Thông Tư Ban Hành Nội Quy Cơ Sở Lưu Trú - Công An Tỉnh

Ảnh minh họa.

Thông tư này gồm 04 điều, ban hành kèm theo Nội quy cơ sở lưu trú; áp dụng trong phạm vi cơ sở lưu trú của Bộ Công an. Đối tượng áp dụng là người lưu trú tại cơ sở lưu trú của Bộ Công an; cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên Công an nhân dân và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, người lưu trú phải chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quy định của cơ sở lưu trú trong công tác quản lý và thực hiện các chế độ đối với người lưu trú về thời gian sinh hoạt, hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình, thông tin liên lạc, thăm gặp, nhận quà, phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh, bảo vệ môi trường; chấp hành mệnh lệnh, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ cơ sở lưu trú. Có trách nhiệm ngăn chặn và tố giác, báo cáo kịp thời, trung thực những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Nội quy cơ sở lưu trú của người lưu trú hoặc của người khác.

Người lưu trú có trách nhiệm bảo vệ tài sản của cơ sở lưu trú, tài sản của mình và của người khác; phải báo cáo kịp thời với cán bộ cơ sở lưu trú về các hành vi xâm phạm đến tài sản đó. Người lưu trú làm mất, hư hỏng tài sản của cơ sở lưu trú hoặc của người khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, khi chưa bồi thường xong tài sản, người lưu trú chỉ được làm thủ tục xuất cảnh về nước khi được sự đồng ý của Trưởng cơ sở lưu trú hoặc của người có tài sản bị người lưu trú làm mất, hư hỏng…

Bên cạnh đó, Điều 2 Nội quy cũng nêu rõ những hành vi cấm người lưu trú thực hiện, trong đó, nghiêm cấm người lưu trú trốn hoặc giúp đỡ, tổ chức cho người lưu trú khác trốn khỏi cơ sở lưu trú; chống đối hoặc kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người lưu trú khác chống đối, gây mất an ninh, trật tự cơ sở lưu trú; không chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu, hướng dẫn của cán bộ cơ sở lưu trú; vi phạm các quy định về chế độ quản lý; tự ý đi lại quá phạm vi quy định; có thái độ, lời nói, hành vi thiếu văn hóa, gây gổ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; báo cáo sai sự thật, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Nội quy cơ sở lưu trú của mình hoặc của người khác; nuôi nhốt động vật trong cơ sở lưu trú…

Ngoài ra, người đến gặp, làm việc, thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự với người lưu trú không được tự ý tiếp xúc người lưu trú; đưa vào cho người lưu trú cất giấu, sử dụng các đồ vật mà người lưu trú bị cấm. Nghiêm cấm ghi âm, ghi hình tại cơ sở lưu trú, nơi có biển cấm quay phim, chụp ảnh và trong quá trình thăm gặp, tiếp xúc với người lưu trú (trừ trường hợp được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép). 

Riêng trường hợp người đến gặp làm việc với người lưu trú thì ngoài việc chấp hành những quy định nêu trên (nếu là cán bộ của cơ quan, đơn vị nhà nước thì phải mặc trang phục theo quy định của ngành nghề làm việc), phải có giấy giới thiệu, giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận hoặc thẻ chuyên ngành do cơ quan có thẩm quyền cấp, văn bản đề nghị, kế hoạch công tác nêu rõ nội dung, thành phần, thời gian làm việc với người lưu trú và trực tiếp gặp Trưởng cơ sở lưu trú để được giải quyết, thống nhất nội dung làm việc.

Khi gặp người lưu trú, chỉ được làm việc theo các nội dung trong văn bản đề nghị đã được cấp có thẩm quyền cho phép; lập biên bản ghi nhận kết quả làm việc với người lưu trú. Quá trình gặp, tiếp xúc phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để người lưu trú trốn, vi phạm pháp luật, vi phạm Nội quy cơ sở lưu trú hoặc nảy sinh tư tưởng tiêu cực, ảnh hưởng đến công tác quản lý người lưu trú.

Từ khóa » Nội Quy Nhà Lưu Trú