Thu NSNN Tháng 1/2022 ước đạt 183,5 Nghìn Tỷ đồng - Tạp Chí Thuế

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,94% so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát cơ bản tăng 0,66% so với cùng kỳ.

Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản tốt. Tính đến thời điểm 24/1/2022, huy động vốn tăng 0,74%, tín dụng tăng trưởng 1,92% so với cuối năm 2021, lãi suất liên ngân hàng trong kỳ có xu hướng tăng nhẹ.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2022 ước tính đạt 58,5 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6%; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 11,5%.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng đầu năm tiếp tục đà phục hồi tích cực, thể hiện kỳ vọng và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2022. Theo đó, trong tháng 1/2022, cả nước có 13.004 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2021; có 19.121 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 194%; 38.364 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể, tăng 49%.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Theo đó, hỗ trợ thiếu đói giáp hạt dầu năm 2022 và các gia đình bị ảnh hưởng mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ đã ký các quyết định xuất cấp gạo không thu tiền từ nguồn dự trữ quốc gia. Tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/QĐ-TTg trên toàn quốc là 36.662 tỷ đồng, hỗ trợ trên 34,52 triệu lượt đối tượng.

Ngoài ra, tổ chức chăm lo, trợ giúp trẻ em, các đối tượng chính sách (người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng yếu thế khác) được đón Tết Nguyên Đán năm 2022 đầy đủ, với tinh thần không để người dân nào không có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau, hỗ trợ người dân vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trả lời câu hỏi của cơ quan báo chí về việc triển khai gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng nhằm phục hồi nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông cho biết, đây là gói hỗ trợ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt coi trọng với nhiều giải pháp để phục hồi kinh tế sau 2 năm dịch bệnh Covid-19. Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết gồm 2 nội dung về chương trình phục hồi và triển khai Nghị quyết 43 Quốc hội khóa XV về chính sách tài khóa tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi.

Theo đó, thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp đồng bộ. Thứ nhắt là mở cửa nền kinh tế gắn với nâng cao năng lực kinh tế phòng chống dịch bệnh. Vừa qua số lượng người nhiễm bệnh Covid-19 rất nhiều, gây áp lực cho nền kinh tế và y tế, đặc biệt là y tế dự phòng. Đây là nhiệm vụ cần tiếp tục được triển khai.

Thứ hai là đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, hỗ trợ cho người lao động làm việc.

Thứ ba, hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong đó có nhiều giải pháp cần tiếp tục tiển khai như hỗ trợ tiền thuê đất, hỗ trợ phí trước bạ, cho vay không lãi suất…

Thứ tư, phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung nguồn lực đầu tư công để hoàn thành dứt điểm tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông.

Cuối cùng là tiếp tục cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Đây là nhóm giải pháp rất quan trọng trong lúc chúng ta mở cửa phục hồi đón các nhà đầu tư quay trở lại.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, dự thảo nghị quyết dài 20 trang, trong đó có 10 trang giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp chặt chẽ với nhau. Đồng thời, có các cơ chế giám sát như Mặt trận Tổ quốc, Kiểm toán Nhà nước… để đảm bảo chương trình triển khai minh bạch. Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ sớm hoàn thiện và cố gắng trình Chính phủ ban hành nghị quyết trước Tết.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo các bộ cũng trả lời những câu hỏi liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội dịp Tết, diễn biến vụ án của Công ty Việt Á, kế hoạch đưa học sinh trở lại trường sau Tết…

HH

Từ khóa » Số 5 Tỷ đồng