THÔNG TIN VỀ TỈNH HÀ GIANG – Địa Phương

I. GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ HÀ GIANG

  1. Địa giới hành chính

Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới nằm ở cực Bắc của Việt Nam. Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Bắc giáp nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa với đường biên giới dài 277,556km. Tỉnh Hà Giang có 11 huyện, 01 thành phố với 195 xã, phường, thị trấn, với tổng diện tích tự nhiên trên 7.945 km2, với dân số trên 83 vạn người, có 19 dân tộc sinh sống, mật độ dân số trung bình 105 người/km2; cơ cấu dân số theo khu vực thành thị chiếm 15,02%, nông thôn vùng núi  84,98%.

  1. Địa hình

Nằm trong khu vực địa bàn vùng núi cao phía bắc lãnh thổ Việt Nam, Hà Giang là một quần thể núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở, có độ cao trung bình từ 800 m đến 1.200 m so với mực nước biển, về cơ bản, địa hình Hà Giang có thể phân thành 03 vùng chính sau:

(1) Vùng cao phía bắc còn gọi là cao nguyên đá Đồng Văn, gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với 90% diện tích là núi đá vôi, ở đây có những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, nhiều vách núi dựng đứng độ cao trung bình so với mặt nước biển tương đối lớn khoảng 1.150m, đỉnh cao nhất là 1.900m, thấp nhất là 275m. (2) Vùng cao phía tây gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần có độ cao từ 1.000m đến trên 2.000m nhiều sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng, bị phân cắt mạnh, nhiều nếp gấp. (3) Vùng núi thấp bao gồm địa bàn các huyện, thành phố còn lại, kéo dài từ Bắc Mê, thành phố Hà Giang, qua Vị Xuyên đến Bắc Quang, Quang Bình. Khu vực này có những dải rừng già xen kẽ những thung lũng tương đối bằng phẳng nằm dọc theo sông, suối.

  1. Đặc trưng khí hậu

- Nằm trong vùng núi Việt Bắc-Hoàng Liên Sơn của Việt Nam, tỉnh Hà Hà Giang thường đón những đợt không khí lạnh thổi từ  đồng bằng và vùng Đông Bắc tới nên hầu như quanh năm tỉnh Hà Giang duy trì tình trạng thời tiết ẩm ướt, đặc biệt vùng núi cao thường gặp nhiều kiểu thời tiết sương muối, mưa đá. Độ ẩm thường xuyên duy trì ở mức 80-87%. Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 21,60C - 23,90C. Mùa nóng nhiệt độ cao tuyệt đối có thể lên đến 40C (tháng 6, 7); ngược lại mùa lạnh nhiệt độ thấp tuyệt đối là 0C (tháng l). Chế độ mưa ở Hà Giang khá phong phú. Toàn tỉnh đạt bình quân lượng mưa hàng năm khoảng 2.300 - 2.400 mm, còn lại mùa khô có khu vực lượng mưa đạt dưới 25mm.

  1. Diện tích, dân số

 - Tổng diện tích tự nhiên là 7.945 km2, dân số trên 83 vạn người, gồm 19 dân tộc, đông nhất là Dân tộc Mông chiếm 32,87%, dân tộc Tày chiếm 23,2%, dân tộc Dao chiếm 15,1%, dân tộc Kinh chiếm 13,1%, Nùng chiếm 9,93%, Giáy chiếm 2,17%, Cờ Lao, La Chí chiếm 1,68%, và còn lại là các dân tộc Lô Lô, Pu Péo, Bố Y, Phù Lá, Pà Thẻn, Hoa Hán chiếm 1,05%, Sán Chay, Thái, Sán Dìu, Mường, các dân tộc còn lại.

- Dân số Hà Giang phân bố không đều theo các huyện, mật độ trung bình theo niên giám thống kê 2017 là 105 người/km2, tập trung đông cư dân nhất ở huyện Bắc Quang, Vị xuyên (trên 100.000 người), các huyện vùng cao thì tỷ lệ  dân cư tập trung ít hơn như huyện Quản Bạ, Bắc Mê (trên 50.000 người). Tỷ lệ dân số tự nhiên ước đạt 1,54%.

  1. CÁC LĨNH VỰC KINH TẾ - XÃ HỘI

5.1. Thu nhập bình quân, tỷ lệ hộ nghèo:

- Về kinh tế: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt 14.325 tỷ đồng tăng 6,7% so với năm 2017; Trong đó Nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 30,54%  (năm 2017 là 30,86%); Công nghiệp và xây dựng chiếm 22,44% (năm 2017 là 22,48%); Thương mại và dịch vụ chiếm 47,02% (năm 2017 là 46,66%).  Tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2018 là 19,09 triệu đồng/người/ năm, tăng 17% so với năm 2017.

- Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên ước đạt 1,49% (giảm 0,04% so với năm 2017); Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh tính đến 31/12/2018 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều: 56.083 hộ chiếm tỷ lệ 31,17%. Trong 7 huyện nghèo thuộc chương trình 30a, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất chiếm 44,82%. Tuy nhiên số hộ tái nghèo và nghèo phát sinh mới trong năm còn lớn (2.665 hộ = 23,5% số hộ thoát nghèo) do vậy  năm 2018 nhìn chung vẫn chưa thực hiện tốt nhiệm vụ giảm nghèo bền vững.

- Số hộ cận nghèo: 22.873 hộ, chiếm tỷ lệ 12,71% tổng số hộ toàn tỉnh.

- Số hộ nghèo không được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh trên 9.527 hộ, chiếm 18,05% tổng số hộ nghèo.

- Số hộ nghèo đang ở trong nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ trên 10.123 hộ chiếm 18,05% tổng số hộ nghèo.

- Diện tích nhà ở bình quân dưới  8m2/người: 9.618 hộ, chiếm 17,15% tổng số hộ nghèo.

- Số hộ nghèo không sử dụng hố xí/ nhà tiêu hợp vệ sinh: 37.921 hộ (chiếm 67,6%).

- Tuy đã được nhà nước hỗ trợ kinh phí, nhưng so với nhu cầu thực tế thì còn quá ít  để thực hiện hỗ trợ tiếp cận thông tin cho hộ nghèo, Số hộ nghèo không có tivi, radio, máy tinh, và không nghe được hệ thống loa đài truyền thanh xã/thôn là  24.127 hộ, chiếm tỷ lệ  43,02% tổng số hộ nghèo.

5.2. Về lĩnh vực giáo dục

Hiện nay tỉnh Hà Giang đã có những chính sách hỗ trợ về giáo dục, đảm bảo cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Hà Giang thực hiện được quyền của mình. Đặc biệt việc hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn, ở cho học sinh bán trú đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh học sinh, tạo điều kiện để trẻ em, học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa được học tập ở tất cả các cấp học, bậc học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

- Năm 2018, toàn tỉnh Hà Giang có 835 trường và cơ sở giáo dục; duy trì 13 trường phổ thông dân tộc nội trú và 176 trường phổ thông dân tộc bán trú; trong đó có 207/626 trường đạt chuẩn Quốc gia (chiếm 33%), còn 419 trường chưa đạt chuẩn chiếm 67%.

- Tỷ lệ trẻ huy động đến trường 0-2 tuổi đạt 27,2%, trẻ 3-5 tuổi đạt 96%, trẻ từ 6-14 tuổi đạt 98,3%.

- Có 195/195 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập cho trẻ mầm non đạt 99,49%; 11/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn đạt 100%.

- Tuyển sinh vào lớp 1 đạt tỷ lệ 99,67%, Tuyển sinh vào lớp 6 đạt tỷ lệ 98,56%  Tỷ lệ huy động trẻ 6 đến 14 tuổi đến trường đạt 98,5% dân số trong         độ tuổi.

- Tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT và tương đương đạt 64,9%.

-  Tỷ lệ học sinh tuyển vào lớp 10 (Trung học phổ thông) là 7.121/11.068 học sinh tốt nghiệp Phổ thông cơ sở, đạt tỷ lệ 64,34%. Trong đó các huyện vùng cao như Mèo Vạc chỉ đạt 47,39%; Yên Minh đạt 45,04%; Quản Bạ 50,72%; Đồng Văn đạt 53,65%.

- Tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với các học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư, hiện dang hoàn thiện thủ tục 145 hồ sơ công trình khởi công mới thuộc Chương trình kiên cố hóa trường lơp học mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên phần lớn học sinh phổ thông cơ sở sau khi học xong cấp 2 bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình, đi làm nương, làm thuê bên Trung Quốc.

5.3. Về lĩnh vực y tế,  dân số - kế hoạch hoá gia đình

Mặc dù được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài nhưng cơ sở vật chất của ngành y tế tại tỉnh còn thiếu, nhiều trạm y tế đã xuống cấp, thiếu các thiết bị y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thăm, khám, chữa bệnh của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em người dân tộc nghèo tại các điểm vùng sâu, vùng xa.

- Đến hết năm 2018 toàn tỉnh đã có 169/195 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 86,77%. Có 10,5 bác sỹ/vạn dân là; Có 32,6 giường bệnh/vạn dân. 100% trạm y tế, phòng khám đa khoa có Bác sỹ; tổng số đối tượng được tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,5%.

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em: Tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (chiều cao/tuổi) trên địa bàn tỉnh chiếm 22.3%, trong đó tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (chiều cao/tuổi) là 33,8%, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi) 21,6%.

 - Tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm, uống đủ các loại vắc xin ước đạt 97%.

- Triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế cho  trẻ em dưới 6 tuổi tính đến 6/2018 là 112.260 trẻ.

- Thực hiện đảm bảo quyền lợi của trẻ em khi sinh ra được đăng ký khai sinh đạt trên 99%.

- Tỷ số giới tính khi sinh đạt 108 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái.

- Giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản là 11/100.000 trẻ đẻ sống.

- Tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng HIV từ mẹ sang con đạt tỷ lệ 91,4%.

- Giảm tỷ lệ phá thai xuống 6,6/100 trẻ đẻ sống.

5.4. Lĩnh vực về bình đẳng giới

 Các mục tiêu về bình đẳng giới đã đạt được một số kết quả bước đầu. Vai trò, vị trí của phụ nữ tỉnh Hà Giang được nâng lên một bước, phụ nữ đã tham gia nhiều hơn vào các vị trí quản lý, lãnh đạo; từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo, văn hóa thông tin, trong tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đời sống gia đình.... thể hiện cụ thể như sau:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới được triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành với nhiều hình thức, nội dung đa dạng. Nhận thức về giới, bình đẳng giới đã có sự chuyển biến trong cộng đồng dân cư và các tầng lớp nhân dân;

- Số lượng/tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015-2020: Cấp tỉnh là 7/54, chiếm tỷ lệ 12,96% (tăng 0,24% so với nhiệm kỳ 2010-2015); cấp huyện là 84/476, chiếm tỷ lệ 17,65% (tăng 2,9% so với nhiệm kỳ 2010-2015); cấp xã là 583/3.231 chiếm tỷ lệ 18,04% (tăng 2,7% so với nhiệm kỳ 2010-2015); Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội: 1/6 chiếm tỷ lệ 16,6%.

- Số lao động được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt trên 13.654 người, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 43,5%;

- Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức khác, đạt trên 95,0%;

- Tỷ lệ biết chữ của nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 40 tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đạt 96,43%; Tỷ lệ biết chữ của nữ giới trong độ tuổi từ 15 đến 40 tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đạt 94,37%;

- Tỷ lệ nạn nhân của  bạo lực gia đình được phát hiện, tư vấn, hỗ trợ tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình đạt 86%; Tỷ lệ người gây bạo lực gia đình được phát hiện, tư vấn tại các cơ sở tư vấn về bạo lực gia đình đạt 75%;

- 100% số nạn nhân bị mua bán trở về thông qua trao trả được hưởng các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn tâm lý và tái hòa nhập cộng đồng.

5.5. Lĩnh vực bảo trợ xã hội

Đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội được nâng lên rõ rệt thông qua các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước; tuy nhiên cũng chỉ phần nào đáp ứng được nhu cầu thực tế, cụ thể như sau:

- Trên địa bàn toàn tỉnh có trên 21 nghìn đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với tổng kinh phí chi trả bình quân 53 triệu đồng (gồm: trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng 917 đối tượng, người cao tuổi 7.525 đối tượng, người khuyết tật 9.270 đối tượng, người bị nhiễm HIV/AIDS là 34 đối tượng, người đơn thân nghèo nuôi con nhỏ 1.380 đối tượng, nhận chăm sóc nuôi dưỡng tại cộng đồng 2.093 đối tượng).

- Tổ chức nuôi dưỡng chăm sóc 109 đối tượng tại 02 cơ sở trợ giúp xã hội, với số kinh phí trung bình là 1,3 tỷ đồng (Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang chăm sóc, nuôi dưỡng 72 đối tượng gồm: người già cô đơn không nơi nương tựa 03 cụ, trẻ em mồ côi 56 đối tượng, người khuyết tật không nơi nương tựa 13; Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội đang chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho 37 đối tượng tâm thần đặc biệt nặng).

- Toàn tỉnh hiện có 2.105 người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí (trong đó, số tâm thần phân liệt 892 người, rối loạn tâm thần khác 451 người, động kinh 743 người, trầm cảm 19 người); có khoảng 150 đối tượng tâm thần đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, điều trị. Tuy nhiên, hiện nay Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh mới tiếp nhận được 37 đối tượng, số đối tượng còn lại chưa thực hiện tiếp nhận được vì cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác quản lý, chăm sóc, điều trị cho đối tượng tâm thần chưa được đầu tư xây dựng, hiện tại phải sử dụng khu nhà cai nghiện ma túy để quản lý, chăm sóc, điều trị bệnh cho các đối tượng nên rất dễ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn về người và tài sản của Trung tâm, bên cạnh đó khu nhà và trang thiết bị đã xuống cấp nghiêm trọng (đặc biệt đối với những đối tượng tâm thần có tiền sử bệnh lý “tâm thần ác”, không ý thức được hành vi, thường xuyên lên cơn bệnh phá phách, gây nguy hiểm cho tính mạng của bản thân và những người xung quanh).

- Tổng số đối tượng khuyết tật là 9.270 người (số người được nhận trợ cấp hàng tháng),  được các cấp các ngành quan tâm tổ chức thực hiện như hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe, trợ cấp hàng tháng cho người khuyết tật, thăm hỏi.... đã tổ chức khám sàng lọc cho 403 trẻ em khuyết tật, có chỉ định phẫu thuật cho 125 trẻ.

- Số đối tượng là trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng là 917 đối tượng.

- Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (31/12/2017): 7.904 trẻ. Trong đó: Trẻ em bị mua bán 02, Trẻ em mồ côi cả cha, mẹ: 1.842, trẻ em khuyết tật: 4.956, trẻ em nhiễm HIV 23, trẻ em bị xâm hại tình dục 29, trẻ em vi phạm pháp luật là 27). Số trẻ em đang được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội là: 65 trẻ (trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi); 100% số trẻ em có HCĐB đều được tiếp cận với các hình thức trợ giúp khác nhau.

5.6. Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường 

- Mặc dù Nhà nước đã ưu tiên đầu tư cho Chương trình hỗ trợ trồng rừng kinh tế trên địa bàn của tỉnh nhưng nguồn kinh phí còn thấp, chưa thể đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong quá trình trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; Tỷ lệ thành rừng chưa cao (nhất là đối với 4 huyện vùng Cao nguyên đá). Chất lượng rừng trồng thấp không mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực đối với người dân. Bên cạnh đó, công tác lựa chọn loài cây cho một số rừng trồng chưa thật phù hợp với thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu dẫn đến tình trạng rừng phát triển kém (điển hình như rừng keo tại huyện Bắc Mê và Yên Minh...)

- Tỷ lệ che phủ rừng: hiện nay tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn 448.874 ha, tương đương độ che phủ rừng  đạt 55,5%, trong đó giao chỉ tiêu trổng rừng là 8.295 ha, mới thực hiện được 6124/8295 đạt 73,8% kế hoạch đề ra.

- Theo thống kê 6/2018, Tỷ lệ % hộ gia đình có nhà tiêu so với tổng số hộ gia đình:132.800/169282. đạt: 78,44%, tỷ lệ % số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh so với tổng số hộ gia đình: 79.184/169.282. đạt 46,78%. số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh mới được xây dựng, cải tạo trong năm: 1392;  Tỷ lệ Trạm Y tế có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh: 165/195.

- Công tác thu gom trên địa bàn trung tâm các huyện, thành phố đã được thu gom với tỷ lệ thu gom rác thải trung bình trên địa bàn tỉnh đạt trên 90%;  Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý là 85%. Tỷ lệ chất thải đô thị được thu gom và xử lý năm 2017 đạt 93%. Tỷ lệ chất thải nông thôn được thu gom và xử lý 50%.

- Tỷ lệ xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm đạt 11.3% số xã.

* Tình hình thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu:

Hà Giang có địa hình hiểm trở với độ cao từ 800 - 1.200m so với mực nước biển, thường đón những đợt không khí lạnh thổi từ đồng bằng và vùng Đông Bắc tới nên hầu như quanh năm duy trì tình trạng thời tiết ẩm ướt cao, đặc biệt vùng núi cao thường gặp kiểu thời tiết sương muối, mưa đá. Độ ẩm thường xuyên duy trì ở mức 80-87%. Mùa mưa Hà Giang kéo dài từ 6-7 tháng (từ tháng 4-10) chiếm tới 83- 91% lượng mưa cả năm còn lại mùa khô có khu vực lượng mưa đạt dưới <25mm.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam (kịch bản năm 2016) Hà Giang là một trong những tỉnh bị tác động mạnh của biến đổi khi hậu với những loại hình thiên tại như: (1) nắng nóng, hạn hán kéo dài gây cháy rừng, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất đặc biệt là khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; (2) mưa lớn tập trung gây lũ ống, lũ quét và ngập úng; (3) giông lốc, mưa đá.

Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ các thiên tai ngày càng gia tăng đã gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, về kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Tính từ đầu năm 2018 cho đến 4 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra nhiều đợt gió lốc, kèm theo mưa lớn gây lũ quét và sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về  tài sản của nhà nước và nhân dân. các đợt thiên tai làm đã làm chết 34 người, 01 người mất tích, 13 người bị thương, 42,41 ha diện tích lúa bị mất trắng, 554 ha ngô và hoa màu bị đổ, dập hư hỏng, 35 ngôi nhà bị đổ, sập, trôi, cháy và hư hỏng nặng; trên 900 con gia súc và gần 9.000 con gia cầm bị chết, 20,6 tấn cá mất trắng 35 công trình thủy lợi, công trình nước sạch và 393km kè bờ sông bị sạt lở, nhiều công trình giao thông và công trình khác bị phá hủy nặng nề. Ước tính thiệt hại trên 422 tỷ đồng.

5.7. Các vấn đề về nước sinh hoạt

Trong những năm vừa qua được sự quan tâm của nhà nước cũng như sự chung tay góp sức của các tổ chức nước ngoài đã ưu tiên xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt, từ đó bước đầu đã giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt và góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe của người dân, đặc biệt là chuyển biến rõ trong nhận thức về sử dụng  nước sạch, giữ gìn bảo vệ các nguồn nước, bảo vệ rừng đâu nguồn, thay đổi dần hành vi, tập quán sử dụng nước (giảm thời gian đi lấy nước để tập trung phát triển kinh tế gia đình).

- Theo thống kê trên địa bàn tỉnh tính đến 6 tháng đầu năm 2018, chỉ có 58% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 12% sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn Việt Nam.

- Nguồn nước cung cấp cho 4 huyện vùng cao chủ yếu là nguồn nước mưa và nước mặt từ các khe núi, ao hồ, sông suối chiếm 98,5%, bằng các loại hình cấp nước tự chảy: hồ treo, lu, bể, máng lần, khe nước.... còn lại cấp từ các nguồn nước ngầm bằng các giếng đào, giếng khoan chiếm khoảng 1,5%.

- Hiện nay vùng I thuộc 4 huyện vùng cao phía Bắc đặc biệt khan hiếm nước về mùa khô, các nguồn nước rất ít và khu dân cư, trình độ dân trí thấp và sống không tập trung nên chỉ đạt 40 lít/người/ngày đêm. Vùng II khu vực núi đất phía tây đạt mức 50 lít/người/ngày đêm. Vùng III các huyện vùng thấp khá thuận lợi về nước và thời tiết ổn định, dân cư sống khá tập trung đạt 50 lít/người/ngày đêm.

5.8. Về thực trạng mua bán người tại tỉnh Hà Giang

* Về số lượng nạn nhân bị mua bán:

Từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2017, ngành Lao động - TBXH tỉnh Hà Giang đã  phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, làm thủ tục tiếp nhận 611 nạn nhân vào Trung tâm Công tác xã hội để chăm sóc sức khỏe, ổn định tâm lý, tư vấn và thực hiện hỗ trợ nạn nhân tái  hòa nhập cộng đồng theo quy đúng quy định. Cụ thể: Năm 2012 là 107 người; năm 2013 là 182 người; năm 2014 là 182 người; năm 2015 là 114 người; năm 2016 là 07 người; năm 2017 là 19 người.

Trong đó nạn nhân là người của tỉnh Hà Giang 50 người; người thuộc các tỉnh khác là  561 người. Chia theo độ tuổi: Trẻ em (dưới 16 tuổi): 25, từ 16 tuổi trở lên là 586 người; chia theo giới tính: có 03 nam, 608 nữ.

* Về công tác hỗ trợ nạn nhân:

 Hiện nay, ngành Lao động - TBXH Hà Giang chưa có cơ sở tiếp nhận, nhà lưu trú cho nạn nhân bị mua bán riêng biệt. Việc tiếp nhận tạm thời, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân bị mua bán được thực hiện tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Tại đây nạn nhân được bố trí nơi ăn, ở, nghỉ ngơi, sinh hoạt; được khám và chăm sóc sức khỏe, được tư vấn ổn định tâm lý và thực hiện hỗ trợ ban đầu tại Trung tâm theo quy định của Nhà nước; sau đó phối hợp với các đơn vị có liên quan, địa phương và gia đình để đưa các nạn nhân trở về nơi cư trú, tái hòa nhập cộng đồng.

5.9. Về thực trạng đào tạo nghề và giải quyết việc làm:

Hà Giang là tỉnh có dân số trẻ, lực lượng lao động chiếm trên 64% dân số, trong đó lực lượng thanh niên (từ 15 đến 35 tuổi) chiếm gần 30% dân số. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương (thực tế hiện nay chất lượng nguồn lao động Hà Giang còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2018 chiếm trên 40%).

- Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 01 trường cao đẳng; 02 trường trung cấp; 09 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; 01 trung tâm dạy nghề tư thục và 01 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề.

- Về kết quả đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho 28.700 người, trong đó, số lao động tham gia học nghề nông nghiệp là 15.523 người, đạt 54%; số người tham gia học nghề phi nông nghiệp là 13.177 người, đạt 46%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh từ 46% năm 2015 lên 49,5% năm 2017, trong đó qua đào tạo nghề đạt 37,1% năm 2015 lên 40% năm 2017.

- Kết quả, trong lĩnh vực phi nông nghiệp có trên 70% lao động sau tốt nghiệp có việc làm; một số nghề như: dệt thổ cẩm, đan lát thủ công, chế biến chè, sản xuất và kinh doanh rượu, xây dựng tỷ lệ này đạt trên 80%....; đối với lĩnh vực nông nghiệp, trên 85% lao động sau khi học xong có nghề mới hoặc vẫn làm nghề cũ, nhưng đã biết áp dụng kiến thức, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh đưa năng suất, chất lượng, thu nhập tăng lên. Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động đã góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã được Trung ương cấp kinh phí thực hiện Tiểu dự án 4 Chương trình 30a về hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nhưng đạt hiệu quả thấp do lao động Hà Giang có trình độ thấp, không đáp ứng được yêu cầu. Trên thực tế số lao động phổ thông của tỉnh Hà Giang đi làm thuê ở Trung Quốc rất lớn (bình quân hàng năm có trên 20.000 lượt người sang Trung Quốc lao động tự do).

  1. THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN

* Ưu điểm, thế mạnh của địa phương

Hà Giang đang tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm mà địa phương có thế mạnh như việc gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp với xây dựng thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý gắn với quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm tiêu thụ trong nước, sau tính đến xuất khẩu như cam, mật ong; có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực như cây chè, xây dựng thương hiệu chè và hợp tác với các đối tác quảng bá thương hiệu văn hóa chè Việt Nam và tham gia các chuỗi cung ứng tại các quốc gia là các thị trường xuất khẩu chính. Đẩy mạnh trồng và chế biến dược liệu.

 Một trong những thế mạnh khác của Hà Giang chính là tài nguyên du lịch sinh thái. Trước hết phải kể đến thảm thực vật phong phú và đa dạng cùng nhiều chủng loại động vật quý hiếm, chính đây là nguồn lợi đáng kể đóng góp vào kinh tế địa phương đồng thời cũng là tiềm năng để xây dựng những khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.

 Hà Giang được xếp vào hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên điển hình của hệ rừng núi đá của đông bắc Việt Nam. (Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, cổng Trời, núi đôi Quản Bạ, di tích nhà họ Vương, phố cổ Đồng Văn, Mã Pì Lèng, cột cờ Lũng cú, Hang Lùng Khúy...)

Mặt khác, tỉnh Hà Giang với các tỉnh trong khu vực, thúc đẩy hình thành thành tam giác phát triển du lịch quan trọng thành tam giác phát triển du lịch Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng – Đông Bắc – Tây Bắc, đây sẽ là một trong những liên kết du lịch đặc sắc của ngành du lịch Việt Nam, phát huy các giá trị về tài nguyên du lịch để xây dựng nên các sản phẩm du lịch tổng hợp, hấp dẫn với nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể quý báu: Hát Then, Nhảy lửa, lễ hội hoa tam giác mạch, lễ hội khèn Mông.

* Thực trạng, khó khăn chung của tỉnh Hà Giang hiện nay

- Địa hình chia cắt mạnh, hiểm trở gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, giao thông đi lại khó khăn, địa bàn tỉnh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa, trình độ dân trí thấp, vẫn tồn tại các hủ tục lạc hậu; Điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt, rét hại kéo dài, mùa mưa thường xảy ra lũ ống, lũ quét, thiếu đất sản xuất; các huyện vùng cao thiếu nước sạch sinh hoạt, sản xuất, đời sống của người dân vẫn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao.

- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh còn bất cập. Chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều hộ dân chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh, cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các trạm y tế còn thiếu thốn và lạc hậu.

- Kinh tế chưa phát triển bền vững, quy mô sản xuất kinh doanh còn nhỏ, năng lực cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế. Việc huy động nội lực, thu hút các nguồn lực của trong nước và nước ngoài còn yếu, đời sống của một bộ phận người dân còn rất nhiều khó khăn.  

- Do kinh phí bố trí thực hiện các Chương trình, Đề án của Chính phủ phê duyệt chưa đảm bảo yêu cầu thực hiện, trong khi đó Hà Giang là tỉnh nghèo, nên việc bố trí kinh phí cho các hoạt động thuộc phần ngân sách địa phương là rất khó khăn, do vậy nhiều hoạt động hiện nay không tổ chức thực hiện được hoặc thực hiện rất hạn chế như: công tác truyền thông, giám sát đánh giá, xây dựng mô hình, triển khai Đề án...

- Phần lớn các trường học còn thiếu phòng ở hoặc phòng học, phòng ở chưa đảm bảo diện tích tối thiểu, nhiều phòng còn tạm bợ, chủ yếu là nhà bán kiến cố hoặc nhà cấp 4 được xây dựng từ lâu, nay đã hư hỏng và xuống cấp, thiếu các điều kiện tối thiểu như giường ngủ, chăn màn...; thiếu công trình vệ sinh, nhà tắm, nước sạch; thiếu trang thiết bị nhà bếp, đồ dùng cá nhân phòng ăn cho học sinh bán trú; việc tổ chức được bữa ăn trưa cho trẻ mầm non còn gặp nhiều khó khăn so với mức trợ cấp và điều kiện thực tiễn. Tại một số trường phổ thông dân tộc bán trú, học sinh ở bán trú còn quá nhỏ (từ 6 tuổi) việc chăm sóc các cháu gặp nhiểu vấn đề; Hệ thống các trường, trung tâm đào tạo của tỉnh còn thiếu về cả số lượng và cơ sở vật chất, chưa tạo được sự liên thông và gắn kết cần thiết giữa đào tạo với nhu cầu thị trường lao động. Tỷ lệ huy động học sinh đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở vào Trung học phổ thông đạt tỷ lệ 64,34% trong đó các huyện vùng cao Hà Giang đạt trung bình 49,2%...

Từ khóa » Dân Tộc Hán ở Hà Giang