Thú Vị Hieroglyph, Chữ Tượng Hình Ai Cập - Người Đô Thị
Có thể bạn quan tâm
Từ hơn 5.000 năm trước, văn học nghệ thuật, kiến trúc, tôn giáo, nông nghiệp, công nghiệp… đã rất phát triển, trong đó phải kể tới những tác phẩm tranh tượng, phù điêu khổng lồ; những bài hát, điệu múa, câu chuyện thần thoại kỳ thú; những đền đài, lăng tẩm, kim tự tháp tráng lệ cùng rất nhiều y phục, trang sức, xe cộ, món ăn, bài thuốc, mỹ phẩm… Tất cả vẫn tồn tại đến nay trước sự ngỡ ngàng, thán phục của thế giới.
Tại sao Ai Cập cổ đại lại đạt được trình độ siêu việt như vậy? Là vì họ đã sớm nghĩ ra được những chữ viết tượng hình (hieroglyph) để nuôi dưỡng đời sống tinh thần phong phú, thúc đẩy mọi sáng tạo, và điều thú vị nữa là chữ viết ấy lại rất gần gũi với những gì họ thấy thường ngày và là những bức tranh họ vẽ, khắc về thiên nhiên, về các ước mơ, về các lãnh tụ tinh thần của mình.
Tuy rằng đa số nội dung viết bằng chữ này là những bài tụng ca thần thánh, vua chúa và nằm trong tay nhà cầm quyền, song nó lại có một sức mạnh hiệu triệu cực lớn và giúp cho việc xây dựng, củng cố xã hội ổn định, vững chắc. Nó cũng lưu giữ các bí mật trong nhiều lĩnh vực bấy giờ của Ai Cập, không cho người ngoài biết, và thậm chí tới nay người ta vẫn chưa lý giải được chúng nếu không am hiểu ngôn ngữ cổ.
Quả thực, đến thế kỷ 19, thế giới mới dần ngộ ra văn hóa Ai Cập xưa qua chữ viết của họ, mặc dù hàng ngày vẫn thấy những chữ viết to nhỏ, la liệt trên tường nhà, đặc biệt là kim tự tháp, mà không đọc nổi, không rõ chúng nói cái gì.
Tại đó, có rất nhiều bức tranh tường chia thành ô to nhỏ, từ vài mét đến vài cm, với vô số họa tiết đan xen, và là những bức tranh nhỏ trong những bức tranh lớn, mà kỳ thực đều là chữ tượng hình.
Thoạt nhìn một số chữ, người xem có thể hiểu nó vẽ cái chi vì tranh vẽ con chim, con bọ hay một người chẳng hạn, giúp nhận định người xưa vẽ con chim, tả một loài chim nào đó. Song nhìn kỹ lại thì lập tức bị rối trí ngay vì bên cạnh con chim ấy còn có khá nhiều họa tiết khác, lập thành nhóm như chiếc lá, cái gậy, ổ bánh, bàn ghế, bình vại, sợi dây hay sấp vải…, rồi ở cạnh hình người nhỏ xíu lại thấy hình một vị thần đầu chim vĩ đại đỡ mặt trời, trong khi đó không xa là một vị thần khác mang đầu chó đang cân tim với một chiếc lông ngỗng…
Từ từng hình, có thể đoán được người xưa vẽ gì, song nếu ghép lại hoặc có họa tiết phức tạp thì ai nấy đều chịu.
Đó là vì chữ Ai Cập cổ đại là hệ thống chữ viết dùng hình để chuyển ý (hieroglyph). Với những câu nói ngắn, họ chỉ dùng một vài hình thôi, song với những phát ngôn dài thường dùng cả chục ký tự, hơn thế còn không có dấu chấm, phẩy. Chưa hết, họ có thể viết từ trái qua phải, từ phải sang trái, từ trên xuống dưới, và do áp dụng nhiều cỡ chữ khác nhau nên nội dung có thể nhảy trang, tuy rằng lời văn ngày xưa mộc mạc, ngắn gọn.
Thế nhưng không phải không đọc nổi, do hieroglyph cũng có quy luật, ví dụ như muốn nói: Tôi nhìn thấy một con chim thì họ sẽ vẽ một con chim và một con mắt ngay cạnh. Muốn nói tôi đang ăn thì vẽ một người đưa tay vào miệng. Muốn nói về một binh sĩ, thì vẽ một kẻ cầm tên, và cũng ông này song giấu vũ khí sau lưng, thì là một tên giặc. Ngoài ra, người xưa cũng dùng một số hình tượng quen thuộc, làm chữ cái để viết như chữ La tinh.
Tựu trung, muốn phản ánh điều gì, người xưa sẽ phải khắc, vẽ một hay nhiều hình. Mỗi hình được hiểu như một ký tự, một âm, một từ, một sự vật hiện tượng, và khi ghép lại sẽ cho ra một từ mới có ý nghĩa mới hoặc rộng hơn. Do độ phức tạp, nhất là buổi đầu phát minh ngôn ngữ, nên người xưa luôn phải học, ôn tập rất kỹ càng. Mà để đọc, viết thông thạo vào năm 18 tuổi, với vốn liếng 1.000 từ, thì từ năm 6, 7 tuổi đã phải làm quen với chữ viết tượng hình.
Cũng vì thế, ngay cả khi Ai Cập bấy giờ là trung tâm văn hóa, trí tuệ của thời đại, đa số dân gian vẫn mù chữ, một phần là do không có thời gian học tập, một phần là vì không được học hành. Đối tượng duy nhất ở đây được tiếp xúc thường xuyên với chữ viết tượng hình, là tầng lớp quý tộc: vua chúa và tăng lữ nhờ có địa vị, của cải, sự rảnh rỗi.
Và điều quan trọng hơn là chữ viết tượng hình được xem là ngôn ngữ của thần linh nên chỉ có hoàng gia, tư tế mới được nghe, và nó cũng chỉ xuất hiện ở các đền đài, cung điện, lăng tẩm, thỉnh thoảng mới lọt ra ngoài qua các chiếu chỉ, tranh tượng- vật dụng cần công bố. Về nghĩa đen, chữ viết tượng hình chính là những nét khắc linh thiêng, thần thánh.
Chúng giống như những bức tranh để ngắm từ xa, chứ không ai dám đụng tới vì là lời nói của đế vương- pharaoh, và cao hơn là thần linh, trong đó có thần trí tuệ Thoh nhằm giúp vua ghi lại những thành tựu trong vương quốc từ cách đây 5.200 năm. Nói chung, có đến hơn 2.000 ký tự/ hình khắc trong hệ thống chữ viết Ai Cập cổ đại. Mỗi hình thể hiện cho một vật, âm tiết chỉ vật ấy và ý tưởng liên quan đến nó. Chúng thường được khắc trên các bức tường, áo quan và một số đồ đạc lẫn trang sức với mật độ dày đặc, nhưng có chia dòng nhằm chuyển tải hết nghĩa.
Các nhà nghiên cứu đều cho rằng chữ viết tượng hình đã xuất hiện vào thời Naqada III, là lúc Ai Cập cổ đại đạt tới đỉnh cao của sự văn minh nhờ nhiều đột phá trong văn hóa và công nghệ. Về văn hóa, họ đã sáng chế chữ viết, giấy viết, bánh mì, rượu bia, quần áo đa dạng và về công nghệ thì có kỹ thuật xây dựng đền đài kỳ vĩ, bao gồm các kim tự tháp sừng sững.
Không chỉ truyền khẩu nền văn hóa rực rỡ cho con cháu, người xưa đã vận dụng cách tạo tác chữ viết đã có từ thuở tiền sử: đó là vẽ, gạch, khắc trên đất đá, thành động những hình có nghĩa, tuy nhiên không rời rạc, đứt quãng như cổ nhân mà tập trung thành dòng cho một thông tin rành mạch, sinh động.
Mọi thứ được đặc tả một cách chân thực, dễ hiểu và còn thu gọn cả một thế giới thiên nhiên bao la vào trong từng chữ. Nhìn vào đó, người sống mãn nhãn, người chết cũng sung sướng, vì được ở giữa bao nhiêu cảnh đẹp. Nó có lẽ là mục đích đầu tiên để họ tạo ra chữ này, rồi mới đến mục đích truyền thông, ca ngợi tạo hóa cùng những sinh hoạt trù mật.
Chữ viết tượng hình là những thần ngôn, vương ý nên luôn được khắc, vẽ tại mọi đền đài, lăng tẩm hoàng gia trên khắp Ai Cập. Có tới hàng chục, hàng trăm triệu chữ tượng hình như vậy, chỗ mờ chỗ đậm, thậm chí bị khuyết do quá trình khai quật, trộm cướp song vẫn đủ làm sống dậy những ký ức về một nền văn minh sớm nhất và thịnh vượng nhất trong lịch sử loài người.
Ở đó, người dân thờ rất nhiều vị thần, chủ yếu là nhiên thần và có cuộc sống gắn bó mật thiết với thiên nhiên, đến nỗi nhớ mãi, khắc họa thành chữ viết tượng hình hàm chứa vô số các con vật từ chim ưng, kền kền, cú mèo, gà, ngỗng tới rắn rết, chó hoang, chó nhà, mèo, bò, dê, cừu, sư tử…, các cảnh tượng như nhật nguyệt, sông suối, đồi núi, đồng bãi, nhà cửa, thuyền bè…; các sinh hoạt như đi lại, ăn ngủ, vận chuyển, cúng tế…
Từ trực quan đơn giản, họ viết nên những điều cũng giản đơn, vừa tạo ra chữ viết vừa phát khởi những câu văn đầu tiên. Ví dụ thấy một dòng sông thì khắc một đường rích rắc, ba dòng sông khắc ba đường. Gặp một bãi lau, khắc một bông lau, nhiều bãi lau khắc hai bông. Để diễn tả mình vừa thấy gì, họ khắc con mắt, đang đi khắc đôi chân, đang nói khắc tay chạm miệng, và cũng tay ấy song nhỏ hơn và của người đi tập tễnh là một đứa trẻ, ngược lại một kẻ chống gậy lom khom là một ông già.
Chỉ một ngôi nhà sẽ có một hình vuông một cạnh gập vào trong làm cánh cửa, một ngôi làng thì có một vòng tròn bao quanh hình chữ thập… Người ta cũng ghép nhiều thứ mộc mạc liền kề, nhằm tạo nên một từ nghĩa rộng, như một người đàn ông ngồi giơ tay với một cây sậy, một chú rắn mào, một ổ bánh mỳ ngụ ý về một người cha, một trụ cột trong nhà vì anh ta phải lao động trên đồng, tạo cái ăn cái mặc, và con rắn là biểu tượng của sự linh động – quyền lực, trong khi người đàn bà ngồi sau con kền kền và bánh mì là người mẹ vì con chim thị hiện sự che chở đàn con cùng vẻ duyên dáng.
Thay con chim trên bằng con ngỗng ở cạnh người đàn bà là từ chị, và cạnh người đàn ông là từ anh. Khi đề cập tới từ khát nước, sẽ có hình người hướng tới ba dòng sông, một chú dê và một lá sậy, về từ nghèo thì anh này nhìn một dòng chảy, một con rắn, một sấp vải và một chú chim cút, về từ vua thì người đó ăn vận thật đẹp, đội mũ miện, cầm quyền trượng, và về từ thần thì đầu hoặc người của thần có dạng chim thú…
Tuy nhiên, do thông tin rất dài, nên nhiều khi mỗi hình vẽ ở trên chỉ là một chữ cái trong một từ ngữ. Khoa học đã xác định được, trong khá nhiều hieroglyph, cũng có 24 hình được dùng làm chữ cái, gồm chim ưng- chữ A, bàn chân- B, cái cốc- chữ C, bàn tay- D, rắn sừng- F, cái vại- G, dây xoắn- H, cây sậy- I, con rắn- J, rổ có quai- K, sư tử- L, cú mèo- M, dòng nước- N, thòng lọng- O, chiếc ghế- P, sườn đồi- Q, cái miệng- R, sấp vải- S, bánh mỳ- T, chim cút- V và W, cái sàng- X, hai cây sậy- Y, then cửa- Z… Với những chữ cái này, kết hợp cùng nhiều hình vẽ tự do khác, người xưa có thể viết nên những kinh văn rất dài, đồng thời soạn được nhiều cuốn sách viết trên tường và giấy.
Người được giao nhiệm vụ ghi chép, cũng như giảng dạy hieroglyph là các scribe: thầy tế, thủ thư và nô bộc hoàng gia. Cả cuộc đời của họ luôn gắn liền với việc xây dựng và trạm trổ những biểu tượng trên nhà cửa, kiến trúc. Họ trực tiếp làm hoặc sai nô lệ làm trên các cột đá của công trình như khắc bia vậy! Nội dung được tả khá phong phú, từ những lời tán tụng thần linh tới những hướng dẫn cúng tế, sinh hoạt trong ngoài cung, và đặc biệt là cách ướp xác, đưa tiễn và triệu hồi linh hồn người chết, với niềm tin người chết sẽ sống lại, trở về như một vị thần. Ngoài ra, còn có những lời khen thưởng và trừng phạt cùng nhiều lời nguyền để ngăn cản những ai dám động tới đền thờ hay nơi an nghỉ của nhà vua. Những chỉ dẫn như vậy thường dài bằng cả bức tường và chứa nhiều cảnh tượng hoành tráng, tuyệt đẹp.
Do chỉ truyền thụ kiến thức cho người phục vụ hoàng triều, trông giữ đền thờ, nên khi những người viết chữ mất, chữ viết tượng hình cũng thôi nảy sinh. Còn dân gian thì chịu thua vì không được học. Cộng với theo thời gian, các dòng chữ bị ăn mòn, rồi các cuộc chinh phạt, trộm cướp làm những bức tường, cánh cửa khắc hieroglyph bị sụp đổ, khiến nó dần bị quên lãng, nhất là quên cách đọc.
Vì thế, đến thời Ai Cập hiện đại, không ai còn biết dùng hieroglyph, và phải tới năm 1799 khi tìm thấy một tảng đá ghi ba ngôn ngữ, gồm chữ Ai Cập cổ đại, chữ demotic và chữ Hy lạp cổ đại, các nhà ngôn ngữ mới so sánh, đối chiếu và dịch được hieroglyph từ tiếng Ai Cập cổ đại sang tiếng Hy Lạp hiện đại và tiếng Anh.
May mắn cho cả thế giới mù chữ viết tượng hình là vào năm này, một anh lính Pháp, tên là Pierre Bouchard trong một cuộc viễn chinh tại Ai Cập, đã nhặt được một tảng đá khắc chữ lạ ở thành phố Rosetta. Và qua đó, người ta đã hiểu được nó bằng tiếng Hy Lạp, rồi chuyển thể sang nhiều thứ tiếng khác.
Người góp công lớn nhất trong việc chuyển tự, lý giải nguyên tắc của chữ viết tượng hình là Jean-Francois Champollion, cũng là một sử gia, nhà ngôn ngữ học người Pháp, và nhờ thông thạo cả tiếng Hy La lẫn nhiều ngôn ngữ phương Đông nên đã mau chóng dịch được nội dung của tảng đá vào năm 1822, và 6 năm sau còn hệ thống được toàn bộ danh sách các biểu tượng/ chữ tượng hình Ai Cập ra tiếng Hy Lạp.
Việc tìm thấy tảng đá Rosetta có thể nói là một điều may mắn vô cùng đối với ngành khảo cổ vì chỉ có nó, khoa học mới dịch nổi tiếng Ai Cập cổ đại, song điều may mắn trước nữa là khi người Hy Lạp cổ đại đến đây, nhiều người viết chữ đã học tiếng Hy Lạp và cùng khắc nó với chữ viết tượng hình ở giai đoạn cuối cùng của nền văn minh này. Tảng đá Rosetta chính là một tấm bia ghi sắc lệnh của vua Ptlolemy V (Hy Lạp) tại thành phố Memphis cách đây 2.196 năm.
Sau khi được trưng bày tại một ngôi đền đến thời Trung Cổ, nó đã bị di chuyển nhiều nơi, rồi làm vật liệu cho pháo đài Julien (Rosetta), và một mảng của nó, nặng hơn 756 kg, đã nằm lăn lóc ven đường và lọt vào mắt xanh của chàng sĩ quan quân đội.
Dù dễ hay khó, chữ viết tượng hình vẫn là một hệ thống chữ viết sơ khai của nhân loại, không chỉ đánh dấu sự ra đời của nền văn minh, mà còn rất thú vị, thơ mộng, đầy tính huyền bí. Xưa kia là ngôn ngữ, song hiện giờ nó thường xuất hiện như những họa tiết trang trí đặc sắc ở Ai Cập.
Chu Mạnh Cường
Từ khóa » Chữ Viết Của Người Ai Cập Cổ đại
-
Chữ Tượng Hình Của Người Ai Cập Cổ đại - Báo Khoa Học Và Phát Triển
-
Chữ Viết Ai Cập - Văn Minh Thế Giới
-
Chữ Tượng Hình Ai Cập Cổ đại - LichSu.Org
-
Chữ Tượng Hình Ai Cập Cổ đại Mật Mã Thời Sơ Khai
-
Hé Lộ Cách Giải Mã Chữ Tượng Hình Ai Cập Và Các Ngôn Ngữ Cổ đại
-
8 Sự Thật Về Chữ Viết Tượng Hình Của Ai Cập Cổ đại
-
Văn Chương Và Chữ Viết Ai Cập Cổ đại - Dịch Thuật Lightway
-
Chữ Của Người Ai Cập Là Chữ - Xây Nhà
-
Chữ Viết Của Người Ai Cập Cổ đại
-
Thành Tựu Toán Học Ai Cập Cổ đại - Hànộimới
-
Chữ Viết đầu Tiên Của Người Ai Cập Là Gì? Bí ẩn Thiên Ngữ Hieroglyph?
-
Chữ Tượng Hình Ai Cập. Chữ Tượng Hình Ai Cập Và ý Nghĩa Của ...