Thúc đẩy đàm Phán FTA Với Khối Mậu Dịch Tự Do Châu Âu

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Didier Burkhalter. Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Didier Burkhalter cùng khẳng định quan điểm trên trong cuộc họp báo sau hội đàm sáng 2/6, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Didier Burkhalter.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh mong muốn đây sẽ là một hiệp định “cân bằng, tiêu chuẩn cao, quan tâm thỏa đáng tới lợi ích của các bên, có tính tới chênh lệch về trình độ phát triển” của các bên. Sau khi ký kết, Hiệp định sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho cộng đồng doanh nghiệp của hai nước và hai khu vực.

Thụy Sỹ hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu với con số trao đổi thương mại trung bình hàng năm đạt 700-800 triệu USD. Hiện có nhiều doanh nghiệp Thụy Sỹ đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.

Tại cuộc hội đàm, hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Thụy Sỹ đã phát triển tích cực trong thời gian vừa qua trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển cũng như giáo dục và đào tạo.

Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp và có các cơ chế trao đổi chính trị hiệu quả như tham vấn chính trị, đối thoại các vấn đề liên quan đến nhân quyền.

Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí cao tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương trên mọi bình diện. Đặc biệt, hai bên sẽ phối hợp tổ chức hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2016.

Phó Thủ tướng hoanh nghênh Chính phủ Thụy Sỹ quyết định mở Tổng lãnh sự tại TPHCM.

Hai nước nhất trí tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tăng cường hợp tác; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, khoa học công nghệ, y tế, tăng cường giao lưu văn hóa và du lịch nhằm khai thác thế mạnh của mỗi nước cũng như tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết giữa nhân dân hai nước.

Việt Nam đánh giá cao nguồn viện trợ phát triển của Thụy Sỹ trong nhiều năm qua, tập trung vào các lĩnh vực như môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đô thị, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn.

Các dự án do Thụy Sỹ tài trợ được thực hiện có hiệu quả, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được những thành tựu phát triển kinh tế xã hội, hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng khẳng định.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm trong đó có vấn đề Biển Đông, hai bên hài lòng nhận thấy hai nước đã chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề quan trọng, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và nhất trí cần tiếp tục tăng cường hợp tác tốt đẹp trên các diễn đàn quốc tế.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ quan ngại về tình hình hiện nay ở khu vực, nhấn mạnh sự cần thiết bảo đảm hòa bình, ổn định, duy trì an ninh, an toàn và tự do hàng hải hàng không trên Biển Đông. Các tranh chấp trên Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua đối thoại, đàm phán trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ cho biết lần đầu tiên ông đến thăm Việt Nam nhưng ông cảm nhận được sự năng động và quyết tâm phát triển của con người Việt Nam.

Ông Didier Burkhalter khẳng định chuyến thăm Việt Nam lần này nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và mang tính xây dựng với Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả lĩnh vực an ninh và luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ tin tưởng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EFTA sẽ tạo ra động lực cho tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai bên. Ảnh: VGP/Hải Minh

Bộ trưởng Didier Burkhalter khẳng định với “tinh thần hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau” trong cuộc hội đàm, hai bên đã nêu và trao đổi “hết sức thẳng thắn” mọi vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Về vấn đề nhân quyền, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ bày tỏ hài lòng nhận thấy những bước tiến tích cực của Việt Nam, mong muốn tiếp tục tăng cường đối thoại với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ tin tưởng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EFTA sẽ tạo ra động lực cho tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai bên, tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sỹ làm ăn, đầu tư tại Việt Nam. Hiệp định này nằm trong chiến lược chung của Thụy Sỹ tăng cường hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Didier Burkhalter cũng cho hay trong tương lai, viện trợ của Thụy Sỹ-một trong những đối tác phát triển của Việt Nam suốt 2 thập kỷ qua-sẽ hướng vào lĩnh vực hợp tác kinh tế.

Liên quan đến lĩnh vực luật pháp quốc tế, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ hoan nghênh Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn.

Hải Minh

Từ khóa » Dẩy đầm Mậu Dịch