Thức ăn Cho Cá Lóc Bạn Cần Biết | Farmvina Nông Nghiệp

Hẳn các bạn cũng biết thói quen cố hữu của cá lóc là thích ăn mồi còn sống. Loại mồi này có trong đời sống hoang dã, và trong môi trường sống của chúng vốn rất đa dạng. Lúc còn là cá bột, rồng rồng thì có vô số thức ăn dành cho rồng rồng. Và khi đã trở thành cá tràu, cá lóc thì thức ăn của chúng lại càng phong phú hơn.

Bài viết này chúng tôi muốn giới thiệu với các bạn các loại thức ăn tự nhiên và nhân tạo để nuôi cá lóc, ngoài ra các cần thủ câu cá lóc cũng có thể nghiên cứu để chọn lựa loại mồi câu lóc bén nhất cho mình.

  • Khoá học nuôi cá lóc miễn phí

A. Thức ăn có trong tự nhiên

Trong ao hồ, bàu đìa … nước lưu cữu tù đọng lâu ngày, lại có nhiều cây cỏ thực vật thuỷ sinh là nơi sinh sôi nảy nở hằng hà sa số các loại động vật phù du, tuy nhỏ nhưng lại chứa nhiều chất dinh dưỡng. Đó là chưa nói đến nhiều loại cá nước ngọt nhỏ con khác, hình như trời sinh chúng ra là để làm mồi cho cá lóc.

Cá lóc vốn là giống lớn con, tạp ăn và phàm ăn, nó hung hăng tàn sát các loại cá khác, nếu đó là con mồi vừa với độ rộng của miếng chúng. Trừ giai đoạn cá lóc còn là rồng rồng, thân chỉ bé bằng hạt tấm, hạt gạo.

1. Thức ăn dành cho rồng rồng

Rồng rồng trong ba ngày tuổi đầu đời không ăn thức ăn bên ngoài, vì còn chờ tiêu hết phần noãn hoàng còn nằm trong bụng. Đây là chất bổ dưỡng lại có nhiều kháng sinh giúp cá sơ sinh sống mà không cần ăn uống trong mấy ngày đầu. Từ ngày tuổi thứ tư trở đi, rồng rồng mới trồi lên mặt nước, và từ đó tự túc kiếm mồi tự nhiên để ăn. Chúng không phải vất vả tìm đâu xa, vì trong môi trường sống tự nhiên của chúng, dù đó là kênh rạch, ruộng ao … cũng có vô số loại thức ăn cho chúng như:

  • Lăng quăng: Còn gọi là cung quăng hay bọ gậy. Đây là ấu trùng của muỗi, chúng nổi lên từng đám lớn trên mặt nước ao hồ, mương rãnh, nơi có nước tù đọng và yên tĩnh. Chỉ khi nào bị động chúng mới lặn nhanh xuống đáy, nhưng sau đó lại trồi lên ngay. Đây là thức ăn vừa miệng và không bao giờ thiếu mà rồng rồng rất thích ăn. Vớt lăng quăng nên vớt vào lúc sáng sớm, lúc mặt trời chưa ló dạng mới được nhiều
  • Bo bo: Bo bo còn có tên là con đỏ hay hồng trần. Giống này sinh sôi nảy nở rất nhanh. Chúng nổi lên thành từng đám dày đặc trên mặt nước ao hồ, mương rãnh vào buổi sáng tinh mơ. Rồng rồng rất thích ăn loại động vật phù du có thân còn nhỏ hơn con lăng quăng này. Đời sống của bo bo tối đa chỉ có hai tuần, nhưng chúng sinh sản nhanh lắm. Một cặp bo bo nếu nuôi một năm, sẽ sản sinh ra cả một đàn con cháu, chắt chít lên đến cả trăm tỉ con. Chúng có thể sinh sản bằng hai cách đơn tính và lưỡng tính.

Sinh sản đơn tính là bo bo cái không cần giao phối với bo bo đực mà vẫn đẻ trứng bình thường. Có điều nó đẻ ra mười trứng một lứa thì cả mười trứng đó đều nở ra bo bo cái cả. Những con bo bo cái con này, mỗi con cũng đẻ ra mười trứng, và trứng đó cũng chỉ nở ra toàn bo bo cái mà thôi.

Còn cách sinh sản lưỡng tính là bo bo đực cái giao phối với nhau, cũng sinh ra mười trứng nhưng trứng có thụ tinh. Và những trứng này khi nở ra sẽ có cả đực lẫn cái.

Được biết, trong điều kiện thuận lợi về khí hậu, và môi trường sống tốt (thường là vào mùa mưa), bo bo cái sẽ sinh sản đơn tính. Ngược lại, trong điều kiện khô hạn, thiếu thốn thức ăn (thường vào mùa nắng) bo bo mới sinh sản lưỡng tính. Trứng được thụ tinh có vỏ bọc bên ngoài, có chứa chất dinh dưỡng bên trong, có thể lây lất như vậy trong nắng gió lâu ngày, chỉ chờ có mưa mới chịu nở.

lăng quăng – mồi khoái khẩu của cá lóc

Lăng quăng và bo bo đều dễ nuôi. Nhưng lăng quăng sẽ sinh ra muỗi hại người nên nuôi có hại. Nếu nuôi cá bột hay rồng rồng thì các bạn nên chịu khó tìm đến các mương rãnh vớt lăng quăng về cho chúng ăn. Riêng bo bo thì nên nuôi. Chỉ cần sắm một vài cái xô hay thau cũ (nuôi nhiều thì dùng lu, khạp), vớt bo bo bên ngoài về gây giống. Thức ăn nuôi chúng chỉ là một miếng chuối chín nhỏ bằng lóng tay, hay một chút lòng đỏ trứng luộc cũng đủ cho cả vạn con bo bo ăn được khoảng nửa tháng rồi! Khi nuôi, chúng sinh sản đến đâu ta cứ vớt lên cho cá ăn dần.

  • Bọ độc nhãn: Còn gọi là bọ một mắt, thuộc bộ chân kiếm, lớp giáp xác, ngành chân khớp, mình màu xanh xám và nhỏ gần như mắt thường không nhìn thấy được. Đây là động vật phù du có nhiều trong tất cả mọi môi trường sống của cá lóc, chúng là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho cá bột.
  • Trùng Artemia: Thuộc lớp giáp xác, ngành chân khớp, sống được ở môi trường nước mặn, nước lợ và cả nước ngọt. Loại này sinh sản vô tính và sinh sản quanh năm. Cá bột và rồng rồng thích ăn loại trùng này.
  • Trùn chỉ: Còn gọi là giun ống. Thân trùn chỉ rất nhỏ, có chiều dài khoảng 3cm, thân màu đỏ bầm như huyết. Loại trùn này sống ở ao hồ sông rạch, cuộn lại với nhau thành từng nùi lớn, trong đó có cả trăn cả ngàn con. Rồng rồng và cả cá tràu, cá lóc khi lặn xuống sát đáy ao hồ thường “trúng” loại mồi này, vốn là món mà chúng rất khoái khẩu. Trùn chỉ sống bằng thức ăn hữu cơ đã thối rữa, nên khi bắt hay mua về, trước khi cho rồng rồng ăn ta nên ngâm vào thau nước sạch một vài giờ, sau đó mới vớt ra cho rồng rồng ăn dần.
  • Daphnia: Rận nước Daphnia thuộc bộ râu chỉ, lớp giáp xác, thân nhỏ sống nhiều ở ao hồ và mương rãnh tù đọng, là thức ăn thích khẩu của cá bột và cả rồng rồng.

Ngoài những loại động vật phù du vừa kể, rồng rồng còn tìm được những loại thức ăn béo bổ khác như thuỷ trần, trứng nước, trùng cỏ, trùn bánh xe, giun đốt, giun bùn …

Những loại động vật nhỏ này, có loại mắt thường không trông thấy, vì thân chúng chỉ dài khoảng 0,1 mm mà thôi, nhưng đa số lại chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng của rồng rồng. Vả lại đây lại là thứ thực phẩm mà cá bột cũng như rồng rồng thích ăn.

Do thức ăn của các loài động vật phù du này chủ yếu là các chất động thực vật thối rữa nên rất dễ  nuôi. Chúng lại sinh trưởng rất nhanh, nên nếu có sẵn phương tiện để nuôi như ao hồ mương rãnh, ta có thể nuôi để tạo nguồn thức ăn cho cá.

2. Thức ăn cho cá lóc

Thức ăn có sẵn trong môi trường sống của cá lóc rất đa dạng như cá trê, rô, chép, giếc, sặc bướm, rô phi, lươn, lệch, cua đồng, tôm tép và nhất là ếch nhái … Hễ con mồi nào vừa miệng là làm mồi cho cá lóc cả.

Có thể nói từ ruộng cạn đến ruộng sâu, bất kể những động vật lớn nhỏ gì sống chung với cá lóc đểu là mồi ngon của cá lóc. Ngay đồng loại của nó như cá tràu, rồng rồng, cá lóc lớn cũng không tha.

Cá lóc là một loài cá dữ, và nhanh tăng trọng

Nhờ có hàm răng sắc bén, nhờ vào tính háu ăn, vồ mồi mạnh bạo, nên cá lóc được mệnh danh là giống cá đồng dữ nhất. Do cách ăn mạnh như vậy nên cá lóc rất mau lớn.

Trong ao nuôi cá lóc, người ta thường thả cá rô phi, cá sặc, cá mè trắng và nuôi chung. Nhưng giống cá này sinh sản rất nhanh, sẽ cung cấp mồi sống nuôi cá lóc.

B. Thức ăn nhân tạo

Trước đây ba bốn mươi năm, không mấy ai nghĩ được rằng, cá lóc có thể ăn thức ăn do con người chế biến ra mà sống được. Vì vậy, thời trước thức ăn cho cá lóc trong ao hồ ông bà ta chỉ biết trông cậy vào nguồn thức ăn có sẵn trong môi trường sống của cá lóc mà thôi. Nuôi theo cách đó không ai thả nuôi với mật độ dày. Và cũng vì lẽ đó mà ngành nghề nuôi cá nói chung, cá lóc và ếch nói riêng suốt một thời gian quá dài cứ dậm chân tại chỗ, không sao phát triển mạnh được.

Chuẩn bị cá tạp cho cá lóc ăn

Ngày nay, bắt tay vào việc nuôi cá lóc công nghiệp ta phải tập cho chúng ăn thức ăn tự mình chế biến mới có thể nuôi được số lượng nhiều, nuôi với mật độ dày, trong đó xem thức ăn có sẵn trong môi trường tự nhiên của cá là phụ, còn thức ăn nhân tạo dành nuôi cá lóc hàng ngày mới là thức ăn chính.

Do cá lóc và cá lóc bông chỉ ăn loại mồi tươi sống, mà loại mồi này không phải vùng nào cũng có sẵn quanh năm. Mà dù có ở cận kề các bến cảng, các vựa cá tôm ở chợ đầu mối đi nữa thì giá cả cũng quá đắt. Vì vậy, nếu không đủ điều kiện để nuôi các loại cá mồi thì ta chi còn cách tập cho cá lóc ăn thức ăn chế biến, vừa hạ được giá thành thức ăn, vừa tránh được nạn khan hiếm.

Thức ăn chế biến dành nuôi cá lóc đa phần vẫn là đạm động vật và phần ít đạm thực vật.

Nguồn thức ăn đạm động vật gồm có các loại cá tạp, tôm tép, cua đồng, ốc ma, ốc bươu vàng, đầu tôm, phế phẩm lấy ra từ các lò mổ … tất cả được chế biến thành bột hay xay nhuyễn rồi nấu chín, hoặc có thể cho cá ăn tươi sống.

Nguồn thức ăn đạm thực vật cũng phong phú, như bột bắp, bột gạo, cám tấm tạo, các loại đậu, khoai, sắn và các loại củ quả.

Thức ăn chế biến thường pha trộn theo công thức 70 phần trăm thức ăn đạm động vật và 30 phần trăm thức ăn đạm thực vật. Sau đó nấu chín, để nguội rồi cho cá ăn.

Cho cá lóc ăn thức ăn nhân tạo

Xin được lưu ý các bạn là không chỉ riêng cá lóc không thôi mà các loài chim thú và cá khác cũng vậy, chúng không thể thích nghi ngay được với thức ăn mới lạ có mùi vị lạ. Vì vậy, khi cho cá ăn thức ăn chế biến ta phải có cách tập từ từ để cho vật nuôi quen dần cho đến một lúc nào đó chúng mới chấp nhận thức ăn mới.

Để tập luyện, tuần đầu ta nên tăng lượng thức ăn đạm động vật nhiều hơn, đến tuần kế tiếp bớt dần lại. Tốt nhất là nên tập cho cá ăn từ lúc còn là cá bột, là rồng rồng. Tuy vậy, cũng cần theo dõi thường xuyên đến sức ăn của cá để tuỳ chỉnh gia giảm lượng thức ăn cho hợp lý vào những bữa ăn kế tiếp.

Cá lóc tuy lớn con, tính háu ăn, nhưng tiêu tốn một lượng thức ăn không nhiều. Lượng thức ăn trong ngày của cá lóc cũng từ 8 đến 10 phần trăm so với trọng lượng cá trong ao.

Để tăng một ký thịt, cá lóc tiêu tốn một lượng thức ăn từ 4kg đến 5kg cá rô phi, hoặc từ 5kg đến 6kg thức ăn chế biến mà thôi. Do lẽ đó, ta nên dành cho cá thức ăn có phẩm chất tốt, còn mới, như vậy mới có nhiều chất bổ dưỡng cho cá mau lớn. Và, dứt khoát đổ bỏ những thức ăn đó có mùi ôi thiu mốc hỏng.

Để đỡ một phần chi phí, ta nên tận dụng các nguồn thức ăn cho cá nuôi có sẵn tại địa phương để không bị khan hiếm, giá cả lại rẻ, đỡ tốn hao công của khi di chuyển.

Câu Hỏi Thường Gặp

Nên cho cá lóc ăn thức ăn gì có trong tự nhiên?

Thức ăn dành cho rồng rồng là lăng quăng và bo bo. Thức ăn cho cá lóc trưởng thành rất đa dạng như cá trê, rô, chép, giếc, sặc bướm, rô phi, lươn, lệch, cua đồng, tôm tép và nhất là ếch nhái ... Hễ con mồi nào vừa miệng là làm mồi cho cá lóc cả.

Nên cho cá lóc ăn thức ăn nhân tạo gì?

Thức ăn chế biến dành nuôi cá lóc đa phần vẫn là đạm động vật và phần ít đạm thực vật. Nguồn thức ăn đạm động vật gồm có các loại cá tạp, tôm tép, cua đồng, ốc ma, ốc bươu vàng, đầu tôm, phế phẩm lấy ra từ các lò mổ ... tất cả được chế biến thành bột hay xay nhuyễn rồi nấu chín, hoặc có thể cho cá ăn tươi sống. Nguồn thức ăn đạm thực vật cũng phong phú, như bột bắp, bột gạo, cám tấm tạo, các loại đậu, khoai, sắn và các loại củ quả. Thức ăn chế biến thường pha trộn theo công thức 70 phần trăm thức ăn đạm động vật và 30 phần trăm thức ăn đạm thực vật. Sau đó nấu chín, để nguội rồi cho cá ăn.

Print Friendly, PDF & Email

Từ khóa » Cá Lóc Có ăn Cơm Không