'Thủ Phủ Công Nghiệp' Bình Dương Với Bài Toán Nhân Lực Chất Lượng ...
Có thể bạn quan tâm
Là tỉnh ở khu vực Đông Nam Bộ, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đã trở thành một hình mẫu về thu hút đầu tư và tiến hành công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Sau 25 năm tái lập (1997-2022), với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, nhìn lại những kết quả đạt được, Bình Dương xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giữ vai trò then chốt bên cạnh yếu tố công nghệ và hạ tầng, đưa tỉnh tiếp tục phát triển, là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư chiến lược.
Phóng viên phản ánh nội dung này qua 2 bài viết: “Thủ phủ công nghiệp Bình Dương với bài toán nhân lực chất lượng cao."
Bài 1: Yếu tố then chốt cho phát triển bền vững
Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, cùng với nắm bắt lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Bình Dương đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực, thu hút đội ngũ người lao động từ mọi miền đất nước góp sức xây dựng tỉnh trở thành địa phương phát triển, có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nhân tố quan trọng quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế
Thời gian qua, chính sách thu hút, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đã làm cho Bình Dương thực sự trở thành nơi hội thụ nhân lực từ các địa phương khác đến tham gia thị trường lao động, tạo nên nguồn nhân lực trẻ, dồi dào. Đây chính là cơ hội, tiền đề đưa tỉnh trở thành địa phương có nền kinh tế phát triển.
Đến nay, Bình Dương có 41 khu, cụm công nghiệp, thu hút gần 42.300 doanh nghiệp trong nước và trên 3.750 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Toàn tỉnh có trên 1,3 triệu lao động, trong đó lao động đến từ các tỉnh, thành khác chiếm khoảng 85%. Kinh tế phát triển, thu nhập bình quân của người dân Bình Dương hiện đạt 152 triệu đồng/người/năm, thuộc tốp dẫn đầu cả nước.
Đánh giá cao những chính sách phát triển nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương được coi là “thủ phủ công nghiệp” của cả nước, Phó giáo sư Phạm Ngọc Trâm, Giám đốc Viện Phát triển Chiến lược (Trường Đại học Thủ Dầu Một) cho rằng Bình Dương đã thực hiện hợp lý, đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển nguồn nhân lực.
Cùng với việc “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư, cấp ủy và chính quyền tỉnh Bình Dương đã tiến hành nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực.
Năm 1997, khi vừa tái lập tỉnh, dân số Bình Dương chỉ có 679.000 người. Vì vậy, thời gian qua, để đảm bảo lực lượng lao động phục vụ phát triển công nghiệp, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh, thành khác đến định cư và làm việc tại các khu công nghiệp.
Điểm nổi bật trong chính sách thu hút nhân lực của Bình Dương là luôn tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội như y tế, giáo dục, bảo hiểm… mà không có sự phân biệt giữa người dân trong tỉnh, có hộ khẩu với người nhập cư chưa có hộ khẩu.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, tỉnh đã có nhiều chương trình, đề án thu hút, nâng cao trình độ cho lực lượng lao động. Đó là các chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học-kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020; Đề án đảm bảo nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, đến năm 2025.
Hiện nay, 100 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh khoảng 30.000 học viên các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh hiện đạt 80,5%, trong đó khoảng 30% lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ.
Lao động tại một doanh nghiệp ở Bình Dương. (Nguồn: TTXVN)Bình Dương cũng đã xây dựng Đề án Thành phố thông minh nhằm trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, đào tạo và phát triển, “giữ chân” các nhân tài khoa học kỹ thuật để đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế.
Tỉnh xây dựng các trung tâm thực nghiệm, các không gian sáng tạo, tạo điều kiện phát triển các ý tưởng sáng tạo mới, giúp Bình Dương có được lực lượng lao động tài năng, chất lượng cao.
Từ góc độ đại diện một đơn vị đào tạo, tiến sỹ Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt-Đức chia sẻ Trường Đại học Việt - Đức đã đào tạo khoảng 3.000 sinh viên đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Đức và châu Âu. Trường tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Bình Dương với hai nhóm là đào tạo sinh viên trình độ đại học, thạc sỹ và đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho nhân lực khu vực doanh nghiệp của tỉnh.
Trường chú trọng đổi mới trang thiết bị dạy và học, nâng cao năng lực về quản lý, tiếp cận các công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp, chế tạo, đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực đạt chất lượng cao cho nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương cũng như các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
[Tìm các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động]
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương, tiến sỹ Nguyễn Thị Nhật Hằng, trong hành trình phát triển, Bình Dương luôn thực hiện nhất quán quan điểm giáo dục và đào tạo giữ vai trò nền tảng góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 8 trường đại học, gần 70 trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo nghề và nhiều trung tâm ngoại ngữ-tin học, không những đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho tỉnh mà còn cho cả các địa phương lân cận. Kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của Bình Dương, nhất là trong 3 năm trở lại đây luôn đạt ở mức cao.
Đồng thời, kết quả đối sánh do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy độ chênh lệch giữa điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của tỉnh so với điểm trung bình chung các môn học của học sinh nằm trong top các địa phương có khoảng chênh lệch thấp nhất cả nước, thể hiện phương châm “Dạy thật, học thật, chất lượng thật” được thực hiện hiệu quả, góp phần cung ứng nhân lực chất lượng cho địa phương và đất nước.
Còn nhiều thách thức
Thời gian qua, Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển nguồn nhân lực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ở địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Song để tỉnh sớm trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại và đô thị thông minh của cả nước, từ góc độ nguồn nhân lực, Bình Dương đang gặp nhiều thách thức, đòi hỏi phải có lời giải phù hợp cho "bài toán" này.
Giáo sư Trần Thọ Đạt, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phân tích để tiếp tục phát triển, Bình Dương cần tìm ra những nguồn lực, phương thức tăng trưởng mới, tạo ra năng suất cao hơn, dư địa để duy trì đà tăng trưởng rất cao như thời gian qua.
Một trong những nguồn lực tăng trưởng mới, dư địa mới mang tính bền vững, thân thiện với môi trường, bắt kịp với xu thế của thời đại chính là phát triển kinh tế số. Con người chính là yếu tố then chốt, đòi hỏi nhân lực phải có trình độ cao hơn, am hiểu những kỹ năng áp dụng công nghệ mới, giải quyết được những bài toán về dữ liệu, với tư cách là “đầu vào” của quá trình sản xuất, của phương thức sản xuất kinh tế số.
Trong khi đó, quan tâm tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động tay nghề cao ở Bình Dương, tiến sỹ Trần Minh Đức, Trường Đại học Thủ Dầu Một nêu thực trạng Bình Dương vẫn thiếu lao động có tay nghề cao.
Qua khảo sát, hiện có khoảng 70% chủ doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động được đào tạo đúng ngành nghề và 90% đại diện doanh nghiệp rất khó tuyển lao động có trình độ cao sau khi nâng cao công nghệ và đầu tư nhiều vốn sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, đại diện một số doanh nghiệp cũng phản ánh các kỹ năng mà lao động được đào tạo còn “bị lệch” so với các kỹ năng mà doanh nghiệp cần hoặc các kỹ năng được đào tạo của lao động mới chưa phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.
Công nhân làm việc tại TNHH may mặc Bowker Việt Nam, Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An (Bình Dương). (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)Cũng theo tiến sỹ Trần Minh Đức, theo khảo sát, đội ngũ lao động có tay nghề cao làm việc trong khu vực doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) tại Bình Dương trong những năm qua có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Tuy vậy, mức chuyển biến này diễn ra chậm và vẫn thiếu so với nhu cầu phát triển các ngành kinh tế chủ lực của địa phương, nhất là để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như nâng cấp vị thế của tỉnh công nghiệp Bình Dương trong chuỗi giá trị đó.
Đồng quan điểm, thạc sỹ Nguyễn Văn Quang, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và cộng sự cho rằng tại Bình Dương lao động làm việc trong các ngành kinh tế tiếp tục tăng về số lượng, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Các đơn vị sử dụng lao động đã có nhiều nhận định tích cực về chất lượng lao động, đào tạo nghề đã có những chuyển biến tích cực theo nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tuyển dụng lao động ở các vị trí đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao như quản lý lãnh đạo, kế toán, quản lý và cán bộ kỹ thuật. Các chi phí cho đào tạo lại, đào tạo lao động còn cao, tình trạng lao động “nhảy việc” bỏ việc sau khi được đào tạo là điều quan ngại của nhiều doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhìn vào cơ cấu việc làm ở Bình Dương thì nhóm nhà lãnh đạo và nhóm chuyên môn kỹ thuật bậc cao còn chiếm tỷ lệ thấp và khá thấp. Theo số liệu thống kê các năm 2016-2020, nhóm nhà lãnh đạo chiếm 0,9% và nhóm chuyên môn kỹ thuật bậc cao chiếm 0,78%. Lực lượng lao động thuộc nhóm dịch vụ cá nhân, bảo vệ, thợ thủ công, thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị chiếm trên 90%.
Dựa trên cơ cấu và tỷ lệ lao động, có thể thấy dù Bình Dương là tỉnh công nghiệp hóa điển hình của cả nước nhưng nền kinh tế vẫn cơ bản là nền sản xuất có tỷ lệ thâm dụng lao động khá cao. Đây chính là thách thức đòi hỏi tỉnh có giải pháp không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại và đô thị thông minh./.
(TTXVN/Vietnam+)Từ khóa » Hình ảnh Khu Công Nghiệp Bình Dương
-
Danh Sách 28 Khu Công Nghiệp Bình Dương Mới Nhất
-
Danh Sách Khu Công Nghiệp Bình Dương (Cập Nhật 2022)
-
10 Khu Công Nghiệp Lớn ở Bình Dương - Liêng Tâm - Liengtam
-
Danh Sách 48 Khu Công Nghiệp Tại Bình Dương - Invest World
-
Bình Dương Sắp Có 2 Khu Công Nghiệp 1.000 Ha - VnExpress
-
Thông Tin Các KCN - Default - Trang Chủ
-
Thông Tin Các KCN - KHU CÔNG NGHIỆP BÌNH ĐƯỜNG - Trang Chủ
-
Bình Dương Xây Dựng Thêm Khu Công Nghiệp Việt Nam - Singapore ...
-
Chiến Lược Phát Triển Khu Công Nghiệp Chất Lượng Cao Của Bình ...
-
Truyền Thông Doanh Nghiệp Thu Hút Vốn đầu Tư Nước Ngoài ở Tỉnh ...
-
Bình Dương Dồn Dập Triển Khai Nhiều Dự án, đón Làn Sóng đầu Tư ...
-
Bàu Bàng Sẽ Thành Thủ Phủ Công Nghiệp Mới Của Bình Dương
-
Khu Công Nghiệp Tại Tây Ninh Gần Thị Xã Bến Cát Bình Dương