Thư Tình Gửi Một Người: Tình Gửi Cho đời Và Tình Gửi Cho Em
Có thể bạn quan tâm
Thư tình gửi một người là tuyển tập ba trăm lá thư tình mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết suốt bốn năm ròng rã, là kỉ niệm vô giá được nàng thơ xứ Huế Dao Ánh gìn giữ trong bốn mươi năm đầy dâu bể và là những con chữ thấm đẫm tình và thơ.
Cuốn sách được Nhà Xuất Bản Trẻ ấn hành nhân kỉ niệm mười năm ngày Trịnh Công Sơn từ trần, sau khi nhận được sự chấp thuận của bà Dao Ánh và gia đình cố nhạc sĩ.
Mục lục ẩn 1 Trịnh Công Sơn và những khúc ca đi qua mọi thời đại 2 Dao Ánh và mối tình đẹp nhưng đầy day dứt của cố nhạc sĩ 3 Thư tình gửi một người là những nỗi nhớ chưa khô 4 Thư tình gửi một người nhưng cũng là gửi cho mình và cho đờiTrịnh Công Sơn và những khúc ca đi qua mọi thời đại
Trịnh Công Sơn được mệnh danh là “cây đại thụ” của làng âm nhạc Việt Nam. Nghĩ về ông, người ta nghĩ về cố nhạc sĩ đáng kính với khả năng phi thường khi gắn kết hàng triệu trái tim bằng giai điệu và câu từ của mình.
Những khúc ca của nhạc sĩ họ Trịnh mang vẻ đẹp vĩnh hằng qua năm tháng. Khi âm nhạc thời thượng cứ chợt nổi như cồn rồi cũng chợt lặng im như mặt hồ, người ta lại đi tìm bên dưới bề nổi đó một giá trị nằm sâu hay một giai điệu đã lâu nhưng luôn dậy sóng mỗi khi nhắc về, để rồi họ tìm thấy nhạc Trịnh.
Ròng rã ba mươi năm trong sự nghiệp sáng tác, ông để lại cho đời không dưới sáu trăm ca khúc cùng hàng chục bức họa và bài thơ nức tiếng.
Tên tuổi của Trịnh Công Sơn vượt ra ngoài biên giới đất nước, âm nhạc của ông đã trở thành âm nhạc quốc tế. Người Việt đời sau vẫn luôn nhớ về ông như một niềm tự hào và là biểu tượng văn hóa cho một thời đại văn minh.
“Nhạc Trịnh viết về thế giới con người, đi qua ‘cái’ một người đến với mọi người, một thời đến với mọi thời, một nơi nói đến mọi nơi”
– Nhà thơ Anh Ngọc
Ngày 1/4/2001 hay ngày Cá tháng tư, giữa hàng triệu lời nói dối vẫn có sự thật đau thương rằng Việt Nam đã mãi mất đi một đại thụ của rừng âm nhạc đang dần tươi xanh.
Ra đi ở tuổi 61, Trịnh Công Sơn để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những người yêu mến ông, dư âm ấy vẫn còn kéo dài qua những đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ đáng kính.
Dao Ánh và mối tình đẹp nhưng đầy day dứt của cố nhạc sĩ
Khi về với cát bụi, Trịnh Công Sơn tuy vẫn còn độc thân nhưng cũng như việc chưa bao giờ ngừng viết, suốt năm tháng sinh thời người nhạc sĩ ấy chưa bao giờ ngừng yêu.
Những bóng hồng đã đi qua cuộc đời ông đều để lại những dấu ấn riêng biệt. Mỗi lần như vậy Trịnh Công Sơn đều yêu như thể đây là mối tình đầu, mãnh liệt và dành trọn trái tim dẫu dang dở lẫn đớn đau.
“Nhạc sĩ của những bản tình ca Trịnh Công Sơn đã buồn tha thiết khi “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Dường như trong các ca khúc của anh luôn thấp thoáng những mối tình, khi như nắng như mưa, khi như sương như khói, khi lại hư ảo đến nao lòng.”
– Báo Thanh niên
Cuộc tình với nàng thơ Dao Ánh bé nhỏ là một cuộc tình sâu đậm và có thể nói là sâu đậm nhất trong cuộc đời của cố nhạc sĩ, đây cũng là nàng thơ trong hơn ba trăm lá thư tình của ông.
Dao Ánh có tên đầy đủ là Ngô Vũ Dao Ánh, cô gái Huế có khuôn mặt bầu bĩnh với đường nét thanh tú. Cô là em gái ruột của bà Ngô Vũ Bích Diễm, mối tình đầu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Khi ông chia tay Bích Diễm, Dao Ánh chỉ mới mười lăm tuổi và vẫn còn rất ngây thơ, non nớt. Cô gái nhỏ khi ấy đã viết thư cho Trịnh Công Sơn để an ủi và chia sẻ cùng ông tâm tư u sầu, để rồi chính sự ngây thơ và chân thành ấy đã làm rung động chàng nhạc sĩ trẻ, dẫn đến những lá thư của hai người về sau.
Cứ thế, họ chính thức yêu nhau sau một thời gian dài trò chuyện qua lại. Khi ấy, Dao Ánh là cô nữ sinh ở trường Đồng Khánh, ngôi trường đầu tiên dành cho nữ sinh xứ Huế còn Trịnh Công Sơn thì đang dạy học ở vùng cao Blao, Lâm Đồng.
Vì khoảng cách địa lí, tình yêu của họ chỉ có thể duy trì bằng những cánh thư nặng trĩu nỗi nhớ và lòng thương. Viết thư cho Ánh và nhận thư Ánh về là niềm vui bình dị mỗi ngày của chàng nhạc sĩ phiền muộn cảnh hoang vắng nơi núi rừng.
Suốt bốn năm, hơn ba trăm lá thư tình được gửi đi nhưng tình cảm vẫn chẳng thể đến đích. Không cho được người con gái mình thương cái kết hạnh phúc nên khi dừng chân, Trịnh Công Sơn đã nhận về mình mọi lỗi lầm.
Tuy nhiên, một cuộc tình sâu đậm thì khó mà nhạt nhòa theo thời gian, dư âm của nó vẫn vang vọng trong lồng ngực ông suốt gần bốn thập kỉ đằng đẵng, từ khi trải qua bao dâu bể cho đến lúc lìa xa cuộc đời.
Thư tình gửi một người là những nỗi nhớ chưa khô
Tình yêu của Trịnh Công Sơn và Dao Ánh là nỗi nhớ chưa khô trên những bức thư, thể hiện qua những nét mực và câu chữ.
Ở mỗi đầu thư, tên Ánh xuất hiện như làm vang vọng tiếng gọi thăm thẳm từ cõi lòng xác xơ nỗi nhớ của kẻ đang yêu và yêu say đắm, thật xa mà cũng thật gần, nhỏ bé nhưng cũng đầy mãnh liệt, giản dị mà chứa đựng niềm thương mến da diết.
Có lúc chỉ là “Ánh ơi” nhưng có lúc lại là “Dao Ánh. Dao Ánh. Dao Ánh”.
Trong thư gửi về xứ Huế xa xôi, Trịnh Công Sơn kể về những ngày tháng lặng lẽ nơi Blao cao tít sương mù và khi đông về thêm muôn phần lạnh lẽo. Ở đây đất trời còn hoang sơ và cuộc sống con người có phần đơn giản so với phố thị.
Trong lời kể của người nhạc sĩ mộng mơ và đa sầu đa cảm, từng vạt nắng hay những chiều mưa với vài thanh âm nhỏ nhất cũng khiến ông xao động.
“Anh chưa bao giờ đối diện với một dáng buồn lạ lùng và bi thảm như thế này. Không thể kể xiết sự hoang vắng bủa vây quanh mình những chiều những đêm có mưa hạt nhỏ qua đây. Buổi sáng thức dậy sương muối xuống đầy cả vùng trước mặt, cây cỏ trắng xóa…
…ngồi ở căn phòng, anh nghe rõ cả tiếng kèn đồng thổi về từ một đồn lính ở trên đồi cao rất buồn rất buồn. Như tiếng kèn trong phim Tant qu’il y aura des hommes. ”
– Trịnh Công Sơn
Tuy nhiên, những điều ấy không đem đến bình yên cho cố nhạc sĩ mà thậm chí là ngược lại, chúng trở thành những chiều trầm ngâm và nhiều đêm trăn trở.
Niềm bâng khuâng với lớp lớp suy nghĩ dày đặc khi chỉ còn một mình và cảm giác bức bối khi không thể nói ra dòng tâm sự đang cuộn trào trong lòng có lẽ ai cũng hiểu.
“Đêm hôm qua anh đọc nốt cuốn sách đến 1 giờ khuya thì xong…”
“Anh đang nằm dài trong mùng và viết thư cho Ánh đây. “
“Ánh ơi, anh cảm ơn Ánh nghìn lần đã yêu thích thiên-đàng-sương-mù của anh.”
Những cảm xúc ấy đầy thân thuộc và mộc mạc nên khi đọc Thư tình gửi một người, độc giả dễ dàng cảm nhận được một dạng hạnh phúc đơn giản, chỉ cần có người để sẻ chia những câu chuyện thường ngày hay những cảm xúc nhỏ nhặt nhất.
Câu chữ trong sách đã bộc lộ rất rõ nỗi niềm của tác giả, đó là sự ngóng trông những lá thư của người yêu và cảm giác mừng rỡ như đứa trẻ nhận được quà.
Đối với Trịnh Công Sơn, thư của Dao Ánh là món quà vô giá, là đóa hướng dương nở rộ trong lòng chàng nhạc sĩ đang trải qua tháng ngày cô đơn với hoang vắng của núi đồi, là niềm an ủi bình dị nhưng mang đến thứ hạnh phúc huyền hoặc và bay bổng.
“Như một phép lạ thật mầu nhiệm bức thư Ánh đến ngay lúc này ném anh về một đỉnh cao ở đó, anh bàng hoàng nghe loài chim lạ hót. Anh xúc động như vừa tìm lại được một vẻ kỳ bí nào đã đánh mất”
– Trịnh Công Sơn
Thời gian và những lá thư khiến tâm tư u sầu trong Trịnh Công Sơn nhỏ bé dần rồi bay đi mất, chỉ có tình cảm cứ lớn dần cùng tháng năm.
Trong những cánh hồng bay bổng, Ánh là nàng thơ và Trịnh là kẻ say tình đang nghêu ngao hát, hát mà như kể, như thủ thỉ vào tai, như rót tình vào tim.
Chỉ tiếc rằng chuyện tình mộng mơ này không đi đến kết cục viên mãn. Trong suốt quãng thời gian yêu thương, Trịnh Công Sơn vẫn hay bày tỏ nỗi lo về định mệnh của những điều đẹp đẽ, mà cuộc tình của hai người chính là điều ông quan tâm nhất.
Đến cuối cùng, hiểu được định mệnh sẽ không thể nào đưa mình và người yêu thương ở cạnh, ông chủ động nói lời chia tay. Tất cả hạnh phúc còn lại được ông gửi gắm trong một lá thư tình với những lời li biệt đầy dịu dàng, âu yếm.
“Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cám ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được…”
– Trịnh Công Sơn
Có thể một bộ phận độc giả ban đầu tìm đến Thư tình gửi một người vì tò mò về tình yêu của một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng cuối cùng đều cảm thấy nhỏ bé trước tình yêu trong sáng, chân thành và dào dạt này.
“Đọc xong tác phẩm mình thấy tình yêu ngày xưa rất giản dị, sâu lắng. Một nhạc sĩ tài hoa…”
“Không thể nói hết cảm xúc của mình lúc này. Chú Trịnh Công Sơn phải chăng khi yêu ai đó thì sẽ mãi mãi yêu, yêu đến cuồng nhiệt và quên cả bản thân?
Hàng trăm lá thư qua lại giữa chú và cô Ánh đã khắc họa nên một chuyện tình đẹp và buồn. Ngôn ngữ sử dụng hết sức nghệ sĩ, vừa chân thành pha chút cô đơn, vừa chan chứa tình cảm lại có chút rất “đời”…”
– Độc giả nhận xét về tác phẩm Thư tình gửi một người
Đối với Thư tình gửi một người, chúng ta không thể đánh giá cuốn sách chỉ vì danh tiếng của tác giả, mà có lẽ không ai có thể đánh giá vì chúng ban đầu chỉ là những trang thư, là tiếng lòng của một người say tình, say đến trọn vẹn và ám ảnh.
Thư tình gửi một người nhưng cũng là gửi cho mình và cho đời
Là thư tình gửi một người nhưng dường như Trịnh Công Sơn không chỉ viết cho một người, ông viết cho Dao Ánh nhưng cũng là viết cho mình và cho đời.
Ngày tháng sống chậm rãi nơi miền cao hoang vu, lắng nghe tiếng chim hót và trầm ngâm trước sự lặng lẽ của đời sống con người được ông thủ thỉ trong những câu từ dịu dàng như thơ, thầm thì như thanh âm của dòng suối trong đêm và đẹp hoang sơ như núi rừng Lâm Đồng.
Đọc Thư tình gửi một người, ta cảm nhận rất rõ khoảng thời gian ban đầu bị cô độc bủa vây khiến người nhạc sĩ ngột ngạt đến khó thở, không thể thích ứng ngay với một nhịp sống lạ lẫm.
Lúc ấy, viết ra những con chữ dường như cũng là cách những cảm xúc trong lòng ông cởi bỏ cùm gông và còn gì tuyệt vời hơn khi nhận được sự chia sẻ từ người mình hết mực trân trọng. Điều đó giúp Trịnh Công Sơn dần quen và thậm chí yêu thêm cảnh vật và con người nơi đây.
Trên thế giới hiện nay vẫn còn những cộng đồng yêu thích thư tay. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng đó là hành động cổ hủ và lạc hậu trong thời đại công nghệ máy móc.
Trong trường hợp đó, Thư tình gửi một người vô tình trở thành tác phẩm văn học truyền cảm hứng. Không kêu gọi cũng không hề nói đến lợi ích của việc viết thư nhưng khiến người ta suy ngẫm về giá trị của hành động này, viết cho người và viết để giải tỏa chính mình.
Ngoài ra, khi đọc và ngẫm cuốn sách hay tuyển tập thư tình này thì ta cũng giật mình nhận ra và tự lí giải được những ngôn từ có phần khó hiểu trong nhạc Trịnh. Ví dụ như hình ảnh mặt trời trong ca khúc Xin mặt trời ngủ yên được ông lý giải trong thư gửi Huế.
“Lúc viết bản này anh đã có câu đó vì anh nghĩ là Ánh thích hoa mặt trời và mặt trời là nơi hoa hướng dương nhìn về đó. Nên anh đã đem mặt trời nhốt vào trong anh”
– Trịnh Công Sơn
Hay bàn tay Ánh lạnh những đêm mùa đông là lí do Trịnh Công Sơn viết nên bài ca Ru em những ngón xuân nồng.
Đến đây ta mới chợt vỡ lẽ, nhạc Trịnh dễ cảm vì được viết bằng những kí ức có thật và những cảm xúc thật lòng nhất từ tim nên con đường đến trái tim của một ai khác cũng thật gần.
Song nhạc Trịnh lại khó hiểu vì sức chứa, sức dồn nén một khối lượng hình ảnh lớn cô đọng trong câu từ và ca khúc. Hay vì mỗi bài hát đều gắn với những kỉ niệm rất riêng, những hồi ức mang nỗi trải đời của riêng người nhạc sĩ nên đôi khi thính giả không thể thấu hết được.
Dù vậy, điều đó đã trở thành một nét rất đặc biệt mà khó có nhạc sĩ nào làm được như Trịnh Công Sơn, đó là khi dù không hiểu hết nhưng mỗi lúc những nốt nhạc vang lên thì muôn trái tim hòa chung một niềm đồng cảm.
Tựa như khi đọc Thư tình gửi một người, dẫu đó là tình cảm rất riêng tư mà nhạc sĩ dành cho tình nhân bé nhỏ nhưng muôn trái tim độc giả đều rung lên trước một tình yêu đẹp và đầy chân thành.
Một sự thật thú vị khác có thể bạn chưa biết, bài hát ra mắt gần đây nhất của ca sĩ Hoàng Dũng mang tên Nàng thơ được lấy cảm hứng từ chuyện tình giữa cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bà Dao Ánh cùng ba trăm lá thư tay này.
Nàng Thơ | Hoàng Dũng | Official MV
Chàng ca sĩ chia sẻ đã viết bài hát trong tổng cộng bốn năm và hoàn toàn không vì mục đích tái hiện quá khứ, chỉ đơn giản muốn tìm kiếm sự đồng cảm từ những tâm hồn đang hiện hữu về một chuyện tình mình đã yêu mến đầy trọn vẹn.
Ngoài gia tài âm nhạc và thơ ca đồ sộ, ngoài Trịnh Công Sơn – Tôi là ai, là ai thì Thư tình gửi một người là cuốn sách thứ hai, là một món quà văn học đẹp đẽ mà người nhạc sĩ quá cố đã để lại cho đời.
Hơn nữa, Thư tình gửi một người không đơn thuần là một cuốn sách vì bản thân cuốn sách đó đã rất đặc biệt khi được tạo nên từ những trang thư.
Không chỉ là những bức thư tình ngọt ngào và đầy chất thơ, đó là bức chân dung bán phần về cố nhạc sĩ đáng kính Trịnh Công Sơn, nơi ta được nhìn sâu thêm một chút thế giới nội cảm phong phú của người ta hằng yêu mến, từ đó lại thêm mến yêu muôn phần.
Đinh Ngọc
Từ khóa » Thư Trịnh Công Sơn Gửi Dao ánh
-
Bức Thư Tình Tuyệt Hay Trịnh Công Sơn Gửi Người Yêu 16 Tuổi - Dân Trí
-
Bí Mật 301 Thư Tình Gắn Kết Trái Tim Trịnh Công Sơn Với Dao Ánh
-
Hé Lộ Những Lá Thư Cuối Cùng Trịnh Công Sơn Gửi Bà Dao Ánh
-
Thư Gửi Dao Ánh 02.09.1964 || Trịnh Công Sơn - YouTube
-
300 Bản Thư Tình Của Trịnh Công Sơn Và Bài Học Về Tình Yêu
-
Bức Thư Tình đẹp Như Thơ Trịnh Công Sơn Viết Gửi Người Yêu 16 Tuổi
-
Thư Tình Gửi Một Người: 300 Bức Thư Tình Trịnh Công Sơn Gửi Dao ...
-
'Thư Tình Gửi Một Người' Của Trịnh Công Sơn - VnExpress
-
Trịnh Công Sơn - Thư Tình Gửi Một Người - Facebook
-
Mối Tình 37 Năm Của Cố Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn - BaoHaiDuong
-
300 Lá Thư Viết Tay Và Mối Tình Day Dứt Của Trịnh Công Sơn Với Em ...
-
Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn đã Viết Gì Trong Thư Tình Gửi Bà Dao Ánh?
-
Mối Tình 37 Năm Của Cố Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn - Tiền Phong