Thúc đẩy Chống Sa Mạc Hóa Và Giảm Bớt Hạn Hán

Những thiệt hại nặng nề

Chú thích ảnh
Cảnh khô hạn tại Bojonegoro, Đông Java, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo được Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU - C3S) công bố ngày 8/1/2021, xu hướng nền nhiệt toàn cầu không ngừng tăng lên khi thế giới ghi nhận 6 năm qua là những năm nóng nhất trong lịch sử. Riêng trong năm 2020 nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,25 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đề ra mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C (có thể chấp nhận mức tăng 1,5 độ C) nhằm tránh những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Báo cáo dựa trên các dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu cũng cho thấy trong năm qua một số khu vực đã trải qua nền nhiệt cao vượt qua các mức nhiệt trung bình toàn cầu. Tháng 8 vừa qua, mức nhiệt được ghi nhận tại Thung lũng Chết ở sa mạc Mojave, bang California (Mỹ), đã có thời điểm lên đến 54,4 độ C. Sau khi trải qua một mùa Thu và Đông ấm bất thường, châu Âu đã xác nhận 2020 là năm nóng nhất trong lịch sử khu vực, với nhiệt độ trung bình cả năm cao hơn 2,2 độ C so với mức tiền công nghiệp và hơn gần 0,5 độ C so với năm 2019 vốn từng được xem là năm nóng nhất tại "Lục địa già". Cuba đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục khi nhiệt độ tại thành phố Veguitas, tỉnh Granma ở miền Đông, lên tới 39,1 độ C. Báo cáo dựa trên các dữ liệu vệ tinh cho thấy, nhiều khu vực có nền nhiệt cao vượt qua mức nhiệt trung bình toàn cầu do phải trải qua những đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng. Có các vụ cháy rừng xảy ra nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng không khí toàn cầu. Điển hình là vụ cháy rừng ở Australia, kéo dài từ tháng 10/2019 đến tháng 3/2020, do nước này đã trải qua một năm khô hạn và nóng nhất trong lịch sử với nhiệt độ trung bình cao nhất là 41,9 độ C. Đây được coi là một trong những thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất không chỉ trong lịch sử Australia mà còn trên cả thế giới nhiều năm qua. Australia đã trải qua một mùa Đông khô hạn đến mức một số dòng suối bị cạn kiệt trong khi bình thường chúng có thể được coi là những khoảng trống cách ly các đám cháy.

Các đám cháy bùng phát trong điều kiện thời tiết khô nóng bởi một số vùng của các bang Queensland và New South Wales đã trải qua tình trạng hạn hán kéo dài trong suốt 3 năm qua. Giới khoa học cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, sự biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng đang khiến cho tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng trở lại kể từ năm 2014 sau nhiều thập kỷ suy giảm. Năm 2020, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình lương thực thế giới (WFP) cùng nhận định, hơn 50 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi đồng thời các thảm họa liên quan đến khí hậu (lũ lụt, hạn hán và bão) và đại dịch COVID-19, khiến cho tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng hơn. Tại Việt Nam, người dân cũng phải hứng chịu những thiên tai dị thường, khốc liệt. Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, năm 2020, thiên tai diễn ra không theo quy luật. Đặc biệt, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11/2020, bão, lũ xảy ra liên tiếp tại khu vực miền Trung với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn. Năm 2020, tại Việt Nam đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, cụ thể: 13 cơn bão trên biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó 9 đợt có diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ; 86 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4 (tại Mường Tè của tỉnh Lai Châu ngày 16/6 với độ lớn 4.9; tại Mộc Châu của tỉnh Sơn La ngày 27/7 với độ lớn 5.3); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long…

Gần 2 tháng cuối năm 2020, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, cơn bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7 giờ; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề.

Từ khóa » Chống Sa Mạc