Thông Tin Y Tế Trên Các Báo Ngày 8/8/2022 - Tin Tức Sự Kiện

Có 1.381 ca COVID-19 mới; gần 8.600 bệnh nhân khỏi

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 7/8 của Bộ Y tế cho biết có 1.381 ca COVID-19 mới, giảm hơn 200 ca so với ngày trước đó; Trong ngày gần 8.600 bệnh nhân khỏi, tiếp tục không có F0 tử vong.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.347.518 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.424 ca nhiễm).

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 8.589 ca

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.973.122 ca

2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 43 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 38 ca

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca

- Thở máy không xâm lấn: 0 ca

- Thở máy xâm lấn: 2 ca

- ECMO: 0 ca

3. Số bệnh nhân tử vong:

- Từ 17h30 ngày 06/8 đến 17h30 ngày 07/8 ghi nhận 0 ca tử vong.

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.094 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Tình hình tiêm vaccine COVID-19

Trong ngày 07/8 có 355.556 liều vaccine phòng COVID-19 ược tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 248.609.330 liều, trong đó:

+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 214.878.513 liều: Mũi 1 là 71.309.844 liều; Mũi 2 là 68.878.213 liều; Mũi 3 (vắc xin Abdala) là 1.513.668 liều; Mũi bổ sung là 13.944.252 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 48.638.368 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 10.594.168 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 21.041.111 liều: Mũi 1 là 9.056.591 liều; Mũi 2 là 8.712.060 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 3.272.460 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 12.689.706 liều: Mũi 1 là 8.172.468 liều; Mũi 2 là 4.517.238 liều.

(Báo Sức khỏe và Đời sống)

Nguy hiểm khi tự ý dùng thuốc trị cúm

Số ca mắc cúm A đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, trong đó có nhiều ca diễn biến nặng. Một trong những nguyên nhân là nhiều người chủ quan với bệnh, tự ý mua thuốc điều trị cúm.

Chủ quan không đi khám, tự ý dùng thuốc trị cúm

Theo chuyên gia y tế, các bệnh cúm thường xuất hiện nhiều vào mùa đông - xuân ở điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm. Thông thường, thời tiết khô nóng của mùa hè không thích hợp cho vi rút cúm phát triển và gây bệnh. Tuy nhiên, mùa hè năm nay lại ghi nhận số ca mắc cúm A gia tăng một cách bất thường. Đáng lo ngại, nhiều người dân vẫn có tâm lý chủ quan, cho rằng cúm A là bệnh cảm mạo thông thường, có thể tự khỏi mà không cần đi khám bệnh; họ thậm chí nghĩ rằng có thể tự mua thuốc điều trị.

Mới đây, thai phụ Nguyễn Thu Phương (27 tuổi, ở Hưng Yên) đã đến một bệnh viện ở Hà Nội để khám sau khi sốt cao 2 ngày không dứt, đau rát họng, khàn tiếng, được chẩn đoán mắc cùng lúc cúm A và sốt xuất huyết, nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Trước đó, chị Phương đã có dấu hiệu ho và sốt cao. Tuy nhiên, chị cảm thấy sức khỏe của mình rất tốt và tưởng đó là dấu hiệu “ho mọc tóc”. Sau khi đến bệnh viện làm xét nghiệm, chị mới biết mình mắc cúm A, mà còn mắc cả sốt xuất huyết. Việc đồng nhiễm hai bệnh truyền nhiễm trên thai phụ là rất nguy hiểm, làm tăng nguy cơ biến chứng ở cả mẹ và thai nhi, có thể dẫn tới dị tật thai nhi, sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc nguy cơ tiền sản giật. May mắn là chị đã đi khám kịp thời nên được chẩn đoán và điều trị hiệu quả, tránh các biến chứng khôn lường xảy ra.

Trước đó, chị Thúy Hoa (34 tuổi, Hà Nội) đã phải nhập viện cấp cứu trong đêm sau khi tự ý dùng thuốc điều trị cúm. Chị Hoa kể lại rằng, đây thực sự là trải nghiệm “nhớ đời” khi chủ quan với sức khỏe. Ngày 12-7, chị Hoa bắt đầu có những triệu chứng như ho, sổ mũi. Nghĩ là cảm cúm thông thường nên chị đã sử dụng thuốc trị cúm, tuy nhiên sau 6 ngày, tình trạng bệnh không giảm mà còn có thêm triệu chứng ho có đờm, chảy nước mũi liên tục. Đến ngày 19-7, chị sốt cao 39oC, mất sức nhiều nên gia đình lập tức đưa chị đến bệnh viện khám cấp cứu trong đêm. Chị được chẩn đoán mắc cúm A và cơ thể mất sức trầm trọng. Sau hai tuần điều trị, sức khỏe của chị Hoa mới dần ổn định.

Chẩn đoán cúm sớm để hạn chế biến chứng

Cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng; sự thể nguy hiểm hơn với người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người suy giảm miễn dịch, người già (trên 65 tuổi), trẻ em (dưới 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Bệnh có thể tiến triển nặng, gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Trần Tiến Tùng (chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Medlatec) cho biết: "Bệnh cúm thường gặp, nhưng không vì thế mà người dân lơ là, chủ quan. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay, nguy cơ “dịch chồng dịch” là rất lớn - bao gồm dịch cúm, sốt xuất huyết, Covid-19, thậm chí là cả bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới".

Bác sĩ Tùng khuyến cáo, việc điều trị cúm chỉ dễ dàng và hiệu quả khi được phát hiện sớm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh này có thể để lại hậu quả khôn lường như viêm xoang, viêm tai, nặng hơn là suy đa cơ quan. Do đó, để tránh biến chứng và hậu quả khôn lường có thể xảy ra do cúm, khi có dấu hiệu người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm kịp thời. Sau sốt 24 giờ là thời điểm thích hợp nhất để làm xét nghiệm nhằm biết được có bị cúm hay không. Người bệnh không được uống thuốc bừa bãi, mà cần uống thuốc theo đơn bác sĩ.

Trước tình trạng người dân tự tìm mua thuốc trị cúm, đặc biệt là thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo, theo đó người dân không tự ý mua thuốc kháng vi rút để điều trị cúm. Tamiflu là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, nên mọi người không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ.

Tăng tốc tiêm vắc xin phòng Covid-19

Những ngày này, các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại (mũi 3 và 4) cho người dân đủ điều kiện. Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại nhằm tăng cường miễn dịch cho người dân trước tình hình dịch Covid-19 ở nước ta có diễn biến mới, phức tạp, số ca mắc tăng, trong đó nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận bệnh nhân mắc biến chủng phụ của Omicron là BA.4, BA.5.

Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng dịch và tiêm chủng vắc xin

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp như sốt xuất huyết, bệnh đậu mùa khỉ, gia tăng ca mắc Covid-19, các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội tiếp tục huy động các nguồn lực, tổ công tác cộng đồng cùng chống dịch nhằm bảo đảm không để "dịch chồng dịch". Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở, kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ công cuộc phòng, chống dịch.

Không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh

Thời gian qua, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt công tác phòng dịch; đồng thời, chuẩn bị tốt, có ứng biến, không lơ là, chủ quan để tránh "dịch chồng dịch".

Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết, qua hệ thống Zalo và Facebook, phường vẫn chỉ đạo các tổ Covid-19 cộng đồng tập trung tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền đến các hộ dân về tác dụng của việc tiêm vắc xin để phòng ngừa dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền về tác dụng của việc tiêm chủng vắc xin đối với sức khỏe con người. Chủ tịch UBND phường La Khê (quận Hà Đông) Nguyễn Hữu Hiển cho biết, phường đẩy mạnh tuyên truyền về tiêm vắc xin, lợi ích, hiệu quả của vắc xin, chú trọng các đối tượng nguy cơ cao, bệnh lý nền, những người muốn lựa chọn vắc xin, người sống ở khu vực có tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp. Đồng thời, phường cũng cảnh báo về các biến thể mới của Omicron và hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe sau mắc Covid-19.

Tại xã Văn Bình (huyện Thường Tín), ngay từ đầu năm 2022, Trạm Y tế xã đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; đồng thời, triển khai và duy trì công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân với các hoạt động thiết thực, trong đó, đặc biệt tuyên truyền và triển khai việc tiêm phòng Covid-19 mũi thứ 4 cho người dân.

Hệ thống loa phát thanh của xã Văn Bình cũng thường xuyên phát đi những thông điệp không chủ quan, lơ là khi dịch bệnh tạm được đẩy lùi và thông tin về hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức Trần Quang Tuấn chia sẻ, trung tâm đã chỉ đạo các trạm y tế xã phối hợp với chính quyền, các tổ chức, đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản, quy định liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 tới nhân dân. Đồng thời, phổ biến quy định về cách ly y tế, chữa bệnh, điều trị tại nhà, tiêm chủng; quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; hướng dẫn, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân sau mắc Covid-19...

Kết quả tiêm vắc xin tại các địa phương đúng tiến độ

Nhờ sự tuyên truyền và tích cực triển khai công tác tiêm chủng, các địa phương đã đạt được kế hoạch tiêm chủng đúng tiến độ.

Theo Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân Phạm Hồng Diệp, trong tháng 7 vừa qua, quận đã hoàn thành đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 74. Từ ngày 26 đến 31-7, quận đã triển khai điểm tiêm chủng lưu động và các điểm tiêm chủng cố định tại các trạm y tế phường, phòng khám, bệnh viên tư nhân. Đồng thời, tổ chức 9 điểm tiêm lưu động tại các trường tiểu học, nhà văn hóa các phường cho những đối tượng là người dân từ 5 tuổi đang sống, học tập và làm việc trên địa bàn các phường theo lịch đăng ký.

Anh Nguyễn Thế Linh (ở đường Kim Giang, quận Thanh Xuân) cho biết, gia đình anh mới đến định cư nhưng đã có tên trong danh sách mời đi tiêm vắc xin mũi thứ 4 phòng Covid-19. Sau khi tiêm, anh không bị ảnh hưởng sức khỏe và cảm thấy yên tâm hơn.

Ông Nguyễn Hữu Hiển, Chủ tịch UBND phường La Khê (quận Hà Đông) cho biết, phường đã phát động chiến dịch tiêm chủng nhằm tăng tốc độ tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm hoàn thành trong tháng 8-2022. Bên cạnh đó, hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Để kiểm soát dịch Covid-19, quận Tây Hồ đang tiếp tục triển khai tiêm chủng mũi 3, 4 cho các nhóm đối tượng. Tính đến ngày 1-8, toàn quận đã tiêm 411.040 mũi. Đối tượng trên 18 tuổi tiêm 376.656 mũi, trong đó, mũi 1 đạt 99,9%; mũi 2 đạt 99,9%; mũi bổ sung đạt 100%; mũi nhắc lại lần 1 đạt 99,9%; mũi nhắc lại lần 2 đạt 50,7%. Với đối tượng từ 12 đến 17 tuổi, đã tiêm được 25.743 mũi, trong đó, mũi 1 đạt 99,8%; mũi 2 đạt 99,9%. Với đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi, đã tiêm được 8.641 mũi. Hiện nay, quận Tây Hồ đang tiếp tục triển khai tiêm chủng mũi 3, 4 cho các nhóm đối tượng.

Tương tự, tại khu vực tiêm chủng xã Văn Bình (huyện Thường Tín), mỗi vị trí trong quy trình tiêm chủng đều được sắp xếp theo quy tắc một chiều từ khâu kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn khai báo y tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong đón tiếp...; khu vực chờ trước tiêm chủng rộng rãi, thông thoáng, có ghế ngồi chờ. Đến nay, với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, địa phương đã tiêm mũi 2 đạt tỷ lệ 46%; nhóm từ 12 tuổi trở lên đã tiêm được 6.798 mũi, trong đó mũi 1 đạt 97,5%, mũi 2 đạt 95,3%, mũi 3 đạt 74,8%, mũi 4 đạt 21%.

Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phú (huyện Thường Tín) Nguyễn Thiên Sao cho biết, đến nay, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát tốt, xã đang tích cực triển khai tiêm phòng mũi 4 theo chỉ đạo của thành phố và huyện, đồng thời, thực hiện các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, đến nay, toàn huyện đã thực hiện tiêm vắc xin cho 515.085 người, đạt 99,77% số người trên 18 tuổi; tiêm mũi 3 cho 158.491 người, đạt 92%; tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 13.297 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, 47.829 trẻ từ 12 đến dưới 17 tuổi.

Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm Bùi Thu Hường cũng cho biết, công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn huyện đang được đẩy mạnh. Tính đến ngày 6-8, toàn huyện đã tiêm mũi 1 và 2 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 23.516 mũi; nhóm từ 12-14 tuổi đạt 30.001 mũi (99,9%); nhóm từ 15-17 tuổi đạt 24.899 mũi (99,9%); nhóm trên 18 tuổi được 585.394 mũi (99,9%)...

Thời gian tới, huyện Gia Lâm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện thực hiện tốt công tác phòng dịch và đến các điểm tiêm tại trạm y tế xã, thị trấn, bệnh viện huyện đăng ký để được tiêm phòng vắc xin mũi 4, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tại địa bàn huyện Hoài Đức, tính đến nay, toàn huyện đã tiêm vắc xin mũi nhắc lại lần 1 cho người trên 18 tuổi đạt 99,3%; mũi tiêm nhắc lại lần 2 được hơn 27.500 mũi, đạt 65%.

(Báo Hà nội mới)

Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết gấp đôi tuần trước, có bệnh nhân tràn dịch màng phổi

Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đang gia tăng, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã tiếp nhận một số bệnh nhân có biến chứng nặng, xuất huyết niêm mạc, tràn dịch màng phổi, màng bụng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết trong tháng 7, Thủ đô ghi nhận thêm 828 ca mắc cúm. Tính chung 7 tháng qua, Hà Nội có gần 3.500 trường hợp, riêng 2 tháng 6 và 7, số ca cúm bằng 5 tháng trước đó cộng lại. Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp tử vong vì cúm.

Riêng với sốt xuất huyết, tuần qua thành phố ghi nhận gần 150 ca mắc, tăng 2,3 lần so với tuần trước. Bệnh nhân rải rác tại 26 quận/huyện.

Cơ quan này cũng cho hay, tổng số ca mắc cộng dồn từ đầu năm đến nay (608 ca) nhiều gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuýp virus Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2.

Trong tuần trước, TP Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch mới tại quận Đống Đa, Thanh Oai, Thường Tín, Long Biên và Hoài Đức. Hiện tại còn 13 ổ dịch tại 9 quận, huyện.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - bệnh viện đầu ngành Truyền nhiễm của Hà Nội - cho hay hiện mỗi ngày viện ghi nhận từ 5 đến 7 bệnh nhân sốt xuất huyết vào điều trị. Đa số bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau mỏi người. Một số người xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, chảy máu mũi. Nặng hơn, các bệnh nhân nữ còn bị xuất huyết âm đạo, rối loạn kinh nguyệt.

Đặc biệt, Khoa Truyền nhiễm của cơ sở y tế này đã tiếp nhận một số bệnh nhân gặp biến chứng tràn dịch màng bụng, màng phổi.

Theo các bác sĩ, biến chứng này thường có nguy cơ xuất hiện vào khoảng ngày thứ 4-5. Biến chứng diễn biến tuỳ từng người, không phụ thuộc vào độ tuổi, bệnh lý nền hay tiền sử bệnh tật trước đó.

Sau giai đoạn sốt cao đột ngột, liên tục, thường từ ngày 3-7 của bệnh, bệnh nhân bước vào giai đoạn nguy hiểm dù lúc này có thể họ còn sốt hoặc đã giảm sốt. Đây cũng là điều khiến nhiều bệnh nhân chủ quan, nghĩ hết sốt coi như hết bệnh.

Trong giai đoạn trên, bệnh nhân có thể bị đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau, nhất là ở vùng gan. Họ còn vật vã, lừ đừ, li bì, nôn ói.

Đây là cũng là thời kỳ bệnh nhân có biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ). Trong đó có tình trạng tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể gây suy hô hấp), màng bụng, phù nề mi mắt.

Nếu thoát huyết tương nhiều, bệnh nhân dễ dẫn đến sốc với các biểu hiện như: Vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.

Ngoài xuất huyết dưới da, bệnh nhân còn có thể bị xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.

Một số bệnh nhân xuất huyết nặng hơn, chảy máu trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng thường kèm theo tình trạng sốc, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.

Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày-tá tràng, viêm gan mạn. Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não.

Bộ Y tế cho biết, trong 7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc sốt xuất huyết, ít nhất 45 trường hợp tử vong. Cơ quan này khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người… cần phải đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời.

(Báo Vietnamnet)

ad Sở Y Tế

Từ khóa » Ca Tử Vong Thứ 97