[THTT] Là Hạ Hạ Cũng Là Thượng Thượng - YBOX

Tiểu Thiên@Triết Học Tuổi Trẻ

public7 năm trước

1

[THTT] Là Hạ Hạ Cũng Là Thượng Thượng

Tin hay không tin vào định mệnh sắp đặt, vẫn luôn có một thứ vô hình đang tồn tại trong xã hội đó là sợi dây kết nối giữa những sự trùng hợp ngẫu nhiên bằng một sức mạnh niềm tin vào những thứ lặp lại. Suy nghĩ tạo ra những ý tưởng đột phá cũng tạo nên những nơ-ron liên kết đáng ngạc nhiên về những thứ siêu hình bắt nguồn từ sự ngẫu nhiên bắt gặp, ngẫu nhiên lặp lại.

Tự thân tạo ra, tự thân biến mất

Tôi không xem tử vi, cũng không hay biết gì về thuật tướng số hay phong thủy. Những thứ cần biết như mọi người nói, có lẽ tôi sẽ tìm hiểu khi tuổi trẻ của mình tiệm cận đến bến 40, lúc con người ta đã thật sự suy nghĩ thấu đáo về mọi điều trong cuộc sống. Tôi biết quẻ xăm qua phim ảnh, biết vài cách thầy số giảng nghĩa theo những quẻ được bốc mang tên hạ hạ hay thượng thượng. Đại khái, hạ hạ được xem là quẻ xui xẻo, người bốc quẻ này mọi chuyện đều không được thuận buồm xuôi gió, tai nạn suốt năm. Mặt khác, quẻ thượng thượng lại được xem là quẻ đại cát đại quý, là quẻ xăm tốt nhất trong các quẻ. Tin hay không tin còn phụ thuộc vào cách tiếp nhận và mức độ tin tưởng vào thuật tướng số của mỗi người. Tuy nhiên, có một điều đang diễn ra trong thực tế đó là khi người ta chẳng cần xem tướng số vẫn luôn nửa tin nửa ngờ về những thứ ngẫu nhiên đang diễn ra liên tục trong cuộc sống xung quanh.

Tôi có một trải nghiệm khá thú vị về sự ngờ vực này. Một sáng chủ nhật, tôi và các thành viên cùng câu lạc bộ sinh hoạt tại khuôn viên phía sau trường, một chị vô tình nhặt được một tờ tiền 10 ngàn đồng và một tờ 50 ngàn đồng. Vị trí rơi của hai tờ tiền không giống nhau, một tờ nhặt được phía sau ghế đá, một tờ lại nằm cách đó khoảng 5 bước chân. Chúng tôi quan sát, ở cạnh ghế đá gần đấy lại có vài cây nhang, một chiếc chiếu vuông nhỏ và một khúc gỗ. Mọi người bắt đầu phán đoán. Giả thiết một, suy đoán theo hướng tâm linh, có thể là tiền sau khi cúng kiếng, người làm lễ đã vứt ngay tại đó coi như là tiền dành cho người âm. Một người khác lại cho rằng, đó chỉ là tiền đánh rơi của sinh viên trong trường. Hai giả thiết được đặt ra. Giả thiết hai khá hợp lý và đơn giản nhưng tâm lý số đông lại nghiêng về giả thiết một khi có sự xuất hiện của những vật giống như cúng kiếng kia. Tôi viết câu chuyện này không phải để bạn tư duy phá án như thám tử Conan mà chỉ vạch ra cho bạn những liên kết siêu hợp lý mà cũng cực kỳ phức tạp khi chúng ta vẫn có thói quen làm quá lên những vấn đề hết sức đơn giản. Sau một hồi chờ đợi, chúng tôi đã tìm ra câu trả lời. Những cây nhang, chiếc chiếu vuông nhỏ là những thứ thuộc về bác bảo vệ. Đêm hôm trước bác đã đốt vài cây nhang rồi cắm ở chân ghế, mảnh chiếu vuông là thứ lót ngồi, khúc gỗ thì sân trường cây cối xung quanh, nơi nào cũng có một khúc như thế, vấn đề ở chỗ là khi ai đó vô tình lại đặt chung nó cạnh những thứ kia và lại vô tình tạo nên một sự trùng hợp kỳ lạ như những vật cúng kiếng theo nghi lễ truyền thống. Vậy là, giả thiết thứ hai đã đúng, ai đó đã đánh rơi tiền và gió đã đẩy xa hai tờ tiền đến hai vị trí khác nhau nhưng dù kết quả ra sao, cho dù giả thiết nào đúng thì ngay từ đầu, chúng tôi cũng đem số tiền đó xung vào quỹ câu lạc bộ. Tuy nhiên, có những sự chắp ghép li kì mà nhiều người tạo ra khi bản thân có quá nhiều sự ngờ vực vào những sự may mắn không ngờ tới kèm theo những chi tiết, dự báo xấu. Vậy là, chúng ta luôn tin rằng, chẳng có sự may mắn nào hoàn mỹ, may mắn luôn đi kèm dự báo về những điềm xấu sắp xảy đến. Chẳng hạn, ví dụ điển hình của những người trúng độc đắc và bị cho là gặp vận đen hẩm hiu nhất trên thế giới mà tôi đã từng đọc trên báo. Ví dụ thứ nhất,Bud Postđã thắng giải thưởng 16,2 triệu USD trong một cuộc xổ số ở Pennsylvania năm 1988, sau đó ông lại chìm vào vòng xoáy nợ nần chỉ sau một năm, bị những người yêu quý dường như quay lưng lại, bạn gái cũ khởi kiện và giành được một phần ba giá trị giải thưởng, còn người anh ruột thì bị bắt vì thuê sát thủ ám sát ông nhằm chiếm đoạt tiền thừa kế. Cuối cùng, Post phải ngồi tù vì nổ súng vào một nhân viên thu tiền. Ví dụ thứ hai, Gerald Muswagon làchủ nhân của giải thưởng xổ số jackpot trị giá 10 triệu USD ở Canada năm 1998, sau khi nhận giải, anh ta đã phung phí tiền thưởng mua nhiều nhà cửa, xe cộ cho bạn bè và người thân, dính vào chất gây nghiện, rượu bia, đến năm 2005 thì nợ nần chồng chất và đã treo cổ kết liễu cuộc đời trong gara của cha mẹ anh. Ví dụ thứ ba, Michael Carrollvào năm 2002đãmay mắn nhận 15 triệu USD khi mới 19 tuổi. Carroll nhanh chóng sa vào con đường ăn chơi, phung phí không lối thoát, kinh doanh bất thành cùng với lối sống sa đọa và trắng tay 5 năm sau đó. Cuối cùng, Carroll quay trở lại công việc cũ là làm nhân viên dọn rác với đồng lương ít ỏi (Nguồn ví dụ từ news.zing.vn). Còn rất nhiều ví dụ về sự may mắn từ trên trời rơi xuống và kết cục đều cực kỳ thảm hại. Nếu suy xét kĩ từng câu chuyện của đa số ta sẽ dễ dàng nhận ra tất cả đều do tự thân họ gây ra điềm xấu cho mình. Bản thân mỗi người trong câu chuyện đã đánh mất chính mình khi nhận được một khoản tiền khổng lồ, lòng tham thôi thúc, ham muốn hưởng thụ quá lớn làm mờ đi lý trí khiến họ tự tay chôn vùi may mắn đó chứ không phải ai khác. Chính mỗi người đã tự đánh thức quỷ dữ trong mình, niềm vui thái quá đã khiến họ suy nghĩ, hành động lệch lạc và những sự việc đáng tiếc đã xảy ra.

Chính chúng ta mới quyết định đến tương lai của mình, có những quyết định là sự giằng xé, đấu tranh giữa những lựa chọn và điểm bắt đầu của tòa án lý trí đều nằm ở chính bản thân ta. Liên kết giữa những thứ trùng hợp chỉ là cách chúng ta thỏa mãn sự hiếu kì của bản thân. Vậy nên, đừng biến nó thành hòn đá nặng khiến những suy nghĩ trở nên rối rắm, phức tạp và khiến tâm lý của bản thân cảm thấy nặng nề hơn.

Phán đoán tạo niềm vui, phán đoán tạo ngờ vực.

Những sự trùng hợp giữa những sự việc diễn ra trong cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn với hai thái cực cảm xúc tạo ra trong mỗi trường hợp khác nhau. Suy nghĩ thấu đáo ta sẽ nhận thấy hóa ra đó chỉ là kịch bản do bản thân làm đạo diễn. Hài kịch hay bi kịch khác biệt nằm ở cách chúng ta xâu chuỗi những chi tiết lại với nhau.

Một kỷ niệm của năm cấp ba, đúng vào ngày 20/10, bác bảo vệ đem một nhành hồng vào lớp và gọi tên đứa bạn ngồi cùng bàn với tôi kèm theo lời nhắn có bạn nam nào đó gửi tặng. Cô bạn thân của nhỏ bạn nhanh trí đoán ra đó là cậu bạn tên T, lớp kế bên. Câu chuyện cụ thể là, cách đó hai tuần, cậu bạn T có nói với cô bạn thân của nhỏ là nhỏ trông khá xinh. Cô bạn thân đó đã đem chuyện này nói lại với nhỏ. Hằng ngày, cậu ta hay đi ngang qua lớp mấy vòng, thỉnh thoảng lại liếc nhìn vào và mỗi lần như vậy cô bạn đó lại cười nói lớn tiếng hơn bình thường. Khi nhận được nhành hoa, mặc dù chưa biết thực sự người tặng là ai nhưng cô bạn đã rất vui vẻ, ngày nào cũng tươi cười. Đó là niềm vui của mọi cô bạn gái mới lớn khi biết rằng vẫn có một người đang quan tâm mình. Nhưng vào một ngày nọ, cô bạn đó kể lại với tôi, sự thật là nhành hoa hôm 20/10 hóa ra chỉ là quà của cô bạn lớp khác tặng. Hụt hẫng hay tức giận hay buồn bã hay tức cười hay xấu hổ nhưng tôi thấy cô bạn thuở ấy hụt hẫng nhiều hơn sau những ngày đinh ninh về người tặng là một chàng trai để ý mình. Kịch bản hoàn hảo của tuổi học trò, luôn có những cảm xúc đẹp được tạo ra từ những sự kết nối các chi tiết trùng hợp thành một chuỗi mắc xích mà thực tế, tất cả chỉ là những mắc xích nhỏ rời rạc được gán ghép bởi chính suy nghĩ mỗi người. Hạnh phúc đơn giản từ những sự liên kết thú vị. Một kịch bản khá tốt để giúp cuộc sống trở nên đáng sống hơn, tuy không bền vững nhưng ít nhất chúng ta đã từng có cảm giác hạnh phúc.

Song song hài kịch, bi kịch được tạo ra bởi những sự trùng lặp của những điều xấu không mong muốn xảy ra với mình. Thứ mang điềm xấu là khi những thói quen lặp lại, lại vô tình xảy ra cùng một sự việc ngoài dự tính, trái với mong muốn của mỗi người tại thời điểm đó. Lần này, tôi sẽ kể câu chuyện về kịch bản liên kết của bản thân. Cũng vào năm cấp ba, tôi luôn có thói quen nghe một bản nhạc trước khi đi học. Cụ thể, trước khi hình thành liên kết về những sự trùng hợp đáng ngạc nhiên, tôi thích nghe những bản nhạc vui, sôi động. Tuy nhiên cứ mỗi lần nghe bài hát nhạc Hàn kia thì hôm đó xe tôi lại tiếp tục bị hỏng, có khi lốp xe bể từ nhà, có khi giữa đường phải dắt bộ, đôi khi là tan học về. Tình cờ, tôi lại không thường nghe bài hát đó mà chỉ nghe vài lần trong tuần, nhưng những điều xấu xảy ra liên tiếp rơi vào cùng thời điểm nghe bài hát đó lại khiến tôi ngờ vực về sự không may mà bài hát mang lại. Nhưng sự thật, nếu suy xét kỹ thì sự liên kết của tôi hình thành bởi những nguyên nhân sau. Thứ nhất, sự trùng hợp đầu tiên, tôi đã chạy xe qua một ổ gà khi trên đường trở về từ lớp học thêm, bánh xe xốc mạnh nhưng khi về nhà kiểm tra xem thì thấy xe không hề gì. Vậy là tôi cho rằng lốp xe vẫn bình thường cho tới khi tôi dắt xe ra khỏi nhà vào hôm sau và phát hiện nó bị bể lốp, trùng hợp thay trước khi dắt xe đi tôi đã nghe bài hát đó. Thứ hai, sau đó một tuần, trùng hợp lại tái diễn, tôi vì quá mệt nên chỉ học đại khái môn văn trước khi đến lớp vì trước đó tôi đã được gọi trả bài, nhưng oái ăm thay cô giáo lại tiếp tục gọi tôi lần nữa và tình cờ sáng hôm đó tôi lại nghe cùng bài hát của một tuần trước. Cuối cùng, từ những sự trùng lặp đáng ngạc nhiên tôi chuyển sang ngờ vực và tẩy chay, kiêng kỵ bài hát đã khiến cuộc sống của tôi trở nên khốn khổ. Cụ thể là, tôi bắt đầu suy nghĩ về những bài hát mình nghe mỗi sáng trước khi đi học, cứ mỗi khi nghe nhạc vui tôi lại gặp một vận đen, tôi chuyển sang nghe những bản nhạc buồn, thất tình, vốn chẳng phải là sở thích của mình. Thỉnh thoảng, tôi vẫn bị bể lốp xe, hỏng thắng hay bị gọi trả bài liên tục nhưng tôi vẫn khư khư cách tư duy đó: bài hát kia chỉ mang đến xui xẻo. Kể từ đó về sau, danh sách bài hát mỗi sáng của những năm cấp ba chỉ là những bản nhac buồn, buồn như cơn mưa rào ngày hạ về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Lên đại học tôi vẫn nghe những bản nhạc vui, kể cả bài hát năm nào được cho là sao chổi của một ngày, nhưng chẳng có điều gì xảy ra, nói đúng hơn là tôi không thèm để tâm đến những chuyện được xem là xui xẻo đó. Vốn dĩ khi chúng ta gặp phải khó khăn hay khả năng chưa đủ để khắc phục những việc ngoài tầm kiểm soát hay do sự để tâm thái quá vào những việc hết sức đơn giản thì theo tâm lý bản năng, chúng ta lại tự tìm một thứ nào đó để đổ lỗi, mục đích là để trấn an tinh thần và thỏa mãn lòng tin, sự mê tín của mình. Vậy nên, đừng cố xâu chuỗi những thứ trùng lặp không mong muốn thành một mắc xích hoàn toàn bởi giữa chúng không hề tồn tại bất kì mối liên hệ nào. Kịch bản tôi tạo ra thực sự có cả bi kịch lẫn hài kịch khi tôi đã ở một vị thế khác, một thời điểm khác và suy xét lại cách tư duy của mình ở thời điểm trong quá khứ.

Thế giới quanh ta vẫn có những người đang tự tạo dựng những câu chuyện từ những trùng hợp nối tiếp trùng hợp và điểm giao nhau là tại nút thắt tư duy. Một, ta chọn cách để mặc an nhiên mà sống vì dù nghĩ nhiều cũng chẳng thể khiến việc đã rồi trở nên tốt đẹp hơn. Hai, ta chọn thay đổi lộ trình đường đi của những trùng hợp bằng cách tự thay đổi góc nhìn cuộc sống của bản thân. Hướng 1 giờ sẽ rất khác với hướng 5 giờ, cách nhìn khác và những thứ tiếp nhận được cũng sẽ khác. Dễ cũng dễ mà khó cũng khó, chẳng ai đếm được có bao nhiêu cái ngẫu nhiên trùng hợp đang diễn ra, vậy nên điểm khác biệt là cách ta đối diện với những thứ “tưởng chừng trùng hợp mà cũng chẳng phải trùng hợp”.

Việc này giống như việc chúng ta hay tự suy nghĩ trước khi ra đường nên bước chân trái trước hay chân phải trước và khi đổ lỗi lại lấy lý do nằm ở bàn chân của mình. Có thật sự hợp lý? Những sự vô lý luôn được đem ra để đổ lỗi cho những điều không mong muốn hay những thứ xui xẻo bắt gặp.

An nhiên tồn tại, an nhiên sống

Mỗi cá nhân là một cá thể tách biệt trong xã hội, chẳng ai lại muốn tự kết nối mình với những thứ vô tình xảy đến, ngoài dự tính. Đó không phải là liên kết mà là thách thức mà mỗi người cần phải đối mặt trước áp lực cuộc sống. Chúng ta đôi khi tự gò mình vào những thứ siêu nhiên mang tên “xui xẻo” mỗi khi thất bại hay gặp khó khăn và lại phát biểu cho những thành quả, thành tựu mà bản thân đạt được từ nỗ lực bằng hai từ “may mắn”. Có xứng đáng không với những gì tự thân bỏ ra và chung quy nó lại bằng những thứ thuộc về ngẫu nhiên, số phận. Tồn tại chỉ là một mặt của sống, tồn tại có thể quy về may mắn hay xui xẻo, nhưng khi đã sống thì hãy nhìn nhận những thất bại hay thành công đều là do tự thân vận động, thay đổi bản thân không hề dễ, đó là cả một quá trình dài, tư duy làm nên số phận, sống theo cách tư duy tích cực hay tự đóng cọc chôn mình vào tấm bia chỉ mang tên “số phận”.

Bài viết này được viết ra đã dùng tới 10 từ “nhưng” không kể những từ “nhưng” được đặt trong ngoặc kép. Hóa ra nó cũng là sự lặp lại liên tục, song đó không phải là ngẫu nhiên mà chính là chủ ý của tôi khi diễn đạt suy nghĩ của mình trước những vấn đề trái ngược nhau, nếu tôi không nói ra thì chẳng ai để tâm cả. Tất cả đều do tôi quyết định, tại vị trí ấy, câu đấy, chi tiết ấy, tôi muốn dùng từ “nhưng” hoặc không muốn dùng là do tôi tự chọn. Tôi có thể tự ý thay đổi từ “nhưng” bằng những từ thay thế khác như trái lại, tuy nhiên, song, mặt khác,..và suy cho cùng, tôi vẫn quyết định dùng từ “nhưng” liên tục lặp lại theo lựa chọn của mình và chẳng ai có thể thay tôi quyết định cả.

Tôi nghĩ rằng những dòng chia sẻ này của tôi ngay từ đầu cất bút, nó chỉ đơn thuần là đôi chút suy nghĩ về lối tư duy quy cũ của nhiều người. Nếu một ngày bạn dành 8 tiếng để ngủ, 4 tiếng để đến trường, 12 tiếng còn lại hãy dành cho những việc khác hữu ích hơn, đừng dành nhiều hơn 10 phút mỗi ngày chỉ để xâu chuỗi những sự kiện trùng hợp diễn ra quanh cuộc sống của mình bởi một ngày 24 tiếng là không đủ trên hành trình chinh phục giới hạn của bản thân.

Tác Giả: Tiểu Thiên - SV Đại học Sư phạm

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: www.facebook.com/tacgiadinh

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

44,604 lượt xem, 40,711 người xem - 40716 điểm

Thích 1Không thích 0Chia sẻ Lưu bài 1

Từ khóa » Giải Nghĩa Viêm Thượng Quẻ