Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc Làm Việc Với Tổ Tư Vấn ...

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ)

Chiều 20/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, năm 2019, Tổ tư vấn đã cùng Ngân hàng Thế giới, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hoàn thành nghiên cứu về mô hình tăng trưởng mới, dựa trên đổi mới, sáng tạo.

Tổ tư vấn kinh tế đã tư vấn với Thủ tướng về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cả về lượng và chất trong năm 2019, tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn và doanh nghiệp nước ngoài trong xung đột thương mại Mỹ-Trung; về các định hướng cần đưa vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Trong năm 2020, Tổ sẽ phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội để tư vấn với Thủ tướng những giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cả về lượng và chất.

Tổ tư vấn sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước, trong đó có tình hình quan hệ thương mại Mỹ-Trung, để kịp thời tư vấn với Thủ tướng về công tác chỉ đạo, điều hành trước những vấn đề mới phát sinh.

Tổ tư vấn cũng sẽ tham mưu với Thủ tướng những vấn đề trung và dài hạn để hướng tới thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cũng như để chuẩn bị văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tổ tư vấn tham gia ý kiến đối với việc xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các giải pháp phát triển ngành cơ khí, nhất là ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, công nhiệp phụ trợ; nghiên cứu, đề xuất mô hình hợp tác xã hiện đại, gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn.

Tổ tư vấn nghiên cứu, xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo dõi sự phát triển hài hòa của các địa phương; nghiên cứu cân đối vĩ mô sản xuất điện, giữa thủy điện, điện khí và điện than,...; đối phó với nguy cơ hạn hán trong năm 2020 và những năm tới.

[Ông Nguyễn Đức Kiên làm Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng]

Đánh giá cao kết quả công tác của Tổ tư vấn, Thủ tướng nhấn mạnh đến nhiệm vụ năm 2020 đạt kết quả cao hơn, tốt hơn năm 2019 đồng thời mong muốn Tổ tư vấn tham mưu, hiến kế để làm sao tăng trưởng cao trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp.

Nhắc lại đánh giá của IMF về thành quả mà Việt Nam đạt được vừa qua là có sự năng động trong chính sách, Thủ tướng mong muốn Tổ tư vấn tiếp tục đóng góp các sáng kiến mới, ý tưởng mới với cơ sở khoa học chặt chẽ.

Thủ tướng đề nghị Tổ cần theo dõi sát tình hình kinh tế trong và ngoài nước để kịp thời phát hiện vấn đề mới, tham mưu cho Thủ tướng, nhất là các biện pháp tháo gỡ, điều chỉnh chính sách; tư vấn các thông điệp chính sách và công tác chỉ đạo để đạt mục tiêu, kết quả đề ra.

Tổ Tư vấn cũng cần có tầm nhìn xa, nhất là gắn với kế hoạch 2021-2025; tích cực tham gia góp ý xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật, đặc biệt phát hiện nút thắt cần tháo gỡ; giúp Thủ tướng làm tốt công tác truyền thông chính sách, những gì không đồng tình có thể trao đổi trực tiếp với Thủ tướng và Thủ tướng sẵn sàng lắng nghe.

Thủ tướng mong muốn nâng cao chất lượng ý kiến tư vấn, bảo đảm tính thực tiễn, thiết thực, khách quan, độc lập, thẳng thắn, vì lợi ích chung của đất nước và các thành viên trong Tổ tư vấn là những pháo đài quan trọng để bảo vệ đường lối, chính sách.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh Tổ trưởng Tổ tư vấn là người thay mặt Thủ tướng liên lạc, kết nối các thành viên, các chuyên gia, nhà khoa học và tổng hợp những vấn đề đặt ra. Đồng thời, mỗi thành viên Tổ tư vấn có vai trò riêng, sở trường trong các lĩnh vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Từ khóa » To Tư Vấn Kinh Tế Của Thủ Tướng 2021