Thủ Tục Xin Giấy Chuyển Tuyến Của Bệnh Viện? - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Thủ tục xin giấy chuyển viên như thế nào?
  • Thời hạn giấy chuyển tuyến như thế nào?
  • Đi tái khám có cần xin giấy chuyển viện?

Câu hỏi:

Xin chào Luật sư, em có một thắc mắc muốn Luật sư giải đáp:

BHYT của em đăng ký tại bệnh viện quân dân miền đông, quận 9, Tp Hồ Chí Minh. Suốt quá trình mang thai em đều khám và theo dõi thai tại bệnh viện Từ Dũ, Tp Hồ Chí Minh nhưng không theo diện bảo hiểm. Nay thai em đã 36 tuần, em muốn sinh tại bệnh viện Từ Dũ và hưởng chế độ BHYT ở mức tối đa,  em có hỏi qua bệnh viện Từ Dũ và họ nói em phải có giấy chuyển tuyến. Vậy em có thể xin giấy chuyển tuyến tại bệnh viện quân dân miền đông được không ạ. Em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới công ty Luật Hoàng Phi của chúng tôi. Với trường hợp của bạn chúng tôi xin phép được tư vấn và hướng dẫn như sau:

Thủ tục xin giấy chuyển viên như thế nào?

Do bệnh viện quân dân miền đông là cơ sở khám chữa bệnh tuyến quận, huyện, bệnh viện Từ Dũ là bệnh viện tuyến trung ương, vì vậy, nếu bạn đi khám trái tuyến thì sẽ chỉ được hưởng 40% chi phí điều trị nội trú theo đối tượng của mình (theo quy định tại Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Để được hưởng ở mức tối đa theo đối tượng, bạn phải thuộc trường hợp khám chữa bệnh được xác định là đúng tuyến theo Điều 11 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Cụ thể, với trường hợp của bạn, nếu không thuộc trường hợp cấp cứu phải có giấy chuyển tuyến của bệnh viện có giá trị sử dụng như bệnh viện đã tư vấn.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 14/2014/TT-BYT về điều kiện chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên như sau:

– Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị;

– Căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn;

– Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến (trừ phòng khám và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến 4).”

Về thủ tục chuyển tuyến, Điều 7 Thông tư số 14/2014/TT-BYT của Bộ Y tế có quy định:

” Điều 7. Thủ tục chuyển tuyến

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện chuyển người bệnh lên tuyến trên hoặc cùng tuyến theo thủ tục sau đây:

a) Thông báo và giải thích rõ lý do chuyển tuyến cho người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh;

b) Ký giấy chuyển tuyến theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Trường hợp người bệnh cấp cứu, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần liên hệ với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dự kiến chuyển người bệnh đến; kiểm tra lần cuối cùng tình trạng người bệnh trước khi chuyển; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để cấp cứu người bệnh trên đường vận chuyển;

d) Trường hợp người bệnh cần sự hỗ trợ kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dự kiến chuyển người bệnh đến, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh đi phải thông báo cụ thể về tình trạng của người bệnh và những yêu cầu hỗ trợ để cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi chuyển đến có biện pháp xử trí phù hợp;

đ) Giao giấy chuyển tuyến cho người hộ tống hoặc người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh để chuyển tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dự kiến chuyển người bệnh đến;

e) Bàn giao người bệnh, giấy chuyển tuyến cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi chuyển đến.

2. Thủ tục chuyển người bệnh về tuyến dưới được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, đ và e Khoản 1 Điều này.”

Như vậy, theo quy định pháp luật, giấy chuyển tuyến được cấp bởi bệnh viện khi đáp ứng được những điều kiện nhất định. Trong trường hợp của mình, bạn có thể đề nghị bệnh viện nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của mình là bệnh viện quân dân miền đông xem xét cấp giấy chuyển tuyến. Khi đã có giấy chuyển tuyến, bạn có thể sử dụng khi đi sinh tại bệnh viện Từ Dũ và được hưởng quyền lợi ở mức tối đa theo đối tượng của mình vì thuộc trường hợp đúng tuyến.

Trên đây là toàn bộ phần tư vấn của chúng tôi cho thắc mắc của bạn, hi vọng sẽ giúp ích được cho bạn.

Trong trường hợp cần tư vấn thêm, khách hàng có thể liên hệ với Luật sư của Luật Hoàng Phi qua TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ 19006557 để được tư vấn.

Quý vị có thể tham khảo mục HỎI – ĐÁP Luật bảo hiểm về những nội dung có liên quan đến bài viết trên như sau:

Thời hạn giấy chuyển tuyến như thế nào?

Con tôi 4 tuổi được xác định bị bệnh nghe kém và đang điều trị tại Bệnh viện nhi Trung ương, trước đó, con tôi được chuyển tuyến từ bệnh viện đa khoa tỉnh ở địa phương lên. Tuy nhiên, tôi có nghe nói là giấy chuyển tuyến chỉ có thời hạn khoảng 10 ngày, và hết 10 ngày phải xin lại nếu muốn tiếp tục điều trị đúng tuyến. Điều này có đúng không? Con tôi có phải xin giấy chuyển tuyến sau 10 ngày điều trị ở bệnh viện nhi trung ương không? Xin Luật sư làm rõ, tôi cảm ơn!

Trả lời:

Với câu hỏi của bạn, Luật Hoàng Phi xin trả lời như sau:

Điều 12 Thông tư 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế có quy định về sử dụng giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó có nội dung về thời hạn của giấy chuyển tuyến như sau:

” 1. Sử dụng Giấy chuyển tuyến đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế:

[…] c) Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày ký;

d) Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế mắc các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp được sử dụng Giấy chuyển tuyến quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này thì Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch đó. Trường hợp đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó mà người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết đợt điều trị nội trú đó.”.

Tuy nhiên, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 1/12/2018 có quy định tại điều 41 về bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 12 Thông tư số 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế, tức là quy định về giá trị sử dụng 10 ngày của giấy chuyển tuyến. Do đó, hiện nay không có quy định cụ thể về giá trị sử dụng của giấy chuyển tuyến, trừ các trường hợp theo điểm d khoản 1 Điều 12 Thông tư 40/2015/TT-BYT.

Với trường hợp của con bạn, nếu theo thông tin bạn cung cấp, con bạn 4 tuổi và bị bệnh nghe kém. Theo Phụ lục 1 – Danh mục các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp được sử dụng giấy chuyển tuyến trong năm dương lịch ban hành kèm theo Thông tư số 40/2015/TT-BYT thì con bạn thuộc trường hợp nghe kém ở trẻ em dưới 6 tuổi (tại mục số 37 Phụ lục này). Theo quy định trích dẫn trên đây, giấy chuyển tuyến của con bạn có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12 của năm dương lịch. Bạn không phải đề nghị bệnh viện cấp lại giấy chuyển tuyến cho con mình sau 10 ngày.

Đi tái khám có cần xin giấy chuyển viện?

– Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế có quy định:

Điều 28. Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó; đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế.

2. Trường hợp cấp cứu, người tham gia bảo hiểm y tế được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này trước khi ra viện.

3. Trường hợp chuyển tuyến điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có hồ sơ chuyển viện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

4. Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.”

– Khoản 5 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ có quy định hướng dẫn:

” Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu số 5 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.”

Như vậy, trường hợp khám lại, người tham gia bảo hiểm y tế không cần xin lại giấy chuyển tuyến, nhưng phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong trường hợp cần tư vấn thêm, bạn có thể liên hệ với Luật sư của Luật Hoàng Phi qua TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ 19006557 để được tư vấn.

Từ khóa » Giấy Chuyển Tuyến Xin ở đâu