Thứ đồ Chơi Nguy Hiểm Cho Trẻ: Hạt Nhựa Nở Gây Ung Thư âm Thầm ...

Hạt nhựa nở sau khi ngâm nước 30 phút. Ảnh: HP
Hạt nhựa nở sau khi ngâm nước 30 phút. Ảnh: HP

Người lớn mua khó hơn trẻ em

Khác với thời gian trước đây khi hạt nhựa nở bán nhiều ở các cửa hàng cạnh các trường học, nhưng hiện chúng đã không còn xuất hiện trên kệ hàng. Hỏi qua các cửa hàng ăn, đồ chơi cạnh một số trường học thuộc quận Hoàng Mai và Đống Đa (Hà Nội), chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu không bán. Tuy nhiên, em Nguyễn Minh T (10 tuổi, học sinh Trường tiểu học Q.T, quận Đống Đa) mua loại đồ chơi này ở một cửa hàng gần trường lại rất dễ dàng. Em T cho biết: “Tuần trước, em cũng mua những hạt nở với giá 2.000 đồng/gói”.

Tại các cửa hàng chuyên bán đồ chơi trên phố Hàng Mã, Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), loại hạt nhựa này không còn hiện diện trên các kệ hàng, nhưng khi hỏi mua đều được chủ quán bảo có bán. Khi mua hàng, chúng tôi bị dò xét với thái độ đề phòng cao độ của chủ cửa hàng. Tuy nhiên, với việc đề nghị lấy số lượng lớn, bà chủ đồng ý bán cho chúng tôi. Chỉ với 4.000 đồng, thậm chí mua sỉ một lô hàng giá có thể còn rẻ hơn là bất cứ ai cũng có thể sở hữu được loại hạt nhựa độc hại nhưng đa số trẻ em đều rất thích này.

Bà chủ quầy hàng ở phố Hàng Mã vào trong nhà mang ra một túi to trong đó có 10 vỉ, mỗi vỉ 24 gói nilon nhỏ nằm trong lòng bàn tay cho khách xem. Bà chủ giới thiệu, hạt nhựa nở có xuất xứ từ Trung Quốc với nhiều loại hình hoa, con vật, côn trùng… nhưng phổ biến nhất là các hạt hình tròn với kích thước nhỏ. Tùy vào thời gian nở, hạt nhựa sẽ có độ phồng lên khác nhau.

Cũng theo bà chủ cửa hàng, vì nhiều người hỏi mua nên “khó cưỡng” lại ma lực của đồng lãi mang về nên bà cứ bán, miễn làm sao kín đáo để khó bị “soi”. “Trẻ em thích hạt nhựa nở bởi chỉ cần thả những hạt nhựa vào nước vài giờ, chúng sẽ từ từ nở to ra. Như thế, trẻ nào không muốn mua?”, bà chủ cửa hàng nói.

Hiểm họa khôn lường

Hạt nhựa nở trước khi ngâm nước.
Hạt nhựa nở trước khi ngâm nước.

Mặc dù đã có những trường hợp trẻ em nhập viện vì hạt nhựa nở nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết được sự nguy hiểm của loạt hạt nhựa này. Theo khảo sát của chúng tôi, một số phụ huynh cho rằng đây là một loại đồ chơi nhựa vô hại, có nhiều màu sắc rực rỡ, giá rẻ nên mua về cho con chơi, hoặc để con tự mua theo sở thích đồ chơi của con.

Chị Nguyễn Mỹ Hạnh (ở Hồ Đắc Di, quận Đống Đa) sau khi thấy cô con gái 10 tuổi mang một túi hạt nhựa về rồi ngâm trong ca nước và chơi một cách thích thú, mới tìm hiểu về loại đồ chơi này. Khi biết những hạt nhựa này không phải là đồ chơi an toàn, chị mới hốt hoảng cấm con chơi. Chị Hạnh cho biết: “Con tôi rất thích trò ngâm nước mấy hạt nhựa này. Trước đây, con mua về chơi nhiều lần rồi mà tôi không biết. Thật đáng sợ”.

Còn chị Nguyễn Thị Hòa (ở chung cư 103 đường Phan Trọng Tuệ) chia sẻ: “Biết bản chất của loại đồ chơi hạt nhựa này có độc nên tôi đã cấm con chơi. Màu sắc của chúng rất hấp dẫn nên trẻ nhỏ dễ nhầm là viên kẹo và bỏ vào miệng. Nếu không may lọt vào đường hô hấp, gặp nước chúng nở ra tắc khí quản, hoặc vào đường tiêu hóa tắc ruột thì nguy hiểm lắm. Thêm nữa, tôi nghe thông tin loại hạt nhựa này có thể gây ung thư. Hiểm họa khôn lường. Các bà mẹ cũng nên chú ý điều này, tuyệt đối không cho con mình chơi hạt nhựa nở".

Theo kết quả nghiên cứu từ Phòng Kiểm nghiệm nhựa công nghiệp của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, các hạt nhựa màu của Trung Quốc thực chất là hạt trương nở. Khi hút no nước, thể tích của nó có thể tăng tới 300 - 400 lần. Loại hạt này sử dụng hợp chất polyacryamit rất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa và có khả năng gây ung thư.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã lên tiếng cảnh báo, nếu hạt nhựa này lọt vào đường hô hấp, khi gặp nước giãn nở ra sẽ khiến trẻ bị tắc khí quản, có thể dẫn tới tử vong.

Hậu quả từ hạt nhựa nở

Năm 2007, 26 học sinh và một cô giáo ở Trường THCS Quảng Phong (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) đã phải nhập viện khẩn cấp vì triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tức ngực, khó thở vì chơi và ngửi mùi của hạt nhựa nở; trong đó có 2 học sinh bị co giật nặng.

Tháng 4/2014, tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong (TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh), 3 học sinh bất ngờ nhập viện do xuất hiện các triệu chứng cứng tay không co duỗi được, ngứa ngáy, đau bụng và nôn ói. Vụ việc này cũng được xác định nguyên nhân là do đã chơi và ngửi mùi của những hạt nhựa nở.

Theo Hà Phương

Gia đình & Xã hội

Từ khóa » Cách Làm Hạt Nở To Lên