Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên | Tổng Giáo Phận Hà Nội

Bậc lễ: thường

Màu phụng vụ: Xanh

Nghe MP3

Năm I

TGP Hà Nội · Thứ Sáu tuần 17 thường niên

Năm II

TGP Hà Nội · Thứ Sáu tuần 17 thường niên

Ca nhập lễ

Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người; Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những kẻ bị bỏ rơi. Chính Người ban cho dân Người được quyền năng và mãnh lực.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng con không có Chúa chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện; xin mở lòng nhân hậu hướng dẫn chúng con để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Lv 23, 1. 4-11. 15-16. 27. 34b-37

“Các ngươi phải kể những ngày của Chúa là những ngày rất trọng thể và là ngày thánh”.

Trích sách Lêvi.

Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ðây là những ngày lễ của Chúa mà các ngươi phải mừng lễ trong thời gian của nó. Chiều ngày mười bốn tháng Giêng là Lễ Vượt Qua của Chúa; và ngày mười lăm tháng Giêng, là lễ trọng không men của Chúa: Các ngươi sẽ ăn bánh không men trong bảy ngày. Ngày thứ nhất, các ngươi phải kể là ngày rất trọng thể, và là ngày thánh, các ngươi không nên làm mọi việc xác trong ngày ấy”. Trong bảy ngày, các người phải thiêu hy lễ dâng lên Chúa. Ngày thứ bảy là ngày trọng thể và là ngày thánh hơn, các ngươi không làm việc xác nào trong ngày ấy”.

Chúa lại phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy nói cùng con cái Israel và bảo họ rằng: Khi các ngươi đã tiến vào đất Ta sẽ ban cho các ngươi, và khi các ngươi gặt lúa, thì phải mang bó lúa đầu mùa đến cho tư tế, người sẽ giơ bó lúa lên trước mặt Chúa để hôm sau ngày sabbat, người xin Chúa chấp nhận cho các ngươi, và thánh hoá nó. Vậy các ngươi hãy tính từ hôm sau ngày sabbat, là ngày các ngươi đã dâng bó lúa đầu mùa, các ngươi tính đủ bảy tuần, cho đến ngày hôm sau cuối tuần thứ bảy, tức là năm mươi ngày, thì các ngươi phải dâng của lễ mới cho Chúa. Ngày mùng mười tháng Bảy, là ngày đền tội rất trọng thể, gọi là ngày thánh: trong ngày đó, các ngươi phải hãm dẹp tâm hồn, và dâng của lễ toàn thiêu cho Chúa. Từ ngày mười lăm tháng Bảy sẽ mừng lễ Nhà Xếp kính Chúa trong bảy ngày. Ngày thứ nhất sẽ gọi là ngày rất trọng thể và rất thánh, các ngươi không nên làm mọi việc xác trong ngày ấy. Và trong bảy ngày, các ngươi phải dâng của lễ toàn thiêu cho Chúa, ngày thứ tám cũng rất trọng thể và rất thánh, các ngươi phải dâng của lễ toàn thiêu cho Chúa, vì là ngày cộng đoàn tập họp, các ngươi không nên làm mọi việc xác trong ngày ấy.

“Ðó là những ngày lễ của Chúa mà các ngươi phải kể là những ngày rất trọng thể và rất thánh, trong những ngày ấy, các ngươi phải dâng lên Chúa lễ vật, của lễ toàn thiêu và lễ quán theo nghi lễ của mỗi ngày”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 80, 3-4. 5-6ab. 10-11ab

Ðáp: Hãy reo mừng Thiên Chúa là Ðấng phù trợ chúng ta

Xướng: Hãy hoà nhạc và đánh trống râm ran; dạo đàn cầm êm ái cùng với thất huyền. Hãy rúc tù và lên mừng ngày trăng mới, trong buổi trăng rằm, ngày đại lễ của chúng ta.

Xướng: Vì đó là điều đã thiết lập cho Israel; đó là huấn lệnh của Thiên Chúa nhà Giacóp. Người đã đặt ra luật này cho nhà Giuse, khi họ cất gót lên đường lìa xa Ai-cập.

Xướng: Ở nơi ngươi đừng có một chúa tể nào khác; ngươi cũng đừng thờ tự một chúa tể ngoại lai: vì Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra ngoài Ai-cập.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 26, 1-9

“Toàn thể dân chúng tập họp trước Thiên Chúa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Khi Gioakim, con của Giosia vua nước Giuđa mới lên cai trị, thì Chúa phán rằng: “Ðây Chúa phán: Ngươi hãy đứng giữa tiền đàng đền thờ Chúa, và bảo mọi thành phố nước Giuđa đến thờ lạy trong đền thờ Chúa, hãy nói cho họ biết tất cả những lời Ta truyền cho ngươi nói với họ: ngươi chớ bớt một lời; may ra ai nấy nghe mà trở lại, và bỏ đàng tội lỗi của mình, mong Ta hối tiếc tai hoạ Ta định giáng xuống họ, vì sự gian ác họ ưa thích. Và ngươi hãy bảo họ rằng: Ðây Chúa phán: Nếu các ngươi không nghe Ta để bước đi trong lề luật Ta đã ban cho các ngươi, để nghe lời các tiên tri tôi tớ Ta mà ban đêm Ta chỗi dậy và điều động sai đến các ngươi, và các ngươi không nghe, thì Ta sẽ để đền thờ này như Silô, sẽ khiến thành này bị hết thảy các dân trên địa cầu nguyền rủa”.

Các tư tế, các tiên tri, toàn dân đều nghe Giêrêmia nói những lời ấy trong đền thờ Chúa. Khi Giêrêmia nói hết những lời Chúa truyền cho ông nói với toàn dân, thì các tư tế, các tiên tri, và toàn dân bắt ông và nói rằng: “Ngươi phải chết! Tại sao ngươi nhân danh Thiên Chúa mà nói tiên tri rằng: ‘Ðền thờ này sẽ như Silô, thành này sẽ hoang vu không ai cư ngụ’?” Và toàn dân tập họp phản đối Giêrêmia trong đền thờ Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 5. 8-10. 14

Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi (c. 14c).

Xướng: Những kẻ thù ghét con vô cớ, chúng nhiều hơn số tóc trên đầu con. Chúng thực là mạnh thế hơn con, những con người phản hại con trái lẽ: điều mà con không lấy, con cũng phải đền ư?

Xướng: Sở dĩ vì Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người cùng con một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi; điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên mình con.

Xướng: Nhưng lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa con. Ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa.

Alleluia: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 13, 54-58

“Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: “Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?” Và họ vấp phạm đến Người.

Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: “Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình”. Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lên những của lễ Chúa đã rộng ban cho chúng con; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho lễ tế này đem lại ân sủng dồi dào để chúng con được thánh hóa trong cuộc đời hiện tại và đạt tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự vào bí tích Thánh Thể, để chúng con đời đời tưởng nhớ Ðức Giêsu Con Một Chúa, đã chịu khổ hình và sống lại hiển vinh; xin cho bí tích tình yêu Người trối lại dẫn chúng con tới hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA GIÊ-SU VỀ THĂM NA-DA-RÉT LẦN THỨ HAI

(Mt 13, 54-58)

1. Khi xong xuôi cuộc truyền giáo ở Ga-li-lê, Chúa Giê-su trở về thăm quê hương Na-da-rét và đến giảng dạy trong Hội đường. “Sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ” của Ngài đã khiến cho những người đồng hương phải ngạc nhiên. Nhưng sự ngạc nhiên này không dẫn họ đến đức tin, bởi còn một chướng ngại ngăn cản, đó là xuất thân của Ngài : vì người ta biết quá rõ cha mẹ anh em Ngài đều là những người nghèo hèn quê mùa cho nên người ta không tin Ngài là Mê-si-a. Do người ta không tin, nên Chúa Giê-su không làm nhiều phép lạ.

2. “Không ai được tôn trọng ở quê hương của mình”. Đây chính là câu nói nổi tiếng của Chúa Giê-su và có tính cách tiên tri. Thật vậy, trải qua biết bao thế hệ, từ những bậc tiền nhân đến chúng ta, hẳn mọi người đều biết hay đã cảm nghiệm được tính tiên tri của Chúa Giê-su qua câu nói trên hoàn toàn ứng nghiệm.

Chúa Giê-su trở về quê hương của Ngài là Na-da-rét, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giê-su như là con bác thợ mộc Giu-se sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Si-mê-on đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Đền thánh: Chúa Giê-su luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận hoặc từ chối.

3. Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giê-su về giảng tại quê hương của mình cũng làm dấy lên những thông tin trái chiều về Ngài.  Những người đồng hương Na-da-rét có lẽ đã nghe đồn thổi về Ngài và càng ngạc nhiên hơn khi nghe chính Ngài phát biểu trong Hội đường của họ. Những thành tích về sự khôn ngoan và phép lạ Ngài làm đã dấy lên trong họ câu hỏi: ”Phải chăng Ngài không phải là Đấng Cứu Tinh mà Thiên Chúa đã hứa cho dân tộc”? Và họ bắt đầu tra cứu với một phương pháp rất khoa học: họ mở Kinh Thánh ra và thấy rằng Đấng Cứu Tinh xuất thân từ một nơi khác, chứ không phải từ ngôi làng nghèo nàn tăm tối như Na-da-rét.  Họ điều tra về nguồn gốc Chúa Giê-su và thấy rằng cha mẹ và anh em Ngài đều là những người nghèo hèn mà họ biết rõ ngọn nguồn. Với lối suy luận và lý luận rất khoa học ấy, những người đồng hương với Chúa Giê-su đã khước từ Ngài. Nguồn gốc tăm tối của Chúa Giê-su đã là mạng chắn khiến họ không tin nhận nơi Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

4. Qua bài tường thuật, tác giả Mát-thêu muốn nêu bật cung cách và số phận của một vị tiên tri đích thực nơi Chúa Giê-su. Ý tưởng về ngược đãi và ngay cả bách hại được Chúa Giê-su nhiều lần nhắc tới trong những cuộc tranh luận với nhóm biệt phái.  Nêu bật tư cách bị ngược đãi và bách hại ấy, Chúa Giê-su muốn chứng tỏ rằng Ngài vẫn tiếp tục truyền thống tiên tri trong Cựu Ước. Được Thiên Chúa sai đến để thay cho Ngài nói lên sự thật, các tiên tri trong Cựu Ước không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả cuộc sống của một Giê-rê-mi-a. Không biết phải dùng lời lẽ nào để tố cáo sự bất trung và phản bội của cả một dân tộc, ông đã đeo một cái gông vào cổ và đi giữa phố chợ. Với cử chỉ ấy, vị tiên tri này muốn nói với mọi người rằng chính vì đã xé bỏ giao ước với Thiên Chúa mà họ phải bị xiềng xích trong gông cùm của ngoại bang.

5. Tác giả của đoạn Tin Mừng hôm nay đã ghi lại một chi tiết đáng chú ý: ”Chúa Giê-su không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ không có lòng tin”. Phép lạ chỉ diễn ra vì lòng tin của con người, hay đúng hơn, với lòng tin con người có thể nhận ra phép lạ trong mọi sự và trong từng giây phút cuộc sống. Phép lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện là đã hóa thân làm người và tự đồng hóa với mọi người nhất là với những kẻ thấp hèn bé mọn. Chỉ trong đức tin, con người mới có thể đón nhận phép lạ cả thể ấy.

6. Truyện: Thần Vit-nu trong tất cả mọi sự.

Người ta kể rằng Vit-nu là một trong những vị thần rất được những người theo Ấn giáo thờ kính, những người có niềm tin sâu sắc đều nhận ra thần Vit-nu trong tất cả mọi sự.

Một tín đồ kia sống rất siêu thoát, nhưng ông ta lại bị những người khác coi như một người khờ dại. Một hôm, sau khi đi khất thực ở một làng kia, người tín đồ thánh thiện này ra trước cổng làng và ngồi bên vệ đường để ăn những thực phẩm người ta bố thí. Đang lúc ông dùng bữa thì một con chó đói ở đâu chạy tới. Người tín đồ bèn dành đồ ăn của mình cho chó ăn, không mấy chốc người và vật trở nên thân thiện với nhau. Thấy cảnh kỳ lạ, dân chúng trong làng kéo nhau đến xem.

 Nhưng một người trong đám đông lên tiếng: ”Có gì lạ khiến chúng ta  phải mất thì giờ đến xem, người này chỉ là một tên khờ khạo, bởi vì hắn không phân biệt được người với thú vật”.

Nghe thế nhiều người phá lên cười chế giễu.

Người tín đồ thánh thiện ấy điễm tĩnh trả lời: ”Tại sao các ngươi lại cười? Các ngươi không thấy rằng Vit-nu đang cho ăn và Vit-nu đang được cho ăn sao? Tại sao các ngươi lại cười, hỡi Vit-nu”?

Nếu có niềm tin thì họ nhận ra thần Vit-­­nu trong tất cả mọi sự. Vậy tại sao họ không nhận ra Vit-nu nơi một người mà họ cho là khờ dại này.

                                                                   Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

Post Views: 3.910

Từ khóa » Thứ Sáu Tuần Thánh Là Thuộc Mùa Nào Trong Năm Phụng Vụ