Thu Hồi Ruộng Lúa đền Bù Cho Dân Mức Thấp, đưa Ra đấu Giá Gần 5 Tỷ

Đền bù mức thấp, đấu giá cao

Hơn một tuần nay, dư luận xôn xao việc UBND huyện Đức Thọ phê duyệt tổ chức đấu giá 9 lô đất nông thôn tại xã Lâm Trung Thủy với giá cao gấp khoảng 6 lần so với năm ngoái. Cụ thể, giá khởi điểm 8 lô, mỗi lô 160m2 là hơn 3,5 tỷ đồng, một lô hai mặt tiền 263m2 có giá khởi điểm hơn 4,7 tỷ đồng. Trong khi đó, những lô đất này trước khi đưa vào quy hoạch đấu giá là đất nông nghiệp, thuộc diện tích trồng lúa của người dân.

Việc đất ở nông thôn được thu hồi, đền bù cho dân ở mức thấp nhưng đưa ra đấu giá với mức khởi điểm cao khiến người dân ngạc nhiên và sửng sốt.

Nhìn vào thửa ruộng được áp giá đền bù thấp, nay đưa ra đấu giá hơn 3,5 tỷ đồng mỗi lô, bà Lê Thị Huân (trú thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy) cho biết: "Thửa ruộng của tôi là 17 thước đất, hơn 566m2 mà họ đền bù cho gia đình tôi được 92 triệu đồng. Trong khi đó, 160m2 mà họ đã đưa ra đấu giá mức khởi điểm là hơn 3,5 tỷ đồng. Đền bù cho dân mức thấp như vậy mà đưa ra đấu giá cao ngất ngưởng khiến chúng tôi tiếc và ngạc nhiên".

Có mặt tại thửa ruộng đã ký vào văn bản để nhận tiền đền bù, ông Lê Đình Mậu (trú thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy) cho biết, khoảng tháng 6/2021, UBND huyện Đức Thọ có chủ trương thu hồi đất, đền bù cho người dân để tổ chức đấu giá khu quy hoạch thôn Hòa Bình.

“Thời điểm thu hồi, gia đình tôi có hơn 1 sào ruộng, được đền bù 92 triệu đồng nhưng tôi chỉ mới ký vào văn bản chứ chưa được nhận tiền. Việc phải trả lại đất ruộng sản xuất để hưởng đền bù, tôi cũng tiếc ruộng lắm nhưng không trả cũng không được. Bởi đất nông nghiệp nên dân cũng không có quyền để bán. Giờ thấy họ đưa ra đấu giá cao như vậy khiến mọi người ai cũng sửng sốt”, ông Mậu nói.

{keywords}
Ông Mậu chỉ tay về thửa ruộng hơn 1 sào được đền bù 92 triệu đồng nhưng chưa được nhận tiền

Một người dân sống gần khu vực đấu giá cho hay: “Tôi nói vừa thật vừa hài hước. Dân lấy tiền đâu ra để mua với mức giá đó. Dân đang chỉ trỏ nhau chắc phải dùng tiền âm phủ mới mua được đất giá cao như thế này”.

{keywords}
Anh Bùi Khánh Toàn cho rằng việc chính quyền đưa ra mức đấu giá cao gây hiệu ứng sốt đất cho làng quê

Anh Bùi Khánh Toàn, nhà nằm cạnh khu vực đấu giá cho biết, việc chính quyền áp giá cao gây hiệu ứng không tốt.

“Năm ngoái họ đấu giá các lô đất nằm cạnh khu này mà giá khởi điểm hơn 600 triệu. Giờ đưa ra mức khởi điểm cao gấp hơn 6 lần so với năm ngoái. Giá trị thực đất ở đây tầm 1,5 tỷ thôi. Mới đây cháu tôi vừa bán mảnh đất mà năm ngoái đấu với giá 1,4 tỷ. Việc chính quyền đưa ra mức giá cao để đấu giá gây hiệu ứng không tốt. Trong làng, đất trong ngõ ngách dân đòi lên tiền tỷ, tiền đâu mà mua và cũng không thể bán được”, anh Toàn nói.

“Xã chỉ tham mưu hơn 1 tỷ”

Theo quan sát của PV, 9 lô đất này bám mặt đường quốc lộ 8A, chưa được phân lô cắm mốc thực địa. Người dân vẫn đang tận dụng để trồng lúa.

Liên quan đến việc đền bù đất ruộng cho dân với giá thấp, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy cho biết, việc đền bù theo quy định giải phóng mặt bằng của nhà nước.

"Đền bù cho dân theo quy định của nhà nước. Mỗi sào ruộng 500m2 được đền bù hơn 60 triệu đồng. Cái này theo quy định chung chứ không có vấn đề gì", ông Thọ nói.

Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy cho biết, năm 2021 nằm sát khu quy hoạch mới này, UBND huyện đã đưa ra đấu giá 22 lô. Tuy nhiên, mức giá khởi điểm chỉ hơn 600 triệu đồng.

“Năm ngoái giá khởi điểm mỗi lô hơn 600 triệu đồng, sau khi đấu giá xong xuôi thì lên đến khoảng 800 triệu. Năm 2021, giá thị trường mỗi lô đất đang đưa ra đấu giá chỉ từ 1-1,2 tỷ. Xã tham mưu trên cơ sở giá đất thị trường. Xã tham mưu bằng văn bản cho UBND huyện mỗi lô 1,050 tỷ nhưng không hiểu sao huyện lại đưa ra mức giá cao như vậy”, ông Thọ nói.

{keywords}
Vị trí đất năm ngoái đấu giá khởi điểm hơn 600 triệu đồng
{keywords}
Lô đất nằm cạnh khu đấu giá năm ngoái, năm nay được đưa ra đấu giá hơn 4,7 tỷ đồng

Cũng theo ông Thọ, hiện ở địa phương cũng đang sốt đất nhưng không cao đến mức như trên.

“Với mức đưa ra đấu giá như vậy là cao. Hiện xung quanh này không có dự án gì cả. Nếu đấu giá thành công thì xã sẽ được 45% tiền vào ngân sách, còn lại nộp vào ngân sách của huyện và tỉnh. Số tiền nộp vào ngân sách xã để sử dụng vào xây dựng nông thôn mới…”, ông Thọ cho biết thêm.

“Sợ đưa mức thấp, đưa mức cao không lo”

Ông Lê Trung Dũng, Trưởng Phòng Tài chính kế hoạch huyện Đức Thọ cho biết, việc đưa ra mức giá khởi điểm của 9 lô đất ở xã Lâm Trung Thủy là căn cứ vào việc gần đó đã phê duyệt quy hoạch khu đô thị Tam Đồng, gần với dự án cao tốc Bắc – Nam nên nguồn tiềm năng rất lớn.

“Sợ là đưa mức thấp chứ đưa ra mức giá cao không lo vì rất nhiều trường hợp đưa ra mức đấu giá thấp, sau đó họ bán ra giá vượt mức rất cao. Đưa ra mức cao mà không bán được thì sau đó mình giảm, chứ không phải đặt giá đó là bắt khách hàng phải mua đất đâu. Nếu không được sẽ giảm tới lúc nào khách hàng cảm thấy phù hợp”, ông Dũng nói.

{keywords}
Người dân hài hước cho rằng "tiền âm phủ" mới mua được giá cao như vậy

Theo ông Dũng, mức giá đưa ra để đấu là do Phòng Tài chính và Phòng TN&MT huyện tham mưu, Chủ tịch huyện ký ban hành. Tuy nhiên sau khi thông báo và tổ chức đấu giá, không có bất cứ người nào tham gia mua đất.

“Tổ chức đấu giá lần 1 nhưng không có khách nào mua. Nếu thông báo 2 đến 3 lần mà vẫn không có người mua đất thì sẽ thông báo giảm giá. Lúc đầu vẫn kỳ vọng sẽ bán được, chứ không ai muốn đặt một cái giá mà không có ai mua cả. Nguồn thu thì đang rất cần mà mình đặt giá thấp thì cũng không được”, ông Dũng nói.

Nói về việc chưa có cơ sở hạ tầng mà đã đưa ra tổ chức đấu giá, ông Dũng cho rằng: “Do 9 lô đất bám mặt đường quốc lộ nên không cần chuẩn bị hạ tầng. Lúc nào đấu xong có người ở ví dụ như cần lắp điện, nước thì sẽ có người đến lắp đặt”.

Đại diện Công ty Đấu giá Hợp danh Minh Nhật cho biết, đơn vị tổ chức đấu giá 9 lô đất ở xã Lâm Trung Thủy nhưng khi thông báo hồ sơ thì không có ai tham gia.

“Tổ chức đấu giá vào ngày 18/2 nhưng không có người nào tham gia mua đất. Trong thời điểm đất đang sốt mà tổ chức đấu giá không có ai tham gia thì chứng tỏ giá đưa ra cao. Đơn vị sẽ thông báo tổ chức đấu giá tới 2 lần nữa nếu không có người mua thì huyện sẽ giải quyết vấn đề này. Việc tổ chức đấu giá mà không có người mua trong thời điểm này là rất hiếm”, đại diện Công ty Đấu giá Hợp danh Minh Nhật nói.

Thiện Lương

Sự thật đằng sau clip nhiều nhân viên BĐS ‘chạy loạn’ chốt cọc ở Bình Phước

Sự thật đằng sau clip nhiều nhân viên BĐS ‘chạy loạn’ chốt cọc ở Bình Phước

Hình ảnh trong clip cho thấy hàng chục nhân viên bán hàng của công ty bất động sản hối hả chốt cọc tại một khu đất ở Bình Phước. Nhưng đằng sau cảnh mua bán tấp nập này là sự thật khác. 

 

Từ khóa » Tiền đền Bù Ruộng