Thú đam Mê Câu Cá Tự Nhiên

“Câu cá cho thoả chí tang bồng thì ít có trò thư giãn nào sánh được, khi quen rồi cái hồn người quyện với hồn cá như một thứ men say, nghiện thành khó bỏ, lúc ngồi tĩnh lặng trên bờ sông, chỉ chăm chăm nhìn vào ngọn phao chờ nhấp nháy, sự đời tưởng như quên hết…”.

Như một thứ men say…

Đấy là tâm sự của ông Phạm Khắc Thể - một tay câu có hạng ở Hải Phòng. Ông Thể sinh ra ở Tiên Lãng, từ nhỏ ông đã mê câu, nên sau này lập nghiệp trong nội thành, vẫn không quên “thửa” bên mình bộ đồ, để hễ được dịp là phóng đi thả cần thư giãn.

Từ ngày nghỉ hưu, thời gian nhiều hơn nên ông cũng đi nhiều hơn, bởi vậy nước da ông đã ngái theo tuổi già, lại đày nắng dầm mưa càng thêm sạm sịt. Dáng người ông cũng còng còng, rùa rùa, mà ông nói đùa vì ngồi câu nhiều nên bộ cơ xương nó uốn mình như thế.

Như nhiều “cần thủ” khác ở đất Cảng, ông Thể thích câu cá tự nhiên chứ không thích những loài cá được nuôi sẵn trong các đầm ao. Ông nói, cá nuôi thì mình biết rõ là con gì, to bao nhiêu, nước ao lại nông nên giật cá không đủ độ sướng. Còn câu ngoài môi trường tự nhiên thì ngược lại, mỗi lần cá cắn câu nhìn phao đoán cá mà hồi hộp, lúc giật lên sợi cước cứ nhằng nhằng đảo ngược xuôi dưới nước, bắt cá lên thấy nó giãy giụa trên tay, mức độ truyền cảm háo hức đến cực độ.

Nhưng nếu giật hụt, “con cá mất là con cá to”, cái “tiếc” khi câu hụt là cảm giác đáng tiếc nhất trong mọi sự tiếc, ngẩn ngơ thăm thẳm chẳng gì đo được. Vậy nên câu cá cũng xem như thực hiện một tham vọng, có khao khát, có đam mê, có cả sự hy sinh và nét độc đáo chính là sự cay cú giữa được và mất.

Theo kinh nghiệm của ông Thể, vào mùa hạ khi những cơn mưa rào ào ạt xả xuống, lũ từ thượng nguồn đổ về, vùng cửa biển Hải Phòng phân định rõ 3 miền nước mặn, lợ, ngọt, đây cũng là thời điểm nhiều loài cá lưỡng cư sinh trưởng nên rất thích hợp cho việc câu. Hải Phòng có vùng bồi ngập mặn mênh mông, nên khu vực thả câu cũng vô cùng thoải mái.

Nếu ít thời gian chỉ di chuyển vài chục cây số thì sang Thủy Nguyên, ra Đình Vũ, Tràng Cát hoặc xuống Kiến Thụy, còn rỗi rãi hơn thì về Tiên Lãng, hoặc thuê thuyền sang Hà Nam, Cát Hải trổ nghề.

Nhận diện… “đối tượng”

Như đã nói ở trên, Hải Phòng với chiều dài tổng cộng 125km bờ biển, là vùng có đủ 3 loại nước mặn, lợ, ngọt, được tạo bởi hàng chục con sông đổ ra từ đất liền, nên nguồn thủy sản tự nhiên khá phong phú. Những loại cá sống ở đây thích nghi với cả 3 nguồn nước, nhiều loại thuộc diện quý hiếm không xuất hiện ở những vùng miền khác, bởi thế nghề câu cũng thêm phần hấp dẫn.

Mỗi loài cá đều có “tính khí” khác nhau, chẳng hạn loại da trơn như Nheo, Bò… sống dựa vào cửa cống nên chúng có cái đầu cứng bẹp kiểu khí động học và ba chiếc ngạnh nhọn hoắt để ghìm mình trước dòng nước xiết. Loại này mắt mờ nên kiếm ăn nhờ đôi râu, nếu để mồi ngay trước mắt mà không động vào râu chúng cũng mặc, nhưng râu đã quệt phải thì cái hàm chúng ngoác ra chẳng con mồi nào thoát.

Trong khi đó, cũng sống ở đáy nước nhưng trong các hốc đất mềm như Bớp, Bống… thì ngược lại, chúng có phản xạ cực nhạy và tốc độ đuổi mồi nhanh như tên lửa. Mỗi loại cá lại phân thành nhiều giống, đơn cử như Bống có Bống “giạ” mình lẳn dài, màu đục vẩy ráp; Bống “mít” ngắn mình, đầu múp, bụng to, da đen nhẫy; Bống “dưa” nhỏ bằng ngón tay, dọc vằn đen trắng như quả dưa… nét chung là loài nào cũng háu ăn như nhau, trông thấy mồi đảo qua là vút mình tợp gọn.

Nhưng đại diện tiêu biểu vùng cửa sông phải nói những loài cá sống trên mặt nước, không chỉ nổi tiếng vì “phàm ăn” mà còn đem lại sự hưng phấn cao độ cho những người “tục uống”. Đứng đầu là cá Vược, nhưng vì mấy năm nay Hải Phòng phát triển mạnh về công nghiệp và du lịch, chiếm mất vùng đẻ tự nhiên của cá Vược nên loài cá này cũng hiếm dần.

Bù lại, niềm hấp dẫn với những tay câu vẫn còn dành cho cá Tráp, loài cá thân giống rô phi, màu trắng, vây hoe vàng, “sát thủ” của bất cứ giống thuỷ sản nào nhỏ hơn nó. Cá Tráp thịt ngon, rán vàng ăn rồi không còn muốn ăn loại cá khác nên tay câu nào cũng thích. Hơn nữa, có lẽ do suy luận “ăn gì bổ đấy” nên nhiều tay câu tích luỹ bao tử cá Tráp sấy khô ngâm rượu, để dành uống chữa khi dạ dày có vấn đề.

Nghề câu cũng lắm công phu

Theo kinh nghiệm của ông Thể, đi câu phải nắm rõ thời tiết và lịch nước, bởi sự điều tiết này tạo ra thay đổi của ngư trường, nhìn nước đục trong, lớn nhỏ, chảy xiết hay chậm, đậm mặn hay thấm ngọt để biết câu loại nào và ở chỗ nào mới có cá. Giả như nước đục, mồi câu bị đất bám mờ thì đừng dại thả cần cho phí công, hoặc lúc triều cường nước nổi ngập các vùng thì việc tìm được luồng nào có cá cũng là một nghệ thuật. Nhưng thông thường cá hay đi kiếm mồi nhất chỗ nước chảy, vì loài thuỷ sinh nào dù to hay nhỏ cũng có cái “máu” là thích vượt dòng, nước càng xiết thì con yếu càng dễ bị cuốn trôi, và thế là bị con khoẻ đón lõng làm mồi, còn người câu lại lợi dụng điểm ấy để “đón lõng” lừa con cá khoẻ. Chia sẻ điều này, ông Thể triết lý: “Con người cũng vậy, càng hãnh tiến càng nhiều nguy hiểm”, hoá ra đi câu cũng học được cả cách ứng xử trong cuộc đời nữa đấy.

Câu cá trên biển

Cái sự câu kể ra cũng lắm công phu, chẳng hạn như câu cá Vược, cước dài vài chục mét, mồi câu phải là tôm Rảo sống, tầm câu là lúc triều bắt đầu nhú, văng cước ra xa rồi thu cước cho mồi nhảy trên mặt nước, cá Vược tưởng tôm đang bơi sẽ lao theo “oẳng” một nhát đớp là dính lưỡi.

Còn với cá Tráp lại phải câu tĩnh bằng mồi tôm gai, mực cước tùy theo độ sâu vùng câu, nên mỗi người khi câu thường sắm ít nhất vài chiếc cần. Hôm nào thời tiết không hợp với hai giống cá này thì đi câu cá Bống, cũng mồi tôm gai để nguyên con, rê qua lại đáy nước, thời điểm câu tốt nhất là rạng sáng. Câu cá Nheo, Bò thì cần tính kiên trì cao hơn, loại “mắt mù” này phải chọn được đúng chỗ, nháy cần cho mồi giun “nhấp nhổm” để chạm được vào râu chúng.

Trong các loại da trơn, có cá Hau và cá Úc là chịu đi ăn theo đàn. Vào chiều tà nhìn lá cây xám nhọ, cũng là thời điểm cá Hau rời tổ đi săn, các cụ đã từng ví “lau nhau như cá Hau tranh mồi” để mô tả sự háu ăn của chúng. Cá Úc hiện chỉ có nhiều ở sông Văn Úc, nơi các dân câu chuyên nghiệp dùng thuyền chăng “dàn” ngang dòng, mỗi dịp câu thu hoạch hàng yến cá.

Mỗi loại cá có một hình thức và dụng cụ câu khác nhau. Hiện đồ câu ở các chợ không thiếu thứ gì. Cần câu loại đắt từ vài trăm đến hàng triệu đồng tuỳ theo thương hiệu, độ dài, tời tay hay dùng mô-tơ, loại rẻ tiền nhập từ Trung Quốc chỉ có mấy chục ngàn đồng. Mồi câu cũng được chế thành thuốc bán sẵn nhưng chủ yếu phục vụ cho các tay câu “tài tử” chứ người sành câu rất ít khi mua. Mùa hạ về là lúc nhiều loài cá tự nhiên lên đàn, để mỗi tay chơi lại được dịp hưởng thụ cái “thần” từ thú đi câu, mà không phải người ở đâu cũng có niềm đam mê như vùng cửa biển Hải Phòng.

Gia Lê

Từ khóa » Cách Câu Cá Dằm