[THTT] Hiệu Ứng Cánh Bướm Và Phong Cách Sống Tuyệt Vời - YBOX

Này bạn trẻ ơi,

Có bao giờ các bạn nghĩ rằng giữa cuộc đời rộng lớn này, bạn thật là nhỏ bé không? Cho dù có cố gắng và mong muốn như thế nào, vũ trụ chỉ cần nhắm mắt một cái là có thể bỏ qua những nỗ lực ngày đêm hết mình của bạn một cách dễ dàng nhất?

Tôi vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng của một ngân hàng Nhật Bản. Tự nhủ trong lòng rằng “mình có thể không phải là người giỏi nhất nhưng chắc chắn mình sẽ gây được ấn tượng với họ, vì mình có nhiểu trải nghiệm và nhiệt tình đủ để “khác biệt” cơ mà”. Sau đó thì tôi nhận được một danh sách trúng tuyển - nhưng không có tên mình. Cảm xúc đầu tiên của tôi là sốc, kế đến là hụt hẫng rồi là thất vọng. “Tại sao chứ? Mình đã làm sai cái gì và ở đâu?”. Trong một khoảnh khắc, tôi cảm thấy bản thân không còn tí giá trị gì cả, vì thất bại này đã cho tôi một dấu chấm hỏi to bự vào năng lực và những trải nghiệm của mình. Điểu gì đảm bảo rằng lần tiếp theo tôi sẽ thành công, sẽ không phạm phải những sai lầm cũ, chứ đừng nói đến sai lầm mới? Tôi nên cố gắng vì điều gì nữa đây, nếu sau cùng tất cả những gì tôi nhận được chỉ là mớ kinh nghiệm cho một kết quả tốt đẹp không bao giờ đến?

Chắc hẳn bạn cũng đã từng rơi vào suy nghĩ giống như vậy, phải không nào? Bạn đừng quá lo lắng! Chưa bao giờ là quá muộn để chúng ta bắt đầu lại. Nhưng bắt đầu từ đâu bây giờ? Làm sao để bản thân có thể trở nên giỏi giang, quan trọng và có một cuộc đời thật ý nghĩa?

Câu trả lời đơn giản chính là: Từ những hành động nhỏ nhất của chính bạn và của chính chúng ta.

Nếu tôi nói rằng mỗi con người đều có sức ảnh hưởng vượt xa những gì các bạn có thể tưởng tượng được và những cố gắng của các bạn trong khi thực hiện bất kì việc gì đều không bao giờ là vô ích cả, thì các bạn có tin không? Cá nhân tôi sau khi ngẫm nghĩ lại quãng đời 20 tuổi non choẹt của mình cũng nhận ra sự ảnh hưởng khủng khiếp của một quy luật đến cuộc đời mình.

Và đó chính là Hiệu ứng cánh bướm - The butterfly effect.

(Nguồn: Ảnh trích từ sách The Butterfly Effect - Andy Andrews)

HỌC THUYẾT VỀ NHÂN QUẢ THỜI HIỆN ĐẠI

Vào năm 1963, nhà toán học kiêm khí tượng học Edward Lorenz đã đưa ra một giả thuyết trước Viện Khoa học New York. Thuyết này của ông có thể được hiểu một cách đơn giản là:

“Một con bướm có thể vỗ cánh và khiến các phân tử trong không khí chuyển động, những phân tử này tiếp tục làm các phân tử khác xung quanh chúng chuyển động theo và cứ như vậy - cuối cùng, nó có khả năng tạo ra một cơn bão phía bên kia hành tinh”.

Khi ấy cả hội nghị đã ồ lên cười. “Cái gì cơ, một cánh bướm có thể tạo ra một cơn bão à? Thật là nực cười! Thứ nhỏ bé kia lại có sức ảnh hưởng ghê gớm thế ư? Không bao giờ!”.

Điều đó có thể nghe thật lố bịch.

NHƯNG NÓ RẤT THÚ VỊ!

Trải qua nhiều thập kỉ sau đó, giả thuyết này - được biết đến với cái tên “hiệu ứng cánh bướm” - vẫn quá quyến rũ và kích thích sự tò mò của công chúng. Dưới góc nhìn từ quan hệ nhân quả, nó đã trở thành một chủ đề khoa học viễn tưởng trong truyện tranh và phim ảnh, chuyên vẽ nên những hậu quả khôn lường nếu tác nhân ban đầu gây ra bị thay đổi.

Càng ngạc nhiên hơn, sau 30 năm từ ngày được công bố, các giáo sư vật lý làm việc tại các trường cao đẳng và đại học trên toàn thế giới đã đi đến kết luận rằng, hiệu ứng cánh bướm là có thực, hoàn toàn chính xác và khả thi. Một minh chứng cho sự ảnh hưởng to lớn đã vượt ra ngoài những cánh bướm đơn thuần. Khoa học đã cho thấy hiệu ứng cánh bướm gắn liền với chuyển động đầu tiên của bất kì dạng vật chất nào - bao gồm cả con người.

BẮT ĐẦU TỪ MỘT HÀNH ĐỘNG HƠN 150 NĂM TRƯỚC...

Buổi sáng ngày 2 tháng 7, năm 1863, giữa bối cảnh nội chiến Mỹ đang diễn ra khốc liệt, cựu giáo sư Joshua Lawrence Chamberlain đã tham gia vào trận chiến của đời mình. Ông và các trai tráng của trung đoàn Maine 20 được giao nhiệm vụ bảo vệ ngọn đồi Little Round Top cùng với một chỉ thị rõ ràng nhất từ thượng tá của mình: “Dù phải làm gì, các anh cũng không được để bọn chúng tràn qua đây”. Chamberlain không thể rút lui và ông biết điều đó. Nếu quân đội miền Nam chiếm được vùng đất cao này, chúng sẽ nhanh chóng giành lại được lợi thế và quân đội miền Bắc sẽ bị đánh bại.

Sau 5 cuộc tiến công của kẻ địch lên đồi, bằng cách nào đó, trung đoàn Maine 20 vẫn giữ vững được phòng tuyến của mình, với số lượng quân lính ít hơn và không được chi viện từ các quân đoàn khác. Nhưng giờ đây, họ đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bắt đầu buổi sáng ngày hôm đó với 300 người lính và giờ họ chỉ còn lại 80 người. Tất cả những viên đạn lấy từ những người bị thương, người đã chết đều đã được bắn ra. Họ chỉ còn 1 đến 2 viên cho mỗi người là cùng.

Khi sư đoàn của kẻ địch, với quân số hơn 400 vừa được tăng cường, lại tiến lên đồi một lần nữa, Chamberlain đã suy tư trong phút chốt. Sau đó ông quyết định rằng, giữa việc không làm gì và làm một điều gì đó, ông sẽ chọn hành động, cho dù là điên rồ nhất. Ông đã lệnh cho cả trung đoàn CHUẨN BỊ GIÁO MÁCTẤN CÔNG TOÀN LỰC xuống đồi.

Và 80 người lính còn lại, bao gồm cả Chamberlain, đã gầm lên tiếng hét vang “Tấn công” và xông thẳng xuống đồi. Tiếng hô vang của họ đã đi vào lịch sử về thứ mà đa phần mọi người ở đất nước này chưa từng được nghe thấy - tiếng hô vang tấn công vào sư đoàn của kẻ thù đông hơn gấp 5 lần mình.

Quân đội miền Nam khi chứng kiến trung đoàn Maine 20 xông thẳng về phía mình đã bị bất ngờ và họ bắt đầu hoài nghi rằng đây không phải là những người lính mà họ đã đối mặt. “Một trung đoàn bị đánh bại sẽ không thể tiếp tục tấn công. Chắc chắn là thế rồi! Đây chính là binh lính đã được tăng cường và họ đã đủ mạnh để đánh trả lại chúng ta.” - binh lính miền Nam cùng với suy nghĩ đó đã ném bỏ vũ khí lên sẵn nòng và tháo chạy. Trong vòng chưa đầy 5 phút, Chamberlain đã kề kiếm vào cổ viên chỉ huy phe đối lập. Trận chiến ở Gettysburg, Pennsylvania đã gọi tên người chiến thắng - Chamberlain và trung đoàn Maine 20 của Liên bang miền Bắc.

Hình ảnh minh hoạ lại cảnh Chamberlain kề kiếm vào cổ chỉ huy của địch.

(Nguồn: fineartamerica.com)

... VẪN CÒN SỨC ẢNH HƯỞNG ĐÁNG KỂ ĐẾN TẬN NGÀY NAY!

Câu chuyện ở trên quả thật rất tuyệt vời, phải không các bạn? Nhưng đây là mới là những gì mà hầu hết mọi người, kể cả chúng ta, đều đã không để ý đến...

Các nhà sử học về sau đã xác định rằng, nếu Chamberlain không tấn công và rút lui ngày hôm đó, quân đội miền Nam sẽ giành chiến thắng tại Gettysburg và tự bản thân cuộc nội chiến sẽ kết thúc vào cuối mùa hè năm đó với sự chia cắt nước Mĩ, dẫn đến sự ra đời của hai quốc qia là Liên bang Hoa Kỳ (The Union - United States of America) và Liên bang miền Nam Hoa Kỳ (The Confederate States of America) thay cho quốc gia mà chúng ta biết đến ngày hôm nay với tên gọi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (The United States of America).

Điều này rất có khả năng sẽ xảy ra, vì George McClellan, thiếu tướng Liên bang miền Bắc và cũng là ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, đối lập với Tổng thống Lincoln, đã đề xuất đàm phán hoà bình với miền Nam nếu cuộc chiến vẫn phải kéo dài và tiếp tục làm hao tổn khí tài lẫn kinh tế của cả hai miền.

Bạn biết điều đó có ý nghĩa gì không?

Điều đó có nghĩa là: Khi Hitler tràn qua châu Âu trong những năm 1940 và Hirohito xâm lược một cách có hệ thống ở các đảo phía nam Thái Bình Dương của Thế chiến II, sẽ không tồn tại một quốc gia thống nhất, tham gia phe Đồng minh và làm xoay chuyển cục diện trận chiến, chiến đấu và giành chiến thắng trên hai mặt trận cùng một lúc. Trung Quốc và Liên Bang Xô Viết lúc bấy giờ sẽ mất đi một đối trọng chính yếu và cục diện trên bản đồ chính trị thế giới ngày nay có thể đã rất khác so với hiện tại. Tất cả những sự kiện liên quan đến Hoa Kỳ đều sẽ bị thay đổi.

Bản thân ngài Chamberlain rõ ràng là đã gặp may, nhưng nếu ngày hôm ấy ông chọn rút lui hoặc cố thủ thì sự may mắn đó sẽ không bao giờ có thể đến với ông. Chỉ khi lao thẳng xuống đồi, cơ hội ấy đã có thể hiện hữuxảy ra không chỉ với ông, với trung đoàn Maine 20 mà còn với cả Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Hình ảnh minh hoạ lại cảnh trung đoàn Maine 20 tấn công xuống đồi.

(Nguồn: fineartamerica.com)

Một người, một giáo viên 34 tuổi và một bước tiến mà ông đã thực hiện hơn một thế kỉ trước và vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống của bạn ngày nay.

Và tất nhiên, bạn cũng có thể trở thành một ví dụ về hiệu ứng cánh bướm không kém cạnh gì Chamberlain đâu - tôi đang nói rất nghiêm túc đấy!

MỘT PHONG CÁCH SỐNG TUYỆT VỜI

Đến đây chắc các bạn cũng hình dung ra được phong cách sống mà tôi nói đến chứ? Chính xác, đó làhãy hành động hết sức của mình - hết sức ở đây là 100% và nếu có thể, hãy đạt đến 200-300% luôn - khi làm bất cứ việc gì, để tạo ra sức ảnh hưởng lớn nhất. Bởi phải chăng, có nhiều lúc không nhìn thấy được những thay đổi do chính mình tạo ra nên chúng ta hay cảm thấy nỗ lực từ bản thân thật vô nghĩa và từ đó thiếu động lực để cố gắng hết sức?

Khi bắt đầu viết bài Triết Học Tuổi Trẻ đầu tiên, thật lòng mà nói tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng mình sẽ tạo được thay đổi gì ở người đọc, huồng hồ là gây sự ảnh hưởng lên người trẻ, vì ngay ở bản thân tôi vẫn còn cần thời gian để trở nên chín chắn hơn. Tất cả những gì tôi mong muốn chỉ là được chia sẻ những hiểu biết, trải nghiệm của mình và tôi đã dùng hết tâm huyết của mình để làm điều đó. Một phần là để cho tôi có cơ hội được nhìn nhận lại chúng từ khía cạnh khác - khía cạnh của bạn đọc. Phần còn lại, là để thực hiện nguyên tắc sống của mình - giúp đỡ người khác. Vì tôi tin, cuộc đời của bản thân chỉ thật sự ý nghĩa khi chúng ta có thể giúp đỡ người khác trở nên tốt đẹp hơn, ở bất cứ mặt nào.

Và đến ngày hôm nay, khi nhìn vào bản Social Impact Certificate mà Ybox gửi đến, những bài viết của tôi đã tiếp cận được hơn 15800 người (ảo quá ha). Tất cả đều xuất phát từ quyết định tham gia cuộc thi và viết một chút cho những bạn trẻ đang trăn trở những gì tôi đã từng vật lộn. Quan điểm và giải pháp của tôi có thể không áp dụng được cho những trường hợp riêng biệt. Nhưng nhờ có được thứ gì đó để tham khảo cho riêng bản thân, tôi tin mình đã tạo ra được sự thay đổi tích cực ở nơi họ.

Bên cạnh đó, đã có 2 người bạn nhắn tin riêng với tôi rằng, họ đã có động lực để tham gia viết bài khi nhìn thấy tôi đạt được giải thưởng từ cuộc thi. Ừa thì 2 người cũng không nhiều nhặn gì, nhưng đó chỉ là 2 người mà tôi biết, còn có những bạn trẻ, tuy tôi không quen, đã lấy được nguồn cảm hứng từ đó để chia sẻ quan điểm của mình với cộng đồng, xã hội, biết đâu chừng cũng nên...

Bạn có thể không biết được rằng sau khi đi tình nguyện bạn sẽ đạt được gì, nhưng bằng quyết định tham gia, bạn đã gặp gỡ và quen biết những con người mới. Hành động giúp đỡ của bạn đã vô tình in sâu vào ánh mắt của những đứa trẻ ở vùng nghèo khó. Để rồi khi chúng lớn lên, nhằm đền đáp ơn nghĩa mình đã được nhận từ các anh chị thanh niên xung phong - chính là bạn ngày hôm đó, chúng quyết định đứng vào hàng ngũ thanh niên tình nguyện. Và rồi thế hệ sau cứ tiếp nối thế hệ đi trước, làm cho cả một vùng khó khăn sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Tất cả đều xuất phát từ quyết định của bạn - một ví dụ tiêu biểu cho hiệu ứng cánh bướm đấy.

(Nguồn: Ảnh trích từ sách The Butterfly Effect - Andy Andrews)

LỜI NHẮN NHỦ

Hiệu ứng cánh bướm không chỉ đến từ những hành động to lớn, mà nó còn xuất phát từ những thứ nhỏ bé nhất trong những cái chào, nụ cười của bạn hướng đến người khác. Một anh chàng bồi bàn đang có tâm trạng không tốt sẽ trở nên hiền hoà hơn nếu có ai đó chào hỏi và nở nụ cười với anh. Và biết đâu, anh sẽ tiếp tục chào hỏi và thân thiện với những người xung quanh. Rồi cứ thế, mọi người chuyền tay nhau, lan toả hiệu ứng ấy một cách thật tốt đẹp.

Tác giả hi vọng rằng hành động nhỏ của mình như là được chia sẻ những hiểu biết, trải nghiệm của mình, rồi như hiệu ứng cánh bướm, sẽ tác động đến các bạn trẻ, giúp đỡ họ trở nên tích cực và chín chắn hơn. Nếu bạn có suy nghĩ, quan điểm khác với tác giả hoặc đơn giản chỉ là những thắc mắc, đừng ngại ngần mà hãy gửi ngay cho mình dưới mọi hình thức (comment, inbox,...) nhé. Bởi sau cùng:

KHÔNG CHỈ ĐỐI VỚI BẠN, GIA ĐÌNH HAY QUÊ HƯƠNG,

MỌI THỨ BẠN LÀM

- ĐỀU MÃI MÃI QUAN TRỌNG -

ĐỐI VỚI TẤT CẢ CHÚNG TA.

Vì thế, lần tiếp theo bạn cảm thấy bản thân nhỏ bé trong cái hoài bão lớn lao của cuộc đời, hãy nhớ đến hiệu ứng tuyệt vời này nhé, chúc bạn có được một cuộc đời thật ý nghĩa của riêng mình!

Tác Giả: Huỳnh Phát, Sinh viên @ Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/Phat.Huynh.97

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

Từ khóa » Hiệu ứng Cánh Bướm Trong Cuộc Sống