Thông Tin Y Tế Trên Các Báo Ngày 25/7/2022 - Tin Tức Sự Kiện

Thông tin y tế trên các báo ngày 25/7/2022 Ngày đăng 25/07/2022 | 09:27 | Lượt xem: 776 TIN LIÊN QUAN

Sáng 25/7: Tiếp tục giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5; đã có vaccine phòng đậu mùa khỉ thế hệ mới

Hiện một số ít quốc gia đã phê duyệt sử dụng vaccine phòng bệnh đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới (thế hệ 2, 3), tuy nhiên đến ngày 18/7, WHO không khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ rộng rãi; Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5

WHO không khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ rộng rãi

Theo thông tin tại cuộc họp khẩn bàn phương án ứng phó với dịch đậu mùa khỉ diễn ra chiều ngày 24/7 do Bộ Y tế tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp cho biết ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực của WHO.

Theo WHO, đến nay, kết quả một số nghiên cứu cho thấy vaccine đậu mùa trước đây có hiệu quả nhất định trong việc phòng chống bệnh đầu mùa khỉ. Hiện một số ít quốc gia đã phê duyệt sử dụng vaccine phòng bệnh đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới (thế hệ 2, 3) để sử dụng phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Tới thời điểm 18/7/2022, WHO không khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ rộng rãi do virus đậu mùa khỉ không dễ dàng lây lan. Các dữ liệu nghiên cứu về hiệu quả của vaccine phòng đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

Các chuyên gia cho rằng nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ vào nước ta là rất lớn, do đó tại cuộc họp khẩn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh tại tất cả cửa khẩu và các tỉnh, thành thông qua giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở y tế. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản đối phó. Hiện Việt Nam đang ở nhóm 1 chưa có ca bệnh, vậy ứng phó khi vào nhóm 2,3,4 thì như thế nào.

"Việt Nam chưa có ca bệnh song phải xây dựng kịch bản phản ứng với dịch cho các tình huống có ca bệnh, ca nhập cảnh, ca bệnh trong cộng đồng… khi có kịch bản, xử lý nhanh và sẵn sàng ứng phó"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Ca COVID-19 mắc mới và ca nặng đều giảm mạnh

Bộ Y tế cho biết ngày 24/7 có 748 ca COVID-19, giảm gần 300 ca so với ngày trước đó; Trong ngày không có F0 tử vong; Gần 9.800 bệnh nhân COVID-19 khỏi gấp 13 lần so với số ca mắc mới.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.767.948 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.627 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 9.861.276 ca; trong số các bệnh nhân đang theo dõi và điều trị chỉ còn 29 ca thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 24 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca. Số bệnh nhân nặng hiện tại gỉam nhiều so với ngày trước đó.

Theo Bộ Y tế các biến chủng mới của virus có khả năng tiếp tục xuất hiện hoặc tiến hóa sẽ làm giảm miễn dịch qua thời gian dẫn đến có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại. Hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước. Do đó cần đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới của COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình dịch và các yếu tố nguy cơ, chủ động các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh và chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch;

Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 574,7 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.

Ngày 23/7, số ca mắc mới COVID-19 ở Nhật Bản lần đầu tiên đã vượt 200.000 ca, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc cao kỷ lục trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 7 ở nước này chủ yếu do biến thể phụ BA.5 của Omicron.

Giới chức y tế Cuba cho rằng xu hướng gia tăng các ca mắc COVID-19 là do sự lây lan của biến thể phụ BA.5 của biến thể Omicron và khuyến nghị người dân sử dụng trở lại khẩu trang. Tuy nhiên, Cuba vẫn tự tin duy trì khả năng kiểm soát dịch bệnh do tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 tại nước này đạt mức cao.

Báo Sức khỏe và đời sống

Bộ Y tế: Rà soát trẻ từ 5 - dưới 18 tuổi chưa tiêm vaccine COVID-19 hoặc tiêm chưa đầy đủ

Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành y tế trên địa bàn rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non và học sinh thuộc độ tuổi tiêm vaccine COVID-19 từ 5 - dưới 18 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường truyền thông và tiêm vaccine COVID-19.

Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được hơn 240 triệu liều vaccine COVID-19 với tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên cao và đang tập trung triển khai tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi 4 cho nhóm đối tượng nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi.

Thực tế đã cho thấy tiêm vaccine vẫn luôn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.

Để tăng cường hơn nữa việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 - dưới 18 tuổi sinh viên và cán bộ, công nhân viên ngành giáo dục, sẵn sàng cho năm học mới 2022-2023; Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành y tế trên địa bàn rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non và học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng từ 5 - dưới 18 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ;

Chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực và tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học hoặc các địa điểm phù hợp khác, đảm bảo tiêm chủng an toàn, khoa học và hoàn thành tiêm 2 liều trong tháng 8/2022 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tăng nhanh độ bao phủ mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi.

Tăng cường truyền thông, vận động sinh viên và cán bộ, công nhân viên trong ngành tham gia tiêm chủng đầy đủ, kịp thời để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022.

Tăng cường công tác truyền thông trong trường học, mời các chuyên gia, nhà tư vấn chuyên môn tư vấn cho cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và trách nhiệm bảo đảm quyền được tiêm chủng của trẻ để tạo sự đồng thuận vận động các em và phụ huynh, người chăm sóc trẻ đưa con em đi tiêm chủng phòng dịch COVID-19 đầy đủ, kịp thời;

Đặc biệt quan tâm đến trẻ mắc bệnh lý nền, béo phì .. để phối hợp với ngành y tế thực hiện phương án tiêm chủng bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh.

Trong văn bản về tăng cường triển khai tiêm vaccine COVID-19 của Bộ Y tế gửi các đơn vị liên quan mới nhất Bộ Y tế nêu rõ: Tiêm NGAY cho các đối tượng sau khi đủ thời gian, cụ thể:

Tiêm mũi 3:

Người trên 18 tuổi: Tiêm mũi 3 NGAY sau mũi 2 ba tháng; người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh.

Người từ 12 - dưới 18 tuổi: Tiêm mũi 3 NGAY sau mũi 2 năm tháng; người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh ba tháng.

Tiêm mũi 4 NGAY sau mũi 3 bốn tháng; người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh ba tháng;

Tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi: trẻ đã mắc COVID-19 thì tiêm NGAY sau khi khỏi bệnh ba tháng.

Báo Sức khỏe và đời sống

Thận trọng khi mua và sử dụng thuốc Tamiflu

Tình hình bệnh cúm mùa trên địa bàn Hà Nội đang có xu hướng gia tăng. Thực tế đó đã khiến cho giá thuốc Tamiflu - một trong những loại thuốc đặc trị cúm A bắt đầu có hiện tượng “nhảy múa”. Đáng lo ngại, việc người dân tự ý mua thuốc Tamiflu về điều trị có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Để bảo đảm sức khỏe, người dân cần thận trọng, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mua và sử dụng loại thuốc này.

Mỗi nơi một giá

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 18-7, Hà Nội đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Đặc biệt, từ tháng 1 đến tháng 4-2022 có gần 400 ca mắc cúm/tháng, thì đến tháng 6-2022 ghi nhận 887 ca (tăng gấp hơn 2 lần).

Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, trong 2 tuần đầu tháng 7-2022 đã khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm. Còn tại Trung tâm Xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) từ ngày 1 đến 18-7 có 4.887 trường hợp làm xét nghiệm cúm, trong đó số ca dương tính là 2.377 ca (gồm 97% là cúm A và 3% là cúm B).

Diễn biến phức tạp của dịch cúm đã khiến nhu cầu sử dụng thuốc Tamiflu của người dân tăng cao, dẫn đến giá thuốc cũng bị đẩy lên một cách bất thường. Nếu như cách đây vài tuần, một số chủ hàng vẫn cung cấp Tamiflu với mức giá 480.000-500.000 đồng/hộp (10 viên), thì nay, mức giá đang dao động từ 530.000 đồng đến 580.000 đồng/hộp. Nhiều nơi, thuốc Tamiflu còn được quảng cáo là hàng “xách tay”, với giá bán lên tới 680.000-750.000 đồng/hộp.

Chị Nguyễn Thị Lan Hoa (ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi có con bị mắc cúm phải mua thuốc Tamiflu với giá 72.000 đồng/viên. Nhưng mấy ngày sau đó, đến lượt tôi cũng bị nhiễm bệnh, mua thuốc Tamiflu ở một hiệu thuốc gần nhà, thì chỉ có 68.000 đồng/viên”.

Chủ một cửa hàng thuốc tại quận Long Biên cho biết, vào thời điểm trước tháng 7-2022, giá thuốc Tamiflu ở đây là 480.000 đồng/hộp (10 viên), thì hiện nay đã tăng lên 560.000 đồng/hộp. Hiện tại, thuốc tại cửa hàng này đã “cháy hàng” và chưa biết bao giờ có trở lại. Người bán hàng cũng cho hay, giá thuốc được đẩy lên cao không phải do hãng cung cấp, mà chủ yếu do tình trạng các mối buôn ôm hàng, tác động tới thị trường.

Không nên tự ý sử dụng

Bệnh cúm không chỉ gia tăng ở Hà Nội, mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Những ngày qua, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh) đã nhận được nhiều câu hỏi của các phụ huynh về việc có nên cho con sử dụng thuốc Tamiflu khi nhiễm cúm. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, do các tác dụng phụ, nên không thể sử dụng loại thuốc này một cách tùy tiện. Tamiflu thường chỉ dùng đối với các trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc với người có cơ địa tiểu đường, nguy cơ bị tăng nặng.

“Tamiflu chỉ có hàm lượng duy nhất dùng cho người lớn và rất khó dùng cho trẻ em. Chỉ điều dưỡng và bác sĩ mới biết cách chia liều sao cho đúng theo lứa tuổi. Việc phụ huynh tự mua Tamiflu điều trị cho con, rất dễ dẫn đến quá liều hoặc thiếu liều. Tamiflu mà dùng không đúng liều, dễ gây kháng thuốc”, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo.

Theo các chuyên gia y tế, 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài liên tục, tổn thương phổi, thì mới cần nhập viện điều trị. Ngoài Tamiflu, bác sĩ còn dùng nhiều loại thuốc khác để phối hợp điều trị. Những trường hợp mắc cúm, song chỉ ho, chảy nước mũi, sốt nhẹ, chụp X-quang phổi không có tổn thương, chỉ cần điều trị ngoại trú, nâng cao thể trạng để bệnh tự khỏi.

Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho rằng, các bậc phụ huynh không nên tự ý mua thuốc Tamiflu sử dụng cho trẻ. Thuốc này dùng để ức chế vi rút nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của vi rút ở đường hô hấp. Tuy nhiên, một nghiên cứu đã được Bệnh viện Nhi trung ương triển khai cho thấy, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ, kể từ lúc có triệu chứng sốt, thì không khác gì nhóm bệnh nhân không dùng. Vấn đề quan trọng khi trẻ mắc cúm A là phải chú ý hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp, hạn chế tiếp xúc để tránh bội nhiễm. Bên cạnh đó, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ.

Còn theo khuyến cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), trong điều trị cúm, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm. Thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn, có thể dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của người bệnh; đồng thời thực hiện tốt công tác khám, thu dung, điều trị, chuyển tuyến đối với bệnh nhân mắc cúm mùa, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chuyển nặng và tử vong.

Báo Hà Nội mới

Nguyễn Thị Mai Trang

Các tin khác
  • Cầu Giấy: Mít tinh, diễu hành hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS
  • Sơn Tây: Mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS
  • Huyện Thường Tín tổ chức phát động xây dựng cộng đồng an toàn là trách nhiệm của toàn xã hội năm 2024
  • Huyện Thạch Thất: Gần 1.000 học sinh được xét nghiệm sàng lọc bệnh Thalassemia miễn phí
  • Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 28/11/2024
  • Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 27/11/2024

  • Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
  • Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
  • Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
  • Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
  • 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
  • 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
  • Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
  • Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
  • Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
  • Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc

Dịch vụ công trực tuyến

Phần mềm Quản lý văn bản

Phần mềm QLHS Một cửa

Phần mềm Một cửa (Mới)

Tiếp nhận ý kiến công dân

Danh mục TTHC công

Tra cứu hồ sơ Một cửa

Thư điện tử TP Hà Nội

Thông tin người phát ngôn

Chọn liên kết Đang online: 430 Lượt truy cập trong tuần: 3972 Lượt truy cập trong tháng: 3972 Lượt truy cập trong năm: 2877086 Tổng số lượt truy cập: 46944474 Về đầu trang

Từ khóa » Số Ca Mắc Covid Hà Nội 25/7