Thứ Nhì Chuột Rúc | Hoàng Hải Thuỷ
Có thể bạn quan tâm
Thứ nhất đom đóm vào nhà, Thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn.
Ba điềm báo tin chủ nhà sắp có chuyện may mắn, thường là về tiền, nói rõ là khi buổi tối có đom đóm bay vào nhà, có tiếng chuột rúc trong nhà, ngọn lửa cây đèn dầu có quầng sáng như bông hoa, ấy là ba điềm báo chủ nhà sắp có tiền.
Tôi, 10 tuổi những năm 1940, tôi được thấy cả ba điềm vừa kể: nhà tôi ở tỉnh lỵ Hà Đông, ngay sau nhà tôi là đồng ruộng, những tối cuối hạ, đầu thu, sau vài trận mưa, đom đóm lập lòe bay vào nhà tôi; ở Sài Gòn những ngày sau Tháng Tư 1975, nhiều lần tôi nghe tiếng chuột rúc “..chí.. chí.. chóe.. chóe..” trong nhà tôi, mỗi lần nghe tiếng chuột rúc như thế, tôi hào hứng nói với vợ tôi:
– Chuột rúc, em ơi..
Tôi chỉ nói thế thôi là vợ tôi biết tôi muốn báo tin “Chuột rúc.. Mình sắp có tiền..!” Tiền đây là tiền các bạn tôi ở nước ngoài gửi về cứu trợ chúng tôi, là những thùng quà trong có thuốc Tây chúng tôi bán đi lấy tiền mua gạo. Mà đúng thật, các ông, các bà ơi. Ông cha ta không nói sai, ông cha ta nói theo kinh nghiệm: Trong nhà chuột rúc là chủ nhà sắp có tiền; từ Tháng Tư 1975 đến Tháng 11, 1994 là tháng vợ chồng tôi bánh xe lãng tử rời Sài Gòn sang Kỳ Hoa, nhiều lần tôi thấy cứ có tiếng chuột rúc trong nhà tôi là năm bữa, nửa tháng sau vợ chồng tôi có khoản tiền.
Thứ nhất đom đóm vào nhà.. Những năm xưa, 1940, ở Thị xã Hà Đông, mỗi lần có đom đóm vào nhà tôi, thầy mẹ tôi có khoản tiền nào hay không, tôi không được biết. Từ năm 1950 tôi trở về Hà Nội từ vùng thời ấy gọi là hậu phương – vùng Việt Minh – tới nay, năm 2007, tôi không còn lần nào nhìn thấy đom đóm. Tôi biết chắc về chuyện “Thứ nhì chuột rúc..” , có chuột rúc trong nhà là vợ chồng tôi sắp có khoản tiền.
Thứ ba hoa đèn.. Phải thắp đèn dầu hôi ta mới thấy được hoa đèn. Về chuyện “hoa đèn” – hoa đèn là gì, thế nào là hoa đèn – tôi không được biết rõ lắm. Hoa đèn là mắt mình nhìn thấy quanh ngọn lửa trong cây đèn dầu hôi – Bắc Kỳ là dầu Tây – có quầng sáng như cái hoa, hay hoa đèn là ngọn bấc đèn bị cháy tòe ra như bông hoa? Mắt mình nhìn thấy là ảo ảnh do mắt mình gây ra, không phải ngọn lửa đèn có vầng sáng như mắt mình thấy. Chỉ biết là thế hệ tôi, những người 10 tuổi năm 1940, chúng tôi biết cả ba cái điềm báo tin may mắn: “đom đóm bay vào nhà, chuột rúc trong nhà, nhìn thấy vầng sáng như bông hoa quanh ngọn lửa đèn dầu hôi”. Phải viết thêm tôi chỉ nhìn thấy một, hai lần “hoa đèn” trong đời tôi. Những người Việt ra đời sau năm 1950, sống trong thành phố, rất ít người được thấy ba cái điềm đó.
Đom đóm, cà cuống là hai loài côn trùng đã bị tuyệt diệt ở đất nước tôi. Đồng bào miền Nam của tôi không ăn cà cuống mặc dù đồng ruộng miền Nam có nhiều cà cuống. Năm 1960 xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa hoàn thành, buổi tối người Sài Gòn lên xa lộ chơi, mùa mưa thấy cà cuống bay về từng đàn quanh những dẫy đèn xa lộ. Người ta mang thùng lên xa lộ bắt cà cuống cả thùng. Thuốc sát trùng đã tận diệt loài cà cuống. Bây giờ trong khắp nước tôi, người ta có tìm cả tháng cũng không ra một con cà cuống. Tôi không thấy có đom đóm ở trong Nam. Người Việt năm nay, năm 2007, sống trong những khu nhà lụp sụp ở Sài Gòn còn được nghe tiếng chuột rúc, người Việt ở Kỳ Hoa Đất Trích thì không thể. Không thắp đèn dầu hôi người ta không thấy được hoa đèn, bóng đèn điện không có hoa.
Năm nay Năm Chuột. Theo thông lệ, mỗi năm Tết đến, những tay thợ viết lo viết bài cho những số Báo Xuân. Đề tài cho báo Xuân dễ viết nhất là Năm con Giáp nào, viết về con Giáp ấy, như năm vừa qua là Năm Heo, các báo Xuân đầy những bài viết về loài Heo. Năm nay là Năm Chuột, tôi tìm những chuyện về Chuột để viết. Lang thang trên Net, hay Web cũng rứa, tình cờ tôi tìm được bài viết của Thi bá Vũ Hoàng Chương, trong có chuyện “chuột rúc.”
Hồi ký Vũ Hoàng Chương “Ta đã làm chi đời ta” xuất bản ở Sài Gòn những năm 1970. Trong một chương Thi bá kể về cuộc giao tình giữa ông con của ông Tú Xương và ông; ông Tú Xương chỉ có một người con trai, ông này nhiều tuổi hơn ông Vũ, cùng đi học với ông Vũ ở thành phố Nam Định. Tên ông này là Thống. Ông Vũ gọi ông Thống bằng cái tên Nhất Thống Tiên sinh. Mời quí vị đọc lời kể của Thi bá:
Ta đã làm chi đời ta. Hồi ký Vũ Hoàng Chương. Trích :
Viết xong bài “Người xưa giờ đâu?”, nằm đọc lại dưới ngọn đèn tàn không đủ sức tỏa chiếu, tôi chợt xúc động triền miên, không tự ngăn nổi, hai giòng dư lệ.
Tôi vừa nghĩ đến người con trai độc nhất của “Cậu Ba Vị Xuyên“, người mang tên Thống – mà tôi đã từng gán cho mỹ hiệu: Nhất Thống tiên sinh – cũng là một người “nghèo nhất thiên hạ”, như Cậu Ba trước kia; và ngay từ thuở còn học trường tiểu học tỉnh Nam tôi đã coi là một “vong niên tri kỷ”.
Chính bậc “vong niên tri kỷ” này đã khuyến khích tôi trên bước đường sáng tác; và ngay khi tập Thơ Say của tôi được ấn hành (1940), đã tìm đến tặng tôi một chiếc quạt trên có đề thơ. Nét bút nặng trịch u hoài, quằn quại như cả một thân thế không lối thoát; nét bút ấy, tôi không lạ lùng gì cho lắm; nhưng bài thơ đề trên quạt đã khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Thế ra lần này Nhất Thống tiên sinh “phá cựu lệ”? Cũng hạ bút, cũng sáng tác như ai?
Nguyên ủy là tiên sinh vẫn thường tuyên bố: “Tôi là con của một danh sĩ, như thế đủ rồi. Cần chi tôi phải làm thơ! Mà thí dụ tôi có gắng làm đi nữa, thì thơ ấy cũng chỉ là những cái bóng mờ, những tiếng vang yếu ớt của thơ cha tôi mà thôi. Muốn gặp tiên, phải vào sâu tận cuối hang chứ! Sao lại quanh quẩn nơi dòng suối gấm, rừng hoa đào làm chi!”.
Ấy thế mà hôm nay tiên sinh lại vẽ ra cho tôi thưởng thức cả một giòng suối, rừng hoa. Tôi không ngạc nhiên sao được!
Sáng tác của tiên sinh như sau:
Hành ca cổ phúc cánh xương cuồng Không tác ngang tàng nhất túy vương. Trần ai chân vật sắc Thiên địa nhất không nang Càn khôn phiếu diểu Hồ hải thương mang. Phong vũ chi Lưu Lang đắc cú Đăng lâm chi Đỗ Mục tha hương. Học cổ nhân phong lưu mộng trung chi túy hề hà thương!
Ngay tại trận, tôi đã có bài “dịch nguyên điệu” và đúng cả số câu, số chữ, như sau:
Hát ngao vỗ bụng khoái cơn cuồng, Làm cái “Không-làm”… Một Túy Vương! Đất trời kia: túi rỗng! Cát bụi này: kim cương! Trước sau mù mịt Rừng biển đầm hang… Mưa gió chàng Lưu thơ lất phất Quê người Đỗ Mục rượu lang thang. Học cổ nhân có hề chi mà!… dòng Say ta đi hoang.
Cộng tất cả năm mươi tám chữ, chia làm chín câu. Bài dịch này, Nhất Thống tiên sinh khen là có “phong cốt” lắm. Nhưng ngâm đi ngâm lại hàng chục lượt, qua đến mấy tuần trà và mấy phen ngồi dậy khêu đèn, sửa bấc, tiên sinh bỗng cười lớn, vung tay:
– Đã thế, tội gì anh tôn trọng nguyên điệu! Cứ phóng bút rồi nó muốn ra điệu gì thì ra, mấy câu thì mấy chứ, cần gì nào!.
Tôi chịu quá. Nhưng “hứng bất khả ép”, đành để dịp khác thôi. Kẻo rồi lại đường cùng, phải khóc mà quay về như Nguyễn Tịch, thì mất cả thú!…
Cái “dịp khác” này, phải 8 năm sau mới chịu lững thững lê gót đến. Mà lúc đó, giang sơn đã đổi chủ, đào kép đã thay tuồng; Nhất Thống tiên sinh và tôi đã trở thành “dân tản cư, dân chạy loạn”.
Dầu sao cũng vẫn còn chút phong độ cuối mùa: trà vẫn pha, đèn vẫn thắp, và khói thơm vẫn tỏa rộng, bất chấp ngọn lửa chiến cuộc đang bùng cháy từ Hà Nội lan ra.
Và cuối cùng thì “hứng thơ” lại nổi dậy, tôi hoàn thành bản phóng dịch bài “Hành ca cổ phúc” như sau:
Vỗ cái trống bụng Ta nằm ta ca. Rằng điên cũng đúng Rằng ngông cũng là! Ngang tàng giữa cõi người ta Một Vua Say. Mấy ai mà, ngàn xưa?
Đất trời: túi rỗng. Ngày đêm: bụi nhơ. Ngọc vùi đáy động Cần chi bến bờ! Trùng lai mưa gió thành thơ Mười năm gánh rượu say mờ cố viên…
Học theo người trước Say thánh, say hiền, Phất phơ lan nhược Say “tĩnh”, say “yên”. Và say vang bóng thuyền quyên Say luôn cả cái “hư huyền”… đã sao?
Nghe tôi đọc xong, Nhất Thống tiên sinh vỗ đùi tán thưởng:
– Ừ, đã sao? Hỏi rằng đã sao nào? Say luôn cả cái Hư huyền cũng được lắm chứ!.
Rồi đột nhiên tôi cảm thấy giọng nói, giọng cười của tiên sinh có chút gì lạnh lẽo ghê rợn. Lửa trong hỏa lò đã vạc dần. Lửa trên ngọn bấc cũng nhạt nhòa tê tái, như có sương mù vây quanh.
May sao, một tiếng chuột rúc phá tan bầu không khí nặng nề. Tôi cười gượng, buông một câu nửa an ủi, nửa cợt đùa:
– Ông sắp giàu rồi, lo gì! Có điềm báo trước đấy.
Thi sĩ Tú Xương có hít tô phe – có hút thuốc phiện không? – hình như không. Theo lời kể của Vũ Thi bá thì ông con của Nhà Thơ Tú Xương, ông Nhất Thống, là đệ tử của Cô Ba Phù Dzung, cũng như Thi bá, hai ông từng là bạn đồng song – cùng học – sau đó là bạn đồng sàng- bạn cùng giường, cùng bàn đọi. Qua lời kể, ta thấy trước chiến tranh Việt Pháp, hai vị nằm đong, đọc thơ cho nhau nghe. Thế rồi:
Dầu sao cũng vẫn còn chút phong độ cuối mùa: trà vẫn pha, đèn vẫn thắp, và khói thơm vẫn tỏa rộng, bất chấp ngọn lửa chiến cuộc đang bùng cháy từ Hà Nội lan ra.
Chiến tranh bùng nổ, bỏ thành phố, tản cư về làng quê, Vũ Thi sĩ đến thăm ông Nhất Thống. Hai ông “trà pha, đèn thắp, khói thơm..” Ông Nhất Thống buồn vời vợi. Hai ông đang đong, bỗng trong nhà có tiếng chuột rúc, Vũ Thi sĩ muốn ông bạn vơi sầu, nói:
– Ông sắp giàu rồi, lo gì! Có điềm báo trước đấy.
“Ông sắp có tiền..” đúng hơn. “Chuột rúc” không phải là điềm báo chủ nhà sắp giàu, chỉ là điềm báo chủ nhà sắp có khoản tiền, thường là khoản tiền không lớn lắm.
Mời quí vị đọc vài chuyện Chuột của nhân dân ta. Bài viết Tết Chuột Rúc này có bức tranh Đám Cưới Chuột, Tranh Đông Hồ, một loại tranh khắc trên ván gỗ của nghệ sĩ Bắc Kỳ ngày xưa. Đám Cưới Chuột có trong Thơ Hoàng Cầm:
Bên kia sông Đuống
Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã Bây giờ tan tác về đâu?
Chuột trong Thơ Hồ Xuân Hương:
Rúc rích thây cha con chuột nhắt Vo ve kệ mẹ cái ong bầu.
Chuột trong Thơ Tú Xương:
Ông đã ơn Vua một chữ Hàn Nay lành, mai vỡ, khéo đa đoan. Được thua hai ngả, ba câu chuyện, Khôn dại trăm năm một tiếng đàn. Chim chuột sau này nên gắng sức, Lợn gà thưở ấy đã nên oan. Có ai lành thủng, ông không biết, Còn phải mang điều với gái ngoan.
Thị xã Nam Định ngày xưa ấy có ông Hàn lấy vợ trẻ, bị bà vợ dọa ly dị mấy lần. Hàn là một tước vị triều đình Nguyễn cấp cho dân. Trong bài thơ trên Thi sĩ Tú Xương cho xếp hàng cả bốn loài chim chuột, lợn gà.
Ngày xưa Tết ở quê hương ta có đốt pháo. Pháo có những thứ pháo cối, pháo đại, pháo đùng, pháp tép, pháo dây, pháo xiết, pháo thăng thiên, pháo chuột là thứ pháo nhỏ nhất.
Đây là “pháo chuột” trong Thơ Xuân Tú Xương
Xuân từ trong ấy mới ban ra Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà. Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột, Loẹt lòe trên vách bức tranh gà. Chí cha chí chát khu giày dép, Đen thủi, đen thui cũng lượt là. Dám hỏi những ai nơi cố quận Rằng xuân xuân mãi thế ru mà.
Và “Tình dzơi chuột“, trong bài “Thú Cô Đầu” của Tú Xương:
Năm canh to nhỏ tình dzơi chuột Sáu khắc mơ màng chuyện nước mây.
Chuột trong Thơ Tố Như Nguyễn Du:
Ngọa bệnh Đa bệnh, đa sầu, khí bất thư Thập tuần khốn ngọa Quế Giang cư Lệ thần nhập thất thôn nhân phách, Cơ thử chuyên sàng khiết ngã thư Vị hữu văn chương sinh nghiệt chướng, Bất dung trần cấu tạp thanh hư. Tam lan song hạ ngâm thanh tuyệt Điểm điểm tinh thần du thái sơ.
Nằm bệnh Nằm bệnh nhiều buồn phiền, thân tâm không được thư thái, Mười tuần (một trăm ngày) nằm khổ sở bên sông Quế Giang. Thần Ôn vào nhà bắt vía người, Chuột đói leo giường gặm sách của ta.
Chưa từng có chuyện văn chương sinh ra nghiệt chướng, Cốt không để cho bụi dơ làm bẩn nơi trong sạch – tâm hồn – của ta. Dưới cửa sổ vắng bặt tiếng ngâm thơ Tinh thần dần dần vào cõi hư không.
Thơ dịch của người anh em cùng vợ với tôi – Hoàng Hải Thủy – anh ta dịch bài thơ này năm 1982 ở Sài Gòn:
Nhiều bệnh, nhiều buồn, tâm chẳng yên Quế Giang nằm bẹp mười tuần liền. Thần Ôn vào bắt hồn gia chủ, Chuột đói leo ăn sách thánh hiền. Chưa thấy văn chương sinh nghiệt chướng, Đừng cho cát bụi lấm thiêng liêng. Cửa lan vừa tiếng thơ ngâm dứt, Nhè nhẹ tinh thần lên cõi tiên.
Chuột trong Thơ Phùng Quán:
Chống tham ô, lãng phí
Tôi đã đến dự những phiên tòa Họp suốt ngày luận bàn xử tội Những con chuột mặc quần áo bộ đội Đục cơm, khoét áo chúng ta. Ăn cắp máu dân, đổi chác đồng hồ Kim phút, kim giờ lép như bụng đói.
“Hoa đèn” trong Thơ Nguyễn Bính:
Khách hẹn Ao hồ tiếng ếch gần xa, Mai vàng, tiết lạnh, nhà nhà mưa rơi. Nửa đêm cái hẹn sai rồi, Quân cờ gõ nhảm làm rơi hoa đèn.
Nhà thơ Nguyễn Bính phóng tác bài thơ trên theo một bài thơ Đường. Đêm mưa, bạn hẹn đến thăm, đợi bạn, bạn không đến, người thơ cầm quân cờ tướng gõ nhẹ lên bàn làm “rơi hoa đèn.” “Hoa đèn” trong bài thơ này là bấc đèn cháy thành than tòe ra như cái hoa.
“Hoa đèn” trong Kiều:
Đã hay chàng nặng vì tình Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru!
Lời Thúy Kiều nói với Kim Trọng:
– Vẫn biết chàng yêu em, nhưng em không thể làm vợ chàng được, vì trông thấy hoa đèn, em xấu hổ.
Ông Vân Hạc Lê Văn Hòe chú giải “hoa đèn” trong Kiều:
Hoa đèn nhiều người giảng như thế này:
Hoa đèn là thứ hoa không bị nhơ bẩn, mà Kiều thì như đóa hoa bị vấy bẩn, nên nàng hổ thẹn với hoa đèn.
Hoa đèn không có ong bướm nào lui tới, còn Kiều thì như đóa hoa “ong qua, bướm lại đã thừa xấu xa” nên nàng thẹn với hoa đèn.
Giảng như vậy cũng hay hay nhưng tôi cho là cầu kỳ, gượng ép. Hoa đèn đây là đèn hoa, tức hoa chúc, cây đèn, cây nến thắp ở nơi động phòng đêm tân hôn.
“Truyện Kiều chú giải” của Vân Hạc Lê Văn Hòe xuất bản năm 1952 ở Hà Nội. Tác giả không di cư vào Nam, tôi không biết ông mất năm nào ở Hà Nội. Sau năm 1975 tác phẩm”Truyện Kiều Chú Giải” của Vân Hạc không còn có ở Sài Gòn, tác phẩm được nhà Ziên Hồng tái bản ở Hoa Kỳ.
Dân Việt có nhiều thành ngữ về Chuột:
Chuột sa chĩnh gạo, Chuột sa hũ nếp, Cháy nhà ra mặt Chuột, Đầu Voi, đuôi Chuột, Mặt Dzơi, tai Chuột, Mặt Chuột kẹp, Ném chuột sợ vỡ đồ quí ..vv.. Có chuyện Chuột khôn: hai con chuột lấy quả trứng gà, một con nằm ngửa ôm quả trứng, con kia cắn đuôi con ôm trứng, kéo đi. Chuyện Chuột ôm trứng do người bày đặt: loài chuột không thể phá vỡ đươc vỏ trứng. Có chuyện Hội Đồng Chuột: bầy chuột họp nhau bàn chuyện chống trả lại Mèo. Đang họp, thấy Mèo đến, bầy chuột bỏ chạy tán loạn. Thành ngữ “Hội Đồng Chuột” dùng để gọi những cuộc họp bàn không đi đến đâu cả. Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa trong ngày tiêu tán thoòng, có chuyện Tướng Chuột: Ông Tướng chửi những ông Tướng Chuột: “Bỏ chạy như chuột..” Vừa chửi các ông Tướng khác chạy như chuột xong, dư âm chưa dứt, ông Tướng Chửi cũng chạy như Chuột.
Có câu ca:
Chuột kêu rúc rích trong rương Anh đi cho khéo, đụng giường mẹ hay.
Ca dao miền Nam. Tôi théc méc: chuột mà kêu rúc rích trong rương quần áo thì khá rồi, để quần áo trong rương là ngăn không cho chuột phá, rương mà để chuột vào thì dùng rương làm gì? Hai nữa tôi théc méc về sự liên hệ giữa cô gái dặn anh con trai ban đêm đi đến chỗ cô nằm cho khéo để bà mẹ cô không biết: như vậy anh này không phải là chồng cô? Hai người không phải là vợ chồng vì là vợ chồng họ có quyền nằm với nhau một giường, tất nhiên anh này không phải là anh cô gái, nhưng nếu là người tình của cô, làm sao ban đêm anh vào được giường cô?
Con mèo mà trèo cây cau Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà? Chú chuột đi chợ đường xa Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo.
Người đời nhiều khi vẽ vời, gán ghép cho ca dao có ý nghĩa. Tôi thấy nhiều câu ca dao chẳng có nghĩa gì cả. Như câu trên: Chuột không thể làm tổ trên cây cau. Cho mèo trèo lên cây cau tìm chuột là vô lý. Lại có ông ký gả phụ đề Việt ngữ bênh chuột, chửi mèo! Chuột là loại chuyên phá hoại, sao lại nâng bi nó. Khỉ nắm!
Những năm 1981, 1982, Hoàng Hải Thủy, người anh em cùng vợ với tôi, xuân đến, quá buồn, làm bài Thơ trong có Chuột Tôi dùng bài Thơ Chuột ấy kết thức bài Tết Chuột này:
Ngồi buồn bấm đốt tính Lơ Tăng. Xuân này đến nữa đã si dzăng! Sáu năm, cá chậu câu còn buộc, Tám hướng chim lồng lưới vẫn dăng. Dơ dáng một loài dzơi với chuột, Quẩn quanh toàn chuyện phú lơ căng. Đeo lái, sư ông sang Mỹ quốc. Lộn lèo, cố đạo lại La Frăng. Fuy-tuya đón bạn Paul Lành hỏi : Đờ-me, toa có biết com-măng ? *
Rừng Phong, Tháng 12, 2007.
CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG
———————————————————————– * Lơ Tăng : Le Temps : Thời gian, Siz dzăng : Six anneés : Sáu năm, phú lơ căng : foutre le camps : bỏ đi, đi chỗ khác, La Frăng : La France : Pháp Quốc, Fuy-tuy : Future : Tương lai, Đờ-me : Demain, ngày mai, com-măng : comment : ra sao, như thế nào ?
Share this:
- X
Related
Filed under: Viết Ở Rừng Phong |
Từ khóa » Chuột Rúc Là điềm Gì
-
Điềm Báo Về động Vật. Chuột Kêu Ban đêm Là Dấu Hiệu Báo điềm Gì
-
Bí ẩn đằng Sau điềm Báo Chuột Vào Nhà Kêu Là Gì & Cách Hóa Giải
-
Chuột Kêu Ban đêm, Chạy Trên Trần Nhà Ban đêm Là điềm Gì?
-
Chuột Kêu Ban đêm Là điềm Gì, Tốt Hay Xấu, đánh đề Con Gì?
-
Chuột Kêu Trong Nhà Ban đêm Là điềm Gì, Tốt Hay Xấu
-
Chuột Kêu Ban đêm Là điềm Gì - Giải Mã điềm Báo Chuột Kêu
-
Chuột Kêu Trong Nhà Ban Đêm Là Điềm Gì, Tốt Hay Xấu, Chuột ...
-
Ông Tý... Chuột - Tuổi Trẻ Online
-
Chuột Kêu Có điềm Gì? Có Bị Sao Không? đánh Số đề Con Gì?
-
Chờ Tiếng Chuột Reo - Báo Thừa Thiên Huế Online
-
20 điềm Báo Trước Cho Biết Gia đạo Sắp Gặp Việc Dữ Hoặc Rủi Ro
-
Chuột Kêu Trong Nhà Là điềm Báo Gì, Tốt Hay Xấu, đánh đề Con Gì?
-
Xem Nhiều 7/2022 # Chuột Kêu Có Điềm Gì? Có Bị Sao Không ...
-
Chuột Kêu Là Điềm Báo Gì / TOP #10 Xem Nhiều Nhất & Mới Nhất 7 ...