Thực đơn 6 Món ăn Chay Rằm Tháng Giêng Vừa Thanh đạm Lại Bổ ...

Ăn chay Rằm tháng Giêng là cách mà nhiều lựa chọn để thanh lọc cơ thể và mong muốn một năm mới đủ đầy, bình an. Hello Bacsi sẽ giới thiệu đến bạn một số món chay ngon, bổ dưỡng dành cho ngày Rằm tháng Giêng. 

Các món ăn chay Rằm tháng Giêng cũng là lựa chọn tuyệt vời để làm mới khẩu vị cho cả gia đình. Nếu bạn vẫn chưa biết nên làm những món chay nào, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé.

1. Rau cải chip (cải thìa) xào nấm đông cô

Món rau cải xào nấm đông cô không chỉ là món ăn chay Rằm tháng Giêng phổ biến, mà còn đem lại màu sắc xanh tươi cho mâm cơm gia đình.

Nguyên liệu

  • Rau cải chíp
  • Nấm đông cô
  • Dầu mè
  • Gia vị chay.

ăn chay rằm tháng giêng: cải xào nấm đông cô

Cách làm

  • Lấy rau cải chíp và nấm đông cô đem đi rửa sạch và để khô ráo.
  • Sau đó, luộc sơ rau cải qua nước sôi và ngâm vào nước đá để rau giòn và giữ được màu xanh.
  • Bắc chảo lên bếp, làm nóng chảo và đổ dầu vào, tiếp tục cho rau cải và nấm đông cô vào xào cùng. Rồi nêm nếm gia vị cho vừa ăn và tắt bếp.

Lợi ích của nấm đông cô với sức khỏe

  • Nấm đông cô giàu hàm lượng các vitamin nhóm B như: B2, B5, B6,… Đây đều là những vitamin giúp chuyển đổi năng lượng hiệu quả và tăng cường khả năng tạo hồng cầu trong máu.
  • L-ergothioneine có trong nấm đông cô là một chất chống oxy hóa rất tốt. Điều này có tác dụng ngăn chặn sự biến đổi của những gốc tự trong việc tạo nên các tế bào ung thư.
  • Bên cạnh đó, nấm đông cô còn chứa nhiều chất xơ và nước giúp tăng cảm no lâu. Từ đó, cơ thể sẽ hạn chế cảm giác thèm ăn và hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
  • Không chỉ vậy, nấm đông cô còn giúp tăng cường khả năng miễn dịch, nhờ vậy cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn và chống được nhiều bệnh tật.

2. Món ăn chay Rằm tháng Giêng bổ dưỡng: Canh chay nấm đậu phụ

Nguyên liệu

  • 250g đậu phụ non
  • 125g nấm sò
  •  Gừng và riềng mỗi thứ một mẩu khoảng 2cm
  • 1 củ hành tây nhỏ
  • 1 củ cà rốt
  • 1 củ sả
  • 2 lá chanh
  • 2 – 3 quả ớt khô nhỏ
  • Lá húng quế
  • Rau mùi
  • Dầu ăn
  • Tương đậu nành
  • Các loại gia vị: hạt nêm, bột ngọt, đường, tiêu, nước tương, dầu ăn thực vật

Ăn chay rằm tháng giêng: canh nấm đậu phụ

Cách làm

  • Gừng và riềng cạo sạch vỏ và cho vào cối giã nát. Lột vỏ hành tây, rửa sạch và bổ làm 6. Gọt vỏ cà rốt, rửa sạch và cắt thành từng miếng vừa ăn.
  • Bỏ phần cọng dưới của sả và cắt phần trên ra làm đôi theo chiều dọc. Rửa sạch nấm, để ráo nước và cắt thành từng miếng vừa ăn.
  • Cho toàn bộ cà rốt, hành tây, nấm vào nồi và thêm gừng, riềng, ớt, lá chanh cùng một ít muối. Kế tiếp, đổ nước vào và điều chỉnh lửa vừa phải để đun sôi. Rồi thêm đậu hũ cùng với nước tương và hạt tiêu vào. Nêm gia vị vừa ăn rồi đun sôi khoảng 2-3 phút nữa để thấm gia vị. Cuối cùng là cho rau mùi và húng quế đã cắt nhỏ vào và đảo đều.

3. Gỏi chay nấm tuyết

Nguyên liệu

  • 1 miếng đậu hũ tươi
  • 250g nấm tuyết
  • 1 củ cà rốt
  • Chanh, ớt, một ít cần tây
  •  2 muỗng canh lạc rang đã giã dập
  • Gia vị chay: Muối, đường, dấm, tiêu, hạt nêm

Cách làm

  • Gọt vỏ cà rốt và cắt thành từng sợi mỏng. Rau cần tây rửa sạch và cắt nhỏ để riêng.
  • Ngâm nấm tuyết vào nước cho nở ra, rồi sau đó xé thành sợi, luộc qua nước sôi và để ráo nước.
  • Cắt đậu hũ thành từng lát mỏng và chiên vàng.
  • Cho 2 thìa cà phê giấm, 2 muỗng đường, 1/2 thìa hạt nêm, 1/2 thìa nước cốt chanh, một ít muối và 1/2 chén nước lọc vào một cái bát, rồi khuấy đều lên.
  • Tiếp đó, cho cà rốt, nấm tuyết vào ngâm trong hỗn hợp trên trong vòng 10 phút để ngấm gia vị.
  • Đem rau củ ngâm với dấm đường, rồi vớt ra và vắt cho thật ráo nước. Sau đó, cho phần rau củ này vào tô, trộn đều với hỗn hợp nước gỏi đã làm là đã xong món ăn rồi.

Có thể bạn quan tâm: Mâm cúng Rằm tháng Giêng 2022: Cách chuẩn bị và ý nghĩa từng món ăn

4. Nấm kho chay

Đây sẽ là một món ăn chay Rằm tháng Giêng tuyệt vời mà bạn không thể bỏ qua. Món ăn này có cách làm không quá phức tạp lại có hương vị hấp dẫn và còn tốt cho sức khỏe.

Nguyên liệu

  • 300g nấm đông cô hoặc nấm rơm
  • 1 muỗng cà phê nước màu
  • 2 muỗng cà phê xì dầu
  • 1 muỗng cà phê dầu hào
  • 1 củ hành khô
  • Nửa củ tỏi
  • Đường, ớt bột, tiêu

Cách làm

  • Ngâm nấm với nước muối loãng trong khoảng 10 phút để loại bỏ hết các chất bẩn cũng như vi khuẩn có độc. Sau đó, đem nấm đi rửa sạch với nước và để ráo. Cắt nấm thành từng niếng nhỏ vừa ăn.
  • Lột sạch tỏi với hành và đem băm nhỏ
  • Ướp nấm với xì dầu, dầu hào, tiêu, ớt bột, đường. Ướp nấm trong vòng 15 phút để thấm đều gia vị rồi đem kho.
  • Bắc nồi lên bếp, đun nóng dầu và cho hành, tỏi vào phi thơm. Tiếp đó, cho phần nấm đã ướp sẵn vào đảo đều, thêm một ít nước để tránh nấm bị cháy. Kho nấm ở lửa nhỏ khoảng 20 phút rồi tắt bế và dọn món ăn ra đĩa rồi thưởng thức.

5. Món ăn chay Rằm tháng Giêng thanh đạm: Canh chua nấm chay thanh nhẹ

Canh chua chay là món được nhiều người ăn chay yêu thích. Vị chua thanh mát kết hợp với rau xanh đem lại cảm giác thanh mát khi ăn, giải ngán sau thời gian ăn nhiều dầu mỡ. Canh chua nấm chay là một món ăn vừa giản dị vừa trang trọng không thể thiếu cho một mâm cỗ chay.

Nguyên liệu

  • 100g đậu hủ chiên
  • 80g cà chua
  • 80g nấm kim châm
  • 80g nấm hương
  • 80g thơm
  • 50g bạc hà
  • 50g đậu bắp
  • 400ml nước dừa
  • 50 ml nước cốt tắc
  • 3 muỗng canh hạt nêm
  • 3 muỗng canh đường trắng
  • 1/2 muỗng cà phê muối
  • 1 muỗng canh dầu ăn

ăn chay rằm tháng giêng: canh chay

Cách làm

  • Đậu hủ chiên cắt khối vuông. Thơm cắt lát. Cà chua cắt làm 6 kiểu múi cau. Bạc hà tước xơ, cắt xéo, rửa sạch. Đậu bắp bỏ cuống, cắt xéo. Nấm kim châm và nấm đông cô cắt bỏ chân, nấm đông cô tỉa hoa, ngâm nước muối 15 phút để khử mùi rồi rửa lại với nước sạch, để ráo. Tắc vắt lấy nước cốt.
  • Bắc nồi lên bếp, cho vào 1 muỗng canh dầu ăn. Đợi dầu nóng rồi cho cà chua và dứa vào, nêm vào đây 1 muỗng canh hạt nêm và 1 muỗng canh đường rồi xào lên cho mềm và thơm. Tiếp theo đổ 400ml nước dừa và 400ml nước lọc vào nồi, đun lên cho sôi.
  • Nêm nước lẩu với 50ml nước ép tắc, 2 muỗng canh hạt nêm, 2 muỗng canh đường trắng và 1/2 muỗng cà phê muối.
  • Nước canh sôi lên thì cho đậu hủ, đậu bắp, bạc hà, nấm kim châm vào, chờ nước sôi lại thì rắc ngò gai, ngò om và ớt sừng vào, tắt bếp.

6. Mít kho chay

Nếu là người thường xuyên ăn các món chay, hẳn nhiên bạn sẽ biết món mít kho đặc sắc này. Mít non là món quà dân dã, đơn giản thường được làm gỏi – nộm, nấu canh,…Mít kho chay mang cho người ăn cảm giác mềm, dẻo, lại dai bùi lạ miệng.

Nguyên liệu

  •  500g mít non
  • 200ml dầu ăn
  • 60g hành boa rô
  • 1 muỗng canh dầu ăn
  • 2 muỗng canhnước tương
  • 1/2 muỗng cà phê muối
  • 1 muỗng cà phê đường trắng
  • 1 muỗng cà phê hạt nêm chay
  •  500 ml nước dừa
  • 30g lá lốt

Có thể bạn quan tâm: Cách làm gỏi vịt siêu ngon khó cưỡng làm mới khẩu vị gia đình

Cách làm

  • Đun nóng dầu ăn, sau đó cho 40gr hành boa rô cắt lát vào phi thơm đến khi hành chuyển sang màu vàng đẹp thì vớt hành để riêng.
  • Mít non mua về gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành từng miếng dày và ngâm vào nước muối loãng 30 phút trước khi chế biến để mít ra bớt nhựa trắng.
  • Đun nóng 2 muỗng canh dầu ăn, cho 20gr hành boa rô vào phi thơm, tiếp theo cho mít non vào xào sơ. Nêm nước tương, muối, đường, hạt nêm chay.
  • Đổ 500ml nước dừa vào, đậy nắp và đun sôi, sau đó hạ lửa nhỏ, kho mít trong khoảng 20 – 30 phút, đến khi nước cạn, mít mềm thì cho lá lốt cắt sợi vào đảo đều và tắt bếp.
  • Khi ăn thì rắc hành boa rô phi vàng, tiêu và ngò lên trên mặt, ăn kèm cơm nóng rất ngon.

Tác dụng của mít với sức khỏe

  • Mít chứa hàm lượng vitamin C dồi dào, giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Từ đó, cơ thể sẽ chống lại các hiện tượng nhiễm virus và một số bệnh lý hiệu quả.
  • Trong mít còn chứa nhiều chất xơ có tác dụng hỗ trợ phòng ngừa táo bó và giúp lợi tiểu. Bên cạnh đó, các chất xơ này còn giúp loại bỏ đi những màng nhầy bám tại ruột và hạn chế nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng.
  • Ngoài ra, mít còn giàu hàm lượng vitamin A – một dưỡng chất giúp bảo vệ sức khỏe đôi mắt và làn da. Ăn mít giúp hỗ trợ ngăn ngừa những bệnh về mắt như: thoái hóa điểm vàng, quáng gà.
  • Bên cạnh đó, trong mít còn chứa nhiều kali – đây là chất giúp hạ huyết áp hiệu quả. Do đó, ăn mít thường xuyên sẽ giúp hạn chế nguy cơ đau tim và bị đột quỵ.
  • Mít còn chứa khá nhiều sắt, có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa bệnh thiếu máu và giúp quá trình lưu thông máu trong cơ thể trở nên dễ dàng hơn.
  • Hơn nữa, mít còn là loại trái cây tuyệt vời thích hợp cho những ai đang ăn kiêng mà không lo bị béo phì.

Bài viết trên đã cung cấp đến bạn đọc thực đơn những món ăn chay Rằm tháng Giêng vừa dễ làm lại tốt với sức khỏe. Còn chờ gì mà không vào bếp chuẩn bị cho gia đình những món chay thanh đạm này để “đổi gió” khẩu vị cho gia đình ngay nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » đầm ăn Chay