Thư Viện Thân Thiện ở Trường Mầm Non Huyện Tuy Phước

Thư viện thân thiện của nhà trường

Trường được xây dựng với những phòng học khang trang, sạch đẹp, đầy đủ các trang - thiết bị đáp ứng cho nhu cầu dạy và học của nhà trường. Cơ sở vật chất đầy đủ, song để phù hợp với môi trường giáo dục mầm non, các cô trong Ban Giám hiệu nhà trường cùng tập thể đội ngũ giáo viên đã không ngừng suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi và bắt tay vào trang trí, cải tạo và xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học xanh– sạch– đẹp, phù hợp với các yêu cầu của trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia.

Một trong những hoạt động được nhà trường đặc biệt quan tâm trong năm học nàyđó chính là triển khai mô hình “Thư viện thân thiện"trong nhà trường. Mô hình này có ý nghĩa thiết thực đối với trẻ, giúp trẻ phát triển nhận thức, tạo cơ hội cho trẻ được tiếp cận với sách báo, tranh ảnh, hình ảnh qua các con vật, sự vật, hiện tượng xung quanh trẻ. Từ đó giúp trẻ hình thành kỹ năng tìm tòi, thích đọc sách, có kỹ năng giữ gìn sách cẩn thận, biết các nhân vật qua các nội dung câu chuyện thông qua giờ hoạt động cô giáo kể trên lớp. Từ đó trẻ được cảm nhận và yêu thích khi được tham gia vào góc thư viện. Ngoài ra khi tham gia vào góc thư viện sẽ hình thành cho trẻ khả năng tự học giúp trẻ có thêm tinh thần trách nhiệm về việc học của bản thân, góp phần giúp nhà trường thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện mầm non, đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngay từ đầu năm học, để nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện, nhà trường đã tổ chức các hoạt động bổ ích nhằm thu hút toàn thể giáo viên, trẻ, phụ huynh cùng tham gia xây dựng mô hình “Thư viện thân thiện”thông qua các hoạt động như: Xây dựng góc thư viện thân thiện của từng lớp, tổ chức ngày hội đọc sách cho trẻ, cô và trẻ cùng làm sách về chủ đề mà trẻ đang học...

Một số hoạt động nổi bật trong việc xây dựng mô hình Thư viện thân thiện trong nhà trường ” được nhà trường tổ chức:

1. Xây dựng môi trường thư viện thân thiện trong lớp và môi trường ngoài lớp đẹp, bắt mắt, an toàn và sáng tạo:

Sách được trưng bày gọn gàng, ngăn nắp trên kệ, ngang tầm với  của trẻ

 

Để xây dựng môi trường thư viện thân thiện trong và ngoài lớp học, nhà trường tập trung chỉ đạo việc làm đồ dùng, trang trí kệ trưng bày sách, truyện tranh cho trẻ... Chú ý tới những màu sắc tươi sáng, hình ảnh trang trí ngộ nghĩnh, bố trí tranh vẽ, hình ảnh sao cho trẻ dễ quan sát, sách được trưng bày cụ thể và gọn gàng, ngăn nắp trên kệ, các kệ để sách thiết kế ngang tầm với trẻ để trẻ dễ lấy và cất sách, tạo điều kiện thuận lợi, thoải mái nhất khi trẻ tiếp xúc với sách và đọc sách....Tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương, dễ kiếm, dễ làm để làm bàn, ghế, thảm cho trẻ khi ngồi đọc sách....

Bố trí không gian yên tĩnh, đủ ánh sáng để trẻ "đọc"

 

Đối với góc thư viện được thiết kế trong lớp học thì bố trí góc thư viện là góc tĩnh để trẻ có khoảng không gian yên tĩnh để “đọc”, nơi đảm bảo đủ ánh sáng để trẻ “đọc”. Vì vậy nhà trường không đặt góc thư viện gần các góc động, góc có nhiều tiếng ồn. Bố trí trưng bày sách, tranh ảnh, truyện phù hợp với trẻ, sách đa dạng theo từng chủ đề cho trẻ dễ tìm hiểu.

2Tổ chức cho trẻ "đọc" sách, truyện:

Về thời gian cho trẻ làm quen với sách: Trẻ có thể làm quen vào giờ hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, giờ ra về, trẻ tự lấy sách, ngồi ngay tại những chiếc bàn nhỏ. Xem xong, trẻ tự xếp sách vào đúng vị trí quy định. Trẻ có thể xem sách, truyện với tư thế thoải mái nhất.

 

Trẻ tự lấy sách và xem sách ở tư thế thoải mái nhất

 

Đối với trẻ chưa biết đọc sách thì cô giáo thường xuyên duy trì việc đọc sách trên lớp cho trẻ, hoặc tham gia đọc sách ngoài trời cùng trẻ. Mỗi cô ở trường mầm non đều có những giọng đọc truyền cảm riêng. Do đó, cô giáo cần tự rèn luyện giọng đọc, giọng kể của mình để lôi cuốn trẻ nghe, từ đó trẻ sẽ hứng thú hơn với việc nghe kể chuyện và đọc truyện, đọc sách. Cô giáo sử dụng mọi sắc thái của giọng nói, ngôn ngữ của cơ thể và các phương tiện đọc biểu cảm khác làm cho câu chuyện có tiếng nói, tạo cho truyện một bức tranh âm thanh sống động tương ứng. Nhiệm vụ của cô giáo khi đọc là giúp cho trẻ có thể nhìn thấy cái đã nghe được, làm cho những bức tranh và những hình ảnh tương ứng hiện lên chân thực và thu vào tầm mắt, gợi lên những tình cảm và cảm xúc nhất định. Qua cách trình bày tác phẩm một cách truyền cảm, giáo viên giúp trẻ dễ dàng hiểu được nội dung câu chuyện, phát triển ở trẻ trí tưởng tượng nghệ thuật, giúp trẻ nhìn thấy được các hình tượng, các khung cảnh, các tình tiết và biết đánh giá chúng đúng đắn. Bằng cách đó, trẻ cảm nhận được nhạc tính trong ngôn ngữ thơ ca mạnh hơn, thụ cảm được tính diễn cảm của ngôn ngữ tinh tường hơn. Đối với trẻ lớn hơn thì các cô hướng dẫn cho trẻ cách chọn sách, cầm sách để đọc. Cần có sự khuyến khích, tuyên dương trẻ khi trẻ chủ động tìm sách để đọc.

Giáo viên thổi hồn vào câu chuyện, giúp trẻ cảm nhận được câu chuyện sinh động hơn

 

Với tiêu chí cho trẻ được học và làm quen với cách đọc sách, làm quen với cách kể chuyện theo tranh và kể chuyện theo sự sáng tạo của trẻ, việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ sẽ trở thành một trải nghiệm đầy thích thú, phát triển ở trẻ thái độ tích cực đối với việc đọc khi trẻ lớn lên. Đọc sách giúp xây dựng kỹ năng lắng nghe và trí tưởng tượng của trẻ được tốt hơn. Những trẻ còn bé sẽ học được về màu sắc, hình dáng, các con số và chữ cái, trong khi những trẻ lớn hơn sẽ khám phá ra việc mở rộng chuỗi kiến thức của mình. Khi tham gia góc thư viện, trẻ được trải nghiệm với cách “đọc” sách và tự kể chuyện sáng tạo qua tranh. Thông qua mô hình “Thư viện thân thiện”, giáo viên có thể tổ chức cho trẻ các hoạt động như đọc sách truyện theo nhóm, bình luận sách theo nhóm, lớp; thi kể chuyện dưới sự hướng dẫn của cô giáo; khuyến khích trẻ sáng tác truyện tranh, sáng tác những câu chuyện ngắn, ý nghĩa…

 3. Sự tham gia của phụ huynh học sinh cùng trẻ đọcsách, truyện:

Để thu hút trẻ đến với thư viện thân thiện, nhà trường thường xuyên thay đổi sách, truyện mới. Giáo viên tổ chức giới thiệu với trẻ và cha mẹ trẻ về những thay đổi của góc thư viện trong đầu ngày đón trẻ, thu hút trẻ đến với thư viện. Để trẻ được xem và làm quen với nhiều loại sách, giáo viên hướng dẫn trẻ chọn sách đúng ý thích. Tuyên truyền và vận động cha mẹ trẻ cùng đọc với trẻ trong giờ đón, trả trẻ hàng ngày.

Phụ huynh cùng tham gia đọc sách với trẻ

 

Giáo viên tích cực tuyên truyền với phụ huynh về việc cùng con đọc sách ở thư viện của trường hoặc cùng con đọc sách ở nhà để hình thành thói quen đọc sách. Giáo dục trẻ sử dụng sách, bảo quản sách với mô hình thư viện thân thiện, tủ sách ngoài trời; rèn cho trẻ thói quen đọc sách theo lịch phân công của nhà trường, tập cho trẻ thói quen cẩn thận không được làm rách, bẩn sách.

4. Huy động mọi nguồn lực cùng quan tâm đến thư viện thân thiện trong trường và nâng cao số lượng, chất lượng các đầu sách trong thư viện trường, lớp.

Bên cạnh việc thiết kế mô hình thư viện, nhà trường đã phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh tích cực vận động, tuyên truyền với phụ huynh, các ban ngành đoàn thể cùng quyên góp, bổ sung thêm vào thư viện trường những quyển sách, truyện hay phù hợp với lứa tuổi mầm non, giúp trẻ có thêm nhiều loại sách mới, lạ, hay để trẻ "đọc".

Với hoạt động thiết kế xây dựng mô hình và tổ chức thư viện thân thiện trong trường mầm non ở Trường Mầm non huyện Tuy Phước bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non và xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, tạo được sự hứng thú cho trẻ để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui của trẻ, góp phần nâng cao được chất lượng giáo dục trẻ của nhà trường.

Một số hình ảnh hoạt động thư viện thân thiện của nhà trường:

 

Võ Trương Thanh Tuyền (Hiệu trưởng trường Mầm non huyện)

Từ khóa » Thư Viện Sách Mầm Non