Thủ ấn Là Gì? 7 Thủ ấn Quan Trọng Trong Phật Giáo - Sống Đẹp
- Thủ ấn là gì?
- 7 thủ ấn quan trọng trong Phật giáo
- Thiền thủ ấn
- Thí nguyện thủ ấn
- Vô úy thủ ấn
- Giáo hóa thủ ấn
- Chuyển pháp luân thủ ấn
- Trì bình thủ ấn
- Xúc địa thủ ấn
Thủ ấn là gì?
Thủ ấn (mudrā) hay còn gọi là ấn tướng, ấn thủ, thủ ấn Phật là dấu ẩn thể hiện hoặc khắc họa tư thế tay đặc biệt (thường là bàn tay và ngón tay), vừa là cử chỉ tự nhiên, vừa là dấu hiệu của tính chất Phật (Phật tính). Thủ ấn xuất hiện trong cả Ấn Độ giáo và Phật giáo, được coi là cử chỉ tượng trưng cho tinh thần, một mudra tràn đầy năng lượng được sử dụng trong hình tượng và thực hành tâm linh của các tôn giáo ở Ấn Độ.
Ấn tướng thường xuất hiện trong các điệu nhảy truyền thống Ấn Độ, chẳng hạn như cử chỉ Namaste (cử chỉ chào, Namas + te, Devanagari: नमस् + ते = नमस्ते). Khi khai quật khảo cổ nền văn minh Ấn Độ cổ đại, người ta thấy rất nhiều tượng đất nung niên đại từ 3000 đến 2000 năm TCH đặt tay trong tư thế Namaste (chắp tay lại trước ngực).
Trong Phật giáo Tây Tạng, một trăm lẻ tám (108) mudra được sử dụng ở các nghi thức Tantra (Đát-đặc-la, gồm các kinh sách về nhiều ngành khác nhau, là kinh điển về phép tu thiền định) thường xuyên.
Trong đạo Phật, các Đức Phật thường được khắc họa với tư thế tay đặc biệt, thường là các ấn nơi ngón tay, mỗi thủ ấn lại có một ý nghĩa riêng biệt. Trong các tông phái như Kim cương thừa Mật tông, Thiên Thai tông, thủ ấn thường đi đôi với Mantra (thần chú). Các ấn này cũng giúp hành giả chứng được các cấp tâm thức nội tại, giữ vững vị trí thân thể nhất định và tạo mối liên hệ giữa hành giả với các vị Phật hoặc Đạo sư khi hành trì một thành tựu Pháp (sādhana).
Thủ ấn còn được hiểu là các tư thế chính mà Phật dùng trong đời sống hằng ngày, thuần túy là các tư thế của Phật. Thủ ấn được dùng để miêu tả, trình bày hình tượng, tranh ảnh Đức Phật.
Trong yoga, mudra thường được dùng kết hợp với bài tập thở yoga Prāṇāyāma, đặc biệt là khi ngồi trong tư thế Padmāsana, Sukhāsana hoặc Vajrāsana (có thể hiểu là tư thế bán già và kiết già). Như vậy có thể kích thích các bộ phận khác nhau trên cơ thể liên quan tới hơi thở, tác động, ảnh hưởng tới dòng chảy prana (năng lượng sống) trong cơ thể.
Theo truyền thống Vệ đà, tương truyền các ngón tay của bàn tay tượng trưng cho 5 yếu tố cơ bản (Tatvas) là Đất, Nước, Gió (hoặc Không gian), Không Khí, Lửa cấu tạo nên cơ thể con người. Trong đó: Ngón cái tượng trưng cho Lửa (Agni), ngón trỏ là Không khí (Vayu), ngón giữa là Gió hoặc Không gian (Aakasha), ngón nhẫn là Đất (Prithvi), ngón út tượng trưng cho Nước (Jala).
Đầu ngón tay của chúng ta tập trung nhiều đầu rễ thần kinh, là điểm xả năng lượng tự do. Khi ta chạm các đầu ngón tay vào nhau theo những cách khác nhau hoặc tới những nơi khác của lòng bàn tay, ta sẽ điều chỉnh, cân bằng prana trong cơ thể, từ đó năng lượng sẽ được truyền đi qua các dây thần kinh, kích thích các luân xa khác nhau.
7 thủ ấn quan trọng trong Phật giáo
Tùy theo tài liệu, người ta liệt kê ra một số thủ ấn quan trọng nhất trong Phật giáo. Dưới đây là 7 thủ ấn quan trọng nhất, phổ biến nhất khi khắc họa tranh và tượng Phật:
Thiền thủ ấn
Thiền thủ ấn hay còn gọi là Ấn thiền (sa. dhyāni-mudrā) được mô tả là lưng bàn tay phải để trên lòng bàn tay trái, hai ngón cái chạm nhau, hai bàn tay cùng đặt trên lòng, để ngang bụng. Thông thường thì ngón tay cái của hai bạn tay cùng chạm vào nhau, tạm thành hình tam giác. Bàn tay phải phía trên tượng trưng cho tâm giác ngộ, bàn tay trái đặt dưới tượng trưng cho thế giới sự vật, hiện tượng.
Thiền thủ ấn là biểu tượng của thiền, tượng trưng cho trí tuệ, giác ngộ vượt lên thế giới hiện tượng, cũng là tượng trưng cho tâm thức giác ngộ vượt qua tâm thức phân biệt, khi đó Luân hồi hay Niết bàn chỉ là một. Đức Phật đã sử dụng thủ ấn này vào lần thiền cuối cùng dưới gốc bồ đề khi Ngài đạt giác ngộ.
Thí nguyện thủ ấn
Thí nguyện thủ ấn hay còn gọi là Ấn thí nguyện (sa. varada-mudrā), Dữ nguyện ấn, Thí dữ ấn. Thí nguyện có nghĩa là cho phép được tại nguyện, biểu thị sự dâng hiến, từ thiện, cho đi, từ bi và chân thành. Thủ ấn này được tả ở tượng Phật Thích Ca thì đó là biểu hiện gọi trời, chứng minh Phật quả, là ấn quyết hoàn thành ước nguyện chân tâm giải thoát nhân loại.
Thí nguyện thủ ấn được mổ tả là cánh tay phải tượng Phật ở tư thế thả lỏng, dọc theo cơ thể, lòng bàn tay (thường là tay mặt) mở, hướng về phía trước, bàn tay chỉ xuống, bàn tay còn lại đặt trên lòng. Trong một dạng khác, Ấn thí nguyện được mô tả là ngón trỏ và ngón cái chạm thành vòng tròn.
Thí nguyện thủ ấn và Vô úy thủ ấn thường được trình bày chung, thường là tay phải để ấn vô úy, tay trái là ấn thí nguyện.
Vô úy thủ ấn
Vô úy thủ ấn (sa. abhaya-mudrā) còn gọi là Ấn vô úy, là ấn quyết mà Phật Thích Ca sử dụng ngay khi đắc đạo. Phật Bất Không Thành Tựu (sa. amoghasiddhi) cũng hay được mô tả với ấn này.
Có nhiều cách giải nghĩa về ấn này, chẳng hạn theo sử liệu về cuộc đời Đức Phật thì sau khi đạt giác ngộ, bị voi dữ tấn công thì Ngài đã sử dụng thủ ấn này, bởi Abhaya được coi là cử chỉ của sự không sợ hãi, dũng cảm. Khi bàn tay Phật thể hiện ấn này tức là Ngài không hề sợ hãi trước kẻ thù hay nghịch cảnh.
Vô úy thủ ấn thường được trình bày là giơ bàn tay phải lên ngang tầm ngực, lòng bàn tay hướng ra ngoài, ngón tay hướng lên trên. Cánh tay trái thả xuôi theo tư thế tọa thiền với tượng ngồi hoặc duỗi hướng xuống đất với tượng đứng.
Giáo hóa thủ ấn
Giáo hóa thủ ấn (sa. vitarka-mudrā) hay còn gọi là Ấn giáo hóa tượng trưng cho giai đoạn thuyết giảng kinh Phật trong cuộc đời của Đức Phật. Ấn thủ này cũng được gọi là Biện minh ấn, tượng trưng cho việc Đức Phật kêu gọi mọi người giải quyết vấn đề, hiện tượng qua tư duy và biện luận.
Khi làm ấn này, tay phải Phật chỉ lên, bàn tay trái chỉ xuống, hai lòng bàn tay đều hướng về phía trước. Tay phải để ngang vai, tay trái để ngang bụng. Ở mỗi bàn tay, ngón trỏ và ngón cái chạm nhau, tạo thành vòng tròn, tượng trưng cho dòng năng lượng liên tục luân chuyển. Ấn giáo hóa cũng có dạng khác là ngón trỏ và ngón cái co lại, các ngón khác duỗi thẳng, lòng bàn tay trái hướng lên trên còn tay phải hướng xuống.
Chuyển pháp luân thủ ấn
Chuyển pháp luân thủ ấn (sa. dharmacakrapravartana-mudrā) hay Ấn chuyển pháp luân biểu thị cho dòng năng lượng liên tục của vũ trụ dưới hình dạng bánh xe (luân xa) và các giáo lý của nó được thông qua trái tim.
Thủ ấn này được mô tả là đầu ngón tay giữa bàn tay này chạm vào đầu ngón tay cái và ngón trỏ của bàn tay kia, tạo thành vòng tròn gần tim. Hoặc có khi là tay trái hướng vào thân, tay phải hướng ra, ở mỗi bàn tay, ngón trỏ và ngón cái chạm nhau tạo thành vòng tròn, hai vòng tròn chạm nhau.
Sau khi Đức Phật giác ngộ, Ngài đã giảng giáo lý đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển, và thủ ấn này tượng trưng cho việc thiết lật Bánh xe Pháp chuyển động. Chuyển pháp luân thủ ấn thường xuất hiện ở tranh, tượng Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Di Lặc,...
Trì bình thủ ấn
Trì bình thủ ấn (Patahattha Mudra) là ấn có vị trí hai bàn tay chồng lên nhau, tay phải để lên tay trái, hai bàn tay duỗi ra nâng bình bát.
Hoạt động hàng ngày của Đức Phật chia làm 5 thời, gồm buổi sáng, buổi trưa, canh đầu, canh giữa và canh cuối. Buối sáng là khi Ngài trì bình hóa duyên tế độ người hữu duyên, thọ thực. Đây là tư thế thủ ấn thường được dùng để trình bày đời sống thường nhật của Ngài.
Xúc địa thủ ấn
Xúc địa thủ ấn (sa. bhūmisparśa-mudrā) hay là Ấn xúc địa, là ấn quyết mà Đức Thích Ca gọi thổ địa chứng minh khi Ngài đạt Phật quả. Đây cũng là dấu hiệu của sự không lay chuyển nơi Đạo vô Thượng Bồ Đề. Mudra này luôn được mô tả trong tư thế ngồi kiết già hoặc bán già, tay trái đặt trên đùi, lòng bàn tay hướng lên trên còn tay phải duỗi xuống, úp bàn tay, các ngón tay hướng xuống đất.
Bhumisparsha nghĩa là chạm vào Trái Đất, rằng hãy gọi Trái Đất để chứng kiến. Thủ ấn này dựa theo sự tích ghi trong Chú giải Phật sử như sau:
Khi Ngài hành thiền trong đêm rằm tháng Vesak, Ma vương (Mara) xuất hiện quấy nhiễu Ngài. Ma vương có ý định đuổi Ngài ra khỏi chỗ ngồi dưới cội bồ đề nên hỏi: "Ai là chứng nhân để biết chỗ ngồi này là của Ngài?"
Đức Phật từ tư thế thiền định, đặt bàn tay phải chạm đất và nói rằng: "Mặt đất này là chứng nhân, đã chứng kiến qua nhiều kiếp, ta đã hoàn thiện hạnh Bố thí ba-la-mật, hạnh Trì giới ba-la-mật, và các ba-la-mật khác." Ngay lúc đó, mặt đất rung chuyển, âm thanh vang dội khắp vũ trụ. Mara run sợ và nhanh chóng rút lui.
Ngoài ra, trong một số tài liệu, những ấn quan trọng khác được nhắc tới là Tối thượng bồ đề thủ ấn (uttarabodhi-mudrā), Trí huệ vô thượng thủ ấn (bodhyagri-mudrā), Kim cương hiệp chưởng thủ ấn (vajrapradama-mudrā),...
Từ khóa » Phật ấn Là Ai
-
Thủ ấn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bắt ấn Là Gì? Để Làm Gì? Ý Nghĩa | Công Ty TNHH Buddhist Art
-
Ý Nghĩa 7 Thủ ấn Quan Trọng Nhất Của Phật Giáo - .vn
-
7 THỦ ẤN NHÀ PHẬT - 7 TRẠNG THÁI CỦA TÂM - Bảo Trầm
-
Ý Nghĩa Các Thủ ấn Của Phật Thích Ca Mâu Ni Hay
-
GIỚI THIỆU VỀ ĐẤT NƯỚC ẤN ĐỘ - Alsimexco
-
Phật Giáo Là Gì ? Nguồn Gốc địa Lý Và Lịch Sử Của Phật Giáo Là Gì ?
-
Đức Phật Là Ai? (Phần 1) | Phật Giáo Việt Nam
-
Mùa Xuân Theo Dấu Chân Bồ Đề Về Miền đất Phật
-
Vài Nét Về Phật Giáo Ấn Độ Sau Khi Phục Hưng | Giác Ngộ Online
-
Phật Giáo VN: Nhắc Lại Kiến Nghị 'ba Năm Ba Tháng' Của Thiền Sư ...
-
Thần Tài Trong Phật Giáo Là Các Vị Nào? - Báo Thanh Niên