Thủ Tướng Phạm Minh Chính Thống Nhất Phương án đầu Tư Mở Rộng ...

Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất phương án đầu tư mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh và xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò Thành Duy 24/07/2022 13:45

(Baonghean.vn) - Sáng 24/7, tiếp tục chương trình công tác tại Nghệ An, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác tiến hành khảo sát thực địa tại Cảng Hàng không Quốc tế Vinh, quy hoạch Cảng nước sâu Cửa Lò, tuyến đường ven biển và dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 46 đoạn Vinh - Nam Đàn.

Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Hoàng Xuân Chiến - Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Vinh. Ảnh: Thành Duy

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến khảo sát tại Cảng Hàng không quốc tế Vinh. Hiện nay, cảng hàng không này đang khai thác bình quân 35 lượt chuyến bay/ngày, phục vụ 6 hãng hàng không.

Cảng Hàng không quốc tế Vinh đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch có tổng diện tích 447,37 ha; tuy nhiên hạn chế hiện nay là Nhà ga hành khách T1 đã hoạt động tối đa công suất, những dịp cao điểm tần suất chuyến bay lớn quá tải; nhà ga hành khách quốc tế chưa đảm bảo yêu cầu do đang sử dụng từ nhà ga cũ cải tạo; đường cất hạ cánh số 1 dài 2.400m chỉ đáp ứng cho các loại máy bay A320/A321 (máy bay code C) hoặc tương đương, không tiếp nhận được các loại máy bay thân lớn code E như A350, B777, B787…

Năm 2015, lượng hành khách thông qua Cảng hàng không Quốc tế Vinh là 1,376 triệu hành khách, năm 2020 là 2,002 triệu hành khách (tăng 45,5%). Ảnh: Thành Duy

Cùng với đó chất lượng mặt đường cất hạ cánh đã xuống cấp, thường xuyên phải duy tu sửa chữa; sân đỗ chỉ đáp ứng được tối đa 6 máy bay nên thường xuyên bị quá tải; chưa có nhà ga hàng hoá, khu vực hangar sửa chữa….

Từ năm 2018, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai lập dự án đầu tư mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Vinh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm có quy mô lớn nên các dự án thuộc Cảng hàng không quốc tế Vinh chuyển sang thực hiện đầu tư sau năm 2025, do đó các thủ tục dự án mở rộng đã dừng triển khai thực hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận về phương án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh qua hình thức xã hội hóa thu hút đầu tư. Ảnh: Thành Duy

Trên cơ sở hiện trạng hạ tầng Cảng Hàng không quốc tế Vinh, tốc độ tăng trưởng của lượng khách qua cảng hàng không Vinh trong những năm gần đây, từ 2015-2020 tăng 45% và dự báo cho giai đoạn tới, tỉnh Nghệ An xét thấy trong giai đoạn hiện nay rất cần thiết thu hút đầu tư dự án mở rộng để đầu tư xây dựng: Nhà ga hành khách T2 công suất 10 triệu hành khách/năm; đường cất hạ cánh số 2, sân đỗ máy bay, nhà ga hàng hóa, hangar, hệ thống giao thông và các hạng mục phụ trợ, giai đoạn đầu tư 2022 - 2025 với tổng kinh phí hơn 10.700 tỷ đồng.

Qua khảo sát, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xã hội hóa thu hút đầu tư dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh và giao UBND tỉnh Nghệ An làm Cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án; đồng thời thực hiện bố trí đất quốc phòng thuộc quy hoạch Cảng hàng không Vinh sang vị trí mới có tính ổn định, lâu dài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về quy hoạch, các hạng mục của Cảng nước sâu Cửa Lò. Ảnh: Thành Duy

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã đến khảo sát thực địa vị trí dự án Cảng nước sâu Cửa Lò tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc. Dự án này đã được cấp phép đầu tư từ tháng 12/2010 cho Công ty CP Đầu tư phát triển vận tải Quốc tế với quy mô 3.300 tỷ đồng, gồm 2 bến và các công trình phụ trợ.

Tuy nhiên, phía nhà đầu tư đề nghị tỉnh đầu tư đê chắn sóng dài 1.450m và luồng tàu bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Song do khó khăn nên tỉnh chưa thu xếp được nguồn vốn để đầu tư mặc dù đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp để tiếp cận các nguồn vốn từ ngân sách hoặc ODA.

Bãi biển thuộc xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc - nơi sẽ xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò. Ảnh: Thành Duy

Từ đầu năm 2021, Nhà đầu tư có kế hoạch khởi động lại dự án, dự kiến khởi công vào Quý 4/2022 và hoàn thành vào Quý 4/2025. Đặc biệt giữa tỉnh và nhà đầu tư đã thống nhất, phía nhà đầu tư sẽ đầu tư đê chắn sóng nên khó khăn lớn nhất của dự án đã được giải quyết.

Đồng thời, nhà đầu tư đề nghị tỉnh Nghệ An đầu tư tuyến cầu dẫn nối từ Quốc lộ 7C ra khu bến cảng ngoài khơi, dài 3.270m, rộng 11m, với tổng mức đầu tư 1.789 tỷ đồng. Hiện tỉnh đang giao các sở, ngành lập đề xuất chủ trương đầu tư và chuẩn bị phương án nguồn vốn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với phương án điều chỉnh trên của dự án để sớm xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò và phấn đấu hoàn thành trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Người đứng đầu Chính phủ kết luận về phương án và những yêu cầu đặt ra đối với dự án Cảng nước sâu Cửa Lò. Ảnh: Thành Duy

Thủ tướng cũng lưu ý, tỉnh cần bố trí vốn đầu tư công của giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Vinh và tuyến cầu dẫn nối từ Quốc lộ 7C ra khu bến cảng nước sâu Cửa Lò, vì đây là những dự án trọng điểm, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh. Sau khi cảng nước sâu Cửa Lò hình thành, cần quan tâm công tác quy hoạch các khu vực xung quanh, cũng như đảm bảo môi trường.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, khi Cảng nước sâu Cửa Lò hình thành, Nghệ An cần đồng thời sáp nhập TP. Vinh và thị xã Cửa Lò, cũng như một số xã của các huyện lân cận để tạo ra không gian phát triển lớn hơn và xây dựng TP. Vinh thành thành phố biển.

Thủ tướng Chính phủ trao đổi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại công trường thi công tuyến đường ven biển đoạn qua huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Tuyến đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) với tổng chiều dài 78,9 km, được đầu tư xây dựng với 3 phân đoạn; trong đó đoạn có 7km đã xây dựng hoàn thành vào năm 2010; và 7,44km được triển khai xây dựng vào năm 2019 và đến nay đã cơ bản hoàn thành.

Đoạn còn lại từ có tổng chiều dài 64,47km được triển khai thi công từ tháng 02/2022 với quy mô đường cấp III đồng bằng với tổng mức 4.651 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2026. Tuy nhiên, để sớm kết nối toàn tuyến đường ven biển đoạn qua Nghệ An, UBND tỉnh chỉ đạo thi công trong 30 tháng, hoàn thành quý II/2024 để nhanh chóng phát huy hiệu quả của dự án.

Tuyến đường ven biển đoạn qua huyện Nghi Lộc, Nghệ An đang được gấp rút thi công. Ảnh: Thành Duy

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà công nhân đang thi công tuyến đường ven biển. Ảnh: Thành Duy

Hiện nay, dự án thuộc đoạn này đã giải phóng mặt bằng được 37,36Km/59,91km các đoạn qua đất nông nghiệp, lâm nghiệp và đất khác (đạt 62%). Nguồn vốn bố trí cho năm 2022 là 1.620 tỷ đồng cũng đã giải ngân đạt 69,24%.

Trực tiếp khảo sát tại hiện trường đoạn huyện Nghi Lộc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tiến độ dự án, cũng như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và nếu tiếp tục giữ được tiến độ giải ngân tốt sẽ điều chỉnh vốn đầu tư công các dự án chậm tiến độ để bố trí cho dự án này.

Thủ tướng lưu ý, hàng tuần chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, nhà thầu cần phải giao ban hàng tuần để kiểm điểm tiến độ, chất lượng; thanh toán theo khối lượng hàng tuần để động viên kịp thời nhà thầu; đồng thời phải chú ý chăm lo, đảm bảo sức khỏe cho công nhân trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Người đứng đầu Chính phủ trực tiếp đến công trường công nhân đang thi công tuyến đường ven biển thăm hỏi về công việc, thu nhập, đời sống. Ảnh: Thành Duy

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với nhà thầu dự án đường ven biển đoạn qua huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thành Duy

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, nếu gặp khó khăn, vướng mắc ngoài tầm giải quyết thì phải báo cáo kịp thời cấp trên; đồng thời tư vấn phải thường xuyên có mặt tại hiện trường; đảm bảo quy hoạch các mỏ nguyên vật liệu phục vụ dự án và quan điểm là cần giao các mỏ này cho nhà thầu hoặc chủ đầu tư, không qua khâu trung gian.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho ý kiến về các phương án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 46 đoạn Vinh - Nam Đàn. Ảnh: Thành Duy

Quốc lộ 46 đoạn Vinh - Nam Đàn có chiều dài là 16,6km. Ảnh: Quốc lộ 46 đoạn qua thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Thành Duy

Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát nghe báo cáo các phương án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 46 đoạn Vinh - Nam Đàn có chiều dài là 16,6km. Hiện trạng trên tuyến mới có 6km/ 16,6km có giải phân cách giữa (1m), còn lại chưa có giải phân cách giữa, đồng thời một số đoạn chưa có vỉa hè, điện chiếu sáng đã ảnh hưởng mỹ quan đô thị, tạo cảnh quan cho tuyến đường phục vụ du lịch.

Từ khóa » Chiều Dài Quốc Lộ 46