Thủ Tướng Dự Lễ Khánh Thành Nhà Máy Nhiệt điện Sông Hậu 1

Cùng dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), PVN.

Thủ tướng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1 được đặt tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, thuộc Trung tâm Điện lực Sông Hậu, gồm 2 tổ máy, tổng công suất 1.200MW, tổng thầu EPC là Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.

Nhà máy có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD), khởi công tháng 5/2015, đã hoàn thiện thủ tục liên quan, được công nhận và đưa vào vận hành thương mại từ ngày 6/5/2022; đến nay đã phát điện, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 2 tỷ kWh (bao gồm cả sản lượng điện trong giai đoạn chạy thử nghiệm thu). Nhà máy sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,3 tỷ kWh/năm, góp phần đáp ứng nhu cầu của phụ tải của khu vực Tây Nam Bộ và cả nước.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động của PVN, tổng thầu đã tham gia thi công trực tiếp trên công trường, bảo đảm tiến độ, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và bảo vệ môi trường. Cấp ủy, chính quyền tỉnh Hậu Giang và đồng bào trong khu vực dự án đã tích cực ủng hộ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho PVN trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm phòng điều khiển trung tâm Nhà máy. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm phòng điều khiển trung tâm Nhà máy. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đánh giá sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, tranh chấp pháp lý và giá thành, việc đưa vào hoạt động nhà máy góp phần bảo đảm an ninh năng lượng - một trong những cân đối lớn của nền kinh tế trong bối cảnh có nhiều khó khăn hiện nay; góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước và tỉnh Hậu Giang theo hướng công nghiệp hóa.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch sử dụng điện thông minh, vận hành an toàn, ổn định, có hiệu quả NMNĐ Sông Hậu 1. Tỉnh Hậu Giang cập nhật, điều chỉnh lại quy hoạch liên quan với kế hoạch, quy hoạch phát triển hợp lý, hiệu quả, kết hợp với tiềm năng lợi thế của mình, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, người dân phải được hưởng lợi từ hoạt động của dự án.

Trước đó, sáng 16/7, tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Giang Lam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Giang Lam

Tại Hội nghị, tỉnh Hậu Giang giới thiệu với các nhà đầu tư về những lợi thế, tiềm năng và những dự án trọng điểm của tỉnh để có chiến lược đầu tư lâu dài; các đại biểu chia sẻ, đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung để tỉnh tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

UBND tỉnh Hậu Giang đã trao 12 chứng nhận quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư gần 19.000 tỷ đồng, tổng diện tích 290ha; ký biên bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, mở ra cơ hội phát triển mới cho Hậu Giang; đồng thời tiếp nhận nhiều khoản tài trợ, ủng hộ của các nhà đầu tư dành cho công tác an sinh xã hội tại địa phương. Trong đó, dự án được ký biên bản ghi nhớ có quy mô lớn nhất có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch của Tập đoàn Him Lam…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu năm 2022 tới nay, tình hình có nhiều diễn biến nhanh, khó lường, dịch bệnh tiếp tục phức tạp tại nhiều nước trên thế giới với biến chủng mới. Cạnh tranh chiến lược gay gắt, nhiều nước thay đổi các chính sách. Áp lực lạm phát tăng mạnh do tác động của việc tăng giá xăng dầu, hàng hóa cơ bản, nguyên vật liệu từ bên ngoài, nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng… trên thế giới. Các vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, an ninh thông tin… nổi lên.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, GDP quý II tăng 7,72%, cao nhất trong 11 năm trở lại đây, góp phần quan trọng vào mức tăng 6,42% của cả 6 tháng đầu năm 2022. Việt Nam đang triển khai Chương trình nhằm phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội với quy mô 340.000 tỷ đồng (khoảng 4% GDP) tập trung vào y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng.

"Trong bối cảnh có nhiều biến động, với những yếu tố nền tảng như trên, Việt Nam vẫn đứng vững, ổn định và phát triển. Chúng ta giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, kiên định, kiên trì, kiên quyết để tận dụng các thời cơ, thuận lợi, hóa giải các khó khăn, thách thức. Yếu tố xuyên suốt và bao trùm là trí tuệ, phẩm chất, năng lực con người Việt Nam, truyền thống văn hóa lịch sử tốt đẹp của dân tộc" - Thủ tướng nói.

Về tỉnh Hậu Giang và vùng ĐBSCL, Thủ tướng cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển vùng ĐBSCL, quy hoạch vùng ĐBSCL đã được phê duyệt, các công trình hạ tầng chiến lược của vùng và liên vùng đang được ưu tiên đầu tư.

Trong đó, Hậu Giang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển, như có vị trí địa kinh tế quan trọng; là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, trung tâm lúa gạo; có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, nguồn lực con người; những nỗ lực, giải pháp, cách làm thiết thực, hiệu quả của địa phương thời gian qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại biểu xem bản đồ các dự án ở Hậu Giang. Ảnh: Giang Lam
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại biểu xem bản đồ các dự án ở Hậu Giang. Ảnh: Giang Lam

Thủ tướng mong muốn Hậu Giang không để tiềm lực ngủ quên, biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất cân đong đo đếm được, biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, nguồn lực con người; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, góp phần đưa Hậu Giang ngày càng phát triển, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng nâng lên.

Thủ tướng đề nghị Hậu Giang cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và các địa phương, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Người dân đồng hành, chia sẻ với các nhà đầu tư, với chính quyền địa phương…

Từ khóa » Tiến độ Nhà Máy Nhiệt điện Sông Hậu 1