Thông Tin Y Tế Trên Các Báo Ngày 28/9/2021 - Điểm Báo

Thông tin y tế trên các báo ngày 28/9/2021 Ngày đăng 28/09/2021 | 13:08 | Lượt xem: 805 TIN LIÊN QUAN

Người mắc bệnh gan có được tiêm vaccine phòng Covid-19 và cần lưu ý những gì?

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, những người mắc bệnh gan cấp tính, viêm gan mạn tính tiến triển có biểu hiện lâm sàng mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, vàng da, vàng mắt… và/ hoặc xét nghiệm men gan tăng cao… thuộc đối tượng trì hoãn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Các trường hơp ung thư giai đoạn cuối (ung thư gan) và xơ gan mất bù, suy gan có biểu hiện lâm sàng, có rối loạn chức năng đông máu như tiểu cầu giảm, tỷ lệ prothrombin giảm cũng thuộc đối tượng trì hoãn tiêm chủng.

Còn những người mắc bệnh gan cấp tính, mạn tính bao gồm viêm gan virus B, C, xơ gan điều trị ổn định và bệnh viêm gan virus B mạn tính không hoạt động, chưa có chỉ định điều trị thuộc đối tượng được tiêm chủng.

Những trường hợp viêm gan virus C mạn tính đã điều trị khỏi, hoặc đang điều trị thuốc kháng virus trực tiếp hoặc chưa điều trị nhưng men gan không tăng cao thuộc đối tượng được tiêm chủng.

Theo TS.BS Cao Thị Thanh Thủy - Trung tâm khám bệnh số 1, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người bệnh mắc bệnh gan nên trao đổi với bác sĩ điều trị của mình về thông tin tình trạng bệnh, về khả năng tiêm vaccine Covid-19 trước khi đi tiêm. Khi đến điểm tiêm chủng, cần thông báo với cơ sở tiêm chủng về tình hình bệnh viêm gan trước tiêm, tốt nhất là mang theo sổ khám bệnh của bác sĩ khi đi tiêm chủng.

Bác sĩ Thủy cũng lưu ý, người mắc bệnh viêm gan sau khi khám sàng lọc nếu đủ điều kiện tiêm chủng thì cần thực hiện theo hướng dẫn sau tiêm chủng giống như tất cả các trường hợp được tiêm chủng không mắc bệnh gan.

Ngoài ra, một điều lưu ý quan trọng nữa đối với người bệnh đang điều trị viêm gan B, C trong hoàn cảnh dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay: Ngoài việc tiêm chủng vaccine, người bệnh phải tiếp tục uống thuốc đầy đủ; không được ngừng thuốc trước và sau tiêm, vì việc tiêm chủng vaccine không ảnh hưởng đến việc điều trị hay chưa điều trị. Nếu ngừng thuốc điều trị sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị (bùng phát viêm gan, kháng thuốc, biến chứng xơ gan, ung thư gan).

(Báo Kinh tế & đô thị)

Nâng cao chất lượng dân số trước tác động của đại dịch COVID-19

Dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nước ta, nhưng hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân đều hoạt động bình thường trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch.

Hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình vẫn đảm bảo trong đại dịch COVID-19

Theo một nghiên cứu của UNFPA thực hiện vào tháng 3/2021, ước tính 12 triệu phụ nữ trên thế giới đã gặp gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện của UNFPA tại Việt Nam lo ngại, trong đại dịch, những người dù có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn trì hoãn việc sinh con do lo lắng về bất ổn tài chính và khủng hoảng.

Đồng thời, một số khác lại bị gián đoạn trong việc tiếp cận các phương tiện tránh thai cộng với lệnh phong tỏa, cách ly nên đối mặt với nguy cơ có thai ngoài ý muốn...

Vậy, hiện tại, Việt Nam có bị ảnh hưởng nhiều trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản? Về vấn đề này, được biết dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nước ta, nhưng hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, như: Khám thai định kỳ, khám sàng lọc trước sinh, sau sinh, cung cấp các biện pháp tránh thai, điều trị bệnh phụ khoa... tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân đều hoạt động bình thường trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch

Ông Tạ Quang Huy, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 xảy ra, Hà Nội vẫn duy trì công tác truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai... cho phụ nữ thông qua các kênh truyền thông, cung cấp dịch vụ theo đúng quy trình khám, chữa bệnh của Bộ Y tế, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh.

Bà Quý Thị Vân, cộng tác viên dân số thôn Gạch, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức- Hà Nội cho biết, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên các buổi truyền thông đông người đã được cộng tác viên dân số thôn Gạch thay bằng truyền thông vận động theo các hình thức linh hoạt đến từng hộ gia đình.

Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2021, số sinh trên địa bàn thành phố là 46.727 trẻ (giảm 1.948 trẻ so với cùng kỳ năm trước), số sinh con thứ 3 trở lên là 3.476 trẻ (giảm 207 trẻ so với cùng kỳ năm trước); tỷ số giới tính khi sinh 113,3 trẻ trai/100 trẻ gái. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 83,88%, sàng lọc sơ sinh là 84,85%. Ngoài ra, số người mới áp dụng các biện pháp tránh thai là 399.170 người (đạt 105,1%)

Để đạt được các kết quả tích cực, theo ông Tạ Quang Huy, đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của thành phố, Ban Chỉ đạo công tác dân số thành phố, các quận, huyện, thị xã; các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp.

Điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với mức sinh của từng vùng

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh từ 6,39 con năm 1960, xuống 2,33 con năm 1999, đến 2019 là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh 2 con ở Việt Nam là phổ biến.

Tuy nhiên, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình vẫn còn nhiều hạn chế, đó là các vấn đề: Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể; quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng; mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng...

Để giải quyết tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, ngành dân số đã có sự điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với mức sinh của từng vùng.

Đặc biệt, để giải quyết bài toán về nâng mức sinh tại những vùng có mức sinh thấp, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã triển khai các giải pháp tổng hợp, đồng bộ, hiệu quả để khuyến khích người dân sinh đủ 2 con.

Trong đó đề xuất bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con; chú trọng các đối tượng ưu tiên, người lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế để khuyến khích sinh đủ 2 con tại địa phương.

(Báo Sức khoẻ & đời sống)

Thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19: Cho phép nhiều hoạt động kể cả khi có dịch

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế ) cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, cho phép nhiều hoạt động được thực hiện kể cả khi có dịch. Theo PGS Nguyễn Thị Liên Hương, hướng dẫn nhằm mục tiêu, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, tử vong do COVID-19; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; khôi phục và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Hướng dẫn được xây dựng căn cứ trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm và lộ trình mở cửa của gần 40 nước; thực tiễn và quy định phòng, chống dịch tại Việt Nam và tiếp thu ý kiến góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia, các bộ, ban, ngành, các địa phương và doanh nghiệp. “Dự thảo hướng dẫn sẽ cho phép nhiều hoạt động được thực hiện kể cả khi có dịch. Thích ứng an toàn có nghĩa là chúng ta không theo đuổi mục tiêu không có ca mắc COVID-19 mà chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng nhưng phải đảm bảo an toàn tính mạng người dân và tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sinh hoạt của người dân”, PGS. Hương cho hay

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Quản lý Môi trường y tế, cần duy trì và tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và điều chỉnh linh hoạt với thực tiễn. Cùng với đó các trường hợp mắc trong cộng đồng vẫn cần phải phát hiện sớm, khoanh vùng ở phạm vi hẹp nhất có thể, cách ly, điều trị kịp thời. Những trường hợp F1 cần được cách ly phù hợp để ngăn chặn nguồn lây nhiễm.

Năm chỉ số đánh giá

Dự thảo hướng dẫn có 5 chỉ số, điều kiện khả thi để triển khai tại cấp xã phường cơ bản, gồm: 3 chỉ số nền, bắt buộc, nhằm giảm tỉ lệ tử vong cũng như đảm bảo cho hệ thống y tế có thể sẵn sàng đáp ứng ở mức độ dịch cao nhất và 2 chỉ số phân loại cấp độ dịch. Cụ thể, chỉ số 1 với 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19. Hiện nay tại Việt Nam tỉ lệ tử vong ở người trên 50 tuổi cao nhất, vì vậy cần tập trung tiêm vắc-xin cho đối tượng này để giảm số tử vong. Đây là tiêu chí thể hiện rõ mục đích bảo vệ người cao tuổi, có bệnh lý nền giảm nguy cơ nhiễm bệnh, trở nặng, nhập viện và tử vong.

Theo ước tính, người trên 50 tuổi có nguy cơ tử vong cao nhất, chiếm hơn 81% tổng số ca tử vong vì COVID-19. Vì vậy, chỉ số này làm rõ định hướng “sống chung an toàn” với dịch COVID-19. Chỉ số 2 là 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có 2 bình ôxy và 100% huyện xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động. Theo Bộ Y tế, đa số ca mắc sẽ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ cần được ngành Y tế hướng dẫn để chăm sóc tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế cấp xã…

Tuy nhiên, nếu công tác chăm sóc, điều trị tại tuyến này không tốt thì tỉ lệ nhập viện cao và cơ hội cứu chữa sẽ khó khăn. Vì vậy, các phương án về ôxy y tế, các trạm y tế lưu động ở tuyến cơ sở là rất quan trọng. Ngoài ra, các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất cần có phương án thiết lập trạm y tế lưu động để sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát.

Chỉ số 3 là tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng; bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố. Chỉ số này nhằm đảm bảo hệ thống y tế luôn sẵn sàng đáp ứng ở cấp độ dịch cao nhất để giảm các trường hợp nặng và tử vong ở 3 tầng điều trị. Chỉ số 4 yêu cầu số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đây là chỉ số quan trọng, trực tiếp đánh giá mức độ lây nhiễm trong cộng đồng. Ca mắc tăng nhanh có thể phát sinh thêm các ca mắc khác và tỉ lệ người bệnh trở nặng, tử vong đều có thể tăng theo. Chỉ số 5 là tỉ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng COVID-19. Ở chỉ số cuối cùng này chia làm 2 mức: dưới 70% và từ 70% trở lên người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin. Bà Nguyễn Thị Liên Hương cho biết thêm, căn cứ vào các chỉ số này để phân loại các cấp độ dịch, gồm 4 cấp: cấp 1 (nguy cơ thấp- bình thường mới, tương ứng với màu xanh); cấp 2 (nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng); cấp 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam); cấp 4 (nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ). Theo đó, chỉ số bắt buộc áp dụng nếu không đạt được trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin, phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc). Hiện dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đang được lấy ý kiến. Trên tinh thần tiếp thu, Bộ Y tế sẽ sớm hoàn chỉnh trình Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

(Báo Tiền phong)

Hà Nội cho phép thể dục, thể thao ngoài trời từ 28/9

Kể từ 28/9, thành phố Hà Nội cho phép hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không quá 10 người. Ngày 27/9, UBND thành phố Hà Nội có văn bản về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, từ ngày 28/9, thành phố cho phép thực hiện một số hoạt động, yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người dân thực hiện nghiêm quy định 5K, bắt buộc quét mã QR và các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế và thành phố. Cụ thể, thành phố cho phép hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời, nhưng không được tập trung quá 10 người; trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về); cửa hàng may mặc, thời trang, hoá mỹ phẩm.

Sở Y tế phối hợp các đơn vị tiếp tục thực hiện tầm soát y tế, nhất là xét nghiệm tầm soát 2 - 3 ngày/lần tại các điểm phong toả, điểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát lây lan dịch bệnh; tiếp tục rà soát các trường hợp chưa được tiêm vắc xin mũi 1 để hoàn thành việc tiêm vét mũi 1; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trường hợp đến thời hạn. UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm và chấp hành các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có việc thực hiện khai báo y tế thường xuyên, cài đặt và quét mã QR tại các cơ sở dịch vụ, kinh doanh, các đơn vị trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

(Báo Tiền phong)

Nguyễn Thị Hạnh

Các tin khác
  • Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 27/12/2024
  • Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 26/12/2024
  • Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 25/12/2024
  • Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 24/12/2024
  • Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 23/12/2024
  • Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 22/12/2024

  • Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
  • Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
  • Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
  • Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
  • 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
  • 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
  • Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
  • Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
  • Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
  • Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc

Dịch vụ công trực tuyến

Phần mềm Quản lý văn bản

Phần mềm QLHS Một cửa

Phần mềm Một cửa (Mới)

Tiếp nhận ý kiến công dân

Danh mục TTHC công

Tra cứu hồ sơ Một cửa

Thư điện tử TP Hà Nội

Thông tin người phát ngôn

Chọn liên kết Đang online: 174 Lượt truy cập trong tuần: 87855 Lượt truy cập trong tháng: 280525 Lượt truy cập trong năm: 3153639 Tổng số lượt truy cập: 47221027 Về đầu trang

Từ khóa » Tối 28/9 Hà Nội