổi của ông không ai là không biết đến. Nhằm mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và đầy đủ nhất về ông Huỳnh Uy Dũng, bài viết dưới đây là tất tần tật những thông tin về vị đại gia nổi tiếng này.

Tiểu sử ông Huỳnh Uy Dũng

ông Huỳnh Uy Dũng 1

Bảng tiểu sử tóm tắt

Ông Huỳnh Uy Dũng là ai? Bảng chi tiết về tiểu sử của vị đại gia này sẽ giúp bạn biết được tường tận mọi thông tin.

Tên đầy đủ Huỳnh Uy Dũng
Tên gọi khác

Tên thật: Huỳnh Phi Dũng

Tên khác: Dũng Thanh Lễ

Biệt danh Dũng lò vôi
Năm sinh 26/01/1961
Quê quán Phước Lộc, Tuy Phước, Bình Định, Việt Nam
Nơi ở hiện tại Bình Dương
Nghề nghiệp Doanh nhân, chính trị gia, tỷ phú Việt Nam
Vợ

Vợ cũ: Trần Thị Tuyết

Vợ hiện tại: Nguyễn Phương Hằng

Con cái 4 người con (3 người con chung với bà Trần Thị Tuyết và 1 người con với bà Nguyễn Phương Hằng)

Nguồn gốc của những cái tên

Tại sao gọi là ông Dũng lò vôi?

Nguồn gốc của tên gọi này là do ông đã từng làm vôi quét tường, vôi công nghiệp vào những năm thập kỷ 80. Nhờ công việc này mà tên tuổi và sự nghiệp của ông có những dấu hiệu “khởi sắc”. Do đó, biệt danh Dũng lò vôi đã gắn bó với ông từ đó cho đến bây giờ.

Tại sao có tên Dũng Thành Lễ?

Cái tên này được đặt khi ông làm Giám đốc của Công ty Thành Lễ. Nhờ sự nhanh nhạy, quyết đoán mà ông đã đưa Thành Lễ từ công ty làm ăn thua lỗ nặng trở thành công ty có lợi nhuận ngoài mong đợi. Cái tên Dũng Thành Lễ cũng xuất phát từ đây. Tuy nhiên so với biệt danh Dũng lò vôi thì Dũng Thành Lễ ít phổ biến hơn.

Tại sao ông đổi tên thành Huỳnh Uy Dũng?

Huỳnh Phi Dũng mới đúng là tên thật của ông. Sau khi ly hôn với người vợ đầu, ông Dũng đã đổi tên đệm của mình từ Phi sang Uy.

Ông chia sẻ về lý do đổi tên đệm như sau: “Ở Đại Nam có hai câu: “Uy giữa tùy tâm an xã tắc - Dũng trong bi trí vững sơn hà”. Uy ở đây là chữ thần uy, nghiêm nghị. Như Đức Phật, từ bi không có nghĩa là cái gì cũng bỏ qua, ai làm sao nói sao cũng được. Phải có uy, có thần, có đầy đủ phẩm chất, phương tiện để trừng trị cái ác. Đó cũng là hành thiện.”

Các cột mốc nổi bật trong cuộc đời của ông Huỳnh Uy Dũng

Cuộc đời của ông Dũng được ví như những nốt nhạc thăng trầm. Xuất phát điểm là một người bình thường với công việc khó khăn, kham khổ, ông đã từng bước nỗ lực vươn lên và trở thành một người giàu có như hiện nay.

Chưa học hết phổ thông Ông nhập ngũ và tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam, phục vụ công tác hậu cần ở Quân khu 5, Quân khu 7 và làm nhiệm vụ tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường.
Sau khi chiến tranh kết thúc Ông chuyển về công tác ở phòng hậu cần Công an Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé (tỉnh Sông Bé nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước).
Tại Thủ Dầu Một, Sông Bé

Ông chuyển sang kinh doanh lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp.

Sau đó, ông được làm Giám đốc Công ty sơn mài Thành Lễ (sau đổi tên thành Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thành Lễ).

Năm 1994 - 1995

Ông được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam khóa II nhiệm kỳ 1994 - 1996 nhưng ông chỉ tham gia được 2 năm.

Ngoài ra, ông còn là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương.

Giai đoạn từ 1990 - 2005

Ông lần lượt xây dựng 2 khu công nghiệp lớn tại Bình Dương: KCN Sóng Thần 1, KCN Sóng Thần 2 và KCN Sóng Thần 3.

Đồng thời, ông là chủ sở hữu của Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến thuộc tỉnh Bình Dương.

Từ tháng 4/2020 - nay Ông “rút” khỏi thương trường, nhường mọi quyền quản lý cho vợ, bản thân ông từ nay chỉ chuyên tâm làm việc thiện và tập trung viết sách.

Gia đình & đời tư ông Huỳnh Uy Dũng

Vợ đầu là bà Trần Thị Tuyết, hơn ông Dũng 6 tuổi. Bà Tuyết là con gái ông Ba Thu - Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ. Hai người có với nhau 3 người con, hai trai và một gái. Trong đó con trai đầu là Huỳnh Trần Phi Long - một người mà ông Dũng rất yêu quý. Điều đó được thể hiện qua quyết định lấy tên con đặt cho Công ty Phi Long - một công ty do ông thành lập. Ngoài ra, ông Dũng từng giao vị trí Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam cho người con trai cả đảm nhiệm. Ngoài ra, một số thông tin cho biết, Huỳnh Trần Phi Long còn thường xuất hiện với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sóng Thần.

Người vợ thứ hai của ông Huỳnh Uy Dũng là bà Nguyễn Phương Hằng (tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, biệt danh Hằng Canada). Họ kết hôn năm 2010 và có chung với nhau với 1 người con trai tên Huỳnh Hằng Hữu. Nói về người vợ thứ 2 của mình, ông Dũng chia sẻ: “Tôi đã vô cùng may mắn khi tìm thấy người bạn tri âm, tri kỷ, tri ân vừa thông minh vừa bản lĩnh chính là vợ tôi. Bà ấy đã luôn sát cánh bên tôi trong những lúc khốn cùng của cuộc đời. Vợ tôi đã giúp đỡ tôi thức tỉnh, cùng chia sẻ vui buồn và cùng tôi tìm ra lối thoát”.

ông Huỳnh Uy Dũng 2

Sự nghiệp của ông Huỳnh Uy Dũng

Nhắc đến ông Huỳnh Uy Dũng mọi người thường nghĩ đến Khu du lịch Đại Nam, tuy nhiên đây chỉ là một trong số rất nhiều các tài sản khác của vị đại gia này.

Cụ thể, dưới đây là tất tần tật về sự nghiệp và tài sản của ông Dũng lò vôi:

Trước khi bắt đầu các sự nghiệp lớn lao thì ông Dũng từng bắt đầu công việc làm ăn của mình bằng cách bán muối, mua heo.

Năm đó, khi ông đang làm nhiệm vụ phục vụ công tác hậu cầu ở Quân khu 5, Quân khu 7, ông được phân công chở heo tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường. Tuy nhiên quá trình vận chuyển dài hàng trăm cây số đã khiến heo chết hàng loạt khi tới nơi. Đúng lúc đó ông nhận thấy ở mặt trận biên giới Tây Nam - Campuchia đang xảy ra tình trạng khan hiếm muối. Ông chợt nghĩ ra cách chở muối lên bán, rồi lấy tiền đó mua heo thì thịt heo sẽ tươi ngon hơn, nhờ đó bộ đội sẽ được ăn ngon và đảm bảo sức khỏe hơn.

Nghĩ là làm, những lần sau đó ông chỉ chở muối lên bán mà không chở heo. Sau khi có được tiền bán muối, ông đem đi mua heo để cung cấp cho các anh em chiến sĩ. Nhờ cách này của ông mà bộ đội luôn có thịt tươi ngon để ăn, còn ông thì không mất quá nhiều sức lực và tâm tư khi vận chuyển heo trên quãng đường dài.

Sản xuất các loại vôi

Đây là sự nghiệp đầu tiên của ông Huỳnh Uy Dũng và cũng là những viên gạch đặt nền móng cho việc kinh doanh sau này của ông. Thời điểm đó, cảm thấy cuộc sống quá cực khổ, ông đã phát triển ý tưởng làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp,.. Một thời gian sau, xí nghiệp lò vôi của ông làm ăn phát đạt, thu được số tiền kha khá. Ông đã dùng số tiền thu được để phân phát cho toàn thể anh em trong đơn vị, mỗi người được vài triệu đồng - đây là số tiền lớn vào thời điểm đó có thể mua được nhà, đất.

Giám đốc Công ty sơn mài Thành Lễ

Sau khi bán lò vôi, ông Dũng được lãnh đạo tỉnh Sông Bé mời về làm Giám đốc Công ty sơn mài Thành Lễ (công ty này vốn là của một nhà tư sản, được tiếp quản sau giải phóng, hiện đang bị thua lỗ nặng). Khi mới về tiếp nhận, ông Dũng đưa ra điều kiện: Nếu làm ăn thua lỗ thì ông sẽ đưa ra tiền túi để bồi thường, nhưng ngược lại thì phải trích 10% tiền lời thu được cho ông; đồng thời mọi việc kinh doanh, bố trí nhân sự phải để ông tự sắp xếp. Nhờ vào khả năng kinh doanh, lãnh đạo tài tình của mình, chỉ trong năm đầu tiên đảm nhận cương vị giám đốc ông Dũng đã giúp công ty mang về lợi nhuận 28,8 tỷ đồng. Sau này, Công ty sơn mài Thành Lễ đã được đổi thành tên Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thành Lễ (THALEXIM) nổi tiếng cho đến tận bây giờ.

ông Huỳnh Uy Dũng 3

Đầu tư vào khu công nghiệp

Ông Dũng từng bị người đời gọi là “hâm hâm” khi quyết định làm người tiên phong rót vốn vào khu công nghiệp. Cụ thể:

Năm 1992, THALEXIM lúc này dưới sự quản lý của ông Dũng đã trở thành đơn vị đầu tiên trên cả nước được phép thí điểm thành lập Khu công nghiệp Bình Đường tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương với quy mô 16,5 ha.

Sau sự thành công của KCN Bình Đường, ông Dũng tiếp tục triển khai Khu công nghiệp Sóng Thần 1 cũng tại Dĩ An, Bình Dương với diện tích 178 ha.

Đến năm 1996, ông nghỉ việc nhà nước và thành lập Công ty CP Sóng Thần (tiền thân của Công ty CP Đại Nam sau này), trở thành chủ đầu tư của Khu công nghiệp Sóng Thần 2 tại Dĩ An, Bình Dương với diện tích 279 ha. Đến năm 2005, ông tiếp tục xây dựng thêm Khu công nghiệp Sóng Thần 3 tại Thủ Dầu Một, Bình Dương với diện tích 533 ha.

ông Huỳnh Uy Dũng 4

Quá trình thành lập và đổi tên công ty của ông Dũng:

  • Năm 1996: Nghỉ công việc nhà nước, chuyển ra kinh doanh riêng
  • Tháng 3/1996: Thành lập Công ty Cổ phần phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ
  • Đầu năm 1999: Đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần phát triển khu công nghiệp Sóng Thần
  • Tháng 4/2007: Đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần Đại Nam (Đại Nam Corp).

Xây dựng Khu du lịch Đại Nam Văn Hiến

Tháng 3/1999, ông Dũng lò vôi tiến hành xây dựng Khu du lịch Đại Nam Văn Hiến tại Hiệp An, Tp. Thủ Dầu Một, Bình Dương có quy mô 700 ha với mục tiêu trở thành khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á. Cũng giống như khi đầu tư vào khu công nghiệp, lần đầu tư này ông cũng bị gọi là “hâm”, “khùng” khi rót vốn 5.000 tỷ đồng và huy động 2.000 nhân công để xây dựng. Đến tháng 9/2008, Khu du lịch Đại Nam chính thức khai trương đón khách.

Từ một mảnh đất hoang sơ với bạt ngàn rừng cao su, ông Dũng đã “phù phép” địa điểm này trở thành quần thể du lịch tâm linh gồm: các đền thờ, pho tượng, phù điêu, linh vật thờ cúng,... tất cả đều được chạm trổ tinh vi, dát vàng. Ngoài ra, còn có các công trình nổi bật khác như: khu trò chơi hiện đại, vườn thú, dãy núi Bảo Sơn,... Sau này dưới sự điều hành của bà Nguyễn Phương Hằng thì Đại Nam còn có thêm các mô hình khác như: biển nhân tạo, trường đua phức hợp “5 trong 1”,...

ông Huỳnh Uy Dũng 5

Đầu tư bất động sản

Công ty Cổ phần Đại Nam hiện đang là chủ đầu tư của các dự án lớn tại Bình Dương như:

  • Khu đô thị Trung tâm hành chính huyện Dĩ An
  • Khu tái định cư Sóng Thần 2
  • Khu nhà ở Sóng Thần 2 mở rộng
  • Khu đô thị Thương mại dịch vụ Sóng Thần
  • Khu dân cư Đại Nam - Bình Phước
  • Khu dân cư Tân An 2

Thành tích nổi bật

Về sự nghiệp

Ngoài chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam thì ông Huỳnh Uy Dũng còn đứng tên tại nhiều doanh nghiệp như:

  • Công ty TNHH MTV Tân Khai
  • Công ty TNHH Du lịch Đại Nam Thần Tiên
  • Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại Nam
  • Công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định

Về tài sản

Với những câu hỏi như đại loại như Ông Dũng lò vôi giàu cỡ nào, ông Dũng lò vôi giàu thứ mấy Việt Nam, tổng tài sản của Dũng lò vôi là bao nhiêu,... thì chưa có nguồn nào đưa ra các thông tin chính xác và chi tiết. Tuy nhiên, thông qua livestream của bà Nguyễn Phương Hằng thì có thể hình dung được sơ bộ khối tài sản mà vợ chồng ông bà đang sở hữu. Cụ thể:

  • Kim cương và sổ đỏ được tính bằng ký
  • Đi xe 40 - 50 tỷ đồng là chuyện thường.

Ngoài ra, những phát biểu và quyết định của ông Dũng từ trước đến nay cũng đã chứng minh được mức độ giàu có của mình, như là:

  • Sẵn sàng chi 100 tỷ đồng để bảo vệ danh tiếng cho vợ
  • Tặng siêu xe trị giá hơn 40 tỷ đồng
  • Tặng vợ đôi hoa tai bằng kim cương khoảng 30 cara (khoảng hơn 65 tỷ đồng)

Chưa hết, bản thân ông Dũng còn nổi tiếng với hàng loạt các siêu xe có giá trị cả trăm triệu như: Rolls Royce, Bentley, Mercedes Benz,…

Cùng với hàng loạt các dự án làm nên sự nghiệp của ông Dũng nói trên thì chắc chắn có thể đoán rằng độ giàu có của ông Dũng thật sự đáng để người ta nể phục và ngưỡng mộ.

Về hoạt động từ thiện

Đại gia Huỳnh Uy Dũng không chỉ nổi tiếng về sự nghiệp và tài sản mà còn được biết đến với các hoạt động từ thiện nổi bật. Cụ thể, dưới đây là các hoạt động từ thiện nổi bật của vợ chồng ông Dũng lò vôi:

  • Tặng vườn cao su trị giá 170 tỷ đồng cho bộ đội Trường Sa
  • Từ năm 2015: Mở quỹ mổ tim Hằng Hữu giúp đỡ trẻ em khó khăn mắc các bệnh về tim bẩm sinh và não úng thủy
  • Mở chương trình “Giờ vàng” để giúp đỡ những người bị tai nạn giao thông không có thân nhân
  • Góp tiền xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Bình Định
  • Năm 2017: Đóng góp, ủng hộ hàng tỷ đồng cho “Quỹ doanh nhân với An ninh trật tự Đồng Nai” để giúp đỡ những người chấp hành xong án tù và những người đã được giáo dưỡng trở lại hòa nhập cộng đồng
  • Năm 2019: Dành tặng 200 tỷ đồng để ủng hộ người dân nghèo tại quê nhà Bình Định
  • Năm 2021: đặt 50.000 bình oxy và chuẩn bị 21 nhà máy oxy mini để ứng phó với dịch bệnh Covid-19
  • Cũng trong năm 2021, ông Dũng lò vôi đề nghị hiến tặng khu đất 4 ha (ước tính 1.000 tỷ đồng) để chung tay chống dịch và đồng hành cùng đất nước vượt qua dịch bệnh.
  • Các hoạt động khác: xây cầu, nhà đại đoàn kết, đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng một số con đường, xây dựng trường học ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa,...

ông Huỳnh Uy Dũng 6

Nói về hoạt động từ thiện của mình, ông Dũng chia sẻ:

“Từ nhỏ tôi đã khổ cực. Khổ cực nên mình thấu hiểu và biết chia sẻ với người khi còn trẻ, lúc tuổi thanh niên kìa. Cái tật của tôi là làm được 10 đồng thì đem đi cho năm đồng, còn 5 đồng để tái đầu tư. Cứ vậy đó nên cũng không biết bắt đầu từ khi nào. Từ những năm tám mươi mấy (thập kỷ 80), lúc đó đang là năm khổ cực, khó khăn nhất nhưng tôi đã đi xây trường học cho dân rồi. Khi đó đang làm lò vôi đấy.

Làm việc thiện hình như nó chạy trong máu của tôi vậy, cứ làm, không nghĩ ngợi gì. Có nhiều làm nhiều, có ít làm ít. Làm lụng cực khổ kiếm từng đồng nhưng góp góp lại cho tiền triệu. Làm được mấy chuyện đó tôi vui lắm, an lạc lắm.”

Từ bỏ thương trường, chuyển sang viết sách

Tháng 4/2020 ông Huỳnh Uy Dũng tuyên bố sẽ rời khỏi thương trường, “nhường” quyền cho vợ là bà Nguyễn Phương Hằng. Mặc dù vậy, vợ chồng ông vẫn thống nhất sẽ dùng 100% lợi nhuận từ việc kinh doanh của Công ty Cổ phần Đại Nam để phục vụ cho các công tác vì cộng đồng của Quỹ từ thiện Hằng Hữu.

Về phần ông, sau khi rời bỏ thương trường ông sẽ chính thức dừng việc kinh doanh kiếm tiền, thay vào đó sẽ tập trung vào công tác thiện nguyện. Ông cho biết sẽ bán những tài sản mà mình tạo dựng trong suốt 40 năm qua để giúp đời, giúp người.

Trên trang facebook cá nhân của mình, ông Dũng chia sẻ: “Bắt đầu từ ngày 8/5, trên thương trường sẽ vắng một Huỳnh Uy Dũng mà trên con đường thiện nguyện của đất nước sẽ có thêm một người thiện tâm, lấy việc giúp bá tánh làm niềm vui, niềm hạnh phúc".

“Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Lấy phúc đức làm của, phúc theo ta suốt đời. Bao nhiêu năm làm kinh doanh, tôi hiểu chết có mang theo gì đâu, nên biết dừng lại sớm, không chiếm hữu”, ông chia sẻ thêm.

Sau khi từ bỏ chuyện kinh doanh, ông chuyển sang hoạt động công tác xã hội, từ thiện và đặc biệt là viết sách. Sách ông viết chủ yếu là Kinh, Phật và sách lịch sử nói về các vị anh hùng, vị tướng, lãnh đạo của Việt Nam.

Nhắc đến sách của ông Dũng không thể không nói đến cuốn “Đại Nam văn hiến sử thi” với 12.344 câu, thể song thất lục bát. Sách nói về quá trình hình thành dựng nước, giữ nước từ giai đoạn Vua Hùng cho đến năm 1945. Điều gây ngạc nhiên nhất chính là sách của ông hoàn toàn viết bằng tay chứ không đánh máy, đồng thời không sử dụng internet để tra cứu tư liệu mà hoàn toàn do ông tự viết ra theo trí nhớ của mình.

Tổng kết

Cũng như các doanh nhân khác, ông Dũng lò vôi từ 2 bàn tay trắng đã gây dựng nên sự nghiệp đồ sộ như ngày hôm nay. Trên con đường đi đến thành công đó đã trải qua không ít các gian khổ, khó khăn, nhưng điều mà tất cả chúng ta nhìn thấy chính là nghị lực phi thường của ông.

Bên cạnh thành tích đạt được thì vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng cũng vướng không ít các lùm xùm, nhưng bằng tấm lòng “tương thân tương ái” chuyên làm việc thiện của mình mà vợ chồng ông không đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng mọi người. Không chỉ giúp đỡ những người nghèo khó mà vợ chồng ông còn góp phần giúp cho đất nước ngày một giàu mạnh, tốt đẹp hơn. Để rồi hôm nay khi nhắc đến ông Huỳnh Uy Dũng là mọi người lại liên tưởng đến một người giàu có cả của cải lẫn tình cảm, một người đáng để thế hệ trẻ học hỏi và noi theo.

Xem thêm:

  • Nguyễn Đăng Quang - khởi nghiệp từ mì gói thành tỷ phú USD
  • Thái Vân Linh (Shark Linh) – nữ cường nhân nổi tiếng của Việt Nam
  • Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ & những câu chuyện ít ai biết
Trần Hải

Tác giả Trần Hải là cựu sinh viên khoa Báo chí, hay được biết đến với bút danh Sea Trần. Hải phát triển sự nghiệp của mình ở đa lĩnh vực. Tuy nhiên, Hải dành nhiều thời gian & tập trung chuyên sâu về lĩnh vực bất động sản hơn 9 năm nay. Hiện tại Trần Hải đang đảm nhận vai trò Senior Content tại Trần Anh Group. Trong suốt thời gian làm việc, Hải đã đạt rất nhiều thành tích & khen thưởng.

Đánh giá của bạn

Gửi đánh giá

Từ khóa » Tiểu Sử Về ông Dũng Lò Vôi