Thứ Trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai Lưu ý Ngành Thuế Không Cứng ...

Ngân hàng, chứng khoán tăng đóng góp vào thu ngân sách

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2021, do Tổng cục Thuế tổ chức hôm nay, ngày 9/7, đại diện đơn vị này cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý ước đạt 656.374 tỷ đồng, đạt 58,8% dự toán, bằng 114,3% so cùng kỳ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai lưu ý ngành thuế không cứng nhắc
Thứ trưởng Vũ Thị Mai (trái) và Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn (phải) chủ trì Hội nghị. Ảnh: GDT

Thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá, chủ yếu do đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020 và tăng thu từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ của năm 2020. Trong đó một số ngành đạt mức tăng trưởng cao, “nóng” như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... góp phần quan trọng vào số thu trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, khối các ngân hàng thương mại có số thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý IV/2020 và nộp sau quyết toán tăng tới 72,9% so với cùng kỳ năm trước, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng. Thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% so với cùng kỳ năm trước, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng. Thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 2.600 tỷ đồng, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp của các công ty chứng khoán tăng 1.100 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán tăng 1.500 tỷ đồng.

Liên quan đến hoạt động thanh, kiểm tra chống chuyển giá, theo Tổng cục Thuế, trong nửa đầu năm nay, toàn ngành thuế đã thanh, kiểm tra được 90 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, qua đó tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh, kiểm tra đạt trên 1.901 tỷ đồng. Trong đó thanh, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết, đã kiến nghị xử lý 1.519 tỷ đồng.

Thu nhân sách tích cực còn có sự đóng góp của hoạt động thanh, kiểm tra. Nửa đầu năm nay, thông qua thanh, kiểm tra, ngành thuế đã kiến nghị xử lý 22.963 tỷ đồng, trong đó số thuế tăng thu qua thanh, kiểm tra là 4.935 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 828 tỷ đồng, giảm lỗ là 17.200 tỷ đồng. Một số cuộc thanh tra có số thu lớn như: Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội, truy thu 112,8 tỷ đồng; Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, truy thu 138 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lỗ như: Công ty TNHH Hòa Bình, truy thu 5,14 tỷ đồng, giảm lỗ 240 tỷ đồng; Công ty cổ phần Lilama 3, giảm lỗ 168 tỷ đồng...

Nửa đầu năm nay, toàn ngành thuế thực hiện thu hồi nợ thuế ước đạt 16.302 tỷ đồng, bằng 54,2% chỉ tiêu thu nợ được giao, trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 11.012 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 5.290 tỷ đồng…

Đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế

Gợi mở về hướng triển khai nhiệm vụ của ngành thuế 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai yêu cầu cơ quan thuế các cấp phải theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu tại từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, kịp thời có các giải pháp quản lý hiệu quả. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, từng cơ quan, đơn vị phải tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc.

“Những vấn đề thuộc thẩm quyền của cục thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính dứt khoát phải xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả, đúng quy định. Những nội dung vượt thẩm quyền, thì báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước...”, bà Mai nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính còn yêu cầu ngành thuế tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp về tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế. Rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu; thực hiện thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác số thu lớn như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án hết thời gian ưu đãi thuế...

“Cùng với đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet...; ngành thuế cần thực hiện quyết liệt, có hiệu quả công tác thu hồi nợ thuế và xử lý nợ thuế, đảm bảo giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý...”, bà Mai lưu ý./.

Từ khóa » Thứ Trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai