Thức Ăn Dành Cho Chim Trĩ
Có thể bạn quan tâm
Trước tiên chúng ta ôn lại một chút về lịch sử phong trào nuôi chim trĩ ở nước ta, đã một thời mọi người đâu đâu cũng xôn sao về việc nuôi chim trĩ và hiệu quả của chim trĩ mang lại, và rồi người ta đổ xô đi nuôi chim trĩ bất chấp trên thị trường thời đó chưa có tài liệu hướng dẫn nào. Người ta nuôi chim trĩ dựa vào kinh nghiệm nghe nói được mà thôi. Cuối cùng thì phong trào ấy cũng qua đi và giờ người ta vẫn biết về chim trĩ nhưng khí thế không còn được như vậy nữa.
Thời đó người ta đua nhau nuôi chim trĩ mà không hề biết phải cho chim trĩ ăn thức ăn gì để sống, nhất là chim trĩ con.
Với chim trĩ trưởng thành thì cho ăn lúa, vì nghĩ đơn giản là loài chim trĩ cũng ăn như vây gà, mà gà ăn gì thì chắc chim trĩ cũng ăn như vậy. May mà chim trĩ cũng thích ăn lúa, nhưng kết quả là chim mái đẻ mỗi lứa chỉ được vài quả trứng mà thôi. Trứng vẫn có trống, đem ấp vẫn nở ra con nên ai cũng mừng, cũng tin là giống này nuôi không khó.
Chỉ đến khi chim trĩ con nhà nào cũng lăn ra chết, không ai cứu được con nào thì lúc đó dân nuôi chim trĩ thời đó mới tá hỏa. Chim Trĩ con vừa ra khỏi vỏ ai cũng thích, hàng ngày rải tấm gạo cho ăn nhưng con nào cũng không chịu mổ lấy 1 hột! Càng đói chúng càng uống nhiều nước, độ vài ngày sau thì con nào cũng có dấu hiệu kiệt sức rồi lăn ra chết! Lý do đơn giản là chim mới nở không biết ăn tấm gạo, trong khi giới chim trĩ thời đó lại nghĩ đơn giản một điều: “Trĩ con cũng như gà con, mấy ngày tuổi đầu đời cho chúng ăn tấm gạo là hợp lý. Và rồi cuối cùng ai cũng chuốc lấy thất bại.
Thức ăn nuôi chim trĩ cần được tìm hiểu kỹ lưỡng.
Khổ nỗi lúc đó phong trào nuôi gà công nghiệp chưa xuất hiện tại nước mình, nên cám viên hỗn hợp (thức ăn nuôi chim trĩ ngày nay) thiên hạ còn chưa ai biết, lấy đâu việc mua và sử dụng máy ấp trứng.
Nhớ lại, đến khi chúng tôi tìm ra được thức ăn đạm thực vật nuôi sống được chim trĩ con, chưa kịp mình thì liền đó phong trào nuôi gà công nghiệp bắt đầu trỗi dậy nên việc nuôi trĩ không còn ai màng đến nữa.
Ngày nay, thức ăn căn bản để nuôi trĩ chính là cám viên hỗn hợp dành nuôi gà công nghiệp mọi lứa tuổi:
• chim trĩ con cho ăn cám viên của gà con
• Chim trĩ thịt thương phẩm cho ăn cám viên của gà hậu bị, gà giò
• Chim trĩ đẻ cho ăn cám viên của gà đẻ
Nuôi chim trĩ mọi lứa tuổi bằng cám viên hỗn hợp rất tốt, vì trong cám có đầy đủ những chất bổ dưỡng rất cần cho sự sinh trưởng và phát triển của Chim Trĩ như:
Chất đạm: có hai loại: đạm thực vật và đạm động vật.
Đạm thực vật có trong lúa, bắp, các loại đậu như đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu nành … Đạm thực vật còn có trong bánh dầu phộng, bánh dầu dừa.
Đạm động vật thì có nhiều trong bột thịt, bột cá, bột sữa … các loại côn trùng như trùn, dế, cào cào, và các loài sâu bọ khác.
Chất đạm rất cần thiết cho trĩ mọi lứa tuổi, như trĩ con mà khẩu phần ăn thiếu chất đạm chúng sẽ, chậm lớn; trĩ trống trở nên lù khù, chậm chạp, lười đạp mái; còn trĩ mái sinh sản kém, trứng bé …
Chất bột đường: còn gọi là tinh bột, có nhiều trong lúa, bắp, tấm cám gạo, các loại đậu …
Chất bột đường có chức năng cung cấp nhiệt lượng và nhiệt năng cho trĩ mọi lứa tuổi.
Nhưng, xin được lưu ý là nếu trĩ được cho ăn quá nhiều tinh bột trong khẩu phần ăn của chúng trong thời gian dài thì sẽ mau béo vì tích chứa nhiều mỡ. Trĩ thịt thì nhiều mỡ khách hàng chê, chim trĩ trống thì đi đứng phục phịch nặng nề, lười phối giống; còn trĩ mái thì năng suất trứng giảm, nhiều con không đẻ luôn.
Ngược lại, nếu khẩu phần của trĩ thiết chất bột đường thì con nào cũng ốm yếu, chậm lớn. Lý do là số mỡ dự trữ trong cơ thể của chúng có từ trước sẽ bị tiêu mòn dần để tạo ra nhiệt năng, nhiệt lượng giúp chúng sống.
Chất béo: Công dụng của chất béo đối với sự sinh trưởng của Chim Trĩ cũng giống như chất tinh bột vừa nói trên. Vì chất béo cũng có chức năng cung cấp nhiệt lượng và nhiệt năng giúp trĩ sống sởn sơ, khoẻ mạnh và mập mạp.
Đối với chim trĩ, trong khẩu phần ăn của chúng chất béo chỉ chiếm 3% là vừa, vì nếu ăn quá nhiều chất béo trong thời gian dài trĩ sẽ không tiêu hoá hết nên dễ bị tiêu chảy.
Chất khoáng: Trong chất khoáng có hai chất quan trọng là chất vôi (có nhiều trong vỏ ốc, vỏ sò) và chất lân (có nhiều trong bột xương, bột cá, nang mực).
Công dụng của chất khoáng là bồi bổ xương cốt cho chim trĩ mọi lứa tuổi, nhờ đó mà chim trĩ khoẻ mạnh, sinh trưởng tốt, tăng trọng nhanh.
Chất khoáng có nhiều trong vỏ ốc, vỏ sò, vỏ trứng, bột xương, bột cá, nang mực, vôi chết và muối ăn.
Trĩ con, trĩ lứa nếu khẩu phần ăn hàng ngày đủ chất khoáng sẽ khoẻ mạnh, tăng trọng nhanh. Trĩ mái ăn đủ chất khoáng sẽ đẻ sai, trứng lớn, vỏ dày.
Vitamin: Trong thức ăn của chim trĩ đòi hỏi phải có các loại vitamin A, B, D, E. Vì nếu ăn thiếu các loại vitamin này, trĩ mọi lứa tuổi sẽ ốm nhom gầy còm. Ngược lại, nếu khẩu phần ăn hàng ngày có đủ các loại vitamin cần thiết đó thì trĩ con sẽ mập mạnh, mau lớn; trĩ trống sung sức, năng động, phủ mái hăng; trĩ mái đẻ sai, trứng lớn và tỷ lệ trứng nở khá cao.
• Vitamin A: Có nhiều trong dầu gan cá morue, trong lúa nẩy mầm, bắp vàng, cà rốt, khoai lang, bí, bí đỏ, ray muống, và các loại rau củ tươi non.
o Thiếu vitamin A trĩ sẽ bị các bệnh về mắt, như mắt bị sưng híp, chảy nước mắt, niêm mạc ở mắt nổi nhiều mụn gây đau nhức khiến trĩ không thấy đường nên đứng yên một chỗ không màng đến ăn uống và kiệt sức dần mà chết. Thiếu vitamin A trầm trọng trĩ sẽ bị mù.
• Vitamin B: Có nhiều trong lúa nẩy mầm, cám gạo, các loại đậu, thịt cá, tôm và trong rau cỏ tươi non … Khẩu phần ăn nếu thiếu vitamin B lâu ngày trĩ sẽ bị nổi mụn ở mí mắt, niêm mạc miệng và vòm miệng gây đau nhức nên không màng đến ăn uống. Nếu bệnh nặng thì đầu trĩ sẽ vẹo sang một bên, có con gục đầu xuống đất, hoặc chân co rút bại liệt khiến nằm mãi một chỗ và kiệt sức dần mà chết do đói khát …
• Vitamin D: rất quan trọng đối với đời sống của Chim Trĩ mọi lứa tuổi, vai trò của nó cũng giống như vitamin A vậy. Vitamin D có nhiều trong sữa, dầu gan cá, và được tổng hợp dưới tác dụng của tia cực tím trong ánh nắng ban mai. Nếu trĩ hàng ngày được thả ra sân nắng (hay chuồng hướng về hướng đông), chúng sẽ tổng hợp được nhiều vitamin D. Khẩu phần ăn của chim trĩ nếu thiếu vitamin D thì khung xương của trĩ con sẽ mềm yếu, lườn vẹo, chân yếu nên đi đứng khó khăn. Trĩ mẹ ăn thiếu vitamin D thì năng suất trứng giảm, trứng nhỏ, vỏ trứng mỏng. Trường hợp nặng hơn, trĩ mái sẽ bị bại xuội, đói cũng không lết được tới máng ăn, máng uống nên nằm một chỗ kiệt sức dần mà chết.
• Vitamin E: Có nhiều trong giá đậu, lúa nẩy mầm, bắp vàng, các loại đậu và rau cỏ tươi non.
o Khẩu phần ăn của trĩ mọi lứa tuổi nếu thiếu vitamin E thì chân chúng sẽ yếu, đi đứng khó khăn, có con đứng không vũng té lên té xuống. Trĩ nào bệnh nặng thì vẹo cổ, đầu niểng sang một bên, sau đó bại liệt nằm cú rủ tại chỗ. Trĩ trống ăn thiếu vitamin E, biếng đạp mái, trứng thiếu cồ. Còn trĩ mái mà thiếu vitamin E trầm trọng sẽ sinh sản kém, có mái còn ngưng đẻ …
Trong cám viên hỗn hợp, mỗi thành phần thức ăn vừa đề cập đều được pha trộn với tỷ lệ hợp lý cho từng lứa vật nuôi. Có điều với trĩ được hai tháng tuổi trởi lên, ta nên pha vào cám viên hỗn hợp chừng 20% lúa, còn trĩ đẻ thì tăng tỷ lệ lúa lên ba bốn chục phần trăm, vừa hợp khẩu vị của chúng lại vừa sinh sản tốt, tránh bị chứng nân vì quá mập.
Cho Chim Trĩ ăn theo rau xanh để bổ sung các vitamin cần thiết
Ngoài khẩu phần ăn đầy đủ có các thành phần bổ dưỡng ở cám viên hỗn hợp ra, hàng ngày ta nên cho trĩ ăn bổ sung thức ăn đạm động vật, khoáng vi lượng và rau cỏ tươi, nhờ đó trĩ nuôi mới có điều kiện để sinh trưởng tốt hơn. Chúng ta cũng biết trong rau cỏ tươi non có nhiều vitamin và chất xơ, giúp bao tử trĩ hoạt động tốt hơn. Nếu ăn thiếu rau cỏ tươi non, trĩ nuôi chuồng sẽ sinh tật cắn mổ nhau, ăn lông lẫn nhau …
Cách cho Chim Trĩ ăn
Nuôi Chim Trĩ cũng giống như nuôi các giống gia cầm khác, ta có nhiều cách cho ăn:
1. Cho ăn theo bữa: Theo cách này, hàng ngày ta cho chim trĩ ăn hai bữa: sáng và chiều. Tới bữa ăn, đúng vào giờ nhất định, ta mới cho trĩ ăn. Thức ăn đổ vào máng chừng vừa đúng khẩu phần của mỗi con. Cho ăn theo cách này thức ăn còn lại sau bữa ăn không nhiều nên không bị hư hao, ôi mốc, đỡ tốn kém, nhưng lại tốn nhiều công sức và thì giờ. Thường khi nuôi trĩ trong chuồng đơn, người ta mới áp dụng cách cho ăn theo bữa.
2. Cho ăn tự do: Theo cách này, mỗi sáng ta đến chuồng trĩ đổ thức ăn đầy máng cho chúng ăn thoả thích. Cả ngày hễ đói là chúng tìm đến máng ăn no nê vì lúc nào thức ăn cũng có sẵn. Tá có thể liệu định cho trĩ ăn từng ngày một hoặc nhiều ngày liền để đổ đủ số lượng cám viên vào các máng tự động. Đến ngày thức ăn hết thì đến châm thêm.
Ngoài các bữa ăn chính, lúc chiều tối ta cũng nên cho chim trĩ ăn thêm bữa ăn bổ sung với thức ăn là rau cỏ tươi non cho đủ chất.
Nước uống cho Chim Trĩ
Do ăn cám viên nên trĩ cần uống nhiều nước mới đã khát. Nước cho trĩ uống là nước ngọt trong sạch dùng cho người uống mới tốt. Máng nước cần được treo cao ngang tầm ức của chim trĩ, như vậy bụi bặm cùng các thứ lót dưới nền chuồng như vỏ trấu, cát khó có thể văng vào gây ô nhiễm nước uống. Nên cung cấp đầy đủ nước uống cho trĩ, sao cho máng nước lúc nào cũng đầy để trĩ được uống thoả thích. Tốt nhất, ngày hai lần nên châm thêm nước vào đầy máng.
Thiếu nước uống trĩ bị khát nên biếng ăn chậm lớn. Hàng ngày, trước khi châm nước mới, ta nên cọ rửa máng sạch sẽ, như vậy mới hợp vệ sinh.
Cách trộn chất khoáng
Nuôi nhốt chim trĩ trong chuồng trại cần phải cho ăn khoáng chất đầy đủ thì chúng mới sống khoẻ mạnh, sinh sản tốt.
Công thức pha chế khoáng chất gồm có các chất và thành phần sau đây:
• Cát: 25%
• Đất đỏ Biên Hoà: 25%
• Than chết:35%
• Muối bọt: 1%
• Muột hột: 1%
• Đường cát: 1%
• Vỏ hàu: 1%
• Bột cỏ cú: 1%
• Bột cam thảo: 1%
Cách làm:
• Sàng cát cho sạch rác và tạp chất, sau đó đem ngâm vào thau nước rửa sạch vài lần rồi phơi khô.
• Đất đỏ đập nhỏ, phơi khô rây lấy bột mịn.
• Than mua về đem nung thật đỏ, để nguội, giã nát rồi rây lấy bột mịn. (Ba thứ trên đây bỏ vào chảo rang kỹ để tiệt trùng)
• Muối hột giã nhỏ
• Vỏ hàu nướng lên rồi giã nhỏ, rây lấy bột.
Tất cả 9 vị đem cân theo đúng tỷ lệ của công thức đã đề ra rồi trộn vào nhau đem cất dùng dần … Một lần trọn, có thể để dành cho chim ăn cả năm, miễn là đừng để nơi ẩm ướt.
Giữ vệ sinh thức ăn, nước uống
Thức ăn, nước uống là thực phẩm nuôi sống Chim Trĩ, nếu đó là thức ăn chứa nhiều chất bổ dưỡng lại có hương vị thơm ngon. Còn nếu nuôi trĩ bằng thứ thức ăn quá cũ không còn chất bổ dưỡng, lại còn ôi mốc thì thức ăn đó là thứ độc hại, sẽ giết chết trĩ, không thức khắc cũng từ từ.
Vì lẽ đó, ta nên nuôi trĩ bằng thức ăn mới được pha trộn, mới được chế biến không lâu, còn thơm ngon, còn bổ dưỡng mới tốt. Những thức ăn cũ đã bị ôi mốc nên đổ bỏ đừng tiếc. Vì nếu tiếc của, nếu ham rẻ mà nuôi trĩ bằng thức ăn cũ này, đâu khác gì ta cố tình ra tay đầu độc đàn trĩ quý mình đang nuôi?
Điều này cũng có nghĩa là những thức ăn còn thừa lại trong máng ăn sau bữa tối của Chim Trĩ nên đổ đi hết. Ngay cái máng ăn đó cũng cần cọ rửa kỹ với nước sạch trước khi đem phơi nắng để tiệt trùng rồi sử dụng lại mới tốt.
Vì rằng nếu số thức ăn thừa trong máng để qua đêm mà không được đậy điệm kỹ sẽ bị chua mốc, lên men, và chắc gì không bị các loài chuột, gián dơ bẩn bên ngoài bò vào ăn và phóng uế trong đó? Thử hỏi mớ thức ăn dư thừa đó sau một đêm không đậy điệm thì lấy gì bảo đảm còn tinh khiết đây?
Với thức ăn là cám viên nuôi Chim Trĩ, ta chỉ nên mua trữ cho trĩ ăn dần trong vòng một vài tuần. Cám mua về nên chứa trong lu khạp có nắp đậy và đặt và đặt vào chỗ cao ráo thoáng mát, như vậy mới không bị ôi mốc.
Nước cho trĩ uống cũng vậy, phải là thứ nước ngọt và sạch.
Nuôi trĩ con trong vòng vài tuần tuổi, nhiều người còn kỹ tính lo nấu nước sôi để nguội rồi mới đổ vào máng cho trĩ uống.
Cũng như thức ăn, nước cho trĩ uống lúc nào cũng phải đổ đầy máng, hễ thấy cạn thì châm thêm cho đầy. trĩ chưa chết đói, nhưng thiếu nước uống một ngày trĩ con sẽ chết khát, còn trĩ trưởng thành mau kiệt sức, còn trĩ mái thì ngưng đẻ trứng …
Tóm lại, hằng ngày sau bữa ăn tối, thức ăn còn thừa trong các máng ăn nên gom lại đổ bỏ hết. Nước uống dư thừa cũng đổ bỏ hết. Máng ăn, máng uống phải rửa kỹ trước khi sử dụng lại.
Trại Chim Trĩ Thành Công - 08 39 79 2255
Từ khóa » Trĩ Mái
-
Chim Trĩ đỏ Mái Tơ
-
Kỹ Thuật Nuôi Chim Trĩ ( Phần 1)
-
Trĩ Mái - Nướng Phi Tần
-
Cách Phân Biệt Trống Mái ở Chim Trĩ | Chim Trĩ Thả Vườn - YouTube
-
Bí Quyết Nuôi Trĩ đỏ: 1 Trống "cặp" 3 Mái Là... Vừa đẹp - Dân Việt
-
Chim Trĩ 'siêu' Mắn đẻ, Nuôi Chúng được Ví Như 'máy In Tiền'
-
Cách Phân Biện Trống Mái Chim Trĩ
-
Bán Chim Trĩ đỏ Giống Chuẩn Giá Rẻ
-
Cách Phân Biệt Chim Trĩ Xanh Mái - Nuoitrong123
-
Kỹ Thuật Nhân Giống Chim Trĩ
-
Chim Trĩ Có đặc điểm Gì? Cách Chăm Sóc Và Chọn Chim Giống
-
Chim Trĩ đỏ Là Loại Chim Gì? Nuôi Như Thế Nào? Giá Bao Nhiêu? Ở ...
-
Bán Chim Trĩ Đỏ, Chim Trĩ Giống-0925639185-Chim Trĩ Mái Sắp Đẽ ...