Thù Lù (cây Tầm Bóp) điều Trị Cổ Trướng, Vàng Da Và Quả Ngon Bổ ...

  • Tên khác: Cây thù lù còn gọi là cây tầm bóp, cây nụ áo, nút áo…
  • Tên khoa học: Physalis angulata, thuộc họ Cà: Solanaceae (1).
  • Bộ phận dùng: Rễ, thân, lá
  • Tính vị: vị đắng, tính mát.
  • Công dụng chính: Giảm mụn nhọt, mát gan giải độc, hạ sốt, giảm ho viêm họng, vàng da viêm gan cổ trướng, viêm tinh hoàn.

Trẻ con ăn trái cây thù lù có tốt không?

Trẻ con ăn thù lù có điều trị được bệnh gì không?

Ai đó đã nói: những món ăn tuổi thơ là những thứ ngon nhất còn lại sau cả một đời người. Thật vậy, với tôi, trái thù lù gắn liền với những lần mẹ đi chợ về mang theo quà bánh mà trong đó, bao giờ cũng có một bọc thù lù chín mọng, giá hai ngàn đồng. Hồi ấy, quanh nhà tôi cũng mọc được năm bảy cây thù lù nhưng tôi ăn không đủ mà bọn con nít hàng xóm còn hay len lén ăn giành.

Chính vì vậy, khi bà Bảy hàng xóm đi qua xin cây thù lù về làm thuốc, tôi không cho. Mẹ tôi la tôi rồi cùng bà đi nhổ sạch mấy bụi thù lù. Suốt ngày hôm đó, tôi quạo quọ, ấm ức muốn khóc rồi ghét luôn bà Bảy vì đã “cướp” mất những cái cây yêu quý của mình.

Cho đến khi chính mình phải uống thù lù, tôi mới hiểu ra sự trẻ con đó. Đó là cái thời tôi bị nổi mụn rất nhiều và thầy thuốc trong xóm bắt phải uống mười bốn thang thuốc mỗi tuần. Trong mỗi thang ấy có một ít cỏ mần trầu, một ít mần ri, cây chó đẻ, vông nem… và hiển nhiên là cũng có một ít thù lù (cây và lá của nó phơi khô, hóp hép lại nhưng nhìn trái là biết ngay). Mà thang thuốc nào có thù lù là khó uống vì nó đắng.

Cứ thế, mấy thang thuốc nam đã giúp tôi giảm mụn rất nhiều (chính tôi cũng bất ngờ vì hồi ấy tôi từng nghĩ: uống mấy nắm cỏ rác này thì làm sao hết bệnh được! – như thế đấy!).

Cây thù lù được dùng làm thuốc khá phổ biến ở quê tôi vì ngoài tác dụng thanh nhiệt, cây còn điều trị được nhiều bệnh khác nữa.

Vài nét về cây thù lù

Không biết vì sao người ta lại gọi nó là cây thù lù nhưng cái tên đó đã đi vào bài đồng dao của đám trẻ con chúng tôi hồi ấy:

“Thù lù, thù lủ, thù lu

Ai mà hổng có, tui cho thù lù”.

Ở những nơi khác, người ta còn gọi nó là cây tầm bóp, cây lồng đèn, thù lù cạnh, thù lù cái (để phân biệt với cây thù lù đực, tức cây nụ áo, lu lu đực)…. Cây có tên khoa học là Physalis angulata, thuộc họ Cà: Solanaceae (1).

Cây thù lù thường chỉ cao hơn đầu gối một tí (vừa tầm hái trái của đám con nít) và phân nhánh lùm xùm, thân cây có góc cạnh. Đặc biệt, quả thù lù tròn bóng, căng mọng và có lớp vỏ trong suốt nên rất hấp dẫn trẻ con. Quả ấy được bao bọc trong một lớp đài to, nhìn giống như lồng đèn vậy. Khi chín, quả thù lù hơi ngả vàng, cắn nghe cái “bụp”, ăn vào ngọt ngọt chua chua lại có cái mùi ngậy ngậy thơm thơm (trái sống thì đắng ngắt).

Công dụng của cây thù lù
Công dụng của cây tầm bóp

Những công dụng của cây thù lù

Dùng cây sắc uống

Thù lù nấu thuốc sẽ đắng nên hơi khó uống. Tuy nhiên, chịu khó uống nhanh một chút thì cũng không vấn đề gì. Khi làm thuốc, người ta chặt cây rồi rửa sạch, chặt thành từng khúc nhỏ và phơi khô. Cây được dùng với các công dụng như:

  • Thanh nhiệt, giải độc, hạ sốt.
  • Điều trị ho đờm và hay bị nấc cụt.
  • Giúp giảm đau họng, viêm họng và sưng đau ở yết hầu.

Liều lượng: mỗi ngày dùng từ 15 – 30 g, sắc lấy nước uống. Ngoài ra, toàn cây thù lù còn được dùng ngoài da kết hợp với uống trong một số trường hợp như: mụn nhọt do nóng trong người, sưng vú, đinh độc và sưng bìu dái. Cách dùng: lấy một lượng vừa đủ chừng 40 – 80 g cây thù lù tươi, giã nát, vắt lấy nước uống còn phần bã thì đắp lên (2) (3).

  • Tham khảo: Cây tầm bóp (thù lù) với bệnh ung thư, tiểu đường

Dùng rễ cây sắc uống

Rễ thù lù được dùng riêng để điều trị các bệnh như:

  • Viêm họng gây đau, khó nuốt và viêm tuyến nước bọt.
  • Viêm tinh hoàn và giúp lợi tiểu (điều trị chứng tiểu tiện không thông).
  • Hoàng đản (vàng da, mắt vàng, nước tiểu vàng) và bệnh cổ trướng.

Liều lượng: mỗi ngày dùng từ 20 – 40 g rễ, sắc và chia thành hai lần uống trong ngày (2).

Trái thù lù với sức khoẻ trẻ em

Theo y học cổ truyền, trái thù lù có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu đờm nên điều trị được phù thũng và ho, đờm nhiệt.

Hơn nữa, với những đứa trẻ bị gầy khô, hốc hác do nóng âm thì ăn thêm trái thù lù sẽ giúp mát da thịt, vì thế có thể xem như là thuốc bổ (hồi nhỏ, tôi tròn trịa lắm nên có biệt danh là “cá núc mích”, không biết có liên quan gì đến sở thích ăn trái thù lù không!).

Bên cạnh đó, người ta còn dùng trái thù lù trong trường hợp sản phụ khó sinh để giúp dễ sinh hơn (2) (3).

Một số hoạt tính đáng chú ý của cây thù lù.

  • Hoạt tính chống ung thư: chiết xuất etanolic từ thù lù chống lại 5 dòng ung thư ở người và 3 dòng ung thư ở động vật, trong đó, hoạt tính chống ung thư gan là mạnh mẽ nhất (4).
  • Kháng khuẩn và chống nhiễm trùng: chiết xuất từ cây thù lù có hoạt tính kháng khuẩn trên nhiều loại vi khuẩn khác nhau, trong đó có Trực khuẩn lao (5)

Lưu ý

Mặc dù cây thù lù không độc nhưng cũng không nên dùng quá nhiều. Bên cạnh đó, kết quả thí nghiệm cho thấy khi tiêm phúc mạc cao ethanol cây thù lù cho chuột nhắt trắng thì có hiện tượng ức chế khả năng miễn dịch (2).

Nguồn tham khảo

  1. Tầm bóp, https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%A7m_b%C3%B3p, ngày truy cập: 02/10/2019.
  2. Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Uỷ ban Khoa học, kỹ thuật An Giang, trang 332.
  3. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 792.
  4. Antitumor agent, physalin F from Physalis angulata L, https://europepmc.org/abstract/med/1622143, ngày truy cập: 02/10/2019.
  5. In vitro antimycobacterial activities of Physalis angulata L, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0944711300800525, ngày truy cập: 02/10/2019.

Từ khóa » Cây Bù Lột