Thủ Tục Chuyển Mục đích Sử Dụng đất Từ đất Trồng Lúa Sang đất ở

Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa không thu tiền sử dụng đất sang đất ở được quy định như thế nào? Cơ quan nào được giao thực hiện thủ tục hành chính này? Tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng đất được xác định ra sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau của LawKey.

Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính chuyển mục đích sử dụng đất đối với cá nhân

Phòng tài nguyên và môi trường là cơ quan tiếp nhận hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất từ người sử dụng đất. (Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)

UBND huyện sẽ là cơ quan ra quyết định cho phép thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sau khi có đề nghị của Phòng Tài nguyên và môi trường huyện. (Quyết định 2555/QĐ-BTNMT; Điều 59 Luật Đất đai 2013)

Các bước thực hiện

Thủ tục thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa không thu tiền sử dụng đất sang đất ở đối với cá nhân được tiến hành theo quy định của Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Cụ thể:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ

Căn cứ tại Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm:

– Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01.

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bước 2. Nộp hồ sơ

– Nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường

– Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Bước 3. Xử lý, giải quyết yêu cầu

– Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất.

– Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

– Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

 Trường hợp hộ gia đình, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì UBND cấp huyện trình UBND cấp tỉnh chấp thuận trước khi UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

– Phòng Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

– Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Bước 4. Trả kết quả

– Phòng Tài nguyên và Môi trường trao quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sau khi cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính.

– Thời gian thực hiện:

Căn cứ Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:

+ Không quá 15 ngày (không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất).

+ Không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

Tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng đất

Theo quy định pháp luật tại Điều 10 Luật Đất đai 2013, Đất trồng lúa được xác định là loại đất nông nghiệp.

Do đó, đây thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất sang đất ở. Việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp được xác định theo công thức quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP:

Tiền sử dụng đất phải nộp=Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ởTiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp

Xem thêm: Tiền sử dụng đất và các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất

                   Xác định tiền thuê đất trong trường hợp Thuê đất trả tiền hàng năm

Trên đây là tư vấn của LawKey về Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa không thu tiền sử dụng đất sang đất ở. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ với LawKey để được tư vấn, giải đáp.

Từ khóa » Chuyển đổi Mục đích Sử Dụng đất Trồng Lúa