Thủ Tục Tái Xuất Hàng Hóa đã được Nhập Khẩu Vào Việt Nam

Trong thực tế, nhiều trường hợp kiểm tra hàng hóa sau khi đã vào Việt Nam, tuy nhiên chất lượng hàng hóa không đạt yêu cầu dẫn tới việc trả hàng về nơi sản xuất hoặc do yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà phải thực hiện thủ tục tái xuất.

Luật Hồng Bàng xin gửi tới quý khách hàng những tư vấn về thủ tục tái xuất hàng hóa như sau:

I. Căn cứ pháp lý

  • Luật Hải quan
  • Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan được bổ sung, sửa đổi bởi Nghị định 59/2018/NĐ-CP.
  •  Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

II. Các bước tiến hành

Căn cứ Điều 48 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, quy định:

“Điều 48. Thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất

1. Các hình thức tái xuất hàng hóa nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan bao gồm:

a) Tái xuất để trả cho khách hàng ở nước ngoài;

b) Tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan.

2. Hồ sơ hải quan:

a) Tờ khai hàng hóa xuất khẩu;

b) Văn bản chấp nhận nhận lại hàng của chủ hàng nước ngoài (nếu hàng xuất khẩu trả lại cho chủ hàng bán lô hàng này): nộp 01 bản chụp;

c) Quyết định buộc tái xuất của cơ quan có thẩm quyền (nếu có): 01 bản chụp.

3. Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương này (trừ giấy phép nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành).

Trường hợp người khai hải quan nộp đủ hồ sơ không thu thuế khi làm thủ tục xuất khẩu, cơ quan hải quan không thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu trả lại hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan và quyết định việc thông quan theo quy định.

4. Trường hợp hàng hóa (trừ ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, hóa chất độc bảng I theo công ước cấm vũ khí hóa học) chưa làm thủ tục nhập khẩu đang nằm trong khu vực giám sát hải quan nhưng do gửi nhầm lẫn, thất lạc, không có người nhận hoặc bị từ chối nhận, nếu người vận tải hoặc chủ hàng có văn bản đề nghị được tái xuất (trong đó nêu rõ lý do nhầm lẫn, thất lạc hoặc từ chối nhận) thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi hàng hóa đang được lưu giữ tổ chức giám sát hàng hóa cho đến khi thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ngay tại cửa khẩu nhập”.

Như vậy, hồ sơ thủ tục xuất trả hàng hoá đã nhập khẩu thực hiện theo quy định trên. Loại hình xuất khẩu là B13 – Xuất khẩu hàng đã nhập khẩu.

Ngoài ra, Điểm a Khoản 8 Điều 114 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quy định:

“8. Hàng hoá nhập khẩu nhưng phải tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan (để sử dụng trong khu phi thuế quan hoặc xuất khẩu ra nước ngoài; trừ trường hợp xuất vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại – công nghiệp và các khu vực kinh tế khác thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính) được xét hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp tương ứng với số lượng hàng thực tế tái xuất và không phải nộp thuế xuất khẩu.

a) Điều kiện để được xét hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp và không phải nộp thuế xuất khẩu:

a.1) Hàng hoá chưa qua quá trình sản xuất, gia công, sửa chữa hoặc sử dụng tại Việt Nam;

a.2) Trường hợp hàng hoá nhập khẩu không phù hợp với hợp đồng thì phải có giấy thông báo kết quả giám định hàng hoá của cơ quan, tổ chức có chức năng, thẩm quyền giám định hàng hoá xuất nhập khẩu hoặc văn bản chấp nhận nhận lại hàng hóa của chủ hàng nước ngoài. Đối với số hàng hóa do phía nước ngoài gửi thay thế số lượng hàng hoá đã xuất trả nước ngoài thì người nộp thuế phải kê khai nộp thuế nhập khẩu theo quy định;

a.3) Hàng hoá xuất khẩu vào khu phi thuế quan (trừ trường hợp xuất vào khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại công nghiệp và các khu vực kinh tế khác thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính) được sử dụng trong khu phi thuế quan hoặc đã xuất khẩu tiếp ra nước ngoài”.

III. Thành phần hồ sơ và trình tự thực hiện

Thành phần hồ sơ:

+ 01 Tờ khai hàng hóa xuất khẩu

+ 01 bản chụp Văn bản chấp nhận trả hàng hoặc quyết định buộc tái xuất của cơ quan có thẩm quyền.

Trình tự:

+ Doanh nghiệp đã có sẵn chữ ký số đã đăng ký với Tổng cục Hải quan và hệ thống máy đã cài sẵn phần mềm khai báo hải quan điện tử có thể dùng phần mềm khai báo. Doanh nghiệp cũng có thể khai báo trực tiếp trên hệ thống VNACCS/VCIS của tổng cục Hải quan mặc dù hơi phức tạp và khó thao tác nhưng hoàn toàn không tốn phí và được hướng dẫn cách làm tờ hải quan xuất khẩu cụ thể. Quá trình khai báo dựa vào chúng từ đã chuẩn bị sẵn như hợp đồng, hóa đơn thương mại, bảng kê, thỏa thuận lưu khoang…

+ Sau khi truyền tờ khai, chuẩn bị hồ sơ để nộp cho Chi cục Hải quan và thực thiện các bước tiếp theo theo như hướng dẫn của Chi cục.

IV. Cơ quan có thẩm quyền: Chi cục Hải quan

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nhật Nam qua  hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53  hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email:  lienheluathongbang@gmail.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Từ khóa » Hàng Tái Xuất Khẩu