Thông Tin Y Tế Trên Các Báo Ngày 12/6/2022 - Điểm Báo

Thông tin y tế trên các báo ngày 12/6/2022 Ngày đăng 12/06/2022 | 19:03 | Lượt xem: 261 TIN LIÊN QUAN

24 địa phương không có ca nhiễm mới Covid-19, số F0 đang thở ô xy còn 27 ca

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua (tính từ 16h ngày 10-6 đến 16h ngày 11-6), trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 710 ca nhiễm mới tại 39 tỉnh, thành phố (giảm 251 ca so với ngày trước đó). Như vậy, 24 tỉnh, thành phố không có ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Ngoài ra, số bệnh nhân khỏi bệnh trong ngày cũng gấp hơn 10 lần số ca nhiễm mới. Hiện, số F0 đang thở ô xy là 27 ca (giảm 35 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Bắc Ninh (giảm 77 ca), Đà Nẵng (giảm 42 ca), Phú Thọ (giảm 19 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Nghệ An (tăng 5 ca), Tuyên Quang (tăng 5 ca), Quảng Bình (tăng 5 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 833 ca/ngày.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (176), Yên Bái (60), Nghệ An (53), Phú Thọ (47), Lào Cai (31), Quảng Ninh (27), thành phố Hồ Chí Minh (22), Tuyên Quang (22), Thái Bình (22), Sơn La (21), Thái Nguyên (21), Nam Định (18), Quảng Bình (17), Vĩnh Phúc (16), Hưng Yên (16), Bắc Kạn (14), Hòa Bình (13), Lâm Đồng (12), Hà Nam (11), Cao Bằng (10), Lạng Sơn (9), Hải Dương (9), Hà Giang (8 ), Ninh Bình (8 ), Bắc Giang (7), Hải Phòng (7), Bến Tre (5), Thanh Hóa (5), Quảng Trị (4), Điện Biên (4), Lai Châu (4), Bình Định (2), Đà Nẵng (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bình Thuận (1), Bình Phước (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Hậu Giang (1).

Ngoài ra, ngày 11-6, Sở Y tế Bến Tre đăng ký bổ sung 853 ca trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung thông tin.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.731.244 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.367 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.723.479 ca, trong đó có 9.545.102 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.602.747), thành phố Hồ Chí Minh (609.659), Nghệ An (485.033), Bắc Giang (387.636), Bình Dương (383.788).

Về tình hình điều trị, có thêm 7.321 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.547.919. Ngoài ra, có 27 bệnh nhân đang thở ô xy.

Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua ghi nhận 1 ca tử vong tại tỉnh Tây Ninh. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.083 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Theo tin từ Sở Y tế, trong 24 giờ qua, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 176 ca Covid-19. Như vậy, tính từ ngày 29-4-2021 cho đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận hơn 1,6 triệu ca nhiễm, trong đó có 1.336 bệnh nhân tử vong. Hà Nội đã qua 53 ngày không ghi nhận ca tử vong do Covid-19. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố còn 29.884 ca đang điều trị, theo dõi; trong đó, có 52 ca điều trị tại bệnh viện và 29.832 ca theo dõi tại nhà.

(Hà Nội mới)

Điều trị cho hơn 3,4 triệu lượt người tham gia bảo hiểm y tế

Lũy kế từ đầu năm 2022 đến nay, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng cho hơn 3.000 lượt người; chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 117.000 người; các chế độ ngắn hạn cho 200.000 lượt người.

Về bảo hiểm y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh đã tiếp đón, điều trị cho hơn 3,4 triệu lượt người tham gia bảo hiểm y tế (hơn 2,93 triệu lượt người khám, chữa bệnh ngoại trú; gần 470.000 lượt người khám, chữa bệnh nội trú) với số tiền đề nghị thanh toán gần 5.858 tỷ đồng (bằng 101,3% so với cùng kỳ năm 2021).

Những tháng cuối năm, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội phối hợp với các bên liên quan tăng cường truyền thông về lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chú trọng kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm y tế đến đúng đối tượng thụ hưởng...

(Hà Nội mới)

14.000 tỷ đồng đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng

Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, y tế cơ sở và y tế dự phòng sẽ được đầu tư nguồn lực là 14.000 tỷ để tăng cường năng lực. Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan giải ngân nguồn vốn này để giải quyết khó khăn ngay trong ngắn hạn

Thông tin trên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với công nhân diễn ra sáng nay 12/6 tại Bắc Giang. Cuộc đối thoại được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu trên toàn quốc.

Cuộc gặp gỡ, đối thoại cùng công nhân có chủ đề "Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, thích ứng, an toàn" là sự kiện hết sức ý nghĩa để Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, chia sẻ, trao đổi nhằm tìm ra những nhiệm vụ, giải pháp đối với các vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng các anh chị em công nhân, người lao động.

Trước khi đối thoại với công nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm nơi ở và tặng quà công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Đã có 10.000 câu hỏi gửi đến Thủ tướng trước ngày đối thoại trực tiếp.

Liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, tại buổi đối thoaị, từ điểm cầu Vĩnh Phúc, công nhân Vũ Thị Kim Anh chia sẻ câu chuyện "công nhân chúng cháu thường xuyên phải tăng ca ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng rất khó khăn trong việc khám chữa bệnh do bệnh viện ở xa nơi làm việc".

"Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng quy hoạch phát triển bệnh viện tại các khu công nghiệp, trước mắt tổ chức cơ sở khám chữa bệnh trong các khu công nghiệp để thuận tiện cho chúng cháu đến khám chữa bệnh và cấp cứu kịp thời khi có sự cố, tai nạn tại các nhà máy. Đồng thời cho phép các cơ sở khám, chữa bệnh vào chủ nhật và được thanh toán bảo hiểm y tế vì hầu hết công nhân chúng cháu đều đi làm từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần"- công nhân Vũ Thị Kim Anh nêu

Thủ tướng cho biết, vừa qua trong đại dịch COVID-19 toàn hệ thống chính trị, được ủng hộ của nhân dân, được ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã thực hiện chống dịch COVID-19, đến nay cơ bản đã kiểm soát được tình hình, đang trở về trạng thái bình thường là thành công lớn của Đảng, Nhà nước, của nhân dân ta.

Tuy nhiên trong thành tựu chung, Thủ tướng chỉ ra bên cạnh điểm mạnh còn bộc lộ điểm yếu về hệ thống y tế.

Với mục tiêu, chủ trương đặt sức khỏe của người dân, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, nhất là đại dịch, Thủ tướng cho biết qua rà soát lại những được cơ bản được, còn những cái chưa được như hệ thống y tế dự phòng, hệ thống y tế cơ sở còn thiếu, còn yếu cả về mặt pháp lý, cơ sở vật chất, tổ chức thực hiện và đầu tư cho nguồn nhân lực.

Với ý kiến của công nhân, Thủ tướng cho rằng đã phản ảnh chân thực thực tiễn ở cơ sở. Thủ tướng cho biết: Quốc hội đang yêu cầu sửa Luật Khám chữa bệnh. Chính phủ đang rà soát lại hệ thống quy định pháp luật có liên quan để tăng cường hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng. Các khu công nghiệp tập trung đông công nhân, mà chủ trương cũng như "công thức" chống dịch của chúng ta là làm sao để người bệnh tiếp xúc nhanh nhất, sớm nhất với dịch vụ y tế ngay tại cơ sở.

"Trước điểm yếu trên của hệ thống y tế, chúng tôi đang tập trung bổ sung về pháp lý và thể chế"- Thủ tướng nói.

Về giải pháp trước mắt, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, y tế cơ sở và y tế dự phòng sẽ được đầu tư nguồn lực là 14.000 tỷ để tăng cường năng lực. Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan giải ngân nguồn vốn này để giải quyết khó khăn ngay trong ngắn hạn.

Về lâu dài, chúng ta nên nghiên cứu tổ chức y tế, trạm xá hay cơ sở khám chữa bệnh sao cho phù hợp cho các khu công nghiệp. Đề nghị Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu. Những gì thuộc về cơ chế, chính sách, thể chế thì phải bổ sung ngay vào Luật Khám chữa bệnh theo hướng làm sao để bố trí nguồn lực, nhân lực, tổ chức thực hiện hiệu quả nhất để công nhân được tiếp cận y tế từ xa, từ cơ sở, sớm nhất, nhanh nhất có thể.

Báo cáo thêm với Thủ tướng, ông Nguyễn Đình Khang, chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay việc khám, chữa bệnh cho công nhân lao động đã được tổng hợp nhiều năm nay, nhưng đang vướng 2 việc là cơ sở khám, chữa bệnh ở khu công nghiệp chưa được quy định trong mạng lưới y tế và khám, chữa bệnh ngoài giờ cho công nhân lao động thì bảo hiểm y tế có thanh toàn hay không?

Đồng thời, tiền lương cho cán bộ y tế khám chữa bệnh ở đây cũng rất cần bàn đến. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tới đây sẽ có tổng hợp, kiến nghị, báo cáo Thủ tướng.

(Sức khỏe và đời sống)

Một trong những triệu chứng thường gặp nhất ở hậu Covid-19

Theo Bộ Y tế, đây là một trong những triệu chứng thường gặp nhất ở giai đoạn hồi phục sau mắc Covid-19, được mô tả là một cảm giác quá tải hay kiệt sức cả về thể chất và tinh thần.

Theo ThS.DS. Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, những triệu chứng hậu Covid-19 hay Covid-19 kéo dài, đặc biệt đối với lực lượng lao động trẻ là thách thức mới của ngành y tế cũng như của đất nước nói chung.

Hiện Việt Nam có gần 11 triệu người đã nhiễm Covid-19, với tỉ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm đa số. Để đảm bảo sức khỏe cho lực lượng lao động này cũng chính là đảm bảo nguồn lực con người phát triển đất nước, đòi hỏi các ngành, các cấp đều cần có những chính sách phù hợp, hỗ trợ người dân phục hồi hậu Covid-19.

Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất từ những kết quả nghiên cứu trên.

Đó là, các vấn đề hậu Covid-19 đa dạng và dàn trải cả về chuyên khoa, mức độ, địa bàn, do đó, để có thể can thiệp một cách toàn diện cần có sự tham gia của nhiều ban ngành, đoàn thể, lực lượng xã hội và chuyên môn y tế. Đặc biệt, những vấn đề cấp thiết như tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, trường học, nhà máy, xí nghiệp… cần có các giải pháp hỗ trợ và mở rộng bao phủ can thiệp.

Nghiên cứu mở rộng các mô hình dựa vào cộng đồng trong can thiệp hậu Covid-19, tạo phong trào nâng cao sức khỏe, phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và củng cố các mô hình y tế cơ sở đã có, hướng đến giảm thiểu tác động hậu Covid-19; hỗ trợ chính sách, thúc đẩy xã hội hóa y tế giúp mọi người dân đều có điều kiện kiểm tra chức năng hô hấp và tăng cường hướng dẫn, phổ biến những bài tập phục hồi chức năng hô hấp. Cần có chính sách thúc đẩy hơn nữa số hóa trong công tác tư vấn chăm sóc sức khỏe qua nền tảng công nghệ, tạo điều kiện cho các startup y tế tham gia sâu rộng vào hoạt động khám, chăm sóc sức khỏe qua nền tảng công nghệ…

Đối với người dân, Hội Thầy thuốc trẻ khuyến cáo tăng cường vận động thể chất và dinh dưỡng hợp lý; tìm hiểu thông tin qua nguồn chính thống, tránh tự sử dụng thuốc không chỉ định (đặc biệt là kháng sinh), tránh sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nam, thuốc dân tộc chưa được Bộ Y tế khuyến nghị cho điều trị hoặc hỗ trợ phục hồi hậu Covid-19; theo dõi thể trạng, lưu ý những hội chứng hiếm (tự miễn dịch, đau ngực kéo dài, …) nhưng cũng tránh hoang mang, tìm đến cơ sở y tế khi không cần thiết.

Các triệu chứng hậu Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế rất đa dạng, có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi mắc Covid-19 và đã hồi phục hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu hoặc tái phát theo thời gian. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực…

Trong đó, theo Bộ Y tế, mệt mỏi là một trong những triệu chứng thường gặp nhất ở giai đoạn hồi phục sau mắc Covid-19, được mô tả là một cảm giác quá tải hay kiệt sức cả về thể chất và tinh thần.

Mệt mỏi về thể chất: Người bệnh cảm thấy cơ thể rất nặng nề, những hoạt động thể lực dù nhẹ nhàng cũng tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

Mệt mỏi về nhận thức và tinh thần: Người bệnh khó tập trung suy nghĩ, hoặc tiếp nhận thông tin mới, trí nhớ cũng như công việc, học tập bị ảnh hưởng.

Tại hướng dẫn mới nhất về Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc Covid-19, Bộ Y tế nhấn mạnh nếu sau mắc Covid-19 tình trạng mệt mỏi kéo dài mặc dù đã tự điều chỉnh về nhịp độ và các hoạt động ưu tiên, ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày, kèm theo một số triệu chứng như:

Mệt mỏi sau khi làm việc gắng sức và kéo dài trên 24 giờ;

Ngủ không yên giấc;

Suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung;

Đau cơ, đau nhiều khớp nhưng không sưng, nóng, đỏ; Đau họng hoặc loét miệng; đau đầu ... các 'cựu' F0 cần đi khám tại phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Ngoài ra, nếu cảm thấy mệt mỏi kéo dài sau mắc Covid-19, đồng thời có bệnh mạn tính về tim mạch (bệnh mạch vành, suy tim...), bệnh nội khoa (đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...) hoặc có biến chứng về tim mạch, hô hấp...trong thời gian nhiễm Covid-19, bạn không nên trì hoãn mà cần khám và quản lý sớm tại các phòng khám chuyên khoa tương ứng.

(Giáo dục thời đại)

Nguyễn Thị Vân

Các tin khác
  • Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 30/11/2024
  • Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 29/11/2024
  • Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 28/11/2024
  • Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 27/11/2024
  • Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 26/11/2024
  • Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 25/11/2024

  • Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
  • Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
  • Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
  • Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
  • 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
  • 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
  • Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
  • Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
  • Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
  • Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc

Dịch vụ công trực tuyến

Phần mềm Quản lý văn bản

Phần mềm QLHS Một cửa

Phần mềm Một cửa (Mới)

Tiếp nhận ý kiến công dân

Danh mục TTHC công

Tra cứu hồ sơ Một cửa

Thư điện tử TP Hà Nội

Thông tin người phát ngôn

Chọn liên kết Đang online: 734 Lượt truy cập trong tuần: 12682 Lượt truy cập trong tháng: 12682 Lượt truy cập trong năm: 2885796 Tổng số lượt truy cập: 46953184 Về đầu trang

Từ khóa » Thu 7 Cua Ban 12/6