Thức ăn Cho Dê Nuôi Nhốt Và Khẩu Phần Thức ăn Khoa Học, Hợp Lý

Thức ăn có vai trò trọng yếu cung cấp năng lượng cần thiết cho sự tồn tại, phát triển và mọi hoạt động sản xuất của dê. Việc cung cấp đầy đủ thức ăn cho dê nuôi nhốt, bố trí khẩu phần ăn hợp lý theo từng độ tuổi phát triển sẽ giúp chúng tăng trưởng nhanh, sức đề kháng tốt, năng suất cao. 

Nội dung bài viết

  • Nhu cầu dinh dưỡng của dê
  • Nguồn thức ăn cho dê
    • Thức ăn thô xanh
    • Thức ăn thô khô
    • Các loại rau củ
    • Thức ăn ủ chua
    • Thức ăn hỗn hợp
    • Thức ăn bổ sung dinh dưỡng
  • Khẩu phần ăn cho dê
  • Lưu ý khi phối hợp khẩu phần ăn cho dê
  • Tổng kết

Nhu cầu dinh dưỡng của dê

Nhu cầu về vật chất khô (VCK)

Nhu cầu về vật chất khô của dê nuôi nhốt cao hơn nhiều so với các loại gia súc khác như trâu, bò, cừu và phụ thuộc vào từng vùng khí hậu khác nhau, trong đó, dê hướng sữa cần nhu cầu vật chất khô nhiều hơn dê hướng thịt.

  • Vùng khí hậu ôn đới, dê nhốt chuồng cần từ 3 – 6% so với trọng lượng cơ thể.
  • Vùng nhiệt đới, dê cần trung bình từ 2,5 – 4% trọng lượng cơ thể.

Dê trong thời kỳ vắt sữa cần lượng vật chất khô từ 5 – 6% trọng lượng cơ thể. Sau đó giảm dần theo từng giai đoạn.

Thức ăn cho dê nuôi nhốt: Thức ăn thô xanh

Thức ăn thô xanh cho dê nuôi nhốt

Trong thức ăn thô xanh chứa khoảng 20% vật chất khô, còn trong thức ăn tinh có chứa tới 90%. Dựa vào con số này ta có thể tính được số lượng thức ăn cần của mỗi loại. Cụ thể:

  • Thức ăn thô xanh: 1,3kg VCK: 20% = 6,5kg 
  • Thức ăn tinh: 0,7kg VCK: 90% = 0,77kg

Nhu cầu về năng lượng

Nếu nhu cầu về VCK nói lên số lượng thì nhu cầu về năng lượng và protein sẽ là chỉ số về chất lượng thức ăn cần cung cấp cho đàn dê nhốt chuồng.

Nhu cầu về năng lượng của đàn dê sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, trọng lượng cơ thể, giai đoạn sinh trưởng, khả năng cho sữa, điều kiện môi trường sống… Nhu cầu năng lượng sẽ bao gồm: nhu cầu duy trì + nhu cầu trao đổi.

Trong đó, nhu cầu duy trì sẽ thay đổi phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, nó được thể hiện bằng phương trình sau:

ERM = 124 kcal x75 (ERM: Energy Riquirement for Maintenance)

Từ đó, nhu cầu năng lượng trao đổi của dê nuôi nhốt sẽ được tính như sau:

Bảng 1: Nhu cầu năng lượng trao đổi của dê

Trọng lượng cơ thể (kg) Nhu cầu về năng lượng trao đổi (MJ/ngày)
Duy trì (DT) DT trong nuôi nhốt chuồng DT + tăng khối lượng  50g/ngày DT + tăng khối lượng 100g/ngày DT + tăng khối lượng 150g/ngày
10 2,3 2,8 4,0 5,8  7,5
15 3,2 3,8      
20  3,9 4,7  5,5 7,3  9,0
25 4,6 5,5      
30 5,5 6,4 6,8 8,6 10,3
35 5,9 7,1      
40 6,5 9,7 8,0 9,8 11,6
5 7,2 8,6      
50 7,8 9,3 9,0 10,8 12,6
55 8,3 10,0      
60 8,9 10,7 10,3 12,0 13,8

(Nguồn: Decandra và MCleroy – 1982)

Việc cung cấp đầy đủ nhu cầu về năng lượng cho đàn dê nuôi nhốt sẽ góp phần làm tăng hiệu quả các chất dinh dưỡng trong thức ăn.

Thực tế, trong quá trình chăn nuôi, nếu không cung cấp đủ nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng sẽ làm dê bị chậm phát triển, tuổi thành thục kém, suy giảm về trọng lượng cơ thể và lượng sữa tiết ra.

Nhu cầu về Protein

Đàn dê nhốt chuồng cần nhu cầu về protein cho mọi quá trình sinh trưởng phát triển các tổ chức cơ quan của cơ thể, giai đoạn cho sữa, mang thai.

Thông thường, dê con sẽ yêu cầu lượng protein cao hơn dê trưởng thành. Dê cái, đặc biệt là nuôi dê nhốt chuồng lấy sữa cũng sẽ cần lượng protein cao hơn vì nhu cầu protein cho sản xuất sữa phụ thuộc vào hàm lượng chất béo trong sữa.

Nhu cầu về protein của đàn dê cũng bao gồm: nhu cầu duy trì và nhu cầu sản xuất, được xác định bằng đơn vị protein tiêu hóa (DP). Cụ thể như sau:

Bảng 2: Nhu cầu Protein tiêu hóa cho duy trì và sinh trưởng (g/ngày)

Trọng lượng cơ thể (kg) Duy trì (DT) DT + tăng khối lượng  50g/ngày DT + tăng khối lượng  100g/ngày DT + tăng khối lượng  150g/ngày
10 15 25 35 45
20 26 36 46 56
30 35 45 55 65
40 43 53 53 73
50 51 61 71 81
60 59 69 79 89

     Chất khoáng

Nhu cầu về chất khoáng cần thiết cho sự phát triển của khung xương, răng, mô, cần thiết để thúc đẩy quá trình tạo nên các enzyme, hormone và các chất khác của cơ thể.

Thức ăn cho dê nuôi nhốt: Chất khoáng

Bổ sung chất khoáng vào khẩu phần ăn cho dê

Nhu cầu về khoáng chiếm khoảng 5% khối lượng cơ thể, được chia làm 2 nhóm: Khoáng đa lượng và khoáng vi lượng

  • Khoáng đa lượng: Bao gồm Ca, P, K, Na, Mg, S, Cl

Ca và P:  canxi và photpho là 2 thành phần chính hình thành khung xương, răng, mô, tạo sữa. Tỉ lệ của 2 chất này là 2 : 1. Nếu thiếu 2 chất này, đàn dê nuôi nhốt sẽ sinh trưởng kém, ngoại hình xấu xí, không cân đổi, ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra.

Na, và Cl: 2 chất khoáng này thường không có nhiều trong cỏ, vì vậy trong quá trình nuôi nhốt, bà con bổ sung bằng cách cho thêm muối ăn thông thường vào cỏ hoặc có muối ăn dạng tảng liếm.

Mg: rất cần thiết cho hoạt động riêng biệt của hệ thần kinh và hoạt động của men trong cơ thể. 

S: rất cần thiết để tổng hợp protein trong dạ cỏ.

  • Khoáng vi lượng: Bao gồm: Fe, I, Cu, Mg, Zn, Cr, Co, Se

Khoáng vi lượng có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, sinh trưởng, phát triển, mang thai, sinh sản và toàn bộ hoạt động của đàn dê. Cụ thể:

Bảng 3: Nhu cầu về khoáng vi lượng cho đàn dê

Nguyên tố khoáng vi lượng Nhu cầu khuyến cáo trong khẩu phần ăn (mg/kg VCK)
Fe 30 – 40
Cu 8 – 10
Co 0,1
I 0,4 – 0,6
Mg 40
Zn 50
Se 0,1
Mo 0,1

Vitamin

Vitamin chiếm lượng nhỏ nhưng rất cần thiết đối với dê. Mô của dê có thể tự tổng hợp được vitamin C, K. Riêng với vitamin A, D, E, cần bổ sung thêm vào khẩu phần ăn hàng ngày:

  • Vitamin A: 3500 – 11000 UI/con/ngày
  • Vitamin D: 250 – 1500 UI/con/ngày
  • Vitamin E: 50 – 100 mg/con/ngày

Nhu cầu về nước

Nhu cầu về nước uống cho dê nuôi nhốt sẽ phụ thuộc vào giống, thời tiết khí hậu, tỉ lệ nước trong thức ăn, quá trình vận động, mức độ tiết sữa, hàm lượng muối và khoáng trong khẩu phần.

Thức ăn cho dê nuôi nhốt: Nước

Thường xuyên cung cấp nước sạch cho dê uống

Dê cần nhiều nước, tuy nhiên chúng có khả năng tiết kiệm nước bằng cách giảm thải nước tiểu và phân.

Tóm lại, nhu cầu về nước của dê sẽ bằng 4 lần nhu cầu VCK mà dê thu nhận. Vào mùa mưa, độ ẩm cao khi dê ăn thức ăn có chứa 70 – 80% nước thì chúng sẽ không đòi hỏi nhiều nước. Và ngược lại.

Với dê hướng sữa, cứ 1 lít sữa sẽ cần 1,3 lít nước.Nguồn nước cho dê cần đảm bảo sạch sẽ. Máng uống đặt vào vị trí thuận tiện nhất cho dê.

Nguồn thức ăn cho dê

Nguồn thức ăn cho dê nuôi nhốt rất phong phú, bao gồm thức ăn thô, xanh, rau củ quả, thức ăn ủ chua, thức ăn hỗn hợp… Chính vì vậy, để mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao nhất, luôn luôn chủ động nguồn thức ăn, giảm thiểu tối đa chi phí đầu tư thì bà con cần tận dụng triệt để nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên kết hợp trồng các loại cỏ giàu dinh dưỡng, tận dụng tối đa các phụ phẩm của ngành trồng trỏ, công nghiệp chế biến…

Thức ăn thô xanh

Dê có thể ăn được hầu hết các loài cỏ, cây, vào khoảng 170 loại, 80 họ cây. Tiêu biểu:

– Cỏ mọc tự nhiên, thân cây ngô, lá mía, dây khoai lang, lá sắn, các loại cây ăn quả như mít, chuối… lá một số loại cây như xoan, lá xà cừ, lá cắm tai tượng…

– Các loại cỏ trồng như cỏ voi, cỏ ghine, ruzi, cây keo dậu, cây chè khổng lồ, cây so đũa, cây đậu công…

– Cây cỏ hòa thảo: chiếm tỉ lệ thô xơ 27 – 37% VCK, tỉ lệ protein thô 7,5 – 14,5 VCK.

Thức ăn thô khô

Nhóm thức ăn khô gồm các loại cỏ tươi xanh đem phơi khô, rơm rạ lúa khô. Đây là nguồn thức ăn khoái khẩu của dê nuôi nhốt chuồng. Đồng thời, nguồn thức ăn thô khô này cũng sẽ là thức ăn dự trữ quan trọng cho dê khi thời tiết thay đổi thất thường, cỏ tươi khan hiếm.

Đặc biệt, một số thức ăn được phơi khô như lá kẹp dâu, cỏ khô… còn góp phần giảm thiểu ký sinh trùng lây nhiễm, phòng ngừa rối loạn tiêu hóa.

Các loại rau củ

Các loại rau muống, rau lang, rau bèo, rau lấp.. là nguồn thức ăn thô xanh giàu đạm.

Dê có thể ăn được nhiều loại rau củ như cà rốt, bí đỏ, sắn, khoai lang, củ cải, bầu bí… Nhóm thức ăn này tuy có hàm lượng tinh bột cao nhưng nghèo đạm, lipit.

Các loại rau củ sẽ cung cấp nước và năng lượng cho dê. Tuy nhiên một số củ quả, điển hình là sắn có chứa nhiều axit HCN, do đó trước khi cho ăn, bà con cần xử lý trước và không nên cho ăn quá nhiều. 

Thức ăn ủ chua

Ủ chua là phương pháp sinh học đặc biệt để bảo quản thức ăn dạng ẩm vừa khắc phục được tính thời vụ, vừa giúp bà con chủ động được nguồn thức ăn cho đàn dê vào bất cứ thời điểm nào. Ngoài ra, thức ăn ủ chua còn giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng hơn so với thức ăn phơi khô. Cụ thể, tính theo lượng tinh bột, giá trị dinh dưỡng của thức ăn phơi khô bị giảm 50%, còn thức ăn ủ chua chỉ bị giảm 5 – 10%. Do đó, thức ăn ủ chua rất cần thiết trong quá trình nuôi dê nhốt chuồng.

Nguyên liệu dùng để ủ chua là các loại cỏ, bèo tấm, lá mía, thân ngô, cây keo đậu, rơm rạ tươi, lá sắn, phụ phẩm từ dứa, lạc, sắn, điều, cây chè khổng lồ…

Các nguyên liệu này sau khi thu hái về cần được băm nhỏ thành từng đoạn từ 3 – 5cm bằng máy băm cỏ (tùy thuộc vào tổng số lượng đàn dê nuôi nhốt mà bà con lựa chọn máy móc có công suất phù hợp). Bà con chuẩn bị hố ủ chua hoặc túi ủ chua để tiến hành ủ nguyên liệu. Tuy nhiên, túi ủ chua có thể chứa được từ 30 – 50kg cỏ sẽ giúp bà con di chuyển linh hoạt, có thể sử dụng nhiều lần, giá thành rẻ hơn so với việc đầu tư xây dựng hố ủ.

Video sử dụng máy băm cỏ 3A2,2Kw chế biến cỏ cho dê

Cho nguyên liệu đã băm nhỏ vào túi ủ chua trong môi trường yếm khí, nén chặt và đậy kín, duy trì nhiệt độ từ 20 – 60 độ C. Lúc này các vi khuẩn lactic hoạt động sẽ sản sinh nhiều axit lactic làm hạn chế quá trình hoạt động của vi khuẩn gây thối giúp bảo quản thức ăn tươi xanh tốt hơn. Sau 3 tuần ủ chua đã có thể đem thức ăn đó cho vật nuôi.

Thức ăn cho dê nuôi nhốt: Cho dê ăn cỏ ủ chua

Cho dê ăn cỏ ủ chua

Bà con có thể sử dụng một số nguyên liệu bổ sung để tăng chất lượng của thức ăn ủ chua:

Bảng 4: Các nguyên liệu bổ sung chủ yếu

Tên nguyên liệu Liều lượng sử dụng Tác dụng
Rỉ mật đường 3 – 7%

Giúp tăng hàm lượng đường, thúc đẩy nhanh quá trình lên men.

Giúp đàn vật nuôi ngon miệng hơn.

Muối ăn hoặc NaCl/vôi CaCO3 0,5 – 2%

Giúp ngăn ngừa tính trạng khối ủ bị chua quá. 

Giảm sự mất mát của vật chất khô trong thức ăn.

Kích thích ngon miệng.  

Vi sinh vật lên men 3 – 5%

Đẩy nhanh quá trình lên men.

Ngăn ngừa, lấn át các vi sinh vật gây thối hoạt động.

Kích thích ngon miệng.

Đạm urê 0,25 – 0,5%

Tăng hàm lượng  chất đạm trong thức ăn Hạn chế được sự phân hủy của protein trong thức ăn.

(Lưu ý, đạm urê chỉ dùng trong trường hợp thức ăn ủ chua có hàm lượng đường cao).

Bảng 5: Giá trị dinh dưỡng của một số loại thức ăn ủ chua đối với dê

Tên thức ăn Năng lượng trao đổi (Kcal)
Thân cây lạc ủ chua 433
Cây ngô non ủ chua 489
Vỏ, ngọn dứa ủ chua 273

Thức ăn hỗn hợp

Nguồn thức ăn hỗn hợp của dê nhốt chuồng được sản xuất từ sự kết hợp của nhiều loại thức ăn tinh, thô, nguyên liệu bổ sung để cung cấp năng lượng, giúp gia súc dễ tiêu hóa. Bà con có thể tận dụng nguyên liệu sẵn có để tiết kiệm tối đa chi phí.

Nguyên liệu chủ yếu:

  • Cám gạo, cám ngô, cám mì có chứa hàm lượng VCK lên tới 85 – 90%. 
  • Bã đậu phụ, đậu xanh, bã bia rượu… Bã khô chứa tỉ lệ nước ít, đạm thô nhiều và ngược lại. 
  • Rỉ mật đường, chế phẩm vi sinh

Bà con có thể phối trộn các loại nguyên liệu trên theo tỉ lệ thích hợp sau đó cho vào máy ép cám viên để ép thành viên cám làm thức ăn cho dê nuôi nhốt. Cám viên tự chế vừa rẻ, sạch lại là thức ăn dự trữ quan trọng giúp bà con tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm trên 30% chi phí chăn nuôi. 

Thức ăn bổ sung dinh dưỡng

Bao gồm: bột cá, bột xương, bột sò, bột cacbonat canxi (bổ sung chất khoáng), đạm urê (bổ sung hàm lượng đạm)… 

>> Xem thêm: Kỹ thuật nuôi dê nhốt chuồng

Khẩu phần ăn cho dê

Dê từ 1 ngày – 1 tuần tuổi

Dê con sau sinh 20 – 30 phút cần bú sữa mẹ ngay. Từ 1 – 7 ngày sau sinh tiếp tục bú sữa mẹ. Đây là giai đoạn sữa dê mẹ nhiều dinh dưỡng nhất nên sẽ cung cấp cho con các loại vitamin và dưỡng chất cần thiết để chống chọi với yếu tố gây bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu hóa. Cho dê con bú từ 3 – 4 lần/ngày. 

Từ ngày thứ 5 sau khi sinh, có thể cho dê con tập bú bình hoặc uống sữa bằng xô, chậu giúp giảm nhân công trong quá trình nuôi nhiều dê con. Lượng sữa bú bình từ 1 – 1,5 lít/ngày.

Dê 1 tuần – 3 tháng tuổi

Tiếp tục cho dê bú bình hoặc uống sữa trong xô, chậu đến ngày thứ 15 sau sinh.

Thời gian này, bà con có thể vắt lấy sữa dê mẹ nhưng từ 15 – 45 ngày tuổi, cần đảm bảo lượng sữa của dê con 450 – 600ml/con/ngày. Từ 45 – 90 ngày tuổi, lượng sữa giảm 400ml/con/ngày.

Bắt đầu tập cho dê con ăn một số loại thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, bột đậu tương, ngô rang nghiền thành bột, các loại cỏ non, lá non. Khẩu phần ăn theo từng giai đoạn phát triển như sau:

  • Dưới 3 tuần tuổi: 450 – 600ml sữa
  • Từ 22 – 45 ngày tuổi: 500ml sữa + 30 – 35g thức ăn tinh + 0,3kg cỏ non xanh
  • Từ 46 – 90 ngày tuổi: 400ml sữa + 50 – 100g thức ăn tinh + 0,3 – 0,5kg cỏ xanh.

Giai đoạn này, nếu dê con chậm phát triển, còi cọc, bà con cần bổ sung thêm premix khoáng, vitamin A, D, E, B…

Dê 3 tháng – 10 tháng tuổi

Cung cấp đầy đủ lượng thức ăn thô xanh, các loại củ quả, thức ăn ủ chua cho dê phát triển. Khẩu phần:- 0,7 – 1kg thức ăn thô xanh – 0,3 – 0,5kg củ quả

Dê lấy thịt trưởng thành

Thức ăn cho dê thịt giai đoạn này rất quan trọng. Đàn dê được lựa chọn để nuôi vỗ béo cần đảm bảo yêu cầu:

  • Dê đực: thiến giống từ lúc được 3 tuần tuổi.
  • Đàn dê cần được tẩy giun sán trước
  • Thời gian nuôi dê công nghiệp lấy thịt chỉ nên kéo dài từ 1- 3 tháng.

Cách vỗ béo cho dê là cần cung cấp đủ thức ăn, nước uống, đặc biệt chú trọng các loại thức ăn giàu năng lượng. Khẩu phần hàng ngày:

  • Thức ăn thô: 4 – 5kg 
  • Thức ăn tinh: 0,4 – 0,6kg

Dê cái vắt sữa

Dê cái chuyên hướng sữa hoặc dê cái nuôi kiêm dụng vừa cho thịt vừa cho sữa, yếu tố dinh dưỡng chiếm vị trí đặc biệt  quan trọng. Bà con cho dê ăn các loại thức ăn thô, xanh có chất lượng tốt như cỏ voi, lá mít, keo dậu. Bổ sung thêm thức ăn tinh hỗn hợp có hàm lượng đạm thô từ 15 – 17%, các vitamin, premix khoáng.

Tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể và năng suất sữa hàng ngày, khẩu phần ăn của dê cái vắt sữa như sau:

Bảng 6: Khẩu phần thức ăn cho dê cái vắt sữa

Loại thức ăn Lượng thức ăn (kg) tính theo trọng lượng cơ thể và năng suất sữa
Khối lượng 30kg, năng suất 1kg sữa/ngày Khối lượng 30kg, năng suất 2kg sữa/ngày Khối lượng 40kg, năng suất 1kg sữa/ngày Khối lượng 40kg, năng suất 2kg sữa/ngày
Cỏ lá xanh 3,0 3,5 3,5 4,0
Lá mít/ keo dậu 1,0 1,5 1,5 2,0
Thức ăn tinh 0,3 – 0,4 0,4 – 0,6 0,4 – 0,6 0,6 – 0,8

Dê cái cạn sữa và đang có chửa

Thời gian mang thai của dê cái kéo dài từ 145 – 175 ngày. Thời gian này, bà con cần cung cấp đủ thức ăn, nguồn dinh dưỡng, đặc biệt 2 tháng cuối để đảm bảo cho bào thai phát triển, dê cái cho nhiều sữa.

Bảng 7: Khẩu phần thức ăn cho dê cái cạn sữa và đang có chửa

Thức ăn (kg/con/ngày) Ba tháng chửa đầu tiên Hai tháng chửa cuối cùng
Thức ăn thô 3 – 5 4 – 6
Thức ăn tinh 0,3 – 0,5 0,4 – 0,6
Thức ăn củ quả 0,5 0,5

Dê đực giống

Nuôi dê đực giống cần phải nhốt tách riêng dê cái. Khẩu phần thức ăn hàng ngày cho dê đực giống:

Bảng 8: Khẩu phần thức ăn cho dê đực giống

Nguyên liệu Khẩu phần (kg/con/ngày)
Các loại cỏ 4
Lá cây giàu chất đạm 1,5
Thức ăn tinh 0,4

       Nếu phối giống 2 lần/ngày, bà con cần tăng thêm 0,3kg giá đỗ hoặc từ 1 – 2 quả trứng để cung cấp năng lượng.Chú ý bổ sung thêm các chất khoáng vi lượng, khoáng đa lượng thông quá tảng đá liếm. 

Dê hậu bị

Đối với dê cái nuôi hậu bị, thời gian kéo dài từ 4 – 5 tháng tính từ sau khi cai sữa đến khi dê có chửa lần đầu.

Đối với dê đực, thời gian nuôi hậu bị kéo dài từ 8 – 9 tháng từ sau khi cai sữa đến khi sử dụng để phối giống.

Khẩu phần thức ăn cho dê hậu bị giai đoạn này:

  • Thức ăn thô: 2- 5kg
  • Thức ăn tinh: 0,2 – 0,5kg
  • Thức ăn củ quả: 0,4kg

Giai đoạn nuôi hậu bị, bà con hạn chế sử dụng các loại thức ăn giàu năng lượng như ngô, sắn, gạo để tránh dê hậu bị béo nhanh quá mức sẽ làm giảm khả năng sinh sản về sau. 

Lưu ý khi phối hợp khẩu phần ăn cho dê

Dê con mới tập ăn thì nguồn thức ăn hỗn hợp nên được nấu chín do giai đoạn này, hệ tiêu hóa của dê con chưa hoàn thiện.

Chuyển từ bú sữa mẹ sang nuôi hậu bị, dê con thường bị “khủng hoảng” dễ mắc các bệnh về tiêu hóa như chướng bụng, đầy hơi, ỉa chảy. Do đó nguồn thức ăn phải sạch sẽ, có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng tốt, bảo quản nơi khô ráo thoáng mát, không bị ẩm mốc, ôi thiu.

Nên phối hợp đa dạng nguồn nguyên liệu, chế biến theo nhiều phương thức như: ủ chua, ủ xanh, làm khô và bột cỏ, ủ khô, làm tảng bánh dinh dưỡng, làm cao rau… thức ăn hỗn hợp có thể sản xuất cám viên… Trong kỹ thuật nuôi dê nhốt chuồng, không nên cho chúng ăn một loại thức ăn sẽ gây nhàm chán, bỏ ăn, hấp thụ kém, năng suất giảm.

Tuyệt đối không thay đổi đột ngột khẩu phần ăn sẽ khiến hệ tiêu hóa của dê bị “sốc”. Thời gian thay đổi khẩu phần ăn kéo dài từ 3 – 5 ngày.

Mùa đông, dê cần nhiều năng lượng để giữ ấm, vì vậy bà con cần bổ sung lượng thức ăn khô trong khẩu phần ăn của chúng.

Nếu sử dụng rỉ mật đường bổ sung trong khẩu phần ăn thì không sử dụng quá 0,5kg/con/ngày.

Đạm urê chỉ sử dụng cho dê trưởng thành, không nên hòa vào nước cho uống.

Trong kỹ thuật nuôi dê nhốt chuồng, bà con cần lưu tâm đến cách làm chuồng dê và cách bố trí máng thức ăn, nước uống. Máng ăn treo cao cách mặt sàn 0,2 – 0,5m, đủ dài để đựng thức ăn cho cả đàn dê cùng ăn một lúc, không rơi vãi ra ngoài.

>> Xem thêm: Một số bệnh thường gặp ở dê

Tổng kết

Như vậy ở bài viết trên đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Tuấn Tú đã giúp bà con tổng hợp tất cả các vấn đề liên quan đến thức ăn cho dê nuôi nhốt, khẩu phần ăn theo từng giai đoạn phát triển. Hi vọng những kiến thức trên đây sẽ giúp bà con chăm sóc đàn dê nhốt chuồng hiệu quả, ít bệnh, tăng trưởng nhanh, cho năng suất cao, thu nhập ổn định.

mũi tên

Thông tin dịch vụ tư vấn khách hàng:

Công ty CPĐT Tuấn Tú

VPGD Miền Bắc: Số 2, ngõ 2, đường Liên Mạc, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Hotline: 02422050505 – 0834050505 – 0914567869

Email: may3a.info@gmail.com

Chi nhánh Miền Nam: 129/17D Đường Lê Đình Cẩn, Khu phố 6, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. HCM

Hotline: 0945796556 – 0984930099

Email: maychannuoivn@gmail.com

Website: https://may3a.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/maynhanong/

Cảm ơn quý khách đã đồng hành cùng chúng tôi!

Từ khóa » Dê Có ăn Rơm Không